Nhiều băn khoăn với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thứ Bảy, 18/09/2021, 21:46

Những quy định về nội dung cấm trong lĩnh vực điện ảnh là một vấn đề nóng được nhiều chuyên gia mổ xẻ, góp ý trong Hội thảo về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo các chuyên gia, những quy định này có thể hạn chế sự sáng tạo, dẫn đến tình trạng nhiều phim bị cắt bỏ, cấm chiếu một cách không thuyết phục tại Việt Nam.

Hạn chế sự sáng tạo của đạo diễn?

Hội thảo trực tuyến được Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm 7-9 đưa ra nhiều góp ý xoay quanh Điều 11 "Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh". Những điều cấm này bao gồm: vi phạm Hiến pháp, tuyên truyền chống Nhà nước, ủng hộ khủng bố, kích động tôn giáo, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo lực qua "thể hiện chi tiết các cảnh tra tấn dã man, tàn bạo", các nội dung dâm ô, trụy lạc, mê tín dị đoan...

1.jpg -0
Phim “Quỳnh Búp bê” có nhiều cảnh bạo lực được phát sóng trên VTV.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải đã trình bày một bản kiến nghị tâm huyết, trong đó ông đi sâu vào phân tích những nội dung cấm của dự thảo Luật Điện ảnh có nhiều bất cập, làm khó các nhà làm phim, thậm chí có thể ngăn cản đạo diễn phản ánh hiện thực. Đạo diễn Bùi Trung Hải góp ý về các điều cấm ở điểm g, i và k của khoản 1, Điều 11. Đó là các nội dung bị cấm "vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân", "hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân" và "mê tín dị đoan". Trên thực tế, một tác phẩm điện ảnh thường phản ánh nhiều mặt của đời sống hiện thực, việc miêu tả cái ác, những nhân vật ác, nằm trong một cơ quan, tổ chức nào đó là không thể tránh khỏi.

bs.jpg -0
Tính hiện thực luôn được nhiều người quan tâm khi xem phim (Ảnh minh họa).

“Nếu không miêu tả cái ác thì cái thiện cũng không bộc lộ được, và tác phẩm điện ảnh cũng bị bó buộc, không thể hiện được hiện thực như nó có. Vậy điều quan trọng nhất là thông điệp chung của tác phẩm phải tốt. Nếu không quy định rõ hơn nội dung “không vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” thì việc miêu tả hiện thực trong tác phẩm điện ảnh sẽ dễ bị một chiều, không được thể hiện các việc tiêu cực, gây phức tạp, làm khó cho người làm phim”- Đạo diễn Bùi Trung Hải nói.

Đồng quan điểm với đạo diễn Bùi Trung Hải, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích cụ thể hơn về những nội dung cấm. Ông cho rằng, có những nội dung cấm rất hiển nhiên được đề cập đến trong các bộ luật khác như vi phạm Hiến pháp, tuyên truyền chống Nhà nước, ủng hộ khủng bố, kích động tôn giáo, không cần thiết phải nhắc lại trong Luật Điện ảnh... Nhưng bên cạnh đó, một số nội dung lại quá mơ hồ và cần được lý giải rõ ràng thế nào là vi phạm chính sách tôn giáo quốc gia (theo văn bản nào?), hay thế nào là nội dung xâm hại trẻ em bị nghiêm cấm.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng đặt vấn đề: “Thế nào là cổ xúy bạo lực, dâm ô, mê tín? Thế nào là làm phim có yếu tố bạo lực, tình dục, ma quái nhưng có mục đích phê phán? Bạo lực, tình dục, hoang đường đến đâu thì là bị cấm, đến mức độ nào thì được phân loại độ tuổi cao? Rất khó để có thể phân định rõ chỉ trong vài dòng đầu mục ngắn ngủi. Khi Dự thảo Luật đưa ra không rõ ràng sẽ khiến  dẫn đến việc tùy ý diễn giải, vô tình hoặc cố ý gây khó dễ người làm phim đều có thể xảy ra”.

2.jpg -0
Phim “Vị” (“Taste”) bị cấm chiếu ở Việt Nam do nhiều cảnh nhạy cảm.

