“Sức khỏe” thế giới qua lăng kính World Cup

Thứ Hai, 28/11/2022, 17:56

World Cup lần thứ 22 đang diễn ra ở Qatar là vòng chung kết cúp bóng đá thế giới đầu tiên được tổ chức tại Trung Đông. Đầu thế kỷ XXI này, ai có thể nghĩ rằng giải bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ được tổ chức tại quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé? Tuy nhiên, trái bóng đang lăn tại xứ sở của các cồn cát sa mạc, và điều ngạc nhiên duy nhất là, dường như… chẳng có gì ngạc nhiên.

Bài học “voi trắng”

“Trong số tất cả các chủ đề không quan trọng, bóng đá cho đến nay là quan trọng nhất”. Phát ngôn nổi tiếng này của cựu Giáo hoàng John Paul II chứng tỏ ông nhận ra rằng môn thể thao vua cũng giống như một thứ tôn giáo đối với những cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt. Nhưng có lẽ ông đã không tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế trước khi đưa ra tuyên bố này. Đó là vì nhiều ý kiến nhất trí rằng, một kỳ World Cup không thực sự đáng để đầu tư tổ chức… nếu xét về mặt kinh tế. Và hầu hết các bằng chứng đều cho thấy họ đúng.

image0.jpeg -0

Trong một báo cáo về tác động kinh tế của World Cup năm 2018, các nhà tổ chức giải đấu ở Nga đã dự đoán mức tăng GDP của nước này có thể lên tới 30,8 tỷ USD vào năm 2023. Người ta thường lập luận rằng, đăng cai World Cup hoặc bất kỳ sự kiện thể thao lớn nào khác có thể thúc đẩy nền kinh tế của nước chủ nhà. Nhưng chi phí để đạt được những mục tiêu đó dường như lớn hơn lợi ích kinh tế mà chúng mang lại.

Trong lập luận chống lại việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn, nhà kinh tế học Andrew Zimbalist đã nhắc đến tình trạng “voi trắng” -khoản đầu tư mà giá trị hoặc mức độ hữu ích không phù hợp với chi phí để duy trì nó - ở các thành phố đăng cai sau khi giải đấu kết thúc. Trước World Cup 2010 ở Nam Phi, những người dân có thu nhập thấp sống trong các khu ổ chuột gần các địa điểm diễn ra giải đấu đã bị đuổi ra khỏi nhà trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của đất nước, khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu doanh thu từ tác động kinh tế của giải đấu có được dùng để cải thiện tình trạng nghèo đói hay không.

Chủ nhà World Cup - nhiệt kế sức khỏe nền kinh tế thế giới?

Để tổ chức giải đấu World Cup 2022, Chính phủ Qatar đã chi tổng cộng gần 230 tỷ USD, khiến nó trở thành giải đấu đắt nhất hành tinh. Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu “hạ giá” ngày hội bóng đá thế giới qua những con số thống kê cứng nhắc. Goldman Sachs đã chỉ ra rằng thị trường chứng khoán tăng mạnh ở cả nước chủ nhà và nước giành cúp vô địch, ít nhất là trong ngắn hạn.

Jim ONeill, cựu Chủ tịch công ty quản lý tài sản của Goldman Sachs đã nhiều năm tìm hiểu mối liên hệ giữa bóng đá và nền kinh tế toàn cầu. Tại Goldman Sachs và trước đó là tại Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sĩ, ông đã chủ biên ấn phẩm đặc biệt phát hành một lần tại mỗi kỳ World Cup từ năm 1994 đến năm 2010. Một số giám đốc ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới nhận xét rằng đó là ấn phẩm hay nhất về các sự kiện kinh tế và thị trường, vừa thú vị vừa đáng suy ngẫm. Cho đến nay, ONeill, cha đẻ của thuật ngữ BRIC (nhóm các nền kinh tế đang nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã tham dự 6 kỳ World Cup.

Từ những trải nghiệm này, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh nhận thấy mối liên hệ giữa bóng đá và sức khỏe của nền kinh tế thế giới thể hiện rõ trong việc chọn nước chủ nhà của giải đấu. Có một thực tế không thể phủ nhận là việc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chọn Nam Phi đăng cai World Cup 2010, Brazil 2014, Nga 2018 và giờ đây là Qatar đều dựa trên sự phát triển ổn định của các nền kinh tế đang nổi trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Từ lâu, ONeill đã nghĩ rằng hai quốc gia khác thuộc khối BRICS (tức Ấn Độ và Trung Quốc) rất có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ các nước chủ nhà World Cup trong tương lai.

Nhưng với việc nhiều nước lớn chuyển hướng tập trung vào các vấn đề đối nội nhiều hơn trong những năm gần đây, liệu trong tương lai gần có ai muốn đăng cai sự kiện này không? Liệu các nền kinh tế mới nổi đầy tham vọng có cảm thấy ngày càng khó khăn trong việc tổ chức giải đấu được theo dõi nhiều nhất thế giới? Hoặc ngược lại, liệu thế giới có thể sớm trở lại một trật tự quốc tế bình đẳng hơn, toàn cầu hóa hơn và bao trùm hơn? Thậm chí người ta cũng có thể đặt câu hỏi: FIFA là nhà lãnh đạo tinh thần hay người báo hiệu đồ thị đi xuống của nền kinh tế thế giới và mức độ toàn cầu hóa?

Tương lai của nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ rất khác so với 2 hoặc 3 thập kỷ trước, và điều này cũng sẽ được phản ánh trong quá trình ra quyết định của FIFA. Thật khó để tưởng tượng FIFA sẽ hào hứng với việc tổ chức các kỳ World Cup trong tương lai tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi nếu các quốc gia đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thế giới ít hơn so với các quốc gia đăng cai World Cup kể từ năm 2010.

Trong những năm 1980, 1990, 2000 và 2010, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu trung bình lần lượt đạt 3,3%, 3,3%, 3,9% và 3,7%. Sự tăng tốc trong hai thập kỷ gần đây rõ ràng là nhờ sự phát triển mạnh hơn ở các quốc gia mới nổi, và nó trùng với giai đoạn FIFA bắt đầu lựa chọn nước chủ nhà World Cup từ bên ngoài các thành trì bóng đá truyền thống. Hiện tại có vẻ như xu hướng này có thể bị đảo ngược trong thập kỷ này.

Trần Anh
.
.