Doanh nghiệp Việt chiếm ưu thế trong xuất khẩu

Thứ Sáu, 02/10/2020, 07:03
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. 


Xuất khẩu cũng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%. Trong đó, XK đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu ở mức kỷ lục - 16,99 tỷ USD. Cùng kỳ năm trước, cả nước chỉ xuất siêu 7,27 tỷ USD.

Hàng hóa xuất khẩu ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã và sức cạnh tranh.

Như vậy, bất chấp đại dịch COVID-19, tăng trưởng XK của Việt Nam vẫn đáng ghi nhận. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động XK cả nước khi tăng mạnh 20,2%.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho rằng, các yếu tố để đạt được con số xuất siêu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đó là: tăng trưởng mạnh mẽ của DN XK trong nước, các mặt hàng XK truyền thống giảm nhưng tăng trưởng kỷ lục vào những mặt hàng mới, có giá trị gia tăng cao như mặt hàng gạo. 9 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD, đây là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, máy móc thiết bị, linh kiện, nội thất, đồ dùng thể thao XK tăng. Hiện chúng ta có 6 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và giữ được mức tăng trưởng cao ở thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…

 Về diễn biến XK từ nay đến cuối năm 2020, ông Phan Đức Hiếu Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, nhìn chung xuất siêu vẫn là xu hướng chủ đạo, do hàng hóa XK ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã và sức cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều mặt hàng XK chủ lực của ta có tính chất bù đắp với hàng hóa tại các nước nhập khẩu mà không phải cạnh tranh, lại được hưởng lợi về thuế suất, nên dễ phát huy sức mạnh…

Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

Lưu Hiệp
.
.