Những bóng hồng bám biển

Chủ Nhật, 20/03/2016, 20:20
"Dân đảo không có đàn ông". Đó là câu nói vui của nhiều du khách khi có dịp đến tham quan huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tuy hơi quá nhưng cũng đúng phần nào đối với thực tế nơi đây: Trai tráng đi biển tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa cả tháng mới về, những người có điều kiện học hành, làm ăn thì tập trung ở các thành phố lớn, còn lại là người già, con nít và những phụ nữ ngày đêm trông ngóng chồng con trở về.

Sinh ra, lớn lên từ mồ hôi cha mẹ và vị mặn của biển, những "bóng hồng" ấy đến lượt mình cũng lặn lội với đủ thứ nghề bám biển mưu sinh.

Xuống rạn cuốc rau

Mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc mấy chục chị em phụ nữ ở xã An Hải, An Bình, huyện đảo Lý Sơn lục tục kéo nhau ra biển "cuốc rau". Hành trang mang theo rất đơn giản: một chiếc liềm, một cái rổ và cái bao tải được xếp gọn gàng. Họ bắt đầu một ngày bán mặt cho biển, bán lưng cho trời để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Dọc bờ biển đảo Lý Sơn được thiên nhiên ban tặng những rạn san hô với cơ man là rong biển. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây bắt đầu khai thác loại thực vật biển giàu chất dinh dưỡng này, chỉ biết đây là nguồn thu nhập đáng kể của một bộ phận dân đảo tự bao đời nay. Họ quen gọi rong biển là rau, và hái rong biển là cuốc rau với những cái tên rất dân dã: rau câu, chân vịt, rễ tre, rau đông, mơ trứng chuồn…

Công việc cuốc rau mới nghe qua có vẻ cực nhọc nhưng thực ra cũng không đến nỗi. Chị em chỉ việc dùng liềm nạy những gốc rong biển bám trên san hô, đi đến đâu kéo rê chiếc rổ theo đó, khi đầy rổ thì đổ vào bao. Cứ thế đến khoảng 11 giờ trưa sẽ có một bao tải đầy, đội về giao cho thương lái, kết thúc một ngày bám biển.

Một góc huyện đảo Lý Sơn.

Giá rong biển hiện tại dao động khoảng 7-15 ngàn đồng một ký tươi và từ 30-70 ngàn đồng một ký khô tùy theo loại, trong đó rau chân vịt lúc nào cũng có giá cao nhất. Khi đội rau về, đa số chị em bán thẳng cho tư thương, nhưng cũng có nhiều người về ngâm rửa sạch sẽ, phơi đến chiều mới mang đi bán. Và phải chịu khó như vậy sẽ được giá hơn. Từ sáng đến trưa, trung bình mỗi người cuốc được 40-50 ký tươi, tương đương với 8-12 ký khô. Tính ra bình quân thu nhập mỗi người tương đương 150-250 ngàn đồng một ngày.

Thấy tôi thắc mắc với công việc thu nhập khá như vậy, sao không làm thêm buổi chiều, chị Nguyễn Thị Hai, một phụ nữ thâm niên "cuốc rau" hơn 40 năm giải thích: "Thấy vậy chứ không nhẹ nhàng gì đâu, phải ngâm chân trong nước, phơi mình dưới nắng đến 4, 5 tiếng đồng hồ, ai mà chịu nổi. Rồi còn bị đá cứa, vỏ ốc đâm. Vả lại nghề này phụ thuộc vào thủy triều. Từ giờ đến hết tháng 3 âm lịch thì khoảng 11 giờ đêm nước triều rút, rau lộ thiên trên gành, đến chừng 11 giờ trưa thì nước dâng, rau ngập trong nước sao cuốc được. Cũng có vài người họ ham làm, cuốc tới 2-3 giờ chiều, nhưng phải hụp lặn dưới nước, thêm chẳng được bao nhiêu. Về nghỉ cho khỏe, với lại còn lo chuyện nhà cửa rồi phụ chăm mấy đứa nhỏ nữa. Từ tháng 4 đến tháng 8 nước triều rút lúc 12 giờ trưa, chị em tụi tui lại cuốc rau buổi chiều".

Hằng năm từ tháng giêng đến hết tháng 8 âm lịch là "mùa vàng" của những người làm nghề hái rong biển. Đây là lúc nắng nóng, trời êm biển lặng, rong biển nổi lộ thiên, tha hồ mà hái. Đến tháng 8, thủy triều dâng cao, bắt đầu mùa gió nên biển động, những rạn san hô ngập sâu trong nước biển, cao quá đầu người. Đây chính là khoảng thời gian để các loại rong biển hồi sinh, phát triển… chuẩn bị cho một "mùa vàng" năm sau.

