Lại nhớ “Lá thư tiên tri” từ Thành cổ Quảng Trị

Chủ Nhật, 25/07/2021, 08:45
Trước khi hy sinh, anh đã để lại những dòng chữ như tiên tri gửi đến mẹ, vợ và người thân về linh cảm ngày mình sẽ mãi mãi nằm lại với vùng đất Quảng Trị anh hùng. Đó là trong một lá thư thiêng của chàng sinh viên trẻ, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm 4, Khoa Hầm cầu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) để lại đất này hơn 40 năm trước.


Lá thư đẫm nước mắt từ Thành cổ

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đang lưu giữ và trưng bày nhiều di vật, hình ảnh... của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Xúc động và “lấy đi nhiều nước mắt” của du khách đến đây chính là bức thư được trưng bày trong lồng kính của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Chúng tôi thực sự không ngăn được những dòng nước mắt khi lần đầu tiên được lắng nghe câu chuyện đầy xúc động về những dòng tâm thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại trước ngày ra đi. Bức tâm thư với những trang viết đầy lắng đọng của người chiến sĩ gửi đến người mẹ thân yêu, người vợ dịu hiền và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc.

Một góc thành cổ Quảng Trị ngày nay.

Bao nhiêu người về với Thành cổ Quảng Trị đã rơi lệ, đã khóc vì cảm động trước những tình cảm mà người lính dành cho gia đình, khâm phục tinh thần quả cảm, bất khuất và kinh ngạc trước sự linh thiêng của linh hồn người liệt sĩ. Dường như trước khi đến chiến trường Quảng Trị, anh Huỳnh đã linh tính rằng sẽ có ngày đất nước ta thống nhất và ngày đó là ngày anh vĩnh viễn nằm lại với đất. Nhưng, anh vẫn khắc khoải, day dứt lỡ mai đây “Nam Bắc sum họp một nhà” thì cũng đừng quên nấm mồ của anh: “Nếu mai đây bạn về chốn cũ/ Tìm giúp tôi người mẹ thương yêu/ Nói với người rằng vì nghĩa vụ/ Đứa con thơ đã thác một chiều”. Bức thư được xem như là bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa được gia đình, bạn bè và đồng đội cất giữ và trao tặng cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị sau 40 năm. Qua thời gian, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành phục chế, sao lại bức thư như nguyên bản và tổ chức hành hương về quê hương Kiến Xương (Thái Bình) để trao tặng lại cho gia đình. Bức thư được liệt sĩ Lê Văn Huỳnh dự cảm về ngày mất của mình. Anh viết ngày 11-9-1972, trước ngày anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày (ngày hy sinh 2-1-1973). 

Ẩn sâu trong 10 trang thư hoen ố màu thời gian ấy là những câu chuyện cảm động của những lời dự cảm về cái chết, ngày ra đi đến với mình, là tình thương gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình và trên hết là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình” mà không chút đắn đo. Bức thư như một thông điệp gửi đến mai sau hãy biết “sống đẹp, sống có ích”, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau.

Phút xúc động bên bức thư thiêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Theo anh Lê Lương Thọ, Trưởng Ban Quản lý Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cho biết, mỗi kỷ vật, mỗi bức thư trong bảo tàng này đều là thấm đẫm trong mình máu và nước mắt của biết bao thế hệ với những số phận nghiệt ngã cuộc đời dù đi qua chiến tranh, đi qua bao lần sinh tử. Bức thư của chàng tân kỹ sư, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã được đồng đội tìm thấy trong ba lô ngày anh hy sinh, được gia đình cất giữ đến tận hôm nay. Năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Quảng Trị, bức thư được gia đình trao tặng cho Bảo tàng. Năm 2012, sau thời gian phục chế, sao bản thành công, Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đã trao trả lại cho gia đình.

Lá thư thiêng dự cảm về ngày ra đi

Mở đầu bức thư anh linh cảm rõ ngày mình sẽ ra đi nên trách mình chưa làm tròn chữ hiếu, đạo con: “Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột... Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời...”. Gửi đến người mẹ hiền hậu nơi quê nhà với tình cảm rất thực của người con phương xa, anh viết: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thỏa mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc”.

