Từ những thương vụ triệu đô của tranh Việt...

Thứ Ba, 03/08/2021, 22:22

Dịch COVID-19 khiến tất cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ bị tê liệt. Nhà hát đóng cửa, nghệ sĩ hủy show, dự án điện ảnh “xếp kho” chờ ngày ra rạp… Tuy nhiên, thị trường tranh, ngoại trừ hoạt động trưng bày, còn lại gần như ít hoặc không bị tác động.

Các thương vụ mua bán tranh vẫn diễn ra sôi động, thậm chí có phần tích cực hơn trong thời điểm dịch bệnh. Đặc biệt, sức hút từ những hội nhóm mua bán tranh và chia sẻ kiến thức mỹ thuật online càng phát huy hiệu quả trong việc kết nối cung - cầu.

Sôi động thị trường tranh mùa COVID-19

Nghiên cứu của The Art Market 2021 cho biết 66% người được khảo sát đồng ý là đại dịch đã khiến họ quan tâm nhiều hơn tới sưu tầm, và gần 1/3 số đó cho biết đã sưu tầm hơn rất nhiều. 1/4 nhà sưu tầm tham gia khảo sát cho biết họ đã chi hơn 1 triệu USD năm 2020 để mua các tác phẩm mới, tăng 4% so với năm trước.

Tiến sĩ Clare McAndrew, nhà kinh tế văn hóa, sáng lập Arts Economics nhận định, yếu tố chính thúc đẩy là do nhà sưu tầm có tiền, có thời gian, và có lẽ không có nhiều nơi để tiêu tiền, đặc biệt là trong các phân khúc xa xỉ, nên đã giúp cho thị trường nghệ thuật không suy thoái như dự báo trước đó.

Từ những thương vụ triệu đô của tranh Việt... -0
 Bức tranh “Chân dung cô Phượng” của danh họa Mai Trung Thứ.

Gần đây, tranh của tác giả Việt cũng liên tục ghi dấu ấn trên sàn đấu giá quốc tế. Với giá bán 24.375.000 đôla Hong Kong (tương đương 3,1 triệu USD) tại buổi đấu giá tại sàn Sothebys Hong Kong hôm 18-4, bức tranh “Chân dung cô Phượng” của danh họa Mai Trung Thứ không chỉ làm xôn xao giới hội họa tại Việt Nam mà còn làm dày thêm thành tích của tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế. Đây là mức giá công khai cao nhất từ trước đến nay đối với một bức tranh của tác giả người Việt. Trước đó, kỷ lục tranh Việt Nam được bán đấu giá cao nhất là 1,9 triệu USD, thuộc về bức “Khỏa thân” của cố danh họa Lê Phổ.

Ngày 24-5, Christies Hong Kong tiếp tục mở phiên đấu giá và bốn bức của ba danh họa người Việt gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh tạo ra cuộc đua gay cấn. Trong đó, bức “Thiếu nữ choàng khăn” của Lê Phổ được bán với giá cao nhất 8.650.000 HKD (hơn 1,1 triệu USD).

Không đạt đến mức giá triệu USD nhưng nhiều tác phẩm tranh Việt đạt mức giá gõ búa “khủng” như: “Gia đình ngư dân” của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị được bán với giá 4.685.000 HKD (13,8 tỉ đồng), bức tranh “Vị quan” của danh họa Vũ Cao Đàm bán với giá 1.875.000 HKD (tương đương 5,5 tỉ đồng), bức “Say ngủ” của cố họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với giá 2.500.000 HKD (tương đương 7,4 tỉ đồng).

Tại Việt Nam, thời gian qua, mặc dù dịch bệnh, các hoạt động trưng bày, triển lãm tranh, khai trương các gallery vẫn được tổ chức nhộn nhịp tùy quy mô, thời điểm. Riêng thị trường trao đổi tranh vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp việc nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan.