Chị Trương Thị Cầm và thùng nhím đỏ "chiến lợi phẩm" sau một buổi bám biển mưu sinh.

Tạm ngừng công việc cuốc rau, chị em dân đảo lại lao vào những công việc khác như đội cát, trồng tỏi, nhổ tỏi, trồng hành rồi nhổ hành… "Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc của hành, tỏi mà. Một năm có một mùa tỏi và ba mùa hành. Chị em tụi tui có công việc suốt tháng quanh năm, chỉ sợ làm không nổi thôi. Ở đây sợ hết sức chứ không bao giờ hết việc", chị Hai cười vui cho biết.

Những nữ thợ săn… nhím biển

Ở đảo Lý Sơn, công việc liên quan đến biển phù hợp với những phụ nữ chân yếu tay mềm khá nhiều. Ví dụ như đi rổi, cào vẹm, cạy hàu, cuốc rau… Đó là những việc tương đối nhẹ nhàng, có thu nhập ổn định nhưng thấp, chỉ phụ nữ và trẻ em mới chọn làm kế sinh nhai, còn thanh niên trai tráng và những người đàn ông khỏe mạnh thì đi biển, giã cào, lặn bắt hải sâm, nuôi tôm hùm… Tuy nhiên, có một nghề đáng lẽ dành cho cánh đàn ông nhưng lại là lựa chọn của các chị em phụ nữ: nghề lặn bắt nhím biển - một loại đặc sản độc đáo của Lý Sơn.

Nhím biển là tên gọi khác của con nhum, hay còn gọi là cầu gai, một loại động vật tương tự như ốc, sò nhưng có gai tua tủa quanh thân, sống thành từng nhóm, bám vào các gành đá vùng ven bờ biển nước ấm, ở độ sâu từ 4 đến 20m. Xung quanh huyện đảo Lý Sơn có rất nhiều nhum mà người dân quen gọi là nhím biển. Có hai loại nhím biển: nhím đỏ và nhím bắn. Muốn bắt được nhím biển, người ta phải lặn sâu xuống đáy, mò mẫm nơi các rạn san hô. Công việc này chỉ phù hợp với cánh mày râu nhưng lại là lựa chọn của một số phụ nữ ở đảo Lý Sơn.

Cũng giống như đi cuốc rau, sáng sớm, những người bắt nhím biển đi thành từng tốp 2, 3 người. Tuy nhiên họ phải bơi thúng ra xa khoảng 2 cây số mới "chấm tọa độ" rồi "thả neo". "Mỏ neo" ở đây chính là người lặn, vì thông thường người lặn phải cột chiếc dây dài vào chiếc thúng, nếu không thúng sẽ trôi mất. Với bộ đồ nghề gồm kính lặn, một móc sắt dài chừng một mét, một vợt lưới, người bắt nhím biển bắt đầu lặn hụp. Vì không được trang bị bình dưỡng khí, chân vịt và mặt nạ như những thợ lặn chuyên nghiệp, nên những phụ nữ lặn bắt nhím biển chỉ lặn ở mức nước khoảng 2, 3 sải tay, tương đương 3-4 mét.

Phụ nữ Lý Sơn ngâm mình cuốc rau.

Mỗi hơi lặn kéo dài chừng 30-45 giây, trong khoảng thời gian dưới nước, họ lần mò trong những hang hốc, nơi các rạn san hô tìm nhím biển. Mọi động tác phải thật nhẹ nhàng nhằm tránh nước khua động, nhím biển sẽ trốn vào hang sâu. Khi thấy nhím biển, thợ lặn dùng móc sắt khều ra khỏi hang và cho vào vợt lưới. Thông thường, chị em chỉ chọn những con nhím đỏ vì gai ít và dễ bắt, còn nhím bắn thì rất nguy hiểm, hễ thấy động nó liền bắn gai ra rồi bám chặt vào san hô.

Ngoài săn nhím biển những thợ lặn còn bắt các loại ốc sinh sống ở các rạn san hô như ốc nhảy, ốc xà cừ, ốc vú nàng… Giá trị của chúng cũng tương đương với nhím biển. Khoảng 25 con nhím biển lớn bóc ra được 1 ký ruột, nhím nhỏ thì phải 40 - 45 con, có giá 120 ngàn đồng. Trung bình, một ngày chị em kiếm cũng được 450 ngàn đồng, cao hơn rất nhiều so với cuốc rau. 

Tại huyện đảo Lý Sơn ban đầu rất nhiều phụ nữ theo nghề này, nhưng hiện giờ chỉ có khoảng 8, 9 người, trong khi đàn ông chỉ được 2, 3. Vì công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe, phải chịu khó và kiên nhẫn. Trong số 8, 9 phụ nữ đó, có chị Cầm là người được mệnh danh "vua lặn" với thâm niên hơn 35 năm.

