Chuyến tàu định mệnh và sự nỗ lực hết mình của lực lượng Công an

Thứ Tư, 08/06/2016, 07:55
Một con tàu "chuyển đổi mục đích" thành tàu du lịch, chỉ thiết kế 28 ghế ngồi, nhưng lại "nhồi nhét" 56 người (3 thuyền viên - PV). Có giấy đăng kiểm, nhưng lại chưa được Sở GTVT cấp phép hoạt động. Vậy mà, không hiểu bằng cách nào tàu vẫn có thể đậu chễm chệ ở "vị trí vàng" ngay cầu cảng Sông Hàn để bán vé và đón khách du lịch hằng đêm… 


Hậu quả của nhiều "vô lý" này: Quá tải hành khách, không đảm bảo quy định an toàn hàng hải, tài công điều khiển thiếu chuyên nghiệp, tàu nghiêng, 56 người cùng con tàu chìm nghỉm, hoảng loạn kêu cứu giữa lòng sông trong đêm chỉ sau 10 phút xuất bến...

Sự nỗ lực trắng đêm ngày 4 và nguyên một ngày "chảo lửa" 5-6 của hàng trăm chiến sĩ Công an, CSGT đường thủy, lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Y tế, người nhái, ngư dân địa phương và các ngành chức năng của TP Đà Nẵng dốc lực phối hợp, tìm kiếm cứu nạn đã giúp 53 nạn nhân thoát nạn.

Nhưng một người mẹ trẻ đã phải đẫm nước mắt khi cùng lúc vĩnh viễn mất đi hai đứa con thơ tại chuyến đi "phần thưởng học sinh giỏi". Một gia đình khác bàng hoàng, mọi hy vọng, nguyện cầu sự sống sót đối với người chồng, người cha đã không còn.Sông Hàn vốn hiền hòa, thơ mộng làm vậy, nay lòng sông cũng như người dân Đà Nẵng quặn thắt nỗi đau và căm phẫn.

CSGT đường thủy Đà Nẵng trắng đêm tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân vụ lật tàu.

Sông Hàn quặn thắt trong đêm

"20h15' đêm 4-6.Cả đoàn chúng tôi mua vé lên tàu, ra sông hóng gió. Nhưng mười phút sau, khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thấy tàu nghiêng, rồi chìm ngay sau đó…; Lúc ấy, tất cả mọi người đều hoảng loạn, chới với, cố nhoài mình lên mặt nước để kêu cứu…; Tiếng trẻ em kêu khóc, tiếng hành khách la hét…;

Một chị phụ nữ đi cùng hai con nhỏ bị sặc nước, tay bám vào mép tàu, người đã lả đi nhưng vẫn yếu ớt cố gọi tên hai con nhỏ trong vô vọng giữa lòng sông tối đen...; Chưa đầy 10 phút sau, chúng tôi được 2 ca nô của lực lượng cứu hộ đến rồi vớt lên, nhiều tàu khách gần đó cũng đã cứu được nhiều trẻ em và phụ nữ…;

Nhiều cánh tay, áo phao kịp đưa về phía những người gặp nạn…; Khi tỉnh lại, thương tích đầy mình, chúng tôi đã hoảng hốt… Mặc dù các bác sĩ khuyên phải ở lại bệnh viện để theo dõi và điều trị nhưng tất cả chúng tôi, những người được cứu vẫn cố tìm mọi cách để quay lại cầu cảng sông Hàn để tìm kiếm người thân…; Nước mắt nghẹn ngào, đau xót quá…!".

Đó là những lời chia sẻ trong nước mắt của các nạn nhân may mắn sống sót tại con tàu du lịch Thảo Vân mang số hiệu ĐNa - 0016 lật chìm vào đêm 4-6 trên sông Hàn. Đáng nói hơn, cũng chính con tàu này đã từng chìm một lần cách đây 2 năm, rất may thời điểm đó trên tàu không có hành khách nào. Nhưng nay thì cũng chính nó và ông chủ cùng tài công của nó vì ham lợi nhuận, bất chấp quy định an toàn đường thủy và pháp luật, xem thường tính mạng, an toàn của hành khách đã gây ra một "thảm họa" trên sông.