Theo khảo sát, khoảng vài năm gần đây, xu hướng đưa tranh lên mạng xã hội để bán và trao đổi khá phố biến. Trong đó, các nhóm buôn bán, trao đổi tranh là giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả. Số lượng thành viên của nhiều nhóm trao đổi tranh có tiếng trên mạng xã hội cũng tăng đáng kể trong nhiều tháng qua như: “Vietnam Art Space” (với hơn 49.500 thành viên), “Họa sĩ và nhà sưu tập” (39.500 thành viên), “All about Art and Artist” (87.100 thành viên), “Art and Artist - Họa sĩ và tác phẩm nghệ thuật” (3.800 thành viên)…

Sau khi vẽ xong, họa sĩ chụp hình và đưa lên mạng xã hội, thành viên quản trị các nhóm sẽ duyệt và đăng. Đó còn chưa kể, một số tác phẩm được rao bán trên các website, thậm chí tranh còn được mã hóa thành tài sản số (Non-fungible tokens - NFT).

Đơn cử, Cổng trời là một trong những sàn giao dịch NFT đầu tiên, đang bán nhiều tác phẩm NTF của họa sỹ, họa sỹ digital, nhiếp ảnh gia… với mức giá từ vài trăm ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng. Tháng 4-2021, trên website này có phiên giao dịch đầu tiên, mở bán thành công 7 tác phẩm, trong đó NFT “Góc riêng” của họa sĩ Lương Lưu Biên được định giá cao nhất với 8.928 Kai (khoảng hơn 20 triệu đồng).

Đây không chỉ là xu hướng để tranh tiếp cận gần hơn với khán giả trong sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội. Với những ảnh hưởng của dịch bệnh, cách này giúp hội họa gần như không còn khoảng cách với khán giả.

Từ những thương vụ triệu đô của tranh Việt... -0

Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Minh. 

Theo nhà sưu tầm tranh Nguyễn Minh, thị trường tranh vẫn hoạt động tích cực trong hai năm đại dịch. Các sàn đấu giá vẫn chuyển động, những cuộc thương thảo vẫn diễn ra mỗi ngày. Tranh Việt thời gian qua tăng giá đều, ai cũng bán được tranh.

“Nếu như trước đây tôi phải đến tận nơi tại các triển lãm, phiên đấu giá để tìm tranh thì giờ đây những chi phí đó đã giảm rất nhiều. Hơn nữa, khi dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại không hề dễ dàng thuận tiện. Các nhóm mua bán tranh online cập nhật liên tục, chỉ cần tham gia một hoặc hai nhóm là tha hồ lựa tranh, không mất thời gian đi lại, nhưng phải lựa nhóm uy tín thì tranh mới chất lượng và thẩm mỹ. Không riêng giới chơi tranh trong nước mà nhiều người nước ngoài cũng tìm hiểu và biết đến tranh của họa sĩ Việt thông qua kênh giao dịch này”, nhà sưu tập Nguyễn Minh nói.

Đồng quan điểm, hoạ sĩ Lê Thiết Cương thừa nhận sự thuận tiện và sôi nổi của thị trường tranh nội địa trong thời gian qua. Bản thân ông cũng vừa mua một bức tranh thông qua mạng xã hội vì được biết, số tiền thu được đó sẽ được người bán trao tặng đến những hoàn cảnh khó khăn liên quan đến COVID-19 ở TP.HCM.

“Rõ ràng, khi nhìn thấy lợi ích về kinh tế, các nhà sưu tầm, đầu tư sẽ chịu chi tiền hơn. Từ việc tranh Việt được đấu giá hàng triệu đô, kết hợp với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, hy vọng rằng, điều này sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường tranh Việt. Đặc biệt, đối với bộ phận họa sĩ trẻ và những người chơi tranh như một nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường và lan tỏa giá trị của nghệ thuật hội họa”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói.

Bài toán số hóa tác phẩm nghệ thuật

Tiện lợi từ việc mua bán tranh online là có thật, tuy nhiên không nhiều họa sĩ có tên tuổi trong giới, hoặc những họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp từ những trường mỹ thuật chọn đây là kênh trao đổi chính. Họa sĩ Lê Thiết Cương lý giải, không phải họa sĩ nào cũng có đủ điều kiện, công cụ để tái hiện hoàn hảo bức tranh của mình bao gồm chất liệu, màu sắc và thần thái của bức tranh thông qua hình ảnh. Hơn nữa, các website, mạng xã hội cũng hạn chế dung lượng bức ảnh, làm sao để có một “bản sao hoàn hảo” cho bức tranh đó là một điều không dễ dàng.

