Giữ gìn di sản điện ảnh Việt: Không nhanh sẽ chẳng còn mà giữ

Thứ Bảy, 07/08/2021, 07:57

Không riêng gì ở nước ta mà ở nhiều nước, điện ảnh được nhìn nhận như một di sản văn hóa, vì ở đó chứa đựng những thông tin, tư liệu lịch sử về từng thời đại dân tộc đã đi qua. Trong thời đại công nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng như chuyển đổi số cho công việc bảo quản, phục chế, giữ gìn các bộ phim điện ảnh được xem là tất yếu, thậm chí với tình hình ở nước ta là cấp thiết.

 

Vì nhiều phim của ta đang bị hư hỏng nặng do điều kiện khí hậu không tốt, cũng như các trang thiết bị bảo quản từ lâu đã lạc hậu.

Nhiều phim điện ảnh kêu cứu

Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã khẳng định: “Phim hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý của mỗi dân tộc và nhân loại vì vậy phim hình ảnh động được coi là di sản văn hóa”.

Thật vậy, phim điện ảnh mang đến cho khán giả cơ hội nhìn lại những ký ức đã qua của một dân tộc hay một cộng đồng người. Trong hiện tại, chúng ta xem quá khứ trên màn ảnh, cũng là để kiến tạo một cách nhìn mới vào tương lai. Những thước phim điện ảnh gồm nhiều thể loại khác nhau như phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, phim về các chủ đề khoa học kỹ thuật mà chúng ta sản xuất ra đều đóng góp quan trọng vào lịch sử, như ghi lại các sự kiện, diễn giải các câu chuyện của cá nhân hay cộng đồng.

Giữ gìn di sản điện ảnh Việt: Không nhanh sẽ chẳng còn mà giữ -0

“Cánh đồng hoang” - một trong những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. 

Giống như lịch sử hay văn học, điện ảnh không xa lạ với bất kỳ vấn đề gì của con người. Ở thời đại chuộng nghe nhìn hôm nay, điện ảnh càng có một tiếng nói quan trọng trong giới thiệu hình ảnh đất nước, quảng bá văn hóa, du lịch, khơi gợi cảm hứng cho lớp trẻ và khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông để lại.

Tháng 6 vừa qua, thiếu nhi Việt Nam đã được thưởng thức 50 bộ phim hoạt hình tiêu biểu trên ứng dụng VTVGO. Những bộ phim được sản xuất bởi bàn tay tài hoa và tài năng của các nhà làm phim hoạt hình Việt, luôn cố gắng mang đến cho các em những bài học giáo dục ý nghĩa thông qua những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, cuộc sống con người. Trước đó là “Tuần phim Việt” trên VTVGO theo chủ đề phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, cũng đã khiến nhiều khán giả xúc động về những bộ phim kinh điển trong lịch sử điện ảnh Việt như: “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Chuyện của Pao”, “Đừng đốt”…Trong đó có những phim đã sản xuất từ thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng, được giữ gìn bảo quản cho khán giả hôm nay.

Giữ gìn di sản điện ảnh Việt: Không nhanh sẽ chẳng còn mà giữ -0

Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” có giá trị lịch sử sâu sắc.

 Phim hình ảnh động nói chung và phim điện ảnh nói riêng là những tư liệu lịch sử quý của dân tộc, là kho báu cần được quan tâm giữ gìn bảo tồn. Khi đặt điện ảnh vào một vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử chúng ta sẽ thấy rằng cần có phương thức bảo tồn tương xứng, thì các thế hệ tương lai mới có cơ hội được hưởng thụ những tác phẩm mà các nhà làm phim đã sáng tạo trong quá khứ.

Thực tế hiện nay, trong khi các doanh nghiệp điện ảnh và rạp chiếu bóng đã chuyển sang kỹ thuật số từ lâu thì các đơn vị lưu trữ phim tư liệu ở nước ta mới bắt đầu công việc này. Một số lượng không nhỏ các thước phim được lưu trữ đã bị lão hóa, bị hỏng nặng hoặc nhẹ. Phim là một loại vật liệu mỏng manh, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài, nên một khi đã hỏng nặng rồi thì ngay cả kỹ thuật hiện đại cũng rất khó để “tu bổ, phục chế” lại.

Người yêu phim điện ảnh tài liệu chắc đã không ít lần xem trên truyền hình và thấy hiện tượng loang lổ, giật, nháy trên các cảnh phim. Rồi những phim điện ảnh như “Em bé Hà Nội”, “Cánh đồng hoang”, “Đàn chim trở về” mỗi khi được xem lại cũng thấy mờ hình, rè tiếng. Những ví dụ này báo động rằng nếu không nhanh chóng được phục chế, bảo quản tốt, các phim điện ảnh thời kỳ đầu có thể sẽ “biến mất” trong đời sống văn hóa đất nước một ngày không xa.

Còn nhớ năm 2013, chuyên gia phục chế điện ảnh người Bỉ trong chuyến đến Việt Nam để khảo sát tình hình lưu trữ bảo quản và phục chế kho phim nhựa, kho phim băng đĩa của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã cảnh báo rằng, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, nếu không cải thiện điều kiện bảo quản thì các cuốn phim lưu trữ có tuổi thọ hơn 60 năm, trong tương lai sẽ hỏng hoàn toàn. Các cuốn phim nhựa được sản xuất trước năm 1980 cũng ở trong tình trạng lo ngại, chúng phần lớn đã bị chua, mốc, biến dạng, nhiễm khuẩn, bị co ngót trên dưới 2%. Các vết xước nặng trên rất khó xử lý, kể cả bằng cách xử lý số.