Tước đi sinh mạng của hai cháu bé và một người đàn ông giữa lúc họ cùng gia đình đã chọn cho mình một "kỳ nghỉ dưỡng yên bình" mà không hề hay biết đó chính là chuyến đi cuối cùng đầy đau đớn…

Lúc gặp nạn, trên tàu Thảo Vân có rất nhiều trẻ em.Các em đều nhập viện trong trạng thái hoảng loạn. Theo bác sĩ Nguyễn Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết: Trong đêm 4-6, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 11 nạn nhân vụ lật thuyền. Tất cả đều là trẻ em (lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất khoảng 3 tuổi).Có 2 cháu nhỏ bị suy hô hấp trong tình trạng phải hồi sức tích cực, thở máy.

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho biết: Trong số hơn 20 nạn nhân trong vụ lật tàu nhập viện cấp cứu, một số nạn nhân vẫn còn rất yếu, chưa hồi phục nhưng họ vẫn cố xin ra ngoài bờ sông Hàn để tìm người thân.

Còn những nạn nhân, là nhân chứng của vụ lật tàu thì nghẹn ngào: Con tàu có diện tích nhỏ nhưng lại chở quá nhiều người, trong đó phải kê thêm ghế cho trẻ em ngồi. Lúc khởi hành, trên tàu có hơn 50 người, trong đó hầu hết mọi người đổ lên tầng phía trên để chụp ảnh, còn tầng dưới chỉ có khoảng dưới 10 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em vì "sợ nguy hiểm"… Và nỗi sợ của họ đã xảy ra…

Chị Đặng Thị Xuân thẫn thờ với nỗi đau mất con bên bờ sông Hàn.

Đau đớn nhất là trường hợp của chị Đặng Thị Xuân (quê tỉnh Bắc Kạn) vào Đà Nẵng du lịch. Sáng 5-6, dưới cái nắng hơn 40 độ C, phờ phạc, thẫn thờ, nhìn về phía lực lượng cứu hộ ngay cầu cảng sông Hàn, chị Xuân, mẹ của hai cháu bé Trịnh Kim Phượng (7 tuổi) và  Trịnh Tiến Huy (4 tuổi) trong vụ lật thuyền nghẹn ngào cho biết: Sau đêm đó, và mãi cho đến 17h chiều hôm sau mong mỏi trong vô vọng, chị Xuân đã gặp lại hai con, nhưng cuộc gặp này chỉ có đôi bàn tay người mẹ cố nắm lấy hai bàn tay trẻ thơ lạnh ngắt.

"Các con ơi, chuyến đi này dài quá"... Tiếng chị Xuân đau đớn cất lên, tất cả những người có mặt đều òa khóc.

Đau đớn đến hốc hác, anh Phạm Tấn Trung (quê Bình Định) ngồi bên cạnh thi thể anh trai Phạm Tấn Cường vừa được lực lượng cứu hộ tìm thấy cho biết: "Cách đây khoảng 3 ngày, anh Cường nói với tôi là đưa cả vợ con đi Đà Nẵng du lịch. Mọi người tới tàu du lịch mua vé để ngắm cảnh sông Hàn về đêm, ai ngờ tai nạn bất ngờ xảy ra. Vợ con anh Cường may mắn được lực lượng cứu hộ tìm thấy ngay sau đó và đưa vào bờ an toàn”.

Cảm ơn các chiến sĩ Công an và "những người hùng" cứu hộ

Trắng đêm cứu người, dưới sự chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường của Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng và sự tham gia của hàng trăm chiến sĩ CSGT, Công an quận Hải Châu, CSGT đường thủy… đã căng mắt, dốc toàn lực, chạy đua với thời gian, huy động ngư dân và phối hợp với Bộ đội Biên phòng chặn lưới vây giữa dòng sông Hàn cuồn cuộn giữa đêm đen.

Đẫm mồ hôi phân luồng giao thông để lực lượng cứu hộ kịp thời đưa các nạn nhân đi cấp cứu, đảm bảo ANTT tại hiện trường, ngay giữa chảo lửa cả ngày hôm sau cho đến khi tìm thấy nạn nhân cuối cùng… Đó là tinh thần đầy trách nhiệm, hình ảnh đẹp của các chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng trong hai ngày nỗ lực cứu nạn, cứu hộ tàu du lịch và 56 hành khác bị lật trên sông Hàn vừa qua.

