Lính chính quy về xã

Lính chính quy về xã: Những kiến nghị từ cơ sở

Thứ Ba, 29/06/2021, 08:56
Khi đi thực tế lấy tư liệu cho loạt bài này, dù đến nhiều xã với đặc thù địa bàn khác nhau nhưng chúng tôi đều được nghe những đánh giá rất tích cực về hiệu quả của chủ trương đưa công an chính quy về đảm nhận các chức danh công an xã từ đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc nhưng cán bộ chiến sĩ khi về nhận nhiệm vụ đã nhanh chóng bám sát địa bàn, tích cực hoạt động, qua đó đã góp phần thay đổi tích cực tình hình ANTT. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, cũng có những kiến nghị với ngành công an để việc triển khai đề án quan trọng này đạt hiệu quả hơn.

1. Vượt qua 5 km đường khó đi, trước mắt chúng tôi là căn phòng làm việc chỉ 10m2 đủ kê cái bàn làm việc và chiếc tủ sắt. Đó là tất cả “gia tài” của Công an xã Quang Sơn (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn).

Thượng tá Cao Văn Hà, Trưởng Công an huyện Chi Lăng cho biết, điều kiện làm việc, sinh hoạt của nhiều đơn vị thời gian đầu rất khó khăn, UBND các xã cho mượn tạm căn phòng bảo vệ, trạm y tế, nhà văn hóa xã... đã cũ làm chỗ tiếp dân, giải quyết công việc, chứ không có chỗ ăn, nghỉ cho anh em. Tối trực, cán bộ chiến sĩ hoặc phải nằm bàn hoặc xuống trường học, hay nhà dân gần đó ngủ nhờ. Một số đơn vị cũng không có nhà vệ sinh, chỗ tắm giặt... nên khi có nhu cầu phải đi xe máy xuống nhờ nhà dân. Chính quyền cũng chỉ có thể hỗ trợ được một số điều kiện tối thiểu.

Đại úy Hà Quang Tân - Trưởng Công an xã Dân Chủ, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Từ thực tế hoạt động thời gian qua tại nhiều đơn vị công an xã, có thể thấy ngoài ưu điểm nổi bật là đã được đào tạo bài bản, chính quy, thì một số cán bộ chiến sĩ công an chính quy xuống xã vẫn còn thiếu những kỹ năng, như không biết tiếng của đồng bào thiểu số, không am hiểu phong tục tập quán địa phương... Do đó, việc thâm nhập địa bàn nắm tình hình, nắm con người, đối tượng còn gặp những trở ngại. Có một thực tế nữa là số công an viên bán chuyên trách trước đây đã nghỉ việc sau khi công an chính quy về xã nên không nhiệt tình hỗ trợ khi có công việc cần đến họ. Ở những xã vùng cao thường ít việc, cán bộ chiến sĩ đi xã lo ngại bị thui chột tài năng, trình độ được đào tạo, trong khi ở cấp huyện lại thiếu người làm được việc nên có thể xảy ra tình huống khi cần kíp, công an huyện lại phải huy động cán bộ đã đi xã về để giải quyết công việc.

Trong quan hệ với chính quyền địa phương, cũng đã xảy ra một số chuyện không hay. Số là có một vài vị lãnh đạo ở xã nhận thức về công an xã hiện nay giống như với lực lượng bán chuyên trách trước đây nên đã tùy tiện yêu cầu công an xã phải báo cáo công việc hằng ngày hoặc chỉ đạo họ phải làm những việc lặt vặt tại trụ sở như quét tước, dọn dẹp cảnh quan...

Về tâm tư anh em, thời gian đầu đi xã cũng có người buồn chán vì làm việc giữa chốn xa lạ, heo hút hoặc có anh xa vợ yếu, con thơ... nên thấp thỏm, chưa thực sự yên tâm công tác.

Để giúp công an các xã giải quyết, tháo gỡ các vấn đề tồn tại, chỉ huy công an các huyện ở Lạng Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Trước hết, nhằm giúp công an các xã có điều kiện cần thiết để làm việc, ban chỉ huy công an các huyện đã thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương ở cấp huyện và xã, đề xuất các giải pháp bố trí trụ sở làm việc, nơi ăn chốn ở cho cán bộ, chiến sĩ. Tại huyện Chi Lăng, đối với những đơn vị thiếu nước sinh hoạt, thiếu giường ngủ... Trưởng Công an huyện cùng chủ tịch UBND xã làm việc với công ty cấp nước để đảm bảo cung cấp cấp nước sạch cho anh em, kêu gọi các nguồn kinh phí khác nhau mua sắm giường tầng, để anh em có chỗ ngủ đảm bảo sức khỏe sau giờ làm việc hay trực đêm.

Trụ sở Công an xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.

Nhằm giải quyết tốt quan hệ với chính quyền cơ sở, Trưởng Công an huyện họp thường vụ, quán triệt với lãnh đạo các xã để hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã. Theo đó, các đơn vị công an xã là một cấp trong CAND, làm việc theo chỉ đạo ngành dọc, còn chính quyền địa phương chỉ đạo về mặt đường lối chủ trương, Công an xã không có trách nhiệm làm việc “lặt vặt” ở xã. Để tận dụng, phát huy tối đa sự hỗ trợ của số công an bán chuyên trách là người địa phương đã nghỉ việc sau khi công an chính quy về xã, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho HĐND tỉnh ra nghị quyết chi ngân sách phụ cấp cho họ, với mức khoảng 900.000 đồng/tháng.

