Có những mùa khai giảng còn chênh vênh

Thứ Tư, 04/09/2019, 12:15
Ngày mai (5-9), học trò cả nước sẽ cùng hòa chung không khí khai giảng năm học mới. Những cờ hoa rực rỡ, băng rôn khẩu hiệu và những điệu múa lời ca rồi sẽ chỉ còn là dư âm của ngày khai giảng.

Một năm học mới lại bắt đầu với lo lắng, áp lực về điểm thi, về thành tích, thậm chí là thương mại hóa giáo dục... là điều còn nhiều trăn trở. Thế nhưng, ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, cái áp lực đặc trưng của thành phố ấy lại chẳng hề bị chi phối. Bởi, chỉ cần các em đến trường, chỉ cần thầy cô giáo yên tâm gắn bó với học trò đã là hạnh phúc lắm rồi.

Thầy trò Trường Tiểu học Nậm Xé trước ngày khai giảng.

Khai trường ở Nậm Xé

Thầy Hiệu phó Trường Tiểu học Nậm Xé (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chở tôi vào điểm trường Tu Thượng bằng chiếc xe máy luôn cài số 2, có lúc phải về số 1. Vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, lúc thoai thoải, khi dựng ngượ, tôi cứ phải bám chặt vào xe để khỏi trôi về phía trước hoặc tụt ra khỏi yên xe. Sau hành trình mấy chục phút đồng hồ khá căng thẳng, chúng tôi đã đến được phân hiệu Tu Thượng khi lũ trẻ đang chơi trò chơi dân gian trên nền đất. Phòng học chênh vênh bên sườn núi.

Sân chơi chỉ đủ cho bọn trẻ nghịch ngợm tí chút chứ ở cái sân lưng chừng trời này bọn trẻ chẳng bao giờ được đá bóng, bởi lỡ chân là bóng có thể rớt xuống tận chân núi. Chân tay đứa nào cũng lấm lem bùn đất nhưng có vẻ rất vui với mấy trò xưa cũ. Phòng học cấp 4 được xây dựng cách đây chừng 20 năm, cũ kỹ và trống trải.

Đó là năm trước, còn bây giờ thì nền đất này đã được dát một lớp bê tông mỏng chừng 2-3cm, là nhờ thầy hiệu phó xin được mấy bao xi măng của một doanh nghiệp làm nước sạch. Còn mái trường dột nát và bong tróc thì vẫn chưa được sửa sang.

Những ngày cuối tháng 8, thầy giáo Hoàng Mạnh Hùng - giáo viên duy nhất dạy tại phân hiệu Tu Thượng đã phải vượt con đường lầy lội đến với phòng học nằm chênh vênh bên sườn núi ấy. Điểm trường chỉ cách trung tâm xã chừng 5km nhưng đi xe máy một người một xe phải mất 40 phút đồng hồ. Con đường trơn trượt, nhầy nhụa sau mưa, giáo viên nam đi còn khó chứ đừng nói đến giáo viên nữ.

Công việc của thầy là dọn dẹp phòng học để đón 12 học sinh lớp 1 của bản Tu Thượng. Những đứa trẻ mặc trên mình bộ quần áo cũ rích thường mất cúc, để tà áo phất phơ, lộ cái bụng nhem nhuốc. Sau dịp nghỉ lễ, sớm 3-9, thầy tất bật dậy từ sớm đến điểm trường đặc biệt này để hoàn tất những công việc cuối cùng cho một năm học mới bắt đầu.

Học sinh chăm sóc rau xanh tại vườn rau bán trú điểm trường trung tâm Nậm Xé.

Thầy Hùng chia sẻ: “Mỗi đứa trẻ chỉ có 1 hoặc 2 bộ quần áo, áo thì thường đứt cúc. Mùa hè không sao chứ mùa đông ở đây lạnh lắm. Tôi chỉ mong các em có được bộ đồng phục cho tươm tất nhưng gia đình các em đều khó khăn cả. Một số trẻ còn không có cặp sách tới trường”.

