Khát nước dưới chân đập Đăk Mi 4

Thứ Tư, 13/05/2020, 10:26
Thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng khiến sông Đăk Mi một thời đầy ắp nước, nay đoạn dưới chân đập thủy điện về hạ du đã trơ đáy. Cộng thêm nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua, mạch nước ngầm cũng dần cạn kiệt, khiến hàng trăm hộ dân hai huyện Phước Sơn và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, sống dọc theo con sông này phải băng rừng đi tìm mót từng can nước sót lại ở các khe, suối mang về dùng...

Vật vã tìm nước

Đã gần giữa tháng 5, những cơn mưa rào xuất hiện khiến người dân các bản làng ở rẻo cao vui mừng vì hy vọng có nước sau bao ngày nắng hạn. Thế nhưng, những cơn mưa ấy chỉ đủ để thấm ướt mặt đất, còn hàng chục hộ dân tại thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, ngày ngày vẫn phải mang xô, can đi tìm nước đọng trong các hốc khe, suối mang về dùng...

Thôn Lao Đu nằm ở dưới chân đập thủy điện Đắk Mi 4. Tôi đến thôn vào buổi chiều, cái nắng ở miền núi cao đã dần dịu bớt. Trẻ em trong làng bắt đầu mang xoong, nồi, chén bát đến bể nước kéo từ khe núi về làng để tranh thủ rửa chén. Những đứa trẻ nhỏ hơn thì mang áo quần đến tắm giặt nhờ nhà hàng xóm ở đầu nguồn nước.

Thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng, giữ lại lượng nước khổng lồ khiến cho sông Đăk Mi đoạn dưới chân đập về phía hạ lưu trơ đáy.

Em Y Dung (11 tuổi), có nhà cách bể chứa nước của làng khá xa, một mình em không thể kham nổi đống chén bát của gia đình đi rửa nên rủ cô bạn hàng xóm đi cùng. Những thau, chén bát, xoong, nồi quá khổ so với thân hình nhỏ bé, đen nhẻm của trẻ em nơi đây. Quãng đường từ nhà ra tới nơi có nước khá xa, đôi chân của các em bước từng bước nặng nhọc. Y Dung cho biết, hằng ngày em đều phải mang chén bát ra đây rửa. Những việc giặt giũ, tắm giặt, cần dùng nước đều phải ra đây thực hiện. Chỉ riêng việc nấu ăn mới ở nhà vì phải đi xách nước về nên rất hạn chế.

“Chiều lại mang chén lên đây rửa, rửa xong mang nước về để nấu ăn, ở nhà không có nước”, Y Dung chia sẻ. Nói đến việc dùng nước sinh hoạt ở địa phương, dù là người đầu thôn hay cuối thôn, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Với họ, chuyện thiếu nước ở đây là câu chuyện xảy ra nhiều năm nay vẫn chưa có hồi kết. Ai cũng bảo, những năm trước nước ở các khe suối nhiều nên họ có thể kéo nước về đến nhà. Tuy nhiên, càng về sau nắng hạn kéo dài, mạch nước ngầm dần cạn kiệt, con sông Đăk Mi thì trơ đáy nên những bể nước chứa kéo từ khe suối về cũng chỉ nhỏ giọt.

Nhưng, chỉ những hộ dân sống gần bể mới có nước dùng, còn những hộ ở xa bể nước thì phải lên tới bể tắm giặt, chở nước về dùng. Khó khăn quá, nhiều hộ dân ở thôn Lao Đu đã cùng nhau góp tiền, xây bể, đi tìm nguồn nước. Còn những hộ không đủ điều kiện thì phải chịu sống chung với hạn. “Hơn 2 tháng nay, người dân ở đây đã không có nước dùng rồi, ngày ngày đi kéo nước về dùng nhưng nước cũng nhỏ giọt lắm”, chị Y Bắc cho hay.

