Những người làm nên thương hiệu An ninh thế giới

Thứ Sáu, 19/12/2014, 07:30
Vào một buổi chiều thu 3 năm về trước, tôi nhận được điện thoại của anh Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập Báo CAND: “Chú mang máy ảnh sang phòng bác Hữu Ước nhá. Có sự kiện hay cho chú đấy!”. Tại tầng 2, tòa nhà 100 Yết Kiêu (Hà Nội) hôm đó, diễn ra cuộc gặp mặt đầm ấm giữa những người làm nên thương hiệu ấn phẩm ANTG và Văn hóa - Văn nghệ Công an (VH-VNCA). Các vị khách gặp gỡ nhau ngay tại “Bảo tàng mini” của Báo CAND, nơi trưng bày chiếc xe máy Angel đời đầu, chiếc thùng tôn và một máy điện thoại. Đây là những tài sản giá trị nhất của Tạp chí VH-VNCA gần 20 năm về trước.

Cuộc gặp diễn ra đầm ấm như một buổi tọa đàm. Các vị khách ngồi trên bộ sofa từng được sử dụng thuở ban đầu của Tạp chí VH-VNCA…

Thời gian trôi qua, cùng với sự ra đời của Chuyên đề ANTG và sự thay đổi về tổ chức, đến nay, Báo CAND đã trở thành một "tổ hợp báo chí" lớn, với những ấn phẩm như: Nhật báo CAND, ANTG tuần, ANTG cuối tháng (giữa tháng), Cảnh sát Toàn cầu tuần (tháng), CAND online, Văn nghệ Công an (VNCA).

Cả chủ và khách đều là những gương mặt quen thuộc với công chúng gồm Trung tướng, nhà văn Hữu Ước; các nhà văn, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Xuân Ba, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Thị Thu Huệ. Với niềm xúc động khó tả, họ trân trọng lần giở những trang báo đã nhuốm màu thời gian, do chính họ làm ra gần 20 năm trước…

Sau khi xem lại vài tập báo cũ được lưu giữ cẩn thận, nhìn ngắm những đồ vật quen thuộc được trưng bày, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người đầu tiên mở lòng mình. Vẫn cái giọng đều đều như kể chuyện đầy sức thu hút, nhà thơ của "Góc sân và khoảng trời" bồi hồi nhớ lại: Thoáng thế mà đã hơn 10 năm rồi, bây giờ Báo CAND (với những ấn phẩm chuyên đề như ANTG, Cảnh sát Toàn cầu (CSTC), Văn nghệ Công an…) đã trở thành một "tập đoàn" báo chí mạnh nhưng thuở ban đầu thì gian nan lắm, có thể nói là đặc biệt khó khăn, vất vả. Nhà văn Hữu Ước mời chúng tôi tham gia làm tờ Tạp chí VH-VNCA.

Tôi vẫn nhớ trụ sở của Tạp chí VH-VNCA khi đó là một căn phòng nhỏ ở số 70 Trần Quốc Toản (mượn được một cái kho của Văn phòng đại diện Báo CATP HCM tại Hà Nội), giống như một cái phòng tắm. Trong phòng có bộ sofa mà chúng ta đang ngồi đây, một chiếc quạt cây MD, một điếu cày, một thùng sắt… Căn phòng nhỏ lắm, đến độ nhỡ nhiều khách mà bật quạt thì người phải ngồi ra ngoài…

Ngay cái tên tờ báo khi đó, chúng tôi bàn bạc mãi. Nhiều ý kiến cho rằng, đã có Văn nghệ Quân đội, thì tại sao không gọi nó là VNCA? Cuối cùng, anh Hữu Ước gút lại, nên mở rộng lĩnh vực để có sự phổ cập, thu hút được nhiều cộng tác viên và bạn đọc; vì thế mới đặt tên là VH-VNCA…

Ngay từ đầu, anh Hữu Ước đã có ý định cho ra đời một chuyên đề của VH-VNCA; đây là một ý tưởng rất sáng suốt, có tầm nhìn xa. Và nhờ vậy, chúng ta có tờ ANTG như ngày hôm nay… Chúng tôi tuy có tên trong Hội đồng Biên tập, nhưng hầu hết mọi việc do anh Hữu Ước làm. Từ tờ Tạp chí VH-VNCA, đã có thêm một số ấn phẩm chuyên đề ra đời. Tờ báo ngày càng trẻ, còn chúng tôi ngày càng già… Như anh Xuân Ba và anh Nguyễn Quang Thiều đây - nhà thơ Trần Đăng Khoa chỉ vào hai vị khách, khi đó cũng trẻ lắm, vậy mà giờ thì bạc cả râu lẫn tóc.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn nhớ đến từng chi tiết về chiếc thùng tôn mà nhà văn Hữu Ước, vừa là người lo nội dung, vừa làm trị sự, mang về "trụ sở": "Chiếc thùng thì cũ, nhưng anh Ước mua một chiếc khóa to loại tốt, sáng loáng. Khi tôi đến, anh mở khóa nghe đánh tách một cái, bên trong có tới… 5 ngàn đồng"! Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tổng kết, tôi tham gia khá tích cực, viết nhiều bài; tới nay đã đóng góp tới hơn 100 bài về sân khấu, điện ảnh… Nếu đánh giá thì tôi cho rằng, ở Tạp chí VH-VNCA, chất Công an và văn nghệ hòa vào nhau vì cái đẹp, vì cái thiện.

