Hành trình của những thách thức

Thứ Sáu, 19/08/2016, 12:15
Hồi mới thành lập (cuối năm 1996), Báo An ninh thế giới chỉ có hai phóng viên khu vực từ Quảng Bình trở vào, là anh Vũ Cao và tôi. Người ít, việc nhiều, chúng tôi hầu như không mấy khi có mặt tại tòa soạn. Trung bình mỗi năm, tôi đi công tác các tỉnh từ 150 đến 200 ngày, ngủ trên xe đò hoặc tàu lửa chừng 50 đêm để tiết kiệm thời gian. Vất vả, nhưng hạnh phúc vì hầu như chúng tôi không hề vắng mặt trong bất kỳ sự kiện thông tin quan trọng nào…

Vụ lớn, kỳ công đầu tiên mà  Báo An ninh thế giới tham gia là vụ phá hàng ngàn ha rừng Tánh Linh, Bình Thuận, báo chí theo mất gần 2 năm, đi rừng dài ngày nhiều chuyến. Phiên tòa xét xử tập đoàn lâm tặc Đinh Mạnh Hồ diễn ra vào giữa tháng 3-1997, kéo dài 16 ngày. Tranh thủ ngày chủ nhật tòa nghỉ, tôi và nhà báo Hồ Việt Khuê, Báo Tiền Phong đã tìm lên Tánh Linh thu thập thêm thông tin.  Nguyễn Văn Hòe, một "tiểu lâm tặc" rất tích cực trong việc dẫn anh em nhà báo đi rừng tìm chứng cứ mừng lắm, kéo tôi và anh Hồ Việt Khuê về nhà.

Nhà của Hòe nằm ở bìa rừng, thuộc xã Đồng Kho. Đúng lúc con gà luộc bốc khói được gia chủ bưng lên đặt ngay ngắn trên tấm phản gỗ thì ngoài đường bỗng rầm rập bước chân, tiếng la ó nhao lên ầm ĩ: "Tụi nó đâu rồi? Đập chết mấy thằng nhà báo đi”.

Một đám cưới vừa tan, khách mời toàn là đám thanh niên trẻ tuổi trong xóm. Cũng như Hòe, họ đều là dân phá sơn lâm, hầu hết đều từng làm thuê phá rừng cho Đinh Mạnh Hồ. Rượu bia kích động, hàng chục thanh niên hè nhau nhổ cọc hàng rào nhà Nguyễn Văn Hòe xông vào đòi "luộc nhà báo". 

Nguyễn Hồng Lam (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng nghiệp báo chí trong chuyến vượt lũ tác nghiệp trên sông Thu Bồn, ngày 4-12-1999.

Một "ông" cu con chừng 22 tuổi nhảy xổ vào giữa nhà, rút một dao găm quân đội Mỹ đâm phập vào cà mèn nhôm đựng con gà. Lưỡi dao xuyên qua cà mèn, găm xuống tấm phản gỗ, rung rung. Tình thế nguy hiểm, tôi rút khẩu súng ổ xoay có 5 viên đạn cao su bắn hơi cay và hơi ngạt (công cụ hỗ trợ cơ quan cấp) ra thủ sau lưng. Hòe bảo: "Hai anh ngồi yên, để em". Đá cánh cửa gỗ, Hòe xách ra một lưỡi rìu đi rừng, nhảy ra giữa  sân múa một vòng, hét: "Đây là nhà tao, khách của tao, thằng nào bước vô tao chém".

Hòe to khỏe, lưỡi rìu sắc lẻm, đám thanh niên càn quấy đang hăng cũng ngán, dạt ra hết ngoài đường, la ó ỏm tỏi và nhặt đá ném vào sân rào rào nhưng không gã nào dám xông vào. Gần tắt nắng, một nửa đám thanh niên bỏ đi, số còn lại vẫn hăng, cứ luôn mồm đòi "đập hai thằng nhà báo" (!). Hòe bảo: "Anh Khuê với chú Lam dắt xe ra sau nhà, đi tắt qua bên rẫy bên kia là gặp lộ 703 về Hàm Tân. Tụi nhóc này để em lo". Đường rừng, tối như hũ nút, đá lóc xóc nên tôi chạy rất chậm. 