Bức thư sau khi được phục dựng rõ nét từng chữ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Trong những dòng di thư, bên cạnh những dòng thư viết vội gửi đến người mẹ già yếu, anh cũng dành tình cảm cho người vợ mới cưới, cho người thân với những gửi gắm, dặn dò tha thiết. Tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt luôn hằn sâu trong tâm thức. Anh nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị khi vừa làm đám cưới với chị Đặng Thị Xơ chỉ 6 ngày. Kể từ đó cho đến nay (2002), chị đã có tròn 30 năm đằng đẵng thờ chồng. Anh viết: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này... Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn...”.

Không những thế, anh còn tiên đoán được ngày mình hy sinh cũng như cái nơi mà anh sẽ ngã xuống, địa điểm đồng đội sẽ chôn cất. Trong bức thư viết trước ngày mất, người chiến sĩ trẻ Lê Văn Huỳnh đã dự cảm chính xác về ngày 2-1-1973 anh sẽ hy sinh. Đây cũng chính là ngày tròn 1 năm kỷ niệm ngày cưới của anh với người vợ hiền Đặng Thị Xơ (quê nhà Thái Bình). Không dừng lại ở đó, sự linh cảm kỳ diệu của bức di thư được anh viết rất chi tiết về ngày mình ra đi. Trong thư anh Lê Văn Huỳnh đã ghi rõ thời gian mất, địa điểm nơi mình hy sinh. Cũng chính nhờ vậy mà mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh sau 30 năm lưu lạc (1972-2002).

Bên trong bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật, kỷ vật của các liệt sĩ đã hi sinh trong 81 ngày đêm khói lửa tại nơi này.

Xuyên suốt bức thư, anh đã nhiều lần nhắc đến ngày hi sinh và nơi anh sẽ nằm xuống. Sau này, hòa bình lập lại, cũng nhờ bức thư này đồng đội, người thân đã tìm thấy hài cốt anh nằm “ẩn mình” bên dòng sông Thạch Hãn. Anh vạch đường và kể khá tỉ mỉ về nơi mình sẽ yên nằm sau này: “Khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh... Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng!”.

Tôi chưa có dịp được gặp người mẹ và người vợ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ngoài đời, nhưng tôi vẫn có thể tưởng tượng được hình ảnh người mẹ đợi con, vợ đợi chồng nhuốm lên dáng người hanh hao, khô gầy và đôi mắt buồn thăm thẳm, nỗi buồn khắc khoải chờ mong mấy chục năm dài đằng đẵng của 2 người phụ nữ nơi quê nhà ấy. Anh Lê Lương Thọ hồi tưởng lại ngày anh cùng đồng nghiệp của Bảo tàng về quê hương Thái Bình trao lại bức di thư của anh Lê Văn Huỳnh: “Mỗi lần nhớ chồng, chị Xơ lại đem bức thư ra đọc và không biết bao lần chị đã thức trắng đêm khóc vì nhớ thương... như là một kỷ vật vô cùng thiêng liêng. Chị từng tâm niệm: “Anh Huỳnh hy sinh, đó là nỗi đau lớn nhưng tôi vẫn tự hào về một người chồng đã hy sinh góp phần cho độc lập tự do của Tổ quốc. Về những gì anh đã viết trong bức thư. Vì vậy, tôi tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản!”.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã trở thành sức mạnh giúp hai mẹ con chị Xơ vượt qua mất mát, đau thương và những khó khăn của cuộc sống, để vững vàng kiên trinh. 40 năm đã qua đi kể từ khi anh hy sinh, chị Xơ như một con thoi, cần mẫn “dệt” những niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào nỗi đợi chờ. Và rồi, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh sau mấy mươi năm nằm lại đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà - xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đài tưởng niệm những sinh viên - chiến sĩ đã hi sinh trong 81 ngày đêm khói lửa năm 1972.
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, dẫu bom đạn có thể giết chết sinh mệnh con người nhưng không thể tiêu diệt được ý chí những người chiến đấu vì một lý tưởng đã chọn cho dân tộc được hòa bình. Hàng ngàn người đã ngã xuống, xương máu đã lẫn vào đất, vào sông, hóa thành cây cỏ, thành phù sa bờ bãi. Vì thế mỗi người hôm nay thấm hơn sự hy sinh cao cả của quân dân Quảng Trị cùng biết bao chiến sĩ trên mọi miền đất nước. 
Minh Ngọc - Văn Út
.
.