Rồi, thầy Hùng xót xa kể về học trò mới của mình. Trong số 12 học sinh lớp 1 của điểm trường Tu Thượng có 3 học sinh là con, cháu cùng 1 nhà. Đó là trường hợp cả bố và 2 con trai đều sinh con cùng một năm, giờ cùng đi học. Trong đó, cô bé Giàng Mùa Thu mồ côi cả cha lẫn mẹ là đáng thương hơn cả. Cách đây 2 năm, mẹ Thu ra đi vì ăn lá ngón. Sau đó một thời gian, bố cô bé lại chọn cách này để đi theo vợ.

Giàng Mùa Thu còn có 1 đứa em nữa năm nay 3 tuổi, hai chị em ở cùng ông nội và người chú. Hoàn cảnh đáng thương của cô học trò đặc biệt như một dấu lặng lớn trong tâm tư thầy giáo vùng cao ấy. Vào năm học mới, sách bút, quần áo đến trường của cô trò nhỏ cũng là cả một câu chuyện dài.

Trò chuyện với các thầy giáo ở vùng đất thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, chúng tôi mới thấy cái sự học của bọn trẻ và các thầy cô giáo nơi đây gian nan biết chừng nào. Thầy giáo Lê Ngọc Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Xé cũng ngậm ngùi: “Khó khăn nhất của chúng tôi là vận động bà con chuẩn bị đồ dùng, sách giáo khoa và bổ sung trang phục cho các con. Tại trường trung tâm, chúng tôi cũng vận động các gia đình cho các con mặc đồng phục đến trường. Nhưng sau một năm học thì số đồng phục ấy “rơi rụng” gần hết, em còn quần, em thì còn mỗi áo”.

Trường Tiểu học Nậm Xé có 2 điểm trường là phân hiệu Tu Thượng và phân hiệu Xi Tan. Phân hiệu Xi Tan nằm cách trường trung tâm cũng chừng 5 km, là điểm tập trung các em học sinh của hai bản Xi Tan và Ta Náng. Năm trước, phân hiệu Xi Tan chỉ có một lớp ghép. Tức là lớp “tích hợp” cả học sinh lớp 1 và học sinh lớp 2, ngồi quay ngược với nhau và chỉ một giáo viên đứng lớp. Năm học mới này, phân hiệu Xi Tan có 13 học sinh lớp 1, số học sinh lớp 2 đã về học tại trường trung tâm.

Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Nậm Xé có 182 học sinh chia làm 8 lớp thì có 60 học sinh ở bán trú. Sáng Thứ hai gia đình giao trẻ, chiều Thứ sáu nhận về. Cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ cho số học sinh bán trú vẫn thiếu thốn đủ bề. Ngoài giờ học, các em cùng các thầy cô giáo chăm sóc vườn rau bán trú dưới chân núi để làm thức ăn hằng ngày.

Tôi hỏi: “Ở đây có dạy thêm không thầy?”. Thầy Tân cười to rồi đáp: “Mong học sinh đến lớp đầy đủ là quý lắm rồi. Chúng tôi cũng muốn phụ đạo thêm kiến thức cho các con miễn phí còn chẳng được ấy chứ”. Rồi thầy trăn trở: “Nhà trường muốn có cái máy giặt để giặt giũ và mục đích chính là vắt khô quần áo mùa đông cho các con bán trú mà chưa biết tìm nguồn ở đâu”.

Đã nhiều lần lên địa bàn này công tác, tôi hiểu nỗi trăn trở của thầy hiệu phó, bởi ở nơi mây sà xuống cả sân trường, quanh năm không khí ướt rượp, quần áo giặt chẳng biết bao giờ khô. Khó khăn là vậy nhưng năm học qua các học sinh của trường có kết quả học tập tốt, 16 em đạt giải cuộc thi học sinh giỏi các cấp, trong đó có 1 em đạt giải 3 trong một cuộc thi cấp tỉnh.