Anh Hồ Việt Khuê ngồi sau thông báo: "Hình như  tụi nó đuổi theo". Chạy đến thị trấn Lạc Tánh, chúng tôi ngoặt xe vào nhà khách UBND huyện Tánh Linh. Cô nhân viên lễ tân quen mặt không hỏi giấy tờ, bảo: "Tivi đang nói về các chú đó". 

Ông  Huỳnh Văn Hòa, Bí thư huyện ủy (sau này bị kỷ luật, cách chức) đang xuất hiện trên chương trình truyền hình địa phương kêu gọi bà con Tánh Linh "cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương của một số nhà báo thiếu công tâm".  Ông gọi đích danh các anh Hồ Việt Khuê (Báo Tiền Phong), Phương Nam (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh), Trần Mỹ (Báo Lao Động) và tôi (Báo An ninh thế giới)…

Không kịp theo dõi hết chương trình "tố cáo" chính mình, hai anh em chúng tôi vội lấy phòng, chốt chặt cửa. Những vệt đèn pha của đám thanh niên đuổi theo đã tới rất gần. Theo lời anh Khuê, hai chúng tôi khiêng hai chiếc giường nhà khách chồng lên nhau tấn trước cửa phòng, tắt đèn và trải chiếu ngay dưới gầm giường nằm, chờ "tụi nó rút đi rồi tính".

Quả nhiên, sau một hồi quần thảo trên đường tìm không thấy, đám thanh niên ập vào nhà khách, đêm đó ngoài hai chúng tôi thì không còn khách nào khác. Cô lễ tân đã bảo là không có ai lưu trú nhưng họ không tin, vẫn xộc đi lùng.

Ngó nghiêng, thấy phòng chúng tôi tối om, rọi đèn qua cửa kính thấy giường chồng lên giường, cửa chốt, họ vỗ ầm ầm mấy tiếng vào cửa sắt rồi bỏ đi. Súng cầm trong tay thu sẵn trên bụng, tôi và anh Khuê dưới  gầm giường nằm im thở khẽ và... ngủ quên khi nào không biết. Sáng dậy, hai anh em mới toát mồ hôi. Phòng khách có hai cửa. Cửa trước chúng tôi đã chốt chặt và chồng hai chiếc giường sắt lên chặn, nhưng vội vã quá nên quên khuấy mất, cửa sau lại mở toang hoác!

Khoảng hai năm sau, vẫn với khẩu rulô công cụ hỗ trợ ấy, tôi đã có dịp một mình một xe máy băng đèo Lò Xo vượt đường mòn từ Tây sang Đông Trường Sơn (khi đó đường Hồ Chí Minh chưa làm), vào thị trấn Khâm Đức huyện Phước Sơn, Quảng Nam để từ đó thâm nhập bãi vàng Phước Sơn. Trong vai một thanh niên đang đi tìm chỗ làm phu đào vàng, tôi trèo núi tróc cả móng chân lọt vào bãi thôn 8 xã Phước Thành. Gã chủ bưởng  đang nằm  đu đưa trên võng trước miệng hầm quăng phịch tờ báo, bảo: "Vàng cái chi? Ông là Nguyễn Hồng Lam, Báo An ninh thế giới, vô đây làm gì tui biết rồi, vàng chi mà vàng!". Trời ạ, thì ra tờ báo gã đang đọc dở cũng là tờ An ninh thế giới!

Gã bưởng bồi thêm: "Ông không nhớ tui chứ tui lạ gì ông. Hồi vụ rừng  Tánh Linh, ngày nào tòa xử mà tui lại không gặp ông ngay tại tòa. Anh ruột tôi đi tù trong vụ đó". Thì ra thế, tôi nghe ớn lạnh sống lưng. Ở đây rừng xanh núi thẳm, tôi chỉ một thân một mình, cuộc chạm mặt này tôi thua cái chắc!