Không chỉ Lao Đu, những hộ dân sống ở hạ lưu con sông này cũng phải chịu cảnh tương tự. Hàng trăm hộ dân ở 4 thôn của xã Cà Dy, huyện Nam Giang, nhiều năm qua đều phải bỏ công đi gùi, chở nước về dùng. Ông Trần Ngọc Tiên, chủ quán cơm ở xã Cà Dy mỗi ngày đều tranh thủ thời gian hàng quán vắng khách để đi kéo nước về dùng. Trên chiếc xe kéo có chục can, thùng loại 20 lít, ông Tiên kéo lên khu vực gần UBND xã Cà Dy, dùng vòi nước kéo từ trên núi, ông chờ nước chảy vô từng can rồi chở về.

“Gia đình chúng tôi buôn bán, cần lượng nước lớn. Ở gần nhà tôi có con suối nhỏ, tôi bắc nước về dùng nhưng bao nhiêu năm nay cứ đến mùa khô là không còn cái gì để lấy, chỉ có những con suối lớn mới còn nước. Ngày nào tôi cũng phải tranh thủ lên đây lấy nước sớm rồi nhường lại cho bà con lấy. Cuộc sống bà con đã khó khăn nay lại còn phải tốn thời gian, công sức mới có nước để dùng”, ông Tiên nói.

Nước chỉ còn đủ chảy len lỏi giữa các khe đá.

Cứ sáng sớm và chiều tối, trên những tuyến đường ở xã Cà Dy đâu đâu cũng thấy người đi xe máy với những can, thùng để chở nước. Ông Đinh Văn Blum, cán bộ nông nghiệp xã cà Dy cho biết, tại 4/4 thôn ở xã Cà Dy đều có công trình chứa nước sinh hoạt nhưng nguồn nước cạn kiệt, nhiều bể chứa nước đã cạn kiệt. Hầu hết những hộ dân ở xa công trình chứa nước sinh hoạt đều không có nước để dùng. Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn xã phải đi lấy nước ở xa, khu nào không có, dân phải xách bằng can, sử dụng xe kéo mà lấy nước sinh hoạt.

Cần xả nước cứu hạ du

Bến Giằng, xã cà Dy là nơi hợp lưu giữa sông Đăk Mi và sông Giằng, trước đây sông sâu và nước chảy xiết, người dân phải đi lại bằng phà. Nhiều người dân đi ghe, thuyền đánh bắt cá làm kế sinh nhai. Nay đứng trên cầu Bến Giằng nhìn xuống cũng đã thấy trơ cát, cây cối mọc ra đến lòng sông. Sông dần eo hẹp, chỉ còn một dòng nước nhỏ chảy dọc một bên. Người dân khu vực này cho biết, nước ít, hệ sinh thái dòng sông cũng bị ảnh hưởng, tôm cá không còn, không thông dòng chảy, nguồn nước ở đây cũng đã bị ô nhiễm, không ai dám lội xuống sông dù cho nguồn nước rất bức thiết.

“Trước đây, nước sông nhiều, người dân địa phương sống nhờ nghề đánh bắt cá trên sông. Giờ đây, con sông cạn kiệt, dòng nước chảy còn lại cũng bị ô nhiễm, chuyển màu, không ai còn dám lội xuống sông vì lội nước sẽ bị ngứa. Người dân thiếu nước, muốn lấy nước dòng sông cũng không được. Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước nước sinh hoạt, việc chặn dòng của thủy điện Đăk Mi 4 còn ảnh hưởng đến việc trồng trọt, phát triển kinh tế. Hàng chục hecta diện tích trồng mè, đậu phộng bên dòng sông giờ không có nước cũng bỏ. Việc đánh bắt cá phát triển kinh tế cũng ngừng. Xã đã có kiến nghị nhưng không được gì”, ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã Cà Dy thở dài.

Bến Giằng trước đây sông sâu, nước chảy xiết, giờ đây thu hẹp, chỉ còn là dòng nước nhỏ.

