Ngăn COVID-19 ở biên giới Tây Nam

Thứ Bảy, 05/06/2021, 16:14
Suốt 2 tháng qua, Công an các huyện biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), Bến Cầu, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và Đức Huệ (tỉnh Long An) luôn phải căng mình chống dịch COVID-19, ăn ngủ tại chốt, tuần tra xuyên đêm, vừa đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn, vừa tham gia chống dịch...


1. Tôi đến Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vào một ngày trung tuần tháng 5. Đã hết giờ hành chính từ lâu nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn đang miệt mài tổng hợp dữ liệu về công tác kiểm soát tình trạng xuất nhập cảnh trái phép được chuyển lên từ công an các xã biên giới.

Sẩm tối, tôi theo Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm - Phó Công an huyện xuống xã Lộc An kiểm tra địa bàn. Con đường lô qua những cánh rừng cao su đã bị xe ben, xe tải cày nát khiến chiếc bán tải vật vã vượt qua những “ổ voi” lồi lõm trên mặt đường. Vừa gặp, Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong, Trưởng Công an xã Lộc An, bảo ngay: “Giờ mình đi đường biên”. Anh Phong đưa cho tôi đôi dép Lào và bảo cất giày. Sau khi bôi kem chống muỗi lên mặt, cổ và những chỗ hở trên cơ thể, đội mũ bảo hiểm có gắn đèn, tôi leo lên xe máy một anh công an viên đang chờ sẵn trực chỉ hướng bờ sông Măng, là đường phân định biên giới tự nhiên giữa xã Lộc An và huyện Sanuol, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia.

Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ đội Biên phòng băng rừng trong đêm ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.

Từ 0h ngày 1-4-2021, tất cả anh em Công an xã Lộc An phải trực 24/24h tại 6 chốt dọc tuyến. 43% dân số trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, họ thường tập trung vào công việc nương, rẫy, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, vì thế anh em công an xã phải xuống gõ cửa từng hộ dân hướng dẫn phòng dịch, đồng thời vận động bà con ký cam kết không qua lại biên giới nhằm tránh bị lây dịch bệnh. Đặc biệt, đối với đồng bào STiêng, Khơ Me thường có mối quan hệ họ hàng, thân tộc với nhiều hộ gia đình bên Campuchia, cán bộ  yêu cầu đồng bào gọi điện nhắc nhở người thân ở tại chỗ, trường hợp đặc biệt hãy về nước nhưng phải qua cửa khẩu Hoa Lư để làm thủ tục cách ly theo đúng quy định.

Cũng như Lộc An, Lộc Hòa cũng là xã biên giới và có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Để quản lý tốt địa bàn, anh em từ công an chính quy cho đến công an viên bán chuyên trách đều phải tự học tiếng của một dân tộc để có thể nói chuyện cơ bản vận động bà con.

Trung tá Hoàng Lê Trung, Trưởng Công an xã  Lộc Hòa, lấy xe máy chở tôi lao vun vút trên con đường giữa bạt ngàn rừng cao su. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải xuống xe, dắt bộ đi vòng vào rẫy cao su để tránh những đoạn đường lầy lội. 

Tôi hỏi sao không ra tuyến biên giới, anh Trung cười bảo: “Đây là đường tuần tra biên giới đấy, đoạn chạy qua xã dài 12km, toàn rừng cao su, chỗ nào cũng có thể là lối mở, chỉ cần hơn chục bước chân là qua lại biên giới hai nước. Công an xã phối hợp với biên phòng và bộ đội địa phương lập 8 chốt dọc tuyến và 2 tổ tuần tra lưu động, mỗi ngày thực hiện ít nhất 2 chuyến vào sáng sớm và đêm khuya”. Đi tuần tra trong rừng nên anh em thường phải đối mặt với tai nạn. Trung tuần tháng 3,  đang tuần tra ở tuyến biên giới, đến đoạn dốc Cây Me thuộc ấp 4 thì một thành viên trong tổ bị rắn hổ mang mổ vào chân. Dù được đưa đến trung tâm y tế xã cấp cứu nhưng sau đó vết thương bị hoại tử, anh này phải  chuyển viện điều trị hơn một tháng trời...