Từ những thương vụ triệu đô của tranh Việt... -0
Họa sĩ Lê Thiết Cương. 

Hơn nữa, khi người dùng mạng xã hội đều có thể tham gia tự do trong các nhóm, website đây cũng là miếng “mồi ngon” cho tranh chép. Nạn tranh giả vốn là một trong những lý do các nhà sưu tập, đầu tư ngại chi tiền mua tranh Việt, đặc biệt đối với những tác phẩm nổi tiếng.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương sở dĩ “Chân dung cô Phượng” của cố họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa ở mức 3,1 triệu USD tại nhà đấu giá Sothebys Hong Kong là bởi danh tiếng của họa sĩ Mai Trung Thứ, khả năng bị làm giả thấp, giá trị nghệ thuật cao. Thực tế, tranh càng hiếm, càng ít có khả năng bị làm giả thì giá bán càng cao. Những tên tuổi như Mai Trung Thứ, Lê Phổ… đều là các họa sĩ đời đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lại sống ở Pháp nên nguồn gốc xuất xứ tranh của họ đều khá đảm bảo.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tính riêng biệt, đặc sắc và đậm chất Việt Nam có thể là lý do khiến nhiều người yêu thích và muốn mua tranh bằng được. Theo ông, bức tranh thể hiện đầy đủ bút pháp đỉnh cao của chính Mai Trung Thứ và thời đại của ông. Bức tranh này thuộc vào giai đoạn đầu sự nghiệp, khi ông vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tranh vẽ của ông khá cẩn trọng về hình khối, không “vờn khối” hay đánh bóng quá mức theo kiểu tả thực, mà nghiêng về hướng gợi hình nhiều hơn. Màu sắc tranh gợi lên sự tinh tế, mềm mại, thanh nhã và nhẹ nhàng của giới thượng lưu thời đó. Về sau này, người trong tranh của ông thường bị kéo dài ra, gợi vẻ lả lướt, yểu điệu và có phần cổ tích hơn.

Từ những thương vụ triệu đô của tranh Việt... -0
Một số triển lãm tranh tại Việt Nam diễn ra với quy mô nhỏ. 
 
 

“Nhưng không phải ai cũng tường tận và dễ dàng xác nhận tranh thật – giả, đặc biệt trên Internet – khi chúng ta không thể nhìn tận mắt tác phẩm đó. Lúc này, có lẽ cần đến sự kết hợp của họa sĩ với một bên thứ 3 trong các thao tác như: quảng bá, thẩm định, quản lý bản quyền và đấu giá… như một hệ sinh thái chuyên nghiệp. Từ đó, thị trường tranh Việt Nam trên Internet sẽ sôi động, thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước hơn”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương phân tích.

Tuy nhiên, là một người sưu tầm tranh lâu năm và rất ủng hộ tiềm năng từ thị trường tranh online mang lại, ông Nguyễn Minh thừa nhận vẫn còn quá nhiều mặt trái ở hình thức này. Trong đó, vấn nạn tranh giả là điều không riêng ông mà tất cả các nhà sưu tầm tranh đắn đo trước khi rút hầu bao.

“Để giải quyết triệt để vấn đề này, cốt yếu vẫn là ý thức của người sáng tác lẫn người bán, để có thể xây dựng môi trường giao dịch mỹ thuật trong sáng. Quan trọng hơn cả là sự hiểu biết của người sưu tầm. Thị trường tranh Việt Nam chỉ đang ở mức gần hoàn thiện, tuy nhiên, chúng ta có điểm thuận lợi là thị trường tăng trưởng rất tốt. Hơn nữa, thị trường tranh Việt Nam đã có các mắt xích cơ bản như giao dịch thứ cấp, có sự nhập cuộc của các doanh nghiệp tài chính, có đơn vị bảo hiểm tranh… Dù mọi thứ chỉ đang ở mức sơ khởi, nhưng nếu vận dụng tốt với hình thức online, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về thị trường tranh Việt trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh nói.

Thảo Dung
.
.