Những khoảng hở trong sự cố có một không hai

Thứ Tư, 08/02/2023, 10:58

Câu chuyện tranh cãi liên quan đến hợp đồng tài trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và VPF dần đi đến hồi kết. Đôi bên đã tìm được tiếng nói chung để tiếp tục đồng hành trong mùa giải mới. Nhưng những gì xảy ra sẽ trở thành tiền lệ để không còn sự cố nào tái diễn.

VPF là bên cuối cùng chịu thiệt

Tranh chấp giữa HAGL và VPF có thể được tóm tắt như sau: Trước thềm mùa giải mới, đội bóng phố Núi ký hợp đồng tài trợ với Carabao. Phía VPF cho rằng HAGL vi phạm điều lệ giải, vì khai thác tài trợ từ ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính (Sâm Ngọc Linh, kinh doanh nước tăng lực). Trong khi VPF yêu cầu HAGL tôn trọng Điều lệ giải, phía đội bóng có nhiều căn cứ để chỉ ra họ không hề vi phạm.

Những khoảng hở trong sự cố có một không hai -0
Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng với Carabao ngay trước khi VPF ban hành điều lệ mùa giải mới.

Hợp đồng giữa HAGL và nhà tài trợ Carabao (ngành hàng nước tăng lực) được ký vào ngày 15/1. Sau đó 2 ngày, vào ngày 17/1, VPF mới ban hành Điều lệ mùa giải 2023, với những điều khoản bảo vệ nhà tài trợ Sâm Ngọc Linh.

So với điều lệ mùa giải 2022 chỉ ghi "Các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính kể từ ngày Điều lệ Giải ban hành", bản điều lệ mùa 2023 thòng thêm phần trách nhiệm "hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF". Tuy nhiên, việc đó vẫn khiến VPF ở thế yếu nếu tranh chấp về mặt lý với đội bóng của bầu Đức.

Một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giải quyết kiện tụng, tranh chấp dân sự cho biết vụ việc giữa HAGL và VPF có nhiều kẽ hở. Thứ nhất, hợp đồng giữa nhà tài trợ V.League với VPF được ký nhiều hơn 1 năm, nhưng điều lệ giải đấu được ban hành theo từng mùa.

Những khoảng hở trong sự cố có một không hai -0
Bầu Đức một lần nữa thắng cả tình và lý trong một cuộc chiến pháp lý.

Khoảng thời gian từ khi mùa giải cũ kết thúc đến trước khi điều lệ mùa giải mới ban hành là lúc VPF mang nghĩa vụ với nhà tài trợ, nhưng lại không có quyền ngăn cản các đội bóng khác ký hợp đồng với đối tác. Các câu lạc bộ có thể lấy lý do họ không được thông báo về nhà tài trợ mới của giải, nên được phép ký hợp đồng quảng cáo với bất cứ nhãn hàng nào mà không cần thông qua ý kiến của VPF.

Nhìn về quá khứ, Sâm Ngọc Linh cũng là nhà tài trợ hiếm hoi đồng hành với V.League nhiều hơn một mùa giải. Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từng chứng kiến nhiều đối tác ký hợp đồng tài trợ dài 2-3 năm, thậm chí 5 năm nhưng rút lui ngay trong năm đầu tiên. Việc này khiến VPF lâm vào thế yếu, bởi CLB có thể ký hợp đồng tài trợ trước khi điều lệ giải ban hành.

Thứ hai, HAGL từng có tiền lệ "miễn trừ" khi ký hợp đồng quảng cáo với ngành hàng trùng với nhà tài trợ V.League. Điều này diễn ra ở mùa giải 2022. VPF khi đó không kiến nghị HAGL gỡ bỏ tài trợ, quảng cáo do HAGL ký với Red Bull trước khi V.League ký với Sâm Ngọc Linh khoảng 1 năm. "Thế nên xét về lý, HAGL có cơ sở để khẳng định họ không vi phạm hợp đồng trong trường hợp của Carabao", luật sư nói.

"Quảng bá độc quyền" liệu có đúng?

Trong tuyên bố sẽ cân nhắc nộp đơn khởi kiện VPF, bầu Đức có viện dẫn đến việc đơn vị tổ chức V.League vi phạm Luật Cạnh tranh 2018. Theo nhận định của luật sư, HAGL có thể viện dẫn mục 2, Điều 27 trong luật để nhận định VPF có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Cạnh tranh.

Những khoảng hở trong sự cố có một không hai -0
Xét về mặt pháp lý, Hoàng anh gia lai có thể viện dẫn VPF vi phạm Luật Cạnh tranh.

"Chiếu theo Điều 25 Luật Cạnh tranh 2018, VPF được coi là doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Họ là đơn vị duy nhất đứng ra tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chiếm 100% thị phần kinh doanh và khai thác tài trợ từ bóng đá chuyên nghiệp", luật sư cho biết. Việc VPF ngăn cản HAGL ký hợp đồng tài trợ với đối tác có thể được hiểu là hành vi áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng.

Một vấn đề khác được luật sư chỉ ra là tính pháp lý của điều khoản "quảng bá độc quyền" với nhà tài trợ V.League theo Điều lệ giải được VPF ban hành. Sự việc giữa HAGL và VPF có thể xảy ra với những câu lạc bộ khác trong tương lai, nếu như không có điều chỉnh về mặt quy định. Trên thực tế, "quảng bá độc quyền" dường như chỉ đúng khi V.League và các đội bóng chưa thu hút được nhiều nhà tài trợ.