Bằng chứng mà đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đưa ra đó là bộ phim truyền hình “Quỳnh Búp Bê” (2018) do VTV sản xuất và công chiếu, ngay trong tập 1 có cảnh nhân vật chính bị tra tấn hết sức tàn bạo, dã man. Những hình ảnh này có thể xuất hiện trên truyền hình giờ vàng, khán giả bao gồm rất nhiều trẻ em trên cả nước. Tại sao phim truyền hình có thể làm được, còn phim điện ảnh Việt Nam thì không? Những nội dung cấm không cụ thể khiến các nhà kiểm duyệt sẽ kiểm duyệt phim một cách cảm tính. Điều đó dẫn tới việc có những bộ phim bị cấm, buộc phải cắt bỏ, gây khó khăn cho nhà sản xuất và tác phẩm không có cơ hội đến với công chúng một cách trọn vẹn. Điều này cần phải được khắc phục trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) để tạo không gian sáng tạo và cơ hội cho các nhà làm phim, nhất là những người làm phim trẻ, có nhiều tư duy đột phá, đổi mới. “Những câu chữ đơn giản ở đây tạo ra một rào cản vô cùng lớn cho các hoạt động sáng tạo. Khi đầu tư hàng chục tỉ đồng cho một bộ phim, chúng tôi không bao giờ muốn vi phạm pháp luật, đây là sự thật hiển nhiên" - Ông Tuấn nói.

Nên có hình thức phân loại phim cụ thể hơn

Thời gian qua đã có một số bộ phim bị cấm hoặc buộc phải chỉnh sửa nếu muốn ra rạp. Trong thực tế phát triển điện ảnh hầu như văn bản pháp luật nước nào cũng xác định có loại phim bị cấm phổ biến. Tuy nhiên, ở nước ta, những giới hạn về hiện thực và các quy định cứng nhắc đã dẫn đến hiện tượng có những bộ phim bị cấm, hoặc buộc phải cắt bỏ trước khi ra rạp không mấy thuyết phục.

3.jpeg -0
Một cảnh trong phim “Ròm” - bộ phim gây nhiều tranh cãi.

Vì thế, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim đột phá hơn, tại sao các đài truyền hình vẫn tự cấp phép, kiểm duyệt được các phim truyền hình mà phim ở rạp nhất thiết lại phải qua hội đồng phim quốc gia? Liệu có thể xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị (Nhà nước) cùng có quyền thẩm định và cấp phép các bộ phim. Nhất quyết không được độc quyền. Nhà nước chỉ cấp phép thành lập các trung tâm thẩm định phim này, giám sát hoạt động này và thậm chí rút phép các trung tâm thẩm định phim khi họ không thực hiện tốt. Như vậy tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Đề xuất một giải pháp cho việc hạn chế cấm hay can thiệp sâu vào tác phẩm, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: “Hiện nay, tại Điều 33 của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có quy định các giới hạn về độ tuổi trong thẩm định phim. Trong đó mức giới hạn tuổi cao nhất đang là phân loại T18, phim có nội dung chỉ phù hợp cho khán giả trên 18 tuổi. Sau giới hạn này là phim hạng C, tức là bị cấm phổ biến. Tại sao chúng ta lại chỉ dừng lại ở mức 18 tuổi? Nếu như có một phim nào đó bị cấm vì Hội đồng thẩm định cho rằng có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách của một bộ phận khán giả đã trên 18 tuổi, thì tại sao chúng ta không thể có các mức T21, T25, là những độ tuổi trưởng thành hơn”.

Bà Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia cho rằng, cần một hệ thống phân loại phim cụ thể hơn, bởi: “Hệ thống phân loại phim điện ảnh có vai trò sắp xếp các phim điện ảnh sao cho phù hợp với từng đối tượng khán giả dựa trên những yếu tố như độ phức tạp của nội dung, hình ảnh tình dục, khỏa thân, ngôn từ tục tĩu, sử dụng chất gây nghiện và một số nội dung gây tranh cãi khác như chính trị, tôn giáo, lịch sử...”. Bà cho rằng, những nội dung đó tạo nên sự kịch tính và chiều sâu của một bộ phim nên việc gắn mác tác phẩm điện ảnh được coi là một giải pháp thúc đẩy sáng tạo và các biểu đạt văn hóa trong hoạt động làm phim ở Việt Nam.

Hạnh Nguyễn
.
.