Những người thợ hồi sinh làng rèn 500 năm tuổi

Chủ Nhật, 30/11/2014, 17:25
Làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) vốn được xem là làng rèn truyền thống nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Thế nhưng, trước sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp, máy móc, nghề rèn dần mai một. Trước thực trạng đó, một số thợ rèn đã tìm mọi cách để hồi sinh làng rèn hàng trăm năm tuổi nơi đây…

Nằm ở phía Bắc dòng sông Bồ hiền hòa, làng rèn Hiền Lương được hình thành từ giữa thế kỷ XV dưới thời hậu Lê và đến nay vẫn còn giữ được vẻ cổ kính với nhiều ngôi chùa, miếu cổ nổi tiếng; trong đó chùa Giác Lương xây dựng vào đầu thế kỷ XVI, năm 1992 đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Cụ Hoàng Phước Nồng (82 tuổi), một trong những người thợ rèn cao tuổi nhất ở làng, cho hay: Ngày trước, làng có tên Hoa Lang, nhưng đến thời vua Minh Mạng đã đổi thành Hiền Lương, có nghĩa là vùng đất sản sinh ra nhiều bậc anh tài. Thời điểm này, nghề rèn cũng bắt đầu xuất hiện khi tất cả trai tráng trong thôn đều tham gia vào việc rèn binh khí cho triều đình và các vật dụng, nông cụ để phục vụ việc sản xuất nông nghiệp.

Quyết tâm giữ nghề truyền thống, nhiều thợ rèn làng Hiền Lương vẫn làm việc cần mẫn bên lò rèn.

“Nếu như khoảng 40 năm về trước, trong làng có gần 100 lò rèn đỏ lửa suốt ngày đêm để sản xuất cuốc, xẻng, dao, liềm... bán cho nông dân ở các tỉnh, thành khắp miền Trung thì giờ số bể rèn trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Nguyên nhân là do đồ rèn sản xuất ra không thể cạnh tranh nổi với các mặt hàng cơ khí công nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan nên nhiều hộ dân buộc phải bỏ nghề để làm công việc khác mưu sinh”, cụ Nồng chia sẻ.

Gia đình vốn có truyền thống làm nghề rèn đã 3 đời nay, nhưng sau khi đeo bám nghề rèn suốt gần 20 năm, ông Nguyễn Hữu Tình (55 tuổi) đành phải từ bỏ việc kéo bể, quai búa... để chuyển sang làm cơ khí, mới kiếm đủ tiền nuôi 4 người con ăn học. Nhìn ra chiếc bể lò đã bỏ hoang suốt nhiều năm, ông Tình không giấu được buồn bã: “Thú thật, mình tự bỏ đi cái nghề do cha ông truyền lại như tự lấy dao cắt đứt từng khúc ruột. Nhưng, vì miếng cơm manh áo, vì “cái chữ” cho các con nên vợ chồng tui đành phải chuyển đổi nghề mưu sinh. Giờ đây, muốn truyền nghề cho con cháu, song không đứa nào chịu học. Bởi lẽ, có ngồi cả ngày trời cũng chỉ rèn được một cây dao, hoặc cái lưỡi cuốc nên không mấy ai còn mặn mà với cái nghề mà tổ tiên để lại”…

Trước thực trạng làng rèn truyền thống Hiền Lương có nguy cơ “tắt lửa”, năm 2012, dân làng nơi đây đã góp sức xây dựng, khánh thành Tổ đình nghề rèn để nhằm mục đích thờ tự những người sáng lập nghề rèn và trưng bày các sản phẩm do thợ làng rèn chế tạo nên. Và, với quyết tâm “hồi sinh” nghề rèn truyền thống, nhiều hộ dân đã cố gắng cho lò rèn... “đỏ lửa” trở lại. Chúng tôi đến thăm lò rèn của gia đình ông Hoàng Hứa (76 tuổi) đúng lúc ông vừa nhận được một số đơn đặt hàng làm dao, kéo và dao cạo mủ cao su.

Vừa ngớt quai búa, lấy tay quệt mồ hôi trên trán, ông Hứa tâm sự: “Nghề rèn này, ngoài sự cần mẫn, kiên trì, nhanh nhẹn thì đòi hỏi người học nghề phải có sức khỏe mới có thể ngồi lâu bên bể rèn được. Để có thể tự tay chế tạo nên chiếc dao, rựa sắc nhọn, sáng bóng, người học nghề phải mất suốt 4 năm trời ròng rã. Có lẽ vì nghề rèn khó học, lại lao động nặng nhọc nên thế hệ trẻ trong làng ngày càng không mặn mà với nghề”. Ông Trương Văn Thêm (66 tuổi), một trong những thợ rèn có tiếng ở Hiền Lương còn bày tỏ: “Lo sợ nghề rèn mai một, dần bị biến mất do không có người theo học nên tui buộc phải truyền nghề lại cho người con trai thứ 7. Sau nhiều năm miệt mài khổ luyện, cháu cũng đã học thành nghề. Giờ trong làng, hễ có đứa nào học nghề rèn thành công thì đều được dân làng quý trọng; bởi đây là giải pháp duy nhất để vực dậy, hồi sinh làng rèn 500 năm tuổi này”.

Theo ông Trần Sỹ Ngọc, Trưởng làng Hiền Lương: Ngoài 250 hộ dân sinh sống ở làng còn có rất nhiều hộ dân sau khi chuyển đến vùng đất mới ở các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai... đã nỗ lực xây dựng lò rèn để lưu giữ và phát triển nghề của tổ tiên. Trong đó có nghề rèn ở cầu Vực (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là nghề truyền thống vào tháng 8/2014. Đây là tín hiệu tích cực để hồi sinh làng rèn nơi đây…

Hy vọng, trong thời gian không xa, bằng sự cần mẫn, tận tâm của những người thợ rèn thì làng rèn 500 năm tuổi nơi đây sẽ được hồi sinh.

Lê Anh
.
.