Grammy 2022: Âm nhạc, chính trị và sự chữa lành

Thứ Ba, 12/04/2022, 13:27

Đến hẹn lại lên, Lễ trao giải Grammy 2022 - sự kiện thường niên nhằm vinh danh những màn trình diễn xuất sắc trong thế giới âm nhạc, đã tìm ra được chủ nhân chiếc kèn vàng danh giá vào đêm 3-4. Giải thưởng năm nay không nằm ngoài dòng chảy của những cuộc chiến tranh và khát vọng bình đẳng màu da.

Âm nhạc và sự chữa lành

Grammy vẫn luôn chính trị - thực tế không khó nhận ra của giải thưởng âm nhạc lớn nhất hành tinh này. Album của năm - “We Are” của Jon Batiste là một minh chứng rõ rệt.

“We Are” đi từ những vấn đề rất Mỹ - sự hòa nhập của người da đen, những cuộc biểu tình mùa hè sau cái chết của George Floyd, vấn đề nhập cư, những vụ bắt bớ sai lầm do nạn phân biệt chủng tộc. “We Are” vì thế nên dễ chạm tới câu chuyện toàn cầu về sự bất lực của những người yếu thế, về nước mắt của họ, về cả tình yêu và niềm tin vào sự thật cũng như sự kiên cường của họ. Họ thậm chí còn sẵn sàng thổi cây kèn saxophone và hát cho đến hơi thở cuối cùng bởi vì “trong thế giới quá nhiều rắc rối này, tất cả những gì ta cần là một chút yêu thương”.

Grammy 2022: Âm nhạc, chính trị và sự chữa lành -0
Arooj Aftab đã trở thành người Pakistan đầu tiên giành giải thưởng “Màn trình diễn toàn cầu hay nhất của năm”

Cú nổ của “We Are” khiến giới mộ điệu vô cùng bất ngờ bởi trước khi được xướng tên ở hạng mục danh giá nhất, tác phẩm còn không được các tạp chí âm nhạc danh tiếng, từ Rolling Stone đến Spin, Pitchfork, NME… nhắc đến, dù chỉ là một dòng ngắn ngủi.  Chiến thắng của Batiste vượt qua nhiều album của những tên tuổi đình đám trong làng nhạc như: “Love for Sale” (Tony Bennett & Lady Gaga); “Justice” (Justin Bieber); “Planet Her” (Doja Cat); “Happier Than Ever” (Billie Eilish); “Back of My Mind” (H.E.R.); “Montero” (Lil Nas X); “Sour” (Olivia Rodrigo); “Evermore” (Taylor Swift) hay “Donda” (Kanye West)... Trước đó, Batiste cũng có chiến thắng ở 4 hạng mục giải thưởng gồm: MV xuất sắc nhất, Bài hát và Màn trình diễn American Roots xuất sắc nhất, Nhạc nền hay nhất trong tác phẩm thị giác. Như vậy sau 14 năm, Grammy mới có thêm một nghệ sĩ da màu chiến thắng Album của năm. Lần gần đây nhất là chiến thắng của nghệ sĩ dương cầm Herbie Hancock vào năm 2008.

Nhưng vậy thôi vẫn chưa đủ, Grammy còn mang đến sự chữa lành xoa dịu tâm hồn, thậm chí khiến nhiều người vốn dễ dàng nhìn ra vấn đề gây tranh cãi ở Grammy sẵn sàng mở lòng. Bởi, Grammy 2022 mang đến thông điệp rõ ràng, chỉ cần có thể cất cao giọng hát, thế giới này vẫn còn hy vọng. Thông điệp về liều thuốc tinh thần vì thế được MC Trevor Noah nhiều lần nhắc trên sân khấu Grammy. Trước phần biểu diễn của John Legend, anh nói: “Âm nhạc là cách hồi đáp thời gian. Trong những ngày tăm tối nhất, âm nhạc giúp nâng đỡ tâm hồn”. Ban tổ chức cũng gửi gắm khi lựa chọn nhiều ca khúc nói về tự do, tình yêu để truyền tải ước mơ hòa bình, sự kết nối giữa người với người nhờ âm nhạc, thông qua các tiết mục như: “Freedom” (Jon Batiste), “Free” (John Ledgend), “Love for Sale”, “Do I Love You” (Lady Gaga).

Trong ca khúc “Waiting on a war” nhận giải Ca khúc rock xuất sắc của Foo Fighters - ban nhạc năm nay chiến thắng tới ba hạng mục, họ đã giãi bày nỗi lo lắng về một cuộc chiến tranh đang cận kề cùng bầu trời sắp đổ sụp. Trưởng nhóm Dave Grohl từng kể lại bài hát bắt nguồn từ một lần con gái ông hỏi rằng: “Bố ơi, có phải chiến tranh sắp nổ ra không?” Ông viết "Waiting on a war" vì tin rằng đứa trẻ nào cũng xứng đáng có một tương lai. Grammy đã lan tỏa âm nhạc chữa lành rất cần thiết trong những quãng thời gian khó khăn của hai năm đại dịch một cách nhẹ nhàng như thế.