Suy cho cùng, điều lệ của một giải đấu không thể có tính pháp lý cao hơn những văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, nhìn về quá khứ, V.League từng xuất hiện hiện tượng nhà tài trợ chính của giải đấu kinh doanh cùng ngành hàng với đội bóng. Đây là điều hoàn toàn bình thường những năm trước kia, khi thậm chí có đến 3,4 ngân hàng cùng bảo trợ câu lạc bộ bên cạnh nhà tài trợ chính Eximbank.

Ở những giải bóng đá như Ngoại hạng Anh, dường như không có một điều khoản nào yêu cầu các đội bóng không được phép ký hợp đồng tài trợ với ngành hàng cạnh tranh nhà tài trợ chính giải đấu. Bởi, cả đơn vị tổ chức giải và câu lạc bộ đều có hàng chục đối tác. Khó có thể ngăn họ ký với những đơn vị đang trực tiếp cạnh tranh với nhau trên thị trường.

Nhìn về tương lai

Trong câu chuyện giữa HAGL và VPF, thế thắng dường như đã thuộc về đội bóng của bầu Đức. Điều đó được thể hiện ở việc VPF chấp nhận những điều chỉnh trong việc quảng bá sản phẩm tài trợ của HAGL, mà trên thực tế chỉ là việc sửa câu chữ. Ai cũng biết Carabao kinh doanh sản phẩm chính là nước tăng lực, nên việc gọi thương hiệu này dưới tên "nước giải khát" chỉ tránh bị bắt bẻ thêm.

Những khoảng hở trong sự cố có một không hai -0
Thương hiệu Carabao được nhắc tên rộng rãi chỉ sau ít ngày ký hợp đồng với Hoàng Anh Gia Lai.

Bên cạnh đó, còn một thực tế khác ít được nhắc đến là VPF hoạt động nhờ phần vốn góp từ các cổ đông tham gia bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bao gồm HAGL. Việc tranh chấp về mặt pháp lý, thậm chí kiện tụng với cổ đông có thể khiến VPF chịu nhiều thua thiệt nếu cơ quan chức năng trở thành người cầm cân nảy mực. Với đội ngũ pháp chế hùng hậu, HAGL và bầu Đức luôn biết họ có thể làm điều gì trong khuôn khổ pháp luật cho phép. 

Trong 5 năm qua, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến những bước chuyển mình lớn. Thành công của các đội tuyển quốc gia ở đấu trường AFF Cup, SEA Games hay vòng loại World Cup chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh đó. Bên cạnh giá trị giải đấu ngày một tăng thông qua các hợp đồng tài trợ quảng bá, V.League lần đầu tiên khai thác được tiền bán bản quyền truyền hình giải đấu lên tới 60 tỷ đồng/ năm.

Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh của câu lạc bộ, vốn bị cho là "nơi đốt tiền không hồi kết" đã bắt đầu có những nhà tài trợ thực sự. HAGL, hay Hà Nội FC là những đội bóng bắt đầu tự kiếm ra tiền từ đối tác trong và ngoài nước. Vì thế, những bản hợp đồng lên tới 80 tỷ đồng trong 2 năm như giữa HAGL và Carabao cần được khuyến khích, thay vì ngăn cản.

Với sức hút của một trong những giải bóng đá hấp dẫn nhất Đông Nam Á, cùng thị trường lên tới 100 triệu dân, V.League còn rất nhiều dư địa để thu hút đối tác trong tương lai. Đó là cơ sở để VPF, trên cương vị cơ quan tổ chức giải đấu, cần có những điều chỉnh để có thể cùng tiến về phía trước với câu lạc bộ. VPF nên là chỗ dựa hỗ trợ cho các đội bóng tự kiếm tiền nuôi mình, chứ không thể ngăn cản điều đó.

Trong trận đấu khai màn V.League 2023, đại diện Sâm Ngọc Linh đã xuất hiện trên khu VIP khán đài sân Pleiku. Họ vui vẻ bắt tay, trò chuyện với bầu Đức, một dấu hiệu cho thấy nhà tài trợ giải đấu dường như không có mâu thuẫn với HAGL sau sự cố vừa qua. Trong vụ việc tranh chấp hợp đồng tài trợ giữa HAGL và VPF, phía Sâm Ngọc Linh lựa chọn phương án hoàn toàn im lặng, thay vì lên tiếng.

Nhưng người "thắng" nhiều nhất trong vụ tranh chấp giữa HAGL và VPF không phải đội bóng phố Núi hay Sâm Ngọc Linh. Chính Carabao mới là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất trong những ngày qua. Từ một hãng nước tăng lực vốn chỉ được biết đến ở phạm vi quốc tế, thương hiệu Thái Lan này được tất cả người tiêu dùng nghe tên trong một thời gian dài. Đại diện của Carabao thậm chí còn tuyên bố "sẵn lòng trở thành nhà tài trợ chính của V.League bất cứ lúc nào".

Về phía HAGL, bầu Đức một lần nữa cho thấy sự khôn ngoan của mình trên thương trường. Những phát biểu của ông quanh vụ việc, từ chuyện dọa bỏ giải đến ý định kiện VPF, dường như đều có mục đích rõ ràng. Cá nhân ông và đội bóng phố Núi vẫn được yêu mến, thắng cả về lý lẫn tình ngay từ khi tranh chấp nổ ra.

Đơn Ca
.
.