Giá dầu cao - Cơ hội để Đông Nam Á “sống xanh”?

Thứ Hai, 11/07/2022, 12:19

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động mạnh đến nguồn cung dầu của thế giới, mà Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh giá dầu liên tục đạt đỉnh do khan hiếm nguồn cung, liệu rằng đã đến lúc để Đông Nam Á đẩy nhanh kế hoạch “xanh hóa” nền kinh tế?

Giá dầu thế giới đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Hồi tháng 3, giá dầu thô đã chạm mức cách đây 1 thập kỷ, trong đó mức giá trên thị trường giao ngay ở châu Âu đạt khoảng 117 USD/thùng, tăng mạnh so với mức 18,38 USD/thùng vào tháng 4-2020. Điều này khiến giá năng lượng toàn cầu bị đẩy lên, đặc biệt là giá xăng (mặc dù giá dầu thô đã giảm nhẹ kể từ tháng 3).

Tác động

Giá dầu cao đã gây ra nhiều tác động. Tác động nổi bật nhất về chính trị là sự bức xúc của người dân, bởi không ai muốn chi nhiều tiền hơn cho một mặt hàng thiết yếu như xăng, vốn là nhiên liệu được sử dụng hằng ngày. Vì vậy, nhiều nhà lãnh đạo chính trị đã hình thành một lợi ích riêng, theo đó đảm bảo rằng giá xăng được giữ ổn định và hợp lý. Họ cũng có nhiều kế hoạch dài hạn để đạt được mục tiêu này thông qua các khoản trợ cấp, mức giá trần, kỳ nghỉ thuế, phân phối theo định mức và nhiều biện pháp can thiệp thị trường khác.

Giá dầu cao - Cơ hội để Đông Nam Á “sống xanh”? -0
Trong “tâm bão” giá dầu, Đông Nam Á không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, mức giá cao cũng có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác, theo đó thúc đẩy người dân nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Do giá dầu cao khiến người dân bức xúc, nếu tình hình kéo dài, họ sẽ dừng sử dụng các loại phương tiện chạy bằng xăng và chuyển sang phương tiện công cộng hoặc xe điện. Điều này thực chất không phải là thảm họa đối với nhiều người tiêu dùng ở Đông Nam Á hiện tại, mà còn có lợi - nếu giá xăng tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài, chính phủ các nước sẽ buộc phải có biện pháp quyết liệt hơn.

Nói cách khác, việc kiểm soát ảnh hưởng từ giá dầu cao sẽ phải có những sự đánh đổi. Trong một số trường hợp, giá dầu có thể bị khống chế nhằm ổn định tình hình chính trị. Tuy nhiên, chúng cũng có thể tác động đến người tiêu dùng, theo đó đẩy nhanh việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn. Điều này sẽ gây ra một số tổn thất và đình trệ trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng cuối cùng sẽ dẫn đến một kết quả khả quan hơn trong dài hạn.

Ở Đông Nam Á, chúng ta đang chứng kiến một số tác động tích cực và cả tiêu cực, khi các chính phủ cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại trong việc kiểm soát giá dầu. Chúng ta có thể rút ra một số bài học bằng cách theo dõi giá dầu được chuyển đổi như thế nào sang thị trường bán lẻ xăng ở Thái Lan và Indonesia. Xăng ở Thái Lan được bán qua nhiều công ty khác nhau, trong đó có doanh nghiệp nhà nước PTT, nhưng cũng có cả các công ty nước ngoài như Shell và ExxonMobil. Nhiều đợt trợ cấp và bình ổn giá đã được triển khai, song một số đợt tăng giá đã tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Kết quả là giá của loại xăng phổ biến nhất ở Thái Lan đã tăng gần gấp đôi, từ 26,56 baht/lít vào tháng 5-2020 lên mức 49,51 baht/lít sau đó 2 năm.

Ngược lại, xăng Pentamax của Indonesia chỉ có 1 đợt tăng giá duy nhất trong tháng 4-2022, cao hơn mức giá cũ 30%. Giá xăng Pertalite, loại xăng có hiệu năng thấp hơn, thậm chí còn giữ nguyên. Việc giữ ổn định giá xăng trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao đã khiến công ty xăng dầu Pertamina - vốn nắm thế độc quyền trên thị trường bán lẻ xăng ở Indonesia - thất thoát hàng tỷ USD do thua lỗ. Indonesia đã khắc phục một số tổn thất bằng trợ cấp, song lý do thực sự khiến Pertamina chấp nhận điều này là vì họ được hưởng lợi về chính sách từ chủ sở hữu duy nhất - chính phủ Indonesia.

Đã đến lúc thay đổi?

Indonesia đã chọn giữ giá xăng ở mức thấp và ổn định, và họ có nhiều cơ sở để làm điều này hơn Thái Lan vì họ từng là nước có trữ lượng dầu lớn (nguồn dự trữ dầu của Indonesia đang giảm nhưng đó không phải vấn đề lớn ở hiện tại). Trong khi đó, Thái Lan đã phải chuyển áp lực về phía người dân và khó có khả năng khống chế giá xăng, bởi họ là nhà nhập khẩu ròng về năng lượng và không muốn thâm hụt ngân sách ở mức cao.

Giá dầu cao - Cơ hội để Đông Nam Á “sống xanh”? -0
Đã đến lúc các chính phủ ở Đông Nam Á quyết liệt hơn với kế hoạch “sống xanh”.

Theo tính toán, đây là lý do chính giải thích vì sao Thái Lan đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chuyển sang tiêu thụ các nguồn năng lượng sạch: họ không còn lựa chọn nào khác. Thực trạng giá dầu cao sẽ tiếp tục đẩy nhanh xu hướng này, đồng thời củng cố nhu cầu chiến lược chuyển đổi nhanh hơn. Điều này cũng đúng với các nước nhập khẩu ròng khác, chẳng hạn như Việt Nam và Philippines.

Các nước có nhiều xăng dầu dự trữ như Malaysia và Indonesia đang có những toan tính khác về kinh tế-chính trị, vì vậy họ có những động cơ khác. Do các nước này có thể kiểm soát giá trong những thời điểm thị trường biến động nên họ có xu hướng làm như vậy để ổn định chính trị trong nước. Điều này không đồng nghĩa rằng họ không thể chuyển đổi sang năng lượng sạch, mà chỉ là giá dầu tăng cao chưa chắc đã tác động mạnh đến tất cả các nước.

Như vậy, mỗi nước đều có cách xử lý khác nhau, song nhìn chung, để tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng, chính phủ các nước Đông Nam Á cần có biện pháp để tự chủ nguồn nhiên liệu thay thế dầu mỏ. Trong đó, việc từng bước chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường có thể giúp họ đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu dài hạn cho nền kinh tế.

Mạnh Tuân (tổng hợp)
.
.