Còn có hai "người hùng" cứu nạn khác được các nạn nhân vô cùng cảm kích, ngợi khen đó là anh Lê Văn Phú (SN 1979) cùng em trai là Lê Văn Hoa (SN 1993). Cả hai anh em cùng cứu được gần 20 nạn nhân. Anh Phú là chủ tàu Phú Quý mang số hiệu ĐNa 0577.

Anh Phú cho biết, lúc anh nhận được thông tin tàu chìm khoảng 20h25; từ nơi đậu của tàu mình cách nơi chiếc tàu bị nạn khoảng 500m. Khi nghe tiếng kêu cứu, anh cùng em trai nổ máy lao ra đến nơi thì chứng kiến "biển người" nổi "lềnh bềnh" trên sông.  Cả 2 anh em nhanh chóng quăng áo phao và đưa người lên tàu rồi đưa vào bờ để lực lượng trên bờ đưa đi cấp cứu.Các ghế trên chiếc tàu của anh được tháo bỏ để chở được nhiều người cùng lúc vào bờ.

Với gương mặt rắn rỏi cùng làn da ngăm ngăm, ông Đặng Ngọc Anh (thuyền viên tàu du lịch sông Hàn, một trong những người dân đầu tiên tham gia ứng cứu các nạn nhân mất tích) kể: "Lúc đó chúng tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì có người nói to là "có tàu chìm". Nghe xong, chúng tôi tăng tốc tàu chạy tới để cứu người.Tôi thả phao và kêu gọi những tàu du lịch gần đó chạy tới tham gia cứu người.Trong lúc vật lộn giữa sự sống và cái chết, tôi đã cứu được 5-7 người, trong đó có nhiều trẻ em”.

Ông Đặng Ngọc Anh kể lại lúc cứu được hàng chục nạn nhân gặp nạn.

Cứu xong mấy cháu nhỏ, ông Anh nhào người cứu được một du khách nước ngoài.Khi đưa vị khách này lên bờ thì ông ấy đã ngất lịm."Tôi phải xốc ngược người ông ấy lên, nước trong miệng ông ấy ào ra rất nhiều.Chúng tôi sơ cứu xong, tàu chạy liền vào bờ và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nếu ông này mà chậm một chút nữa là không giữ được tính mạng…".

Đặc biệt, trong lúc cứu 20 người, có một em bé gần như ngất lịm, không có động tĩnh gì. "Tôi phát hiện em bé bị như thế, hốt hoảng và đau thương quá. Sau đó anh em tôi cố gắng làm các động tác sốc nước trong người em bé này ra rồi hô hấp cho em ấy. May mắn sau đó em bé tay chân cựa quậy và được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng" - ông Anh vừa kể vừa mừng vì mình đã cứu được nhiều người trong lúc hoạn nạn.

Khoảng 20h25 ngày 4/6, tàu du lịch Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa - 0016 đang chở 56 người trên sông Hàn thì bị lật và chìm tại khu vực giữa cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn (đối diện khách sạn Novotel). Tàu do tài công Lê Công Chí (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển.

Đặc biệt, tàu này chỉ được phép chở 28 người nhưng chủ tàu đã chở 56 người.Tàu chưa được cấp phép vận tải hành khách.Hiện, lực lượng Biên phòng đang tạm giữ tài công Lê Công Chí. Nguyên nhân vụ tại nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các qui định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người qui định.

Ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới hiện trường vụ tai nạn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Thủ tướng yêu cầu điều tra, khởi tố vụ án, đưa ra xét xử một cách nghiêm minh để răn đe, giáo dục. "Một tàu có sức chứa 28 người mà chở lên tới 56 người, chứng tỏ là coi thường tính mạng con người", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác lập chứng cứ vi phạm của chủ tàu, tài công cũng như các đơn vị chức năng liên quan để trót lọt tàu chưa được cấp phép đã hoạt động du lịch. Đặc biệt, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng đã gửi lời xin lỗi gia đình các nạn nhân về tai nạn vô cùng đáng tiếc này. Các nạn nhân sẽ được thành phố hỗ trợ tiền viện phí, vé máy bay đi về quê cũng như các chi phí khác.

Hoài Thu
.
.