Tìm lối thoát để đi lên công nghiệp văn hóa

Thứ Ba, 27/09/2022, 09:50

Mặc dù có những thành tựu nhưng nhìn lại một cách thẳng thắn, sau 5 năm phát triển, công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Một trong những nguyên nhân là còn rất nhiều rào cản khiến chúng ta lúng túng trong quá trình thực thi.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Không được nhắc đến trong tổng kết của Unessco

Sau 5 năm thực hiện, công nghiệp văn hóa đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần thay đổi diện mạo đời sống văn hóa Việt Nam. Công nghiệp văn hóa với những sản phẩm đa dạng đã đóng góp vào GDP, (năm 2015 gần 3%, năm 2018 tăng 3,61%, dự kiến sẽ  tăng 6% trong thời gian tới). Năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của Unesco ở lĩnh vực thiết kế và hiện nay 7 thành phố khác cũng đăng ký vào mạng lưới này.

Tìm lối thoát để đi lên công nghiệp văn hóa -0
Lễ hội âm nhạc “Gió mùa” là một trong số ít những chương trình dài hơi được cho là thành công.

Chúng ta cũng chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của các không gian sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian qua, từ 40 không gian sáng tạo, hiện nay đã có 200 không gian với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trình diễn phong phú, thay đổi diện mạo đời sống của các thành phố lớn như  Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt... 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: “Phát triển công nghiệp văn hóa là con đường để thúc đẩy sự “Tiến bộ và phồn vinh của dân tộc”. Thông qua ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể tiếp nhận được những sản phảm văn hóa có chất lượng công nghệ cao của thế giới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa của công chúng trong nước, từ đó góp phần nâng cao dân trí”.

Song trên thực tế, các sản phẩm văn hóa trong nước vẫn đang bị hàng ngoại lấn át, các doanh nghiệp văn hóa, các nhà sáng tạo vẫn còn chật vật giải bài toán doanh thu. Điều đáng nói hơn, theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Hải, trong một báo cáo của Unessco về công nghiệp văn hóa năm 2022, cái tên Việt Nam không được nhắc đến, trong khi đó Jamaica lại được công nhận về các thực tiễn hay nhất cho hệ sinh thái sáng tạo. Trong phần phát biểu nội dung: “Khoảng cách từ bảo hộ đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ - rào cản đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, ông Trần Văn Hải cho rằng, Việt Nam đã có chính sách đúng nhưng thực thi chưa được bao nhiêu.

Tìm lối thoát để đi lên công nghiệp văn hóa -0
Nhạc sĩ Quốc Trung.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, người nhiều năm làm tổng đạo diễn lễ hội âm nhạc “Gió mùa” thu hút được sự chú ý của công chúng, thì nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam “vừa thiếu, vừa yếu” mà nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về sự sáng tạo còn hạn chế, không chỉ ở khán giả mà cả trong chính đội ngũ sáng tạo.

Ông cho rằng: “Công nghiệp văn hóa phải được nhìn nhận dưới góc nhìn kinh doanh. Nhân lực của nền công nghiệp văn hóa bao gồm cả nghệ sĩ sáng tạo và những người làm kinh doanh. Chúng ta chưa có sự hình dung về một ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn nói chung. Năng lực hạn chế, môi trường ít cạnh tranh, thiếu lành mạnh, chưa tạo ra những sản phẩm chất lượng cao trong nước chứ chưa nói đến cạnh tranh quốc tế”. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, sở dĩ Kpop phát triển, có sức lan tỏa rộng rãi khắp thế giới và chính phủ Hàn Quốc thu được một nguồn lợi khổng lồ từ chính các sản phẩm văn hóa đó là vì họ có kế hoạch gửi nghệ sĩ sang Mỹ đào tạo, từ đó lập ra một chiến lược phát triển cho quốc gia mình. “Còn ở ta, phát triển công nghiệp văn hóa vẫn nặng về phong trào, thiếu một chiến lược tổng thể từ phía nhà nước”. Nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.

Cần một hệ sinh thái tương hỗ lẫn nhau

NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, Việt Nam có nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Chị dẫn chứng show diễn của ca sĩ Hà Anh Tuấn tổ chức tại Đà Lạt, do nhà sản xuất Việt Nam làm và thu hút khán giả với giá vé rất cao. Như vậy, việc khán giả đến mua một loại hàng hóa của nghệ thuật biểu diễn là hoàn toàn có.

Tìm lối thoát để đi lên công nghiệp văn hóa -0
NSƯT Trần Ly Ly - quyền  Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn.