Nhưng không hề có chuyện trả đũa. Gã bưởng tiếp tôi như khách thân quen, đãi đằng cơm rượu rất tử tế, còn đích thân dẫn đường cho tôi đến giao tận lán khác, dặn tôi cẩn thận vì "trong bãi vàng không phải thằng nào cũng tử tế và… quý anh như tôi đâu" rồi mới quay về. Tôi cảm kích, anh thở dài: "Việc ai nấy làm. Ông anh tui đi tù vì ông ấy phạm tội chứ đâu có vì mấy bài báo của các anh. Anh đã dám vất vả một mình vô đây, tui ăn hiếp anh nữa, tui là cái giống gì? Anh bảo trọng".

Tôi mới thở phào, nghe sống mũi cay cay!

Có lẽ, nguy hiểm, nếu có, chỉ đến với người làm báo từ những lúc tưởng chừng an toàn nhất. Cuối năm 1999, miền Trung ngập trong cơn lụt thế kỷ. Đoán trước trận lụt "bà thêm" (23 tháng10 âm lịch) sẽ còn dữ dằn hơn nhiều so với cơn lụt dạo đầu một tháng trước đó, hầu hết các tờ báo ở mọi miền đều cử phóng viên về miền Trung trực sẵn.

Đêm trước ngày đỉnh lũ, hơn chục nhà báo chúng tôi thức trắng tại Hội An, ngồi cùng ông Nguyễn Sự, Chủ tịch thị xã canh nước lên, bàn đủ chuyện trên trời dưới đất liên quan đến mưa lũ. Ông Sự bảo: "Tui nói trước mấy ông nhà báo nghe, nước lên là mấy ông ở yên trong thị xã, không có đi đâu hết. Mấy ông bà mà chết không ai chịu trách nhiệm nổi đâu. Ông nào bước chân xuống thuyền là tôi kêu công an bắt liền đó, tội vạ đâu tui chịu!".

Rồi vẫn chưa yên tâm, ông Chủ tịch ra một cái lệnh rất cửa quyền: thu hết toàn bộ thẻ báo chí, chứng minh nhân dân của chúng tôi, hẹn "hết lụt tui trả".

Gần sáng, nước lên ào ào, đường Phan Bội Châu ở Hội An biến thành sông. Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ doanh nghiệp dệt Phước Thịnh ở TP Hồ Chí Minh bảo: "Tôi chịu không nổi. Nước lên kiểu này, dân Duy Xuyên, Gò Nổi chết hết...".

Đứng ngồi không yên, chúng tôi bàn nhau lệnh gì thì lệnh, cứ đi. Ông Thịnh điện thoại tập kết mỳ tôm, gạo,  sữa, nhu yếu phẩm. Chị Kim Ngân - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động và nhà báo Nguyễn Minh Sơn chạy đi đâu một hồi, thuê về được 2 cái thuyền máy nhỏ. Chủ thuyền kiêm tài công là người một nhà, gồm vợ, chồng và một cậu bé con trai họ mới 12 tuổi, nghe nói dân cù lao Cẩm Kim, rất thạo nghề sông nước. 

Tôi cùng các đồng nghiệp Cao Vũ Huy Miên (nhà thơ, Báo Sài Gòn Giải Phóng, nay đã mất), Phạm Tường Vân, (Báo Đại Đoàn Kết), Trần Tuấn (Báo Tiền Phong), nhiếp ảnh gia Vũ Công Điềm (Báo Lao Động)… và ông chủ hãng dệt len Nguyễn Thanh Sang - nhà tài trợ - lội nước ngập đến thắt lưng hối hả bốc hàng lên hai chiếc thuyền đang neo giữa đường phố.  Xong là nổ máy lao ra sông Thu Bồn ngay, có thêm một con chó của ông chủ thuyền nữa…