Đến cửa rừng đặc dụng, chúng tôi phải bỏ xe gắn máy để lội bộ. Khi cách bìa rừng chừng 500m, anh Trung dang tay ra hiệu cho cả tổ dừng lại. Lia đèn pin sang phía phải của ngầm, anh hô lớn: “Ai... Ai đấy? Bước ra trình diện ngay...”. Sau vài phút tĩnh lặng, một người đàn ông trung niên run rẩy bước ra. Đến trước mặt anh Trung, ông thều thào: “Mình sang Campuchia chăm cha bệnh nặng, cha mới qua đời, nay quay về nhưng không có tiền đi xe qua khẩu chính nên phải lội theo đường mòn. Biết phải cách ly phòng dịch nên ngồi chờ...”.

Sau khi kiểm tra nhanh danh sách, xác định chính xác đây là người địa phương, Trung tá Trung điều ngay một công an viên về chốt lấy gói mì tôm, chai nước mang đến cho người đàn ông ăn tạm, sau đó nhờ biên phòng làm thủ tục nhập cảnh rồi gọi cho cán bộ y tế địa phương đến kiểm tra thân nhiệt và đưa đi cách ly tập trung.

Những câu chuyện như thế không hiếm ở vùng biên giới này. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Lộc Ninh đã phát hiện 16 vụ xuất, nhập cảnh trái phép, đưa 54 người, trong đó có 12 người Trung Quốc, 3 người Campuchia và 39 người Việt đi cách ly tập trung theo quy định.

Công an huyện Đức Huệ, tỉnh Long an quyết tâm không để tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua cánh đồng biên giới.

2.Cũng như Lộc Ninh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh là huyện biên giới với hàng chục cây số đường biên chạy dọc các xã Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Thuận, Long Khánh và Long Phước. Đứng ở chốt 19 nằm cạnh cột mốc phụ số 170/5 thuộc xã Lợi Thuận, tôi có thể nhìn thấy thành phố Ba Vét của Campuchia với hàng trăm lốc nhà cao tầng, hàng chục casino, hàng chục ngàn người đa quốc tịch.

Trước kia, các xã biên giới là điểm nóng về buôn lậu, từ khi bùng phát dịch bệnh, ngoài chống buôn lậu, Công an huyện Bến Cầu còn thêm nhiệm vụ chống người nhập cảnh trái phép. Hiện, huyện Bến Cầu lập 39 chốt chính và 117 chốt phụ chặn dọc theo chiều dài 31,5km đường biên cùng 3 tổ tuần tra độc lập. Cứ 0,8km là có một chốt phòng, chống dịch, giữa 2 chốt còn có thêm 3 chốt phụ. Toàn bộ 39 chốt chính và 117 chốt phụ đều nằm giữa cánh đồng. Trong mỗi ca trực đêm, các thành viên phải liên tục lội ruộng dọc tuyến biên giới cho đến khi giáp mặt thành viên ở chốt kế tiếp thì quay lại và cứ như vậy cho đến khi trời sáng.

Hôm tôi đến, mới 10 giờ sáng đã nắng “nung người” nhưng thời tiết ở đây rất thất thường, có hôm nắng cả ngày, đến chiều lại mưa tầm tã, vì thế suốt những tháng qua, với những người trực chốt, ngoài việc căng mình chống dịch còn phải chiến đấu cả với thời tiết.

Công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh trực bảo đảm an ninh trật tự 24/24 giờ tại khu cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Nhớ lúc đến Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, bữa cơm trưa của anh em trực chốt chỉ có vài con cá khô, đĩa rau luộc..., ngồi ăn mà mồ hôi đầm đìa. Nơi này trước vẫn cấp cứu những ca bệnh nặng của người dân Campuchia ở dọc tuyến biên giới vì phía bạn chưa có bệnh viện. 

Từ khi bùng phát dịch bệnh, trung tâm y tế đã được chuyển thành bệnh viện dã chiến để vừa làm nơi cách ly tập trung, vừa điều trị những trường hợp nhập cảnh dương tính trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, đỉnh điểm có lúc tiếp nhận đến 13 ca dương tính với dịch bệnh COVID-19 như vào ngày 6-4 vừa qua. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn người bị cách ly và thân nhân của người nhiễm bệnh được giao cho Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Bến Cầu đảm trách. Anh em dựng tạm lều bạt sát ngoài cổng làm nơi che nắng che mưa, ăn cơm hộp. 