Tôi đi ngược sông Đăk Mi về hướng thủy điện Đắk Mi 4. Càng về phía thượng nguồn, tôi càng chứng kiến tình trạng khô hạn diễn ra rất khốc liệt. Chỉ có một vài đoạn lòng sông còn ít nước đọng lại sau vài trận mưa, nhiều đoạn dòng nước đục ngầu hòa lẫn. Nhiều đoạn dòng sông đã trơ đáy lộ rõ những mỏm đá lồi lõm giữa lòng sông kéo dài hàng cây số. Có đoạn chỉ còn lại sỏi cát, trở thành điểm khai thác cát lý tưởng cho các doanh nghiệp. Xe tải, xe múc có thể chạy thẳng đến giữa sông múc cát mang đi.

Năm nay mùa mưa đến muộn, dòng sông thiếu nước nay lại càng khô cạn hơn. Trâu bò chăn nuôi cũng khó tìm được nguồn nước uống. Trong khi đó, ở đầu nguồn con sông, một lượng nước khổng lồ đã bị bức tường thủy điện Đăk Mi 4 chặn lại. Tại cửa van chỉ có lượng nước rất nhỏ chảy ra, đủ thấm vào thân đập. Nước trong lòng hồ thủy điện vượt ngưỡng.

Ông A Vô Tô Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, trước đây dòng sông Đăk Mi này chảy xuống một lượng nước rất là lớn, phần lớn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Người dân có thể đánh bắt thủy sản trên sông. Tuy nhiên, từ khi xây dựng thủy điện Đăk Mi 4 thì nước ở dòng sông này đã dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái ở lòng sông, ảnh hưởng đến đời sống của bà con.

Người dân sống gần sông Đăk Mi vẫn phải đi kéo nước về dùng.

“Bà con phần lớn sống nhờ dòng sông, bây giờ hệ sinh thái ảnh hưởng do thủy điện Đăk Mi 4 khi xả nước thì xả qua nhánh khác của sông Thu Bồn, không trả lại nguồn nước cũ. Đối với các xã miền núi, để có nước sinh hoạt, các dòng sông lớn nên hạn chế việc đầu tư thủy điện”, ông Phương thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Khi chúng tôi thực hiện phóng sự này thì được biết, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có Công văn số 701/TNN-NM gửi Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Mi. Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Mi thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu và vận hành theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có phương án vận hành, điều tiết nước hồ bảo đảm đủ nguồn cấp cho sản xuất và sinh hoạt của các địa phương ở phía hạ du đập thủy điện Đăk Mi 4 trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Đồng thời, báo cáo bằng văn bản về thông tin vận hành không bảo đảm dòng chảy tối thiểu dẫn đến hàng trăm hộ dân ở phía hạ lưu đập thủy điện Đăk Mi 4 thiếu nước phục vụ sinh hoạt và việc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đã được cấp kèm theo thông tin, số liệu vận hành từ ngày 15-3-2020 đến nay.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, các sông Cẩm Lệ, Cầu Đỏ nhiều lần bị xâm nhập mặn nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng nhà máy nước Cầu Đỏ thiếu nước sạch cấp cho người dân thành phố sử dụng trong sinh hoạt. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã nhiều lần yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 trả nước về sông Vu Gia.

Theo bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, thuộc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, số ngày nhiễm mặn nặng hơn 1.000mg/l tại cửa lấy nước vào nhà máy nước Cầu Đỏ đã tăng từ năm 2015 đến nay, nhất là trong năm 2019 với 90 ngày. Dự báo, số ngày bị nhiễm mặn nặng hơn 1.000mg/l của năm 2020 cao hơn năm 2019.

Để bảo đảm an toàn cấp nước sinh hoạt cho toàn TP Đà Nẵng trong năm 2020, chính quyền TP Đà Nẵng phải ứng phó xâm nhập mặn bằng cách xây dựng các tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.

Hà Vy
.
.