Những thay đổi từ tâm thức

Lễ trao giải Grammy năm nay được đánh giá là đã khắc phục được những tranh cãi bên lề xoay quanh các vấn đề ngoài âm nhạc khi tìm ra những người chiến thắng phù hợp.

Viện Hàn lâm với sự cải tổ sau những chỉ trích phần nào đã tôn vinh được sự đa dạng trong ngành giải trí, ghi nhận sự đóng góp của các nghệ sĩ ở mảng âm nhạc khi tăng số lượng đề cử. Việc thay đổi này cũng nằm trong cam kết không ngừng phát triển của Grammy và đảm bảo các quy tắc là minh bạch và công bằng. Thực tế thì việc mở rộng danh sách đề cử hạng mục nghệ sĩ trẻ của năm đã giúp nhiều cái tên mới được ghi nhận hơn. Với nhiều nghệ sĩ trẻ, chỉ riêng việc có tên trong danh sách đề cử cũng mang lại những cảm xúc và động lực không thua kém việc giành chiến thắng thực sự. Đúng như kỳ vọng trước đó, Olivia Rodrigo đã giành giải “Nghệ sĩ mới xuất sắc” với album đầu tay “Sour”.

Grammy 2022: Âm nhạc, chính trị và sự chữa lành -0
Jon Batiste trình diễn bài hát “Freedom” trên sân khấu Grammy 2022

Trong số những thay đổi, đáng kể còn là việc loại bỏ ủy ban đánh giá đề cử. Những cập nhật mới này là kết quả của việc tổ chức các cuộc thảo luận trong suốt 1 năm qua giữa một tiểu ban đặc biệt gồm các thành viên của Viện Hàn lâm thu âm và hội đồng lãnh đạo. Chủ tịch tạm thời kiêm Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm thu âm -  Harvey Mason cho biết: “Đây là một năm có nhiều thay đổi chưa từng có đối với Học viện ghi âm và tôi vô cùng tự hào khi có thể tiếp tục hành trình phát triển của chúng tôi với những cập nhật mới nhất về quy trình giải thưởng Grammy. Dù sự thay đổi và tiến bộ là động lực chính cho hành động của chúng tôi nhưng có một điều sẽ luôn được duy trì: Grammy là giải thưởng được công nhận bởi chính các đồng nghiệp và những lá phiếu bầu chọn. Chúng tôi rất vinh dự được làm việc cùng với cộng đồng âm nhạc để hoàn thiện hơn nữa và bảo vệ tính toàn vẹn của quy trình giải thưởng”.

Xuất hiện trong danh mục Nghệ sĩ mới xuất sắc, Arooj Aftab đã trở thành nghệ sĩ người Pakistan đầu tiên giành giải thưởng Màn trình diễn toàn cầu hay nhất của năm và cũng là giải Grammy đầu tiên trong sự nghiệp của cô. Đây là lần đầu tiên Arooj Aftab, 37 tuổi, sống tại Brooklyn, tham dự lễ trao giải Grammy với 2 đề cử cho album “Vulture Prince”. Phát biểu trước khi đến Las Vegas nhận giải, nữ nghệ sĩ Pakistan cho rằng danh sách các đề cử cho giải Nghệ sĩ mới xuất sắc trong Grammy năm nay mang tính đại diện đúng đắn nhất mà cô từng thấy.

Trong khi đó, nữ nghệ sĩ người Benin Angelique Kidjo, người rinh về 4 đề cử giải thưởng Grammy lần thứ 64 và cũng đã mang về giải thưởng Album toàn cầu hay nhất của năm cũng ghi nhận những nỗ lực của Ban tổ chức. Cô cho rằng, Viện Hàn lâm ghi âm Mỹ đã thể hiện nhiều nỗ lực cải thiện giải thưởng qua từng năm và đạt tiến bộ với thiện chí rõ ràng nhưng chặng đường phía trước còn dài và cần thêm nhiều hành động thực tiễn.

BTS và những tiếc nuối

Được xem như lễ trao giải đầu tiên của thời “bình thường mới” nhưng sức hút của Grammy năm nay không được duy trì một cách xuyên suốt. Năm ngoái, lễ trao giải đã phải hoãn lại 6 tuần để cuối cùng quyết định trình diễn ngoài trời không có khán giả, dẫn đến lượng rating cũng như người xem xuống thấp kỷ lục. Năm nay, sau việc trì hoãn gần 2 tháng, địa điểm tổ chức đã được chuyển từ thường niên ở Los Angeles sang Las Vegas. Cộng thêm với những nỗ lực thay đổi của Ban tổ chức, rating Lễ trao giải Grammy lần thứ 64 chưa chạm ngưỡng 9,6 triệu người xem, dù đã tăng 4% so với năm ngoái, theo Nielsen.