“Tôi nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có nguồn lực để sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa thu hút khán giả trong nước và khu vực. Đó là câu chuyện có thật. Nhưng ở Việt Nam thiếu một hệ sinh thái sáng tạo tương hỗ lẫn nhau. Chỉ nghệ sĩ không thể phát triển công nghiệp văn hóa, mà cần đặt họ trong bối cảnh có nhà đầu tư, nhà sản xuất xứng tầm, có thể nhìn nhận được giá trị nghệ thuật và kinh tế của sản phẩm. Đấy mới là nhà đầu tư giỏi mà chúng ta đang thiếu. Đầu tư sai là hỏng. Và thực tế, chúng ta đã đầu tư sai khá nhiều”- Chị nhấn mạnh.

Ở lĩnh vực điện ảnh, tiến sĩ Ngô Phương Lan (Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam) nêu vấn đề: “Nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%. Phim đặt hàng của nhà nước phát huy hiệu quả xã hội không cao, số phim có thể ra rạp và có doanh thu đếm trên đầu ngón tay”. Nguyên do nền công nghiệp điện ảnh, một trong những lĩnh vực mũi nhọn của ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn hạn chế, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, là chúng ta thiếu rất nhiều thứ để phát triển công nghiệp điện ảnh, từ khán giả, nhà sản xuất đến nguồn nhân lực đạo diễn, diễn viên. “Cần một chính sách dài hạn, tổng thể và có tầm nhìn chiến lược từ nhà nước để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà”- Đạo diễn nhấn mạnh.

Có nên đẩy mạnh vai trò của nhà nước?

Trước những vấn đề “tắc nghẽn” ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền cho rằng, mấu chốt nằm ở vấn đề chính sách và pháp lý chưa đầy đủ. Cụ thể là chính sách thuế cho các doanh nghiệp sáng tạo, dù văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù mang lại nhiều giá trị cho xã hội nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế như các ngành nghề khác.

Tìm lối thoát để đi lên công nghiệp văn hóa -0
Các chương trình biểu diễn văn hóa Việt nam có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều điểm tắc nghẽn.

Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine (nền tảng thông tin về văn hóa, nghệ thuật) cho rằng: “Nhiều năm gần đây, chúng tôi có  làm việc trực tiếp với các đơn vị công lập, chúng tôi gặp những khó khăn mà ngay cả nhân sự phía đơn vị công lập cũng không giải quyết được như quy chế về đấu thầu, thuế... Có những quy định pháp luật rất mất thời gian để cải thiện khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội phát triển”.

Bà Uyên Ly nêu một ví dụ về chiến lược xây dựng Việt Nam là 1 điểm đến của nghệ thuật biểu diễn sau đại dịch COVID-19. Đây là thời điểm tốt để có thể thay đổi gương mặt của Việt Nam, một điểm đến mới mẻ hơn, sáng tạo hơn và chúng ta có 2 năm để xây dựng các sản phẩm độc đáo. Nhưng tiếc thay, 2 năm đó, chúng ta không đủ thời gian để thay đổi về thuế, không đủ thời gian để đưa ra những quy định cởi mở hơn, phá bỏ những rào cản như quy định về đấu thầu, sử dụng tài sản công, mức chi cho nghệ sĩ...”. 

Bà Uyên Ly đề xuất: “Làm sao có ưu đãi thuế cho một doanh nghiệp xã hội cũng là vấn đề. Những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sáng tạo không chỉ phát triển mục tiêu kinh tế mà còn mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó lại không có ưu đãi về thuế. Như  Hanoi Grapevine vẫn phải đóng thuế với nguồn thu ít ỏi, trong khi những giá trị chúng tôi tạo ra có tác động rất lớn là an ủi tinh thần con người”. Vấn đề cốt lõi có lẽ nằm ở sự điều hành của nhà nước. Theo bà: “Chúng tôi mong rằng, vai trò của nhà nước sẽ tích cực hơn, cụ thể hơn là có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành, bảo trợ của nhà nước cho các dự án tốt không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân”.

Bà Nguyễn Thị Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng kiến nghị xây dựng một cơ chế thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo vệ bản quyền tác giả, nhất là trong môi trường số. Bà Hòa dẫn chứng thành công của các nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... Công nghiệp văn hóa ở các nước này đều có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các quỹ tư nhân. Ở Pháp, họ áp dụng thuế đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo như miễn VAT... Còn ở Anh, rất hài hòa giữa hợp tác tư và công. Các dự án đều nhận tài trợ trực tiếp từ Hội đồng nghệ thuật Anh, hoạt động độc lập, do các chuyên gia đánh giá, tài trợ cho các dự án nghệ thuật có giá trị.

Từ kinh nghiệm hợp tác quốc tế, bà Hòa cũng chỉ ra rằng, chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở nhiều cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, bà cũng nhấn mạnh việc các nước xây dựng và hoàn thiện về luật, thuế và hỗ trợ tài chính cho các nghệ sĩ, các dự án, huy động nguồn lực xã hội và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân để phát triển công nghiệp văn hóa. Đó cũng là những bài toán cần được giải ở Việt Nam để công nghiệp văn hóa có cơ hội phát triển.

Việt Linh
.
.