Những điều trông thấy sau bài viết “Có một làng phong giữa phố”

Thứ Năm, 12/02/2015, 18:25
Cư dân làng phong bộc bạch vì các loại thuốc giảm đau không đủ sức khống chế cơn đau đến tận xương tủy, họ phải dùng dao tự cắt vào da thịt của mình, có khi cắt cứa đến tận xương để hãm những… cơn đau ác quỷ trỗi dậy!

Đó là đúc kết của bác sĩ Trương Thế Dũng - Trưởng đoàn y bác sĩ Niềm Tin khi đến thăm khám và tặng quà cho cư dân làng phong Tam Hiệp (phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).

Qua trò chuyện, tiếp cận với từng cư dân làng phong, bác sĩ Dũng cùng các thành viên trong chuyến đi lặng người khi phát hiện không chỉ mắc chứng bệnh phong quái ác để rồi trở thành người tàn phế với chân tay cụt cùi, 100% người làng phong còn mang trong mình nhiều chứng bệnh tai quái khác.

Kinh khủng nhất là lúc nhiều cư dân làng phong bộc bạch vì các loại thuốc giảm đau không đủ sức khống chế cơn đau đến tận xương tủy, họ phải dùng dao tự cắt vào da thịt của mình, có khi cắt cứa đến tận xương để hãm những… cơn đau ác quỷ trỗi dậy!

Lần đầu tiên có bác sĩ về làng…

Như Chuyên đề ANTG số ra ngày 20/1 đề cập, ít ai biết được ngay giữa lòng thành phố Biên Hòa, chỉ cách TP HCM khoảng 40km có một cộng đồng bệnh nhân bị chứng phong cùi tai quái - căn bệnh từng cướp đi sinh mạng của thi sĩ Hàn Mạc Tử (chết tại làng phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Với gần 100 thân phận bị vi khuẩn Hansen đọa đày, "ăn" đến mu bàn tay bàn chân, sống trong cảnh tàn phế như thế, dù được sự quan tâm của chính quyền địa phương nhưng cuộc sống của người làng phong vô cùng khó khăn.

Để sinh tồn, để có tiền mua thuốc giảm đau, nhiều người phải đi "ăn mày" theo đúng nghĩa đen của cụm từ này, cũng như chỉ còn biết trông đợi vào sự cưu mang của xã hội!

Khi câu chuyện về cuộc đời buồn của cư dân làng phong Tam Hiệp được chia sẻ và lan tỏa, chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều tấm lòng gần xa gửi đến người làng phong.

Sáng 25/1, theo chân Đoàn Niềm Tin đến thăm làng, từ công tác chuyên môn của đoàn bác sĩ, chúng tôi đã phát hiện cũng như ghi nhận nhiều thực tế hãi hùng, đau lòng hơn trước đó.

Các ông Hiền - Thương trong Ban đại diện làng phong sau bộc bạch rằng từ nhiều hôm trước, khi biết các bác sĩ sẽ đến làng, nhiều bà con sung sướng đến không ngủ được.

Bác sĩ Trương Thế Dũng khám bệnh cho cư dân làng phong.

"Hồi nào giờ bà con chỉ gặp bác sĩ ở trạm xá, bệnh viện thôi, còn ở làng thì chưa bao giờ, nhất là bác sĩ ở thành phố. Hồi nào giờ ít ai dám vô làng vì sợ virus “ăn thịt người” nó tấn công" - cụ Biện Văn Sáng, 76 tuổi, một cư dân  "xóm hủi" cho biết.

Cụ Sáng nguyên quán ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 23 tuổi, đang sức trai,  tuổi xuân phơi phới thì phát hiện mình bị bệnh phong, mặc cảm, buồn chán sự đời nên cụ bỏ nhà đi biệt xứ, lưu lạc qua nhiều tỉnh thành, đến nhiều "xó xỉnh có người bị phong để nương tựa nhau" và rồi dừng chân ở làng phong Tam Hiệp này:

"Tôi đến làng vào năm 1977, khi đó mới 38 tuổi. Hồi đó người ta gọi những người như ông là dân cùi, dân hủi, nên xóm này bị nhiều người gọi là xóm hủi chứ không gọi lịch sự là làng phong như bây giờ đâu. Hồi đó người quanh vùng sợ dân xóm hủi lắm. Ai đi qua cũng đi vội, né tránh từ xa vì sợ bị lây. Có khi mưa to, sợ nước ở làng chảy ra lây bệnh, người ta cùng nhau đắp đê ngăn nước" - cụ Sáng tâm sự.