Chị Cầm có tên đầy đủ là Trương Thị Cầm, quê ở xã An Hải, huyện Lý Sơn. Chị bắt đầu theo nghề lặn bắt nhím biển khi mới 13-14 tuổi. 20 tuổi chị lấy chồng về xã An Vĩnh và vẫn tiếp tục công việc này. Nay đã 52 tuổi, con cái đều trưởng thành, có cả cháu ngoại, nhưng hằng ngày chị vẫn lặn hụp nơi các rạn san hô. Nhắc đến chị, người dân Lý Sơn không ai là không biết.

Vào những tháng biển động, những phụ nữ chuyên lặn bắt nhím biển chuyển sang công việc trên bờ thì chị vẫn bám biển mưu sinh. Vào mùa nước lớn, biển dâng cao, nhưng cứ ngày 14-18 và 28-4 âm lịch hằng tháng thì nước triều rút, chị Cầm lại vác đồ nghề ra biển. Điều đặc biệt là chị chỉ đi một mình. Thậm chí, mùa đông gió lạnh, nơi xa xa người ta vẫn thấy bóng dáng một phụ nữ lúc lặn xuống khi trồi lên trên biển.

Dân đảo khẳng định chắc chắn một trăm phần trăm đó là chị Trương Thị Cầm. Chính vì vậy mà quanh năm lúc nào chị cũng có nhím biển bán, vào mùa biển động giá lại được cao. Đây chính là nguồn thu nhập nuôi cả gia đình chị hàng mấy chục năm nay.

Hiểm nguy rình rập

Hái rau, săn nhím biển có thu nhập tương đối khá nhưng không phải ai cũng chọn công việc này. Ở Lý Sơn, những phụ nữ có vốn lớn thì mở cửa hàng buôn bán, sắm sửa tàu thuyền cho thuê đi đánh bắt xa bờ hoặc đầu tư nuôi tôm hùm, vốn ít thì đi rổi (chèo ghe, thúng ra các tàu cá mua về bán lại), trồng tỏi, trồng hành… Chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp mới chấp nhận các công việc bán mặt cho biển vì có nguồn thu nhập cao hơn hẳn những công việc tương đương. Họ phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập, những tai nạn nghề nghiệp xảy ra bất cứ lúc nào.

Muốn hái được rong biển thì phải ngâm tay chân dưới nước hàng mấy tiếng đồng hồ. Thế nên bàn tay, bàn chân những chị em làm nghề này đều chai sần, nứt nẻ. Rồi bị đá cứa, vỏ ốc đâm hay say nắng ngất xỉu là chuyện thường ngày.

Rong biển được thiên nhiên ban tặng rất nhiều trên những rạn san hô ở đảo Lý Sơn.

Lặn bắt nhím biển càng nguy hiểm hơn, tai nạn thường gặp nhất là bị nhím bắn phóng gai vào mình gây nhức mỏi, nóng sốt, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Đó là chưa kể đến chuyện bị đẻn cắn, bị hụt hơi, và bất ngờ không kịp trở tay là chuột rút. Có người ham bắt nhiều, bơi ra xa nên bị hụt chân hoặc sóng đập vào gành. Vì vậy chị em thường đi thành nhóm 2, 3 người để hỗ trợ khi gặp sự cố.

Biển luôn bao dung và độ lượng, đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ dân đảo với hình ảnh đàn ông, trai tráng lăn lộn với sóng gió xa khơi, chị em phụ nữ lặn lội đủ thứ nghề nơi ven bờ. Đã nguyện một lòng bám biển, bám đảo thân yêu, dù hiểm nguy cực nhọc thế nào hằng ngày các chị vẫn đi đi về về với những tiếng cười vui vẻ.

Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1992, có diện tích khoảng 9,97 km², dân số hơn 20.460 người. Đảo Lý Sơn gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, còn gọi là cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu, được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ), An Hải và An Bình.

Trên đảo có 3 di tích cấp quốc gia: Đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa), Âm Linh Tự (nơi thờ cúng oan hồn và phối hợp thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa), chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa.

Người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm hùm, trồng hành, tỏi. Nơi đây được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì tỏi có hương vị rất đặc biệt mà không nơi nào có được. Ngoài ra Lý Sơn còn có các đặc sản nổi tiếng như gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn, cháo nhum (nhím biển)…

Từ tháng 9/2014 Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm vượt biển cung cấp điện lưới quốc gia cho hai xã đảo An Vĩnh và An Hải. Tính đến ngày 22/1/2016, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã chính thức cung cấp điện cho 116 hộ dân trên xã đảo An Bình, nhằm nâng cao đời sống của người dân trên đảo, và góp phần phát triển đảo trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng trong tương lai.

Duy Tường
.
.