Giữa cơn bão đại dịch, “đại bàng” FDI vẫn mở rộng sản xuất ở Việt Nam

Thứ Năm, 29/07/2021, 07:44
Đại dịch COVID-19 khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm trầm trọng. Nhưng với thành quả trong phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam khẳng định là điểm đến an toàn, hiệu quả khi dòng vốn FDI vẫn tăng đều. Nhiều “đại bàng” FDI mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.


Tăng niềm tin của nhà đầu tư

Với những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam, song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI là vốn FDI thực hiện vào Việt Nam tăng 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI tiếp tục phục hồi và duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, DN châu Âu tự tin về triển vọng tương lai. Có tới 80% DN tham gia khảo sát có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ.

Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam nhận định, bất chấp cú sốc ngắn hạn của làn sóng dịch thứ tư này, dữ liệu trên cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. DN châu Âu vẫn tính tới việc duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên cũng như kế hoạch đầu tư của họ ngay cả trong bối cảnh dịch bùng phát hiện nay.

Việt Nam cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Kenneth Atkinson, thành viên Hội đồng quản trị Hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, DN nước ngoài đánh giá cao hành động nhanh chóng, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 của Việt Nam. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam Michael Chiu, Việt Nam đang nằm trên bản đồ mở rộng đầu tư nhờ sự an toàn và ổn định của thị trường cùng kết quả tăng trưởng đáng ghi nhận của nền kinh tế.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 33.463 dự án, tổng vốn đăng ký 349,9 tỷ USD. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam được thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đã hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như: viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ôtô - xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…

Đơn cử như Tập đoàn Samsung làm đến nay đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện, Samsung thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư lâu dài và gặt hái thành công ở Việt Nam. Ngay cả khi kinh tế thế giới và Việt Nam bị tác động rất tiêu cực của đại dịch COVID-19, thu hút FDI vẫn duy trì kết quả khả quan, phản ánh niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Khống chế tốt được dịch sẽ là “visa” để đón “đại bàng”

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 19 trên toàn cầu với tư cách là nước nhận FDI với vốn đầu tư 16 tỷ USD, tăng 5 bậc so với năm 2019.

Đánh giá về tình hình thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó định hình tương lai của FDI. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng. Theo đó, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục thành lập DN, thủ tục hải quan, thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội...

Trước những “cơ hội vàng” của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chủ động vượt qua các thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao, như sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho bãi; sự thiếu hụt số lượng và cơ cấu nguồn lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu; sự gia tăng áp lực cạnh tranh và sức ép bị thâu tóm với DN trong nước… Đặc biệt trong bối cảnh COIVD-19 đang diễn biến phức tạp, việc khống chế được dịch tốt sẽ là “visa” để chúng ta “lót ổ” đón “đại bàng” tới đầu tư, không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ DN vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19. Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Cùng với đó, để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả DN và Chính phủ; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN trong nước kết nối với DN FDI; trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, các DN FDI có vai trò lớn trong việc làm thay đổi đáng kể quy mô nền kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc kể từ năm 1997 đến nay, hiện chiếm tới 70% nền kinh tế hiện nay. Để hấp dẫn nhà đầu tư “ngoại”, ông Lê Duy Thành khẳng định tầm quan trọng của ba yếu tố tiên quyết chính là nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ. Và Vĩnh Phúc đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ... Do đó, địa phương này đã tạo được sự đột phá trong thu hút FDI thời gian qua.

Tính đến hết tháng 9/2017, Vĩnh Phúc có 253 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 3,8 tỷ USD. Tính đến hết năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký vào Vĩnh Phúc đạt 540,71 triệu USD và lũy kế là 5,21 tỷ USD. Hiện, trong hàng trăm dự án FDI ở Vĩnh Phúc không chỉ có dự án của Ấn Độ, mà còn có dự án của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italy, Đài Loan (Trung Quốc)...

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, theo kết quả BCI lần này cho thấy nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc triển khai chương trình tiêm chủng đại trà. Hơn một nửa lãnh đạo DN tham gia khảo sát (58%) dự đoán rằng, công ty của họ sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể nếu nhân viên của họ không được tiêm chủng vào năm 2021. Kết quả BCI của EuroCham tái khẳng định nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Không có con đường nào thoát khỏi đợt dịch thứ tư này nếu không có một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng để giúp cuộc sống bình thường quay trở lại. 
Lưu Hiệp
.
.