Cụ Sáng trần tình rằng nếu nói về những chuyện khổ đau kiểu như thế thì cụ có thể nói cả ngày vẫn chưa hết chuyện.

Cụ bảo không thể trách người đời được bởi ngay cả người trong cuộc như cụ, lắm lúc nhìn chân tay cứ lở loét không thôi, cụ còn thấy hãi...

Anh Nguyễn Văn Út (45 tuổi), bị vi khuẩn Hansen "gặm trụi tay trụi chân" tiếp lời, vì bị xa lánh và vì tủi thân tủi phận nên suốt thời gian dài, người làng phong sống co cụm với nhau, người lớn sao thì trẻ con cũng vậy. Vì bị cô lập nên bọn trẻ chỉ biết chơi với nhau, lớn lên kết thân với nhau rồi nên duyên chồng vợ...

"Trước năm 2000, trong một chừng mực nào đó, làng phong vẫn còn là thế giới tách biệt. Sau được sự quan tâm, hỗ trợ về y tế như khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường cùng chính sách nên cuộc sống của người làng mới cải thiện dần" - một cán bộ Văn phòng Ủy ban phường Tam Hiệp, chia sẻ.

Đường vào làng phong Tam Hiệp.

Hỏi chuyện nhiều cư dân làng phong về sự trợ giúp của xã hội, họ cho biết thi thoảng cũng có một số đoàn đến thăm và tặng quà. Nhưng đoàn bác sĩ đến tận làng, vào thăm nhà, khám bệnh, tặng thuốc, tặng quà... cũng như  thăm hỏi, lắng nghe từng người trong họ nói về những đớn đau của cuộc đời mình thì đây là lần đầu tiên.

Tự cắt thịt để chống chọi cơn đau...

"10h30 sáng, khi các khâu chuẩn bị hoàn tất, tranh thủ thời gian, tôi cầm một số hộp thuốc gia đình chia sẻ với bà con làng phong.

Thật bất ngờ là các loại thuốc được Đoàn Bác sĩ Niềm Tin soạn sẵn như dầu gió, băng cá nhân, thuốc bổ, thuốc rửa… bà con ai nếu đều rõ rành, nhất là các thuốc kháng viêm và giảm đau.

Cụ Phấn, ngoài 70 tuổi, đôi bàn tay và bàn chân bị vi khuẩn Hansen “ăn” chỉ còn mu bàn tay, chân, nói rằng thuốc giảm đau nhức nào cụ và bà con ở làng đều biết. Bởi khi đau nhức quá, các cụ phải ra tiệm thuốc tây mua thuốc.

Cụ nói người ta làm được tiền thì để dành sắm cái này mua cái kia. Còn ở đây bà con chỉ mua thuốc giảm đau".

Sau chuyến đi thiện nguyện đến với cư dân làng phong Tam Hiệp, bác sĩ Trương Thế Dũng đã đúc kết những điều được anh ghi nhận trong chuyến đi như thế.

Anh tâm sự điều khiến anh cùng các thành viên đoàn Niềm Tin nhói lòng là không phải ai dùng thuốc giảm đau cũng ức chế được cơn đau.

Các cụ làng phong, những người mà các ngón tay ngón chân nếu không bị hoại tử thì cũng bị co rút và lở loét mỗi khi làm việc nặng, nói trời càng trở lạnh thì cấp độ đau đớn càng khủng khiếp. Khi đó các loại thuốc giảm đau chẳng thấm tháp gì.

Sống không được mà chết cũng chẳng xong, vậy là bà con đi đến con đường cuối cùng, tự dùng dao lam cắt vào thịt da để hãm cơn đau lại.

"Cắt vầy mà đỡ hơn đó bác sĩ. Có đau nhưng không đau bằng cơn đau đến từ bên trong xương tủy" - bác sĩ Dũng nhắc về tâm tình của một bệnh nhân tên Vĩnh, 45 tuổi.