Grammy 2022: Âm nhạc, chính trị và sự chữa lành -0
BTS gây tiếc nuối khi trắng tay ở lễ trao giải năm nay

Tờ Page Six cho rằng, rating Grammy sở dĩ vẫn ì ạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ban đầu đó là sự bất tiện của địa điểm mới, đi cùng với đó là lượng khách mời bị hạn chế. Dàn nghệ sĩ trình diễn năm nay có những tên tuổi lớn và được chú ý như Lady Gaga, Billie Eilish, Olivia Rodrigo hay Carrie Underwood… nhưng nhìn chung, các màn trình diễn chưa gây được sự bất ngờ cũng như không tạo ra được khoảnh khắc nổi bật. Chỉ trước ngày chương trình diễn ra, Lady Gaga mới xuất hiện trên thông báo trình diễn, trong khi tay trống gạo cội Taylor Hawkins của nhóm Foo Fighters đột ngột qua đời, dẫn đến phải hủy các màn trình diễn của nhóm.

Không chỉ ở khâu tổ chức, Grammy 2022 để lại nhiều tiếc nuối khi chứng kiến nhiều màn “trắng tay” của các ngôi sao lớn. Billie Eilish là cái tên gây tiếc nuối lớn. Giọng ca 20 tuổi từng liên tiếp thắng lớn tại Grammy trong 2 năm liền, có trong tay 7 giải Grammy, vừa đoạn giải Oscar vào tuần trước, nhưng lại bị “ngó lơ” tại giải thưởng lần thứ 64 này dù có tới 7 đề cử cho album “Happier Than Ever”.

Cùng với Doja Cat và H.E.R., Justin Bieber là nghệ sĩ có nhiều cơ hội rinh giải tại Grammy năm nay khi nắm trong tay 8 đề cử, con số này chỉ ít hơn Jon Batiste. Nhưng không được như chủ nhân hit “Kiss Me More” hay giọng ca “Fight for You”, nam ca sĩ hoàn toàn “trắng tay” khi ra về. Tưởng chừng việc trở lại với album “Justice” lần này có thể giúp anh chinh phục Viện Hàn lâm, nhưng cuối cùng tổng số giải thưởng của anh trong suốt gần 13 năm chỉ vỏn vẹn 2 cúp cho 22 lần được đề cử.

Năm thứ hai liên tiếp BTS được đề cử tại hạng mục “Màn trình diễn Pop xuất sắc nhất cho bộ đôi/ nhóm nhạc” cũng là thêm một lần người hâm mộ kỳ vọng nhóm có thể làm nên lịch sử bằng một chiến thắng ở Grammy. Trước khi được đề cử ở Grammy và mang lên trình diễn tại sự kiện diễn ra ở Las Vegas, “Butter” của BTS gây bão trên nhiều bảng xếp hạng toàn cầu. Ca khúc thống trị bảng xếp hạng đĩa đơn của Billboard trong 10 tuần sau khi phát hành ngày 21-5-2021. Tuy nhiên, kỳ tích vẫn chưa mỉm cười với các chàng trai khi “Butter” không thể đánh bại “Kiss Me More” của Doja Cat và SZA để được xướng tên nhận giải.

“Tuy ra về tay trắng nhưng điều này đồng nghĩa với việc nhóm còn mục tiêu cao cả hơn cần đạt được. Chúng ta không nên gọi đây là thất bại mà là cơ hội để BTS giải quyết thử thách khác”, Kim Jin Woo - giáo sư âm nhạc tại Viện Nghệ thuật Seoul kiêm trưởng nhóm nghiên cứu bảng xếp hạng album/streaming Gaon nói với Korea Times. Nhà phê bình âm nhạc Han Dong Yoon cũng đồng ý với quan điểm này.  “Kể từ lúc “Butter” nổi tiếng toàn thế giới, nhiều người rất sốc khi nghe tin nhóm trượt giải Grammy. Nhưng không sao, đây chỉ là lần thứ hai BTS vuột mất kèn vàng, sau đề cử đầu tiên năm 2020 với Dynamite”, ông nói.

Trong khi đó, Lee Gyu Tag - giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho rằng các giải thưởng lớn, điển hình là Grammy luôn cảnh giác với các nhóm nhạc thần tượng. Bởi, quan điểm của phương Tây về Kpop vẫn chưa thay đổi. “Trong lịch sử, các nhóm nhạc nam hay nữ luôn gặp khó khăn trong việc nhận được đề cử Grammy bất chấp sự nổi tiếng của họ. Lý do là hầu hết thành viên ban tổ chức không thích phong cách âm nhạc của các ca sĩ thần tượng”, Lee Gyu Tag nhận định.

Thảo Dung
.
.