Mong khởi đầu tốt đẹp

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có hàng trăm ngôi trường, điểm trường khắc phục mọi khó khăn để trẻ em được vui đến trường như Nậm Xé. Mục tiêu trước hết vào đầu năm học mới ở đó chỉ đơn giản là duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường cao nhất. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Chảy ở xã Nậm Chảy nằm cách thị trấn Mường Khương chưa đầy 10km nhưng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Trường Nậm Chảy được đánh giá là điểm sáng duy trì tỷ lệ học sinh đi học. Toàn xã có 17 km đường biên, 4 thôn giáp biên giới. Điều phấn khởi là chính quyền địa phương cùng bộ đội biên phòng ở các đồn, trạm biên phòng rất tích cực hỗ trợ các thầy cô giáo đến gia đình vận động học sinh ra lớp.

Ở miền Trung, cơn lũ đầu tháng 8 đi qua, để lại đầy rẫy khó khăn cho thầy trò các trường học trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Khắc phục mọi khó khăn, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa vẫn được đến trường, điểm trường khai giảng năm học mới.

Học sinh tiểu học ở nhiều vùng núi cao đi học trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn.

Còn nhớ, năm học 2018-2019, cũng vào dịp tựu trường, cơn bão quét qua miền Trung gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ sở vật chất của các trường học. Hình ảnh các thầy, cô giáo rưng rưng cầm cuốn vở học sinh ướt nhoét bùn đất, hình ảnh các cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, đoàn thanh niên cùng phụ huynh và giáo viên đẩy hàng tấn bùn đất ra khỏi lớp học, sân trường... khiến người ta không thể quên.

Học trò ở vùng khó khăn chỉ mong đường đến trường bớt xa, các thầy cô giáo cũng chỉ mong tỷ lệ học sinh chuyên cần cao nhất. Được học, được dạy học, được ăn cơm có thịt, được chu cấp cơ sở vật chất đầy đủ để mùa hè bớt nóng và mùa đông bớt lạnh - đó là niềm hạnh phúc của cô trò vùng sâu, vùng xa, nơi cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Và, các học trò vẫn vui vẻ, phấn khởi bước vào năm học mới với khát khao con chữ, các thầy cô tận tâm, trách nhiệm với trọng trách trồng người. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn những nốt trầm khiến người ta không khỏi băn khoăn.

Năm qua ngành giáo dục đã “gây bão” với một loạt dấu ấn khó phai về những sự cố, tiêu cực. Là tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, là vi phạm trong đào tạo văn bằng 2 ở Trường Đại học Đông Đô, là danh sách những cán bộ vi phạm của ngành giáo dục cả Trung ương lẫn địa phương vừa bị điểm tên... đã gây sốc cho toàn xã hội. Nỗi buồn ấy của ngành giáo dục sẽ còn ám ảnh nếu không quyết liệt chấn chỉnh, sửa sai.

Nhưng cũng không thể phủ nhận những nỗ lực mà ngành giáo dục đạt được năm qua, đó là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục đã có được nhiều kết quả tích cực, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, nhiều đoàn học sinh đi thi quốc tế đạt thành tích xuất sắc và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao...

Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục đã cố gắng làm mọi việc có thể để an lòng phụ huynh, để phụ huynh gạt đi cảm giác bất an và yên tâm đưa con tới trường. Những trường học vùng lũ đã được tiếp sức tới trường bằng các chương trình nhân ái tặng đồng phục, sách vở... của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Cả nước chung tay vì một thế hệ tương lai tươi sáng và mong rằng môi trường giáo dục sẽ không bị thương mại hóa. 

Ngày 5-9, hàng triệu học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2019-2020. Trước đó, ngày 1-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới với lời dặn dò và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trong thư có viết: “Năm học mới 2019-2020, ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020”. Đó là nhiệm vụ và cũng là mục tiêu để ngành giáo dục hướng tới, làm sao để khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” luôn là hiện thực.

Việt Hà
.
.