Lời của bác sĩ Trương Thế Dũng gợi cho tôi nhớ đến cái lúc mình không đủ can đảm để nhìn thẳng vào chân tay của nhiều bệnh nhân phong.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1954) nói, bà cũng như cư dân ở làng rất sợ những ngày cuối năm. Bà nói thời tiết cuối năm rất lạnh nên người bị bệnh phong càng đau nhức.

"Có uống thuốc giảm đau cũng chẳng ăn thua, nên chỉ còn cách tự cắt vào da thịt. Người nào còn tay thì còn tự cắt tự cứa, bằng không thì nhờ người khác" -  bà Ngọc, nói.

Một bệnh nhân phong khác là ông Lãnh, 57 tuổi chìa đôi tay với các ngón tay bị co rút nói trong nước mắt rằng lỗ đáo cùng những vết chai là cơn ác mộng với bệnh nhân phong.

Nếu như dưới bàn chân xuất hiện lỗ đáo là vết thương nhỏ ăn sâu hóm vào xương chữa mãi không lành, thì trên tay hiển hiện nhiều vết chai. Những vết chai này cứ mọc dày lên, nếu không bị gọt bỏ thì nó sẽ làm mủ, rồi gây lở loét, đau nhức...

Vừa nói ông Lãnh chìa đôi tay đầy vết chai sần bảo nếu khoét kiểu ấy thì tháo bỏ luôn cả hai cánh tay cụt cùi cho khỏe?!

100% mắc đa chứng bệnh

Có chứng kiến cảnh các y bác sĩ tiếp nhận thăm hỏi, khám bệnh, gửi tặng quà, thuốc cũng như tư vấn chu đáo tận tình cho bà con cách dùng thuốc cùng những phương cách vệ sinh, xử lý vết thương, mới thấu được tình yêu thương mà họ dành cho cư dân làng phong.

Các bác sĩ cho biết, ngoài bệnh phong, bà con còn mắc các chứng bệnh khác như thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, tiểu đường, cao huyết áp…

Hỏi sao lại để mắc nhiều bệnh như thế, phần lớn cư dân làng phong cho rằng chỉ đến khi bệnh nặng họ mới chịu bỏ thời gian đến trạm xá, bệnh viện: "Đến trạm xá, bệnh viện là phải chờ phải đợi, mà cái bụng thì không cho phép, cơn đau không cho phép. Nên đau lúc nào thì mua thuốc giảm đau uống lúc đó cho qua cơn thôi" - bệnh nhân phong Kiều Kim Hia, sinh năm 1949, bộc bạch.

Theo dược sĩ Trương Phúc Trinh việc bà con ở làng sử dụng nhiều các loại thuốc tân dược giảm đau, dùng quá liều, dùng bừa bãi như thế là vô cùng nguy hại vì các loại tân dược kia có nhiều tác dụng phụ, làm suy giảm chức năng gan, thận cùng các cơ quan nội tạng khác.

Hỏi có biết được những mối nguy này, ai nấy đều trả lời kỳ thực họ chẳng bận tâm. Thật đau lòng khi có nhiều bậc cao niên ở làng nói đùa mà thật rằng suy gan suy thận với họ chẳng là gì. Cuộc đời sống không bằng chết này, nếu phải chết, với họ là sự giải thoát!

Trời chiều, các thành viên Đoàn Niềm Tin từ biệt người làng phong về lại TP HCM. Nhiều người trong họ ấp ủ về một ngày trở lại với bà con để được thêm một lần nữa san sẻ yêu thương với những cuộc đời bị "hung thần" Hansen hủy hoại.

Kết thúc bài viết này, người viết xin được mượn lời nhắn gửi của bác sĩ Trương Thế Dũng về chuyện người làng phong cần lắm nhiều tấm lòng, vòng tay nhân ái: "Người làng phong đang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, họ cần có đường, sữa, gạo, nhu yếu phẩm và thuốc giảm đau ít gây tác dụng phụ…

Từ Sài Gòn đến với làng chỉ 40 cây số, nên tôi mong các bạn gần xa đừng vì sợ vi khuẩn Hansen, mà quên họ. Ai cũng biết bệnh phong không phải là bệnh truyền nhiễm. Không phải là căn bệnh đáng để ghê sợ. Có ghê sợ chăng là ở thái độ của chúng ta, vì quá lo nghĩ đến bản thân mà quên đi, hay lạnh lùng với những cuộc đời cần san sẻ!".

Bích Kiều
.
.