Từ cuối tháng 3-2020 đến nay, 7 anh em trong tổ phải thay phiên nhau trực 24/24 và nấu ăn tại chỗ để tiết kiệm thời gian. Mỗi ngày một người chỉ được tranh thủ về trụ sở công an huyện 1-2 tiếng đồng hồ để tắm giặt. Có anh dù vợ sinh con đầu lòng nhưng không thể về, mãi đến giữa tháng 4 vừa rồi lãnh đạo đơn vị mới bố trí cho về thăm nhà được 1 ngày.

3. Từ huyện Bến Cầu, tôi vòng về huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, cũng là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn lậu và nhập cảnh trái phép.

Nghe tôi nói muốn ra chốt ngoài đường biên, Trung tá Nguyễn Hoàng Châu, Trưởng Công an xã Mỹ Quý Tây đồng ý ngay và cười bảo rằng: “Ra đường biên là phải lội sình đấy, chứ không có đường đâu”.

Chốt phòng, chống dịch nơi tiếng sét tạt ngang trước mặt.

Sau gần một giờ vượt qua đoạn đường sình lầy, chúng tôi đã đến được điểm chốt nằm dưới vài cây tràm giữa cánh đồng, cách cột mốc 189 chỉ hơn 50 mét. Nhưng, vừa ngồi được vài phút thì mây đen ùn ùn kéo đến vây kín bầu trời, rồi bất ngờ một tiếng nổ đinh tai kèm theo tia lửa điện phóng xuống xẻ đôi một cây tràm ngoài ruộng, trước mặt chốt. Tất cả đứng bật dậy, Trung tá Nguyễn Hoàng Châu kéo tôi kéo chạy về phía căn chòi trống của người chăn vịt cách chốt vài trăm mét. 

Trung tá Châu kể rằng dịp giáp tết, do trời nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có lúc lên gần 40 độ C nên anh em dựng lều bạt dưới lùm cây tràm giữa đồng cho mát. Bây giờ là đầu mùa mưa, sấm, sét nhiều, mà gò đất dựng chốt là điểm cao nhất ở đây vô tình lại trở thành cột thu lôi. Lường trước sự nguy hiểm, anh em đã dựng một căn chòi khác có gắn chống sét để làm chốt ở khu đất thấp hơn nhưng bận quá nên phải vài hôm nữa mới hoàn tất. Trước hôm tôi đến một ngày, cũng ở góc ruộng này, sét đánh chết một con trâu của nhà dân.

Rời chốt ở mốc 189, chúng tôi theo con đường tuần tra biên giới hướng đến xã Mỹ Thạnh Tây. Hôm trước tết chúng tôi đi vẫn còn nhiều đoạn ngập nước, nay đã được trải lớp đá dăm khá phẳng. Đường đẹp đi thì thích nhưng với anh em trực chốt lại thêm vất vả vì chống buôn lậu thuốc lá. Dù dịch bệnh nhưng các nài thuốc lá lậu vẫn liên tục hoạt động. Từ khi có đường đẹp, các nài sử dụng xe gắn máy độ nòng ém sẵn trong bụi cây rồi bất ngờ phóng ra tạt đầu xe của anh em tuần tra để cho những “nài” thuốc lá hoặc người nhập cảnh trái phép tẩu thoát vào nội địa. Thấy tình hình căng quá nên từ trước tết đến giờ, anh em thống nhất thực hiện ăn nghỉ tại chỗ. Ai ở địa phương thì mỗi tuần được nghỉ buổi sáng Thứ bảy hoặc Chủ nhật, ai ở xa thì một tháng được về nhà một lần nhưng cũng chỉ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều phải có mặt. 

Có trường hợp một công an viên ở tỉnh xa, đang cao điểm phòng, chống dịch thì ông nội qua đời. Là cháu đích tôn nên theo phong tục phải xin phép về để chịu tang và đơn vị cũng đã cố gắng bố trí thời gian nhưng sau vài giờ suy nghĩ, cậu ta gọi điện thoại về nhà xin lỗi cha mẹ, họ hàng rồi bảo: “Anh Châu cho em ăn nằm ngoài chốt luôn. Hết dịch cho em nghỉ phép vài ngày về tạ lỗi trước vong linh ông nội sau...”.

Những ngày này, dịch bệnh vẫn diến biến phức tạp, để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ những người nhập cảnh trái phép, hằng ngày đang có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ căng mình trên các tuyến biên giới để chống dịch ngay từ nơi phên giậu của Tổ quốc.

Đức Cương
.
.