Phục chế, số hóa là nhiệm vụ cấp thiết

Việt Nam là nước có tốc độ số hóa phim nhựa chậm hơn so với nhiều nước. Nguyên nhân của tình trạng này là hạn chế về kinh phí tổ chức thực hiện cũng như cơ sở vật chất. Hiện nay máy móc, trang thiết bị để phục vụ công việc số hóa còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được thực tế là có hàng ngàn thước phim hư hỏng cần được “điều trị”.

Giữ gìn di sản điện ảnh Việt: Không nhanh sẽ chẳng còn mà giữ -0
 Cảnh trong phim  “Đường thư”.

Hơn nữa, vì đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu nên nguồn nhân lực còn mỏng, vừa làm nhiệm vụ tiếp thu công nghệ mới vừa tiếp tục duy trì bảo quản phim nhựa truyền thống nên tiến độ chưa thể nhanh. Đó là chưa kể đến kỹ thuật, tay nghề của những người tham gia công tác này còn yếu kém, chưa được đào tạo đồng bộ. Tại một hội thảo về bảo quản, phục chế phim mới đây, Viện Phim Việt Nam cho biết, mỗi năm Viện chỉ có thể số hóa được 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim.

Trong khi đó, số lượng phim nhựa cần số hóa là gồm 80.000 cuốn, mà khả năng lưu trữ hiện nay cũng chỉ có thể chứa 600 cuốn phim ở độ phân giải từ 2K trở xuống. Viện Phim cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phục chế triệt để các vết xước dọc, sâu trong nhiều khung hình. Rồi khả năng xử lý, khắc phục những vết loang lổ, vết xước, hay vấn đề rung lắc khung hình, hiệu chỉnh màu vẫn còn nhiều hạn chế, khó có thể thực hiện tốt, trả lại những thước phim như ban đầu.

Chúng ta đều biết rằng, việc lưu trữ, số hóa phim đang trở thành xu hướng tất yếu của mọi nền điện ảnh. Ngoài khả năng bảo đảm chất lượng tốt hơn,  số hóa còn giúp cho việc mở rộng quy mô lưu trữ, nhân bản và phổ biến phim trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Trong thời đại công nghệ 4.0, số hóa và phục hồi hình ảnh tư liệu là câu chuyện sống còn của công tác lưu trữ hình ảnh, âm thanh.

Giữ gìn di sản điện ảnh Việt: Không nhanh sẽ chẳng còn mà giữ -0

Một cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”.

Quay trở lại câu chuyện điện ảnh Việt, có hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa được lưu trữ trong các kho hiện nay phải đối mặt với vấn đề hư hại, xuống cấp, thì việc chuyển đổi sang kỹ thuật số là một khối lượng công việc khổng lồ. Vì không đơn giản là chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số, mà còn phải tu sửa, phục hồi từng thước phim theo yêu cầu cụ thể.

Công việc này ngoài thời gian còn là vấn đề tài chính, cần một sự đầu tư lớn về tiền. Số hóa yêu cầu phải có một hệ thống thiết bị hiện đại đồng bộ thì mới làm triệt để được, vì sự tương thích giữa các hệ thống máy móc sẽ giúp cho công tác quản lý và vận hành được liên kết và hoạt động hiệu quả. Trong điều kiện khả năng tài chính còn eo hẹp, có thể chọn phương án đầu tư từng phần trọng điểm trong từng giai đoạn, ưu tiên các khâu quan trọng dễ tổn thương nhất.

Vậy các giải pháp cần thiết, cấp bách cho vấn đề này hiện nay là gì? Đầu tiên, cần khảo sát, phân định đối tượng số hóa theo các thể loại phim một cách khoa học. Cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã làm tốt công tác số hóa điện ảnh để đưa ra một chiến lược phù hợp với tình hình điện ảnh Việt. Cần huy động nguồn lực đầu tư để mua sắm đồng bộ các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống trung tâm dữ liệu phục vụ công tác bảo quản. Ngoài ra cấp bách phải quan tâm đến vấn đề nhân lực, có chiến lược dài hơi trong đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên làm nhiệm vụ số hóa phim.

Khi nhà nước chưa đủ sức để “cáng đáng” việc này thì rất cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các đơn vị chuyên về cung cấp giải pháp kỹ thuật số. Việc Viện Phim Việt Nam phối hợp với một đơn vị là “Ơ kìa Hà Nội Film Production” thực hiện hiệu quả dự án “Bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam thông qua số hóa một số phim nhựa” là rất đáng mừng. Mong rằng sẽ có nhiều đơn vị như vậy chung tay cùng nhà nước để sớm hoàn thiện việc phục chế, bảo tồn phim.

Vẫn biết đây là công việc đường dài, nhưng với sự quan tâm nỗ lực của ngành văn hóa, ngành điện ảnh và nhiều tổ chức cá nhân, hy vọng các di sản điện ảnh sẽ được gìn giữ, bảo quản, số hóa tốt nhất. Để các thế hệ khán giả tương lai có cơ hội được thưởng thức và tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc thông qua những bộ phim từ quá khứ.

Bảo Bình
.
.