Suốt ngày hôm đó, chúng tôi cứ men theo bờ Bắc sông Thu mà đi. Gặp nhà nào có người đang bị kẹt giữa vùng bị nước cô lập, chúng tôi lại ghé vào dùng sào chuyền lương thực, thực phẩm cho họ có cái để cầm cự với lũ. Khi qua cầu Câu Lâu, cả đoàn phải hạ hàng xuống, nằm ẹp xuống lòng thuyền, thuyền mới có thể chui qua được dạ cầu đã bị nước  dâng lé đé. Khoảng 4 giờ chiều, lên đến khu vực Miếu Nổi (huyện Duy Xuyên) thì dù nổ máy hết tốc lực, thuyền cũng không đi nổi. Lũ dâng nhanh nhấn chìm cù lao dưới nước tạo thành một vùng xoáy nên hai con thuyền cứ quay mòng mòng. Bất đắc dĩ, chúng tôi đành quay lại.

Nhá nhem tối, chúng tôi trở lại đến cầu Câu Lâu nhưng nước dâng bít mất dạ cầu, không thể chui qua được, nếu cố chắc chắn sẽ va vỡ thuyền, cả đoàn chết chắc. Mở máy chạy ngược cũng không tiến được bao nhiêu, vì sức nước chảy quá mạnh. Tất cả các con đường mòn từ hai bờ dẫn xuống sông đều đã thành ống nước, không tài nào tấp được thuyền vào. Đã thế, mưa lại quất chéo mặt, sầm sập…

Từ trên cầu, bộ đội, Công an quằng dây  thừng xuống cho chúng tôi, hy vọng tìm được cách kéo thuyền vào bờ. Nhưng áp gần cầu thì sợ vỡ thuyền nên dây quăng ra cứ cách một quãng là nước cuốn ngay. Tuyệt vọng, chúng tôi chỉ còn biết "lạy trời", cố vận hết sức vừa chèo tay, vừa nổ hết máy đi ngược để thuyền không bị cuốn vào thành cầu, ngay ngáy lo thuyền cạn xăng thì toi mạng.  Tất cả cảnh tuyệt vọng này đều được phóng viên VTV khu vực Đà Nẵng đứng trên cầu ghi hình và phát trên chương trình thời sự ngay sau đó…

Dằng dai mãi, đến khoảng 8 giờ tối, nước bắt đầu rút và rút rất nhanh. Khi dạ cầu hở ra được một khoảng đủ cao, bất đắc dĩ, chúng tôi đành phải vứt bỏ số hàng hóa còn lại cho trôi theo dòng nước và nằm ẹp xuống lòng thuyền, chui qua cầu. Hơn 10 giờ 30 phút đêm, hai con thuyền về đến Hội An. Đợi sẵn, vừa thấy chúng tôi lóp ngóp lên bờ, ông Nguyễn Sự đã... chửi thề um lên, đòi bắt nhốt hết. Rồi ngay sau đó, ông kêu người dẫn chúng tôi đi ăn, trả lại giấy tờ và bảo: "Cấm gì nổi mấy ông bà. Tui biết vậy nên mới thu giấy tờ, lỡ mấy ông mấy bà có chuyện gì, tụi tui còn biết danh tánh, còn có cái ảnh mà… thờ!".

Những chuyện như thế, gần 20 năm gắn bó với Báo An ninh thế giới, tôi có thể kể cả ngày không hết. Đôi lúc nghe bạn bè, đồng nghiệp hoặc ai đó phán rằng nghề báo là nghề nguy hiểm, tôi không đồng ý lắm. Chỉ là nghề vất vả thôi, nếu thật sự chịu làm. Bao giờ cũng thế, nỗi nguy hiểm trong trí tưởng tượng luôn lớn hơn nhiều so với sự nguy hiểm trong đời thực. Vì, trong trí tưởng tượng ta chỉ loay hoay với nỗi sợ hãi. Còn trong đời thực, quanh ta còn có mục đích, có bạn bè, có bao nhiều người, có cả cuộc đời…

Nguyễn Hồng Lam
.
.