Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do đại dịch: Bất cập từ những ràng buộc máy móc

Thứ Ba, 07/09/2021, 22:00

Hơn 2 tháng qua, gói hỗ trợ diễn viên, nghệ sĩ, đạo diễn giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 liên tục trở thành đề tài nóng trong dư luận. Đáng nói, một số nghệ sĩ kinh tế khá giả, thậm chí thường xuyên khoe nhà lầu, xe hơi bất ngờ có tên trong danh sách nhận hỗ trợ.

Trong khi đó, những nghệ sĩ thật sự khó khăn vẫn “dài cổ” chờ… tiền trợ cấp. Kết quả này là sự bất cập từ chủ trương hay cách làm máy móc của các đơn vị trực thuộc?

Ngịch lý gói hỗ trợ

Ngày 31-8, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội thông báo đã chi hỗ trợ cho 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ thuộc 6 nhà hát trực thuộc Sở VH-TT Hà Nội. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 367 triệu đồng chia cho nghệ sĩ của Nhà hát: Ca múa nhạc Thăng Long (11 người), Kịch Hà Nội (23 người), Chèo Hà Nội (21 người), Cải lương Hà Nội (27 người), Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội (12 người), Múa rối Thăng Long (5 người). Mỗi nghệ sĩ nhận được 3.710.000 đồng.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm đó là khoản hỗ trợ này nằm trong Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Trong khi đó, danh sách nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ lại gọi tên Hồng Đăng, Thanh Hương, Mạnh Quỳnh… cùng nhiều nghệ sĩ đắt show truyền hình, quảng cáo. Thậm chí, nhìn vào những sản phẩm và gia cảnh những nghệ sĩ này, không ngoa khi nói họ không cần phải nhận tiền hỗ trợ.

Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do đại dịch:  Bất cập từ những ràng buộc máy móc -0
Diễn viên Thanh Hương đã trả lại khoản tiền hỗ trợ.

Khi được hỏi, Thanh Hương, Hồng Đăng cho biết họ đã nhường khoản tiền hỗ trợ này lại để hỗ trợ cho những đồng nghiệp khác cần hơn. Động thái này đáng hoan nghênh, nhưng cũng cho thấy công tác phân bổ tiền hỗ trợ có vấn đề, tiền chưa đi đến đúng nơi cần.

Như nghệ sĩ Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội), dù có tên trong danh sách nhưng bản thân anh cho rằng, không ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh phải hỗ trợ. Bản thân anh vào biên chế hơn chục năm, lương cứng cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Mỗi buổi diễn, mỗi người được thêm khoảng 100.000 bồi dưỡng, phục vụ. Kể cả khi không có tiền, diễn viên cũng phải diễn để phục vụ bà con, phục vụ các chương trình chính trị.

Đó còn chưa kể đến các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo... hay nhân viên hậu đài rất khó có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh hoành hành, nhà hát đóng cửa, hoạt động biểu diễn bị “đóng băng” thu nhập nghệ sĩ gần như bằng 0 nên đời sống họ khó khăn là có thật.

NSND Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội thừa nhận, tiêu chí nghệ sĩ, diễn viên thuộc đối tượng viên chức hạng IV khá bất cập vì có nhiều diễn viên hạng IV công tác lâu năm, lương bằng với diễn viên hạng III, thu nhập cao hơn nhưng lại được hỗ trợ.

Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do đại dịch:  Bất cập từ những ràng buộc máy móc -0
NSND Quốc Anh: “Nhà hát còn có nhạc công, nhân viên kỹ thuật, phục trang, ánh sáng, tạp vụ... Họ cũng là những người gặp khó khăn vì đại dịch cần được hỗ trợ”.

“Thực tế, số lượng nhân viên của một Nhà hát rất đông, ở nhiều vị trí khác nhau, không chỉ có diễn viên mà còn có nhạc công, nhân viên kỹ thuật, phục trang, ánh sáng, tạp vụ... Họ cũng là những người gặp khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát khiến Nhà hát phải dừng hoạt động. Không biểu diễn, không bồi dưỡng, đồng lương hạn hẹp không đủ chi tiêu nhưng họ lại không nằm trong tiêu chí được hỗ trợ”, NSND Quốc Anh bày tỏ.

Đồng quan điểm, NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long bày tỏ: "Nhiều nghệ sĩ có thu nhập tốt, thậm chí không có nhu cầu nhận hỗ trợ nhưng lại đủ tiêu chuẩn. Trong khi những người thực sự khó khăn, đặc biệt là những người làm bảo tồn âm nhạc, nhạc công, diễn viên nhạc truyền thống, bộ phận hậu đài kỹ thuật... lại không nằm trong danh mục diễn viên”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo quy định trong Nghị quyết 68, nghệ sĩ hạng IV trong các đơn vị nghệ thuật công lập sẽ nhận được hỗ trợ. Theo trình tự, cấp Sở sẽ ra thông báo cho các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, lập danh sách nghệ sĩ nằm trong diện được hỗ trợ, sau đó trình lên Sở để tiếp tục được thông qua.

Trên cơ sở đó, vào tháng 7, nhiều đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam… đã rà soát, xác định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách.

Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do đại dịch:  Bất cập từ những ràng buộc máy móc -0
NSƯT Tấn Minh: “Nếu chúng tôi có quyền lựa chọn thì đã khác”.

