Vụ bắt giữ 42 đối tượng người nước ngoài dùng công nghệ cao lừa đảo:

Các đối tượng khai nhận lừa đảo hàng trăm người

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:41
Ngày 21/12, Đại tá Vũ Đức Thành, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hải Phòng cho biết, Văn phòng Sĩ quan liên lạc Đại sứ quán Trung Quốc và Văn phòng kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn Cục Đối ngoại, Bộ Công an; Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Hải Phòng vì đã triệt phá băng nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao tại Hải Phòng.

Vụ án trên được Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hải Phòng phát hiện thông qua công tác nắm tình hình, quản lí địa bàn đã phát hiện trên địa bàn nội thành TP Hải Phòng có những nhóm người Đài Loan, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ nhiều cửa khẩu như Nội Bài, Móng Cái di chuyển về Hải Phòng thuê nhà ở dài hạn nhưng chỉ sống khoảng 1 đến 3 tháng sau đó bí mật chuyển chỗ ở.

Công an TP Hải Phòng lập biên bản phạm pháp quả tang đối với các đối tượng.

Những người này thường lựa chọn thuê các lô biệt thự ở những nơi vắng người, các căn hộ độc lập, sau khi thuê đã gia cố tường bao, sân phơi bằng rào sắt, dán kín các ô cửa sổ, lắp đặt camera xung quanh. Đặc biệt, các đối tượng sống rất khép kín, không giao tiếp với người xung quanh, không khai báo tạm trú, mua nhiều đồ ăn sẵn. Hằng ngày, chúng thuê một người Việt Nam không biết tiếng Trung Quốc đến nấu ăn, giặt quần áo. Hoạt động của các đối tượng rất bí mật nên khó bị phát hiện.

Xác định rõ được hành vi phạm tội của các đối tượng, Công an TP Hải Phòng phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) phá án. Xác định được rằng, với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nếu không triển khai lực lượng nhanh, thu giữ được máy móc, khai thác dữ liệu, kịch bản chứng minh việc phạm tội của các đối tượng thì sẽ rất khó xử lí nên yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng, đảm bảo bí mật, bất ngờ. Đúng theo tính toán, lực lượng chức năng đồng loạt triển khai nhiều tổ công tác, bắt giữ cả 3 nhóm đối tượng gồm 42 người, thu giữ toàn bộ máy móc, tài liệu liên quan đến việc phạm tội của chúng.

Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, Công an Hải Phòng đã cùng với Cục C50, Cục Đối ngoại, Bộ Công an, trao đổi thông tin với Công an Trung Quốc để xác minh, truy tìm các bị hại. Bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định được một số bị hại. Điển hình là ông Yang Yun, 52 tuổi, trú ở đường Heng Yi, khu phố quận Jixia, Thiên Tân, Trung Quốc. Với các thủ đoạn trên, ngày 16/10, các đối tượng đã lừa, chiếm đoạt của ông Yang Yun 5.000 nhân dân tệ (NDT). Người  bị chiếm đoạt tới 220 nghìn NDT là ông Lao Gia Gia, trú ở phòng 402, đường phố Đông Sơn, khu phố Đông, Thượng Hải. Ngoài ra, còn có hàng trăm bị hại trình báo với Công an Trung Quốc việc mình bị lừa đảo với thủ đoạn như trên.

Đấu tranh khai thác, bước đầu, các đối tượng khai nhận lừa đảo hàng trăm người, có những ngày chúng lừa được hơn 1 tỷ đồng. Sở dĩ chúng lừa được nhiều người như vậy vì ở Trung Quốc, chúng còn có một đội ngũ “chim lợn” chuyên tìm những người nghi làm ăn, buôn bán bất chính nên rất sợ cảnh sát để đánh vào tâm lí những người này.              

Xác định đối tượng là người nước ngoài, bị hại cũng là những người có quốc tịch Trung Quốc, hiện đang sinh sống tại Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng và Cục Đối ngoại phối hợp với Công an Đài Loan, Trung Quốc bàn giao các đối tượng cho Công an nước bạn tiếp tục điều tra, xử lí.