Để siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, ban chỉ huy công an các huyện đã tăng cường việc quản quân. Chẳng hạn, Thượng tá Nông Văn Tư (Trưởng Công an huyện Văn Quan) đã kiên quyết đề xuất cách chức một vài chỉ huy công an xã sa vào rượu chè bê tha, vi phạm nghiêm trọng Điều lệnh CAND. Thượng tá Cao Văn Hà (Trưởng Công an huyện Chi Lăng) gặp riêng từng người có biểu hiện chểnh mảng công việc để nhắc nhở, quán triệt. Nhờ đó mà nhiều người đã thay đổi, tác phong của cán bộ, chiến sĩ ở xã đi vào nề nếp, chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND, duy trì quan hệ tốt đẹp với chính quyền và nhân dân địa phương.

2. Hôm đến Công an TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đại tá Nguyễn Hải Phong (Trưởng Công an TP Hạ Long) đã trực tiếp đưa chúng tôi đi thực tế hoạt động của công an một số xã miền núi, vốn trước đây thuộc huyện Hoành Bồ, nay nhập về Hạ Long. Trên xe, anh gọi điện cho một số bạn bè đề nghị tài trợ xi măng xây cổng chào của xã Dân Chủ. Anh hóm hỉnh bảo rằng những việc làm này sẽ giúp thắt chặt thêm quan hệ giữa lực lượng công an và cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.

Bà Lương Mai Tú - Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Chúng tôi đến khi anh em Công an xã Dân Chủ đang tiếp công dân đến giải quyết công việc. Phỏng vấn nhanh về tình hình trật tự trị an trên địa bàn thời gian qua, chị Chu Thị Thùy (SN 1976, dân tộc Tày, ở thôn 2) nói: “Cán bộ công an chính quy rất thân thiện, gần gũi đồng bào, nhà ai có công có việc như tang chay, hiếu hỷ..., họ đều có mặt, rồi cùng tham gia vào các công việc của xã nên chẳng mấy chốc chúng tôi coi họ như người thân trong gia đình. Người dân chúng tôi rất hài lòng”.

Xã Dân Chủ có gần 90% dân số là người dân tộc Tày, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, do đó lực lượng công an chính quy trong thời gian đầu triển khai công việc còn có những khó khăn nhất định. Ngay sau khi ổn định tổ chức, công an xã đã tập trung rà soát để phối hợp giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài; tích cực phối hợp tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý nhanh, giải quyết dứt điểm từng kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân, qua đó đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền.

Nhận xét về hoạt động của Công an xã Dân Chủ, bà Phạm Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết, số cán bộ công an chính quy tăng cường về xã làm việc rất có trách nhiệm, chủ động tiếp cận nhanh địa bàn, đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp bảo đảm ANTT, bảo vệ tốt các sự kiện chính trị diễn ra tại địa phương. Số cán bộ này tuy trẻ nhưng rất nhiệt huyết, sẵn sàng nhận triển khai nhiệm vụ đột xuất; vận dụng tốt kiến thức được đào tạo, giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật. Quan tâm làm tốt công tác dân vận, giữ gìn mối quan hệ với chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xã; thường xuyên nắm chắc tình tình trong dân, phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

3. Bên cạnh việc khen ngợi thành tích mà công an xã đã đạt được, cũng có một số ý kiến tâm huyết tham mưu cho ngành Công an để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương rất đúng đắn này.

Theo bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan thì nên chăng sắp xếp lực lượng công an xã tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể về số lượng dân cư, diện tích tự nhiên và tình hình ANTT trên từng địa bàn. “Nếu quân số ở địa bàn nhỏ, dân cư thưa thớt, ít việc... mà cũng được bố trí giống như tại địa bàn rộng, đông dân cư, tình hình trật tự trị an phức tạp, có thể dẫn đến tình trạng nơi cần nhiều quân thì không có, nơi thì thừa người. Bên cạnh đó, công an cấp huyện rất cần người làm việc vì đã tăng cường đi xã. Vì vậy với địa bàn phức tạp, có thể tăng lên 8-10 cán bộ phụ trách một xã, thậm chí là nhiều hơn nếu công việc đòi hỏi. Còn với địa bàn ít phức tạp, có thể nghiên cứu rút bớt quân số. Bên cạnh đó, có thể tái sử dụng số công an bán chuyên trách trước đây đã qua đào tạo pháp luật, nghiệp vụ công an. Làm như vậy mới có sự bổ sung về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc phù hợp với đặc thù tình hình từng nơi giữa người địa phương và người nơi khác đến”, bà Tú góp ý.

Ông Vi Trường Xuân, Viện trưởng VKSND huyện Chi Lăng cho rằng, chủ trương đưa công an chính quy về xã là hoàn toàn đúng đắn nhưng nên căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa bàn để bố trí số lượng cán bộ chiến sĩ để việc triển khai đề án mang lại hiệu quả thiết thực, vừa tiết kiệm được ngân sách mà vẫn bảo đảm được công việc, thì các cấp nên cho địa phương chủ động lập kế hoạch, tính toán bố trí con người căn cứ vào đặc điểm, quy mô của từng địa bàn cụ thể.

Nơi ngủ, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Công an xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, ông Xuân cũng nêu quan điểm trong việc tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ đưa xuống cơ sở bởi ở cơ sở, anh em phải giải quyết nhiều công việc không tên rất phức tạp. Chẳng hạn như việc giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân hay mâu thuẫn dòng tộc, nếu không có đủ kiến thức xã hội cùng các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kỹ năng dân vận, hay am hiểu ngôn ngữ, văn hóa vùng miền, phong tục tập quán... thì thật khó cho việc phân xử công minh, hợp tình, hợp lý để các bên xóa bỏ mâu thuẫn, xung đột nhằm giải quyết ổn thỏa, dứt điểm tình hình phức tạp.

Đào Trung Hiếu
.
.