Tuy nhiên, NSƯT Tấn Minh thừa nhận, Nhà hát có cái khó khi không thể lựa chọn linh động sao cho phù hợp, bởi đơn vị trình danh sách lên theo đúng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) trình Chính phủ. Miễn ai là diễn viên hạng 4 đều được hưởng. “Chúng tôi muốn người khó khăn hơn được giúp đỡ cũng không được. Nếu được quyền đó tôi tin có lẽ đã không có sự việc như vừa qua”, anh khẳng định.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng khẳng định Sở làm đúng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Danh sách này sau đã được gửi lên Sở để tổng hợp, sau đó Sở có các bước phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội họp, báo cáo gửi lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội.  “Đây là quy định. Sở không thể tự ý cắt ai, thêm bớt ai vào danh sách này”, Bà Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh.

Trong diễn biến mới nhất, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL  cho biết Bộ đã tiếp nhận những ý kiến trái chiều liên quan đến chính sách hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Theo ông Tạ Quang Đông, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là chính sách nhân văn và ý nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xét duyệt hồ sơ, Sở VH-TT Hà Nội có phần cứng nhắc, chưa phổ biến đầy đủ đến các nhà hát trực thuộc.

"Trường hợp Hồng Đăng, Thanh Hương được trợ cấp nghệ sĩ gặp khó khăn là cá biệt. Khi thấy hồ sơ đủ là Sở cấp mà không kiểm tra kỹ càng", vị Thứ trưởng nói về trường hợp hỗ trợ của diễn viên đang gây tranh cãi.

Câu trả lời của 3 đơn vị khiến người nghe thắc mắc, vậy cuối cùng, trách nhiệm thuộc về ai? Ai là người có thể gỡ nút thắt?

Cách nào để gỡ nút thắt?

Còn nhớ, vào tháng 6, khi Bộ VH,TT&DL nêu đề xuất về việc hỗ trợ nghệ sĩ bởi nghệ thuật biểu diễn là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do COVID-19, đã có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất này. Trong đó, không ít nghệ sĩ, giới chuyên môn  đã nhấn mạnh vào việc cần phải tìm đúng đối tượng hỗ trợ, đúng phương án hỗ trợ để đảm bảo tính công bằng cho những đối tượng khác cũng như những ngành nghề khác.

Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do đại dịch:  Bất cập từ những ràng buộc máy móc -0
Hồng Đăng vừa là gương mặt nổi bật của Nhà hát Kịch Hà Nội, vừa là diễn viên truyền hình đình đám của VFC, đã trả lại khoản hỗ trợ.

Trong danh sách hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do dịch COVID-19 có tên nhiều nghệ sĩ có “của ăn của để” chứng minh rằng việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV quá cứng nhắc và không căn cứ vào thực tế. Theo khảo sát, nhiều giám đốc nhà hát đồng quan điểm cho rằng, nhà hát cần được trao “quyền” tự rà soát, xem xét đối tượng đáng được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh.

“Nếu Bộ VH,TT&DL khi đề xuất chính sách tham khảo ý kiến của các nhà hát, để chính các nhà hát đưa danh sách lên thì sẽ không xảy ra bất cập như hiện nay. Tôi cho rằng, lúc này Bộ VH,TT&DL cần có một cuộc rà soát lại và hỗ trợ cho những người thực sự cần thiết. Bộ có thể để các nhà hát tự đề xuất (bản thân các nhà hát sẽ phải chọn lọc, công khai danh sách và được sự đồng thuận của cả nhà hát, đảm bảo sự minh bạch), hoặc Bộ VH,TT&DL hỗ trợ theo mức lương chính được nhận hàng tháng chứ không chỉ theo ngạch diễn viên. Có những người lương rất thấp, không có trợ cấp, rất khó khăn để chi tiêu trong thời gian dịch các nhà hát phải đóng cửa này. Họ mới là những người thực sự cần hỗ trợ", NSƯT Tấn Minh bày tỏ.

Được biết, hiện phía Sở VH-TT Hà Nội đang tiếp tục triển khai, lên danh sách, báo cáo và xin ý kiến Bộ VH-TT&DL thống nhất về số lượng, danh sách đối với các đối tượng thụ hưởng là viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thuộc cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP. Hà Nội trực thuộc Bộ quản lý. Theo đó, số lượng nghệ sĩ thuộc diện xem xét hỗ trợ đến nay có 302 người.

Trong bối cảnh đó, NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Quốc Anh – quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội đã có văn bản đề nghị lên Sở VH-TT Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo, thực hiện đợt hỗ trợ tiếp theo cho những trường hợp thực sự khó khăn, ví dụ như với những người làm ở bộ phận hậu đài, âm thanh, ánh sáng, phục trang, hóa trang..., lương của họ thấp hơn nhiều, chỉ khoảng từ 2.500.000 - 3.500.000 đồng.

Hy vọng rằng, với những động thái cầu thị của các cơ quan, đơn vị gói hỗ trợ sẽ đi vào cuộc sống một cách khéo léo, tinh tế hơn. Tránh để trường hợp người nhận bị “mắng oan”, người cần lại chạnh lòng.

Thảo Dung
.
.