Đại tá Vũ Đức Thành cho biết thêm, trong số người nước ngoài trên, chỉ có một nhóm cầm đầu, số còn lại là làm công ăn lương, thậm chí trước khi sang Việt Nam, không hề biết sẽ phải thực hiện hành vi lừa đảo. Cụ thể, để tuyển người làm việc, nhóm cầm đầu đăng trên mạng của Trung Quốc tuyển người có trình độ CNTT sang làm việc trong doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam, trả lương cao (khoảng 20 triệu đồng/tháng).

Khi tuyển được người, tại các cửa khẩu, nhóm cầm đầu thu hết hộ chiếu, chờ đêm tối mới đưa công nhân vào sâu nội địa, sau đó yêu cầu phải thực hiện hành vi lừa đảo. Nhiều đối tượng không đồng ý nhưng do không có hộ chiếu để về, cũng không biết tiếng Việt, sợ bị bắt nên đành nghe theo sự sai bảo của nhóm cầm đầu. Nhằm tránh bị phát hiện, các đối tượng thuê người Việt Nam đứng tên hợp đồng thuê các đường truyền Internet tốc độ cao…

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng được đọc những kịch bản viết sẵn, được giao máy điện thoại và làm việc theo nhóm. Theo đó, hằng ngày từ khoảng 8h sáng đến 14h, chúng thực hiện các cuộc điện thoại Internet (giao thức VOIP) gọi đến các số điện thoại của Trung Quốc.

Ở mỗi địa điểm, các đối tượng phân công thành 3 nhóm, nhóm 1 có nhiệm vụ giả danh nhân viên công ty chuyển phát nhanh ở Thượng Hải gọi điện thông báo cho khách hàng ở Bắc Kinh hoặc các thành phố xa Thượng Hải đến nhận bưu điện. Do ở xa và không quen biết người gửi nên các bị hại thường nhờ công ty chuyển phát nhanh mở bưu kiện.

Theo đó, chúng giả vờ mở rồi thông báo trong bưu kiện có rất nhiều CMND (hoặc hộ chiếu), yêu cầu bị hại phải báo Công an hoặc trực tiếp đến giải quyết. Khi bị hại không tin, chúng giả vờ hướng dẫn họ gọi điện cho Công an Thượng Hải (số điện thoại do chúng cung cấp). Nhóm 2 có nhiệm vụ giả danh là Công an Thượng Hải, đe dọa người gọi điện, thông báo họ đang bị điều tra bí mật vì có liên quan đến một vụ án nghiêm trọng, nghi rửa tiền. Trong quá trình nói chuyện điện thoại với bị hại, bằng các biện pháp kỹ thuật, các đối tượng tạo ân thanh, tiếng động giống như tại cơ quan Cảnh sát (tiếng còi hụ, tiếng người chạy như chuẩn bị xuất quân…).

Điều này đã tác động mạnh vào tâm lí người nghe, khiến họ sợ sệt, lo lắng, buộc phải thực hiện theo hướng dẫn của chúng. Trên cơ sở diễn biến tâm lí của bị hại,  nhóm thứ 3 có nhiệm vụ đưa ra những lời đề nghị tiếp theo. Nếu bị hại thanh minh không liên quan đến vụ án, chúng sẽ hướng dẫn bị hại xử lí bằng cách chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng đến tài khoản của “công an” để kiểm tra, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại ngay, nếu không sẽ bị phong tỏa tài khoản, bị hại phải chịu “trách nhiệm”.

Đặc biệt, các đối tượng còn làm bị hại rối trí bằng cách yêu cầu họ phải đến chỗ vắng, quá trình chuyển tiền phải thường xuyên giữ liên lạc, không cho người ngoài biết và hướng dẫn họ sử dụng Internet banking để chuyển tiền. Ngay sau khi bị hại chuyển tiền thành công, các đối tượng liền cho người của chúng đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền rồi biến mất, đồng thời hủy luôn giao dịch. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng trăm nghìn NDT của nhiều bị hại.

Qua kiểm tra hộ chiếu của các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện chúng từng đi nhiều nước như Malaysia, Philippines, Lào… nên không loại trừ khả năng chính nhóm đối tượng trên đã thuê người Việt Nam làm việc ở nước ngoài thực hiện các cuộc lừa đảo công dân Việt Nam như trong thời gian qua.

Thu Anh
.
.