Trong Hội đồng Biên tập Tạp chí VH-VNCA thuở ban đầu, nhà báo Xuân Ba được giao mảng ghi chép, phóng sự. Không nói về phần việc của mình, nhà báo Xuân Ba kể một kỷ niệm thú vị: Sáng hôm ấy, anh Hữu Ước đến gặp tôi và bảo: "Ông đi với tôi có việc". Hai anh em tôi lên Trung tâm Tràng Tiền, la cà ở các quầy báo xem bạn đọc thích mua tờ nào, thích chuyên mục nào, hỏi họ vì sao lại thích như vậy… Đấy là những việc rất cụ thể, rất có tầm của một nhà quản lý, lãnh đạo báo chí sắc sảo. Anh Hữu Ước nhận thấy, bạn đọc biết ngoại ngữ rất thích mua báo nước ngoài đọc các mảng tư liệu, những chuyện bí mật lịch sử dần được hé lộ… Có lẽ vì vậy mà về sau, tờ ANTG đã đảm trách rất tốt việc này, được bạn đọc tin yêu.

Là vị khách nữ duy nhất trong buổi gặp mặt và cũng là thành viên nữ duy nhất trong Hội đồng Biên tập Tạp chí VH-VNCA gần 20  năm về trước, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhắc lại những kỷ niệm sẽ còn mãi lắng đọng với chị. Điều trân trọng nhất, theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, là cái tâm, cái tài, cái tình của anh Hữu Ước với mọi người. Hầu như các nhà văn, nhà báo tên tuổi đều đến với Tạp chí VH-VNCA và sau là Chuyên đề ANTG. Lúc đó Tạp chí VH-VNCA còn rất khó khăn, nhuận bút thấp, nhưng vẫn thu hút, quy tụ được mọi người. Không ít người đến mà không có tác phẩm, chỉ để đàm đạo, hút thuốc lào, uống rượu và họ nhận thấy nơi mình đến thật ấm áp, chân thành, cầu tài.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước và các nhà văn, nhà thơ trong cuộc gặp mặt tại Hà Nội (tháng 11/2011). Ảnh: Duy Hiển.

Nói về những kỷ niệm làm tờ ANTG cuối tháng (sau thêm số giữa tháng), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: Khi tờ ANTG hằng tuần đã có vị thế lớn, anh Hữu Ước quyết định làm một tờ báo sang trọng hơn và chúng tôi đã giúp anh thực hiện quyết định đó. Đến nay, tờ ANTG cuối tháng (giữa tháng) vẫn giữ vị trí đáng nể trong vô vàn các ấn phẩm báo chí…

Là người được giao nhiệm vụ phụ trách Chuyên đề ANTG tuần và ANTG cuối tháng (giữa tháng), nhà thơ Hồng Thanh Quang đồng tình với các ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cho rằng, tờ báo đã diễn đạt, chuyển tải được tư duy, cảm xúc, nhịp đập của xã hội. Theo nhà thơ Hồng Thanh Quang thì, bản thân anh và những người làm Báo CAND, luôn cùng vui, cùng hạnh phúc, đau đáu với từng số báo...

Khi tôi viết những dòng này thì nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang vừa nhận quyết định chuyển ngành (từ 16/10/2014), sang làm Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết. Buổi chia tay anh khá bùi ngùi, dù trụ sở tòa soạn mới của anh chỉ cách tòa soạn Báo CAND khoảng 1,5 km. Bao tình cảm trân trọng, dồn nén khó nói thành lời. Chúng tôi nhớ về anh như một nhà báo, một nghệ sĩ tài hoa gắn bó tận tụy, tâm huyết với Báo CAND suốt hơn 10 năm qua; như anh từng tâm sự: "Đêm ngủ cũng nghĩ về tờ báo, có những giấc mơ ám ảnh về tờ báo CAND"…

Một trong những người gắn bó, "cúc cung tận tụy" với Chuyên đề ANTG là nhà báo Nguyễn Như Phong, từ đầu năm 2011 đã chuyển sang Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm Tổng biên tập Báo Năng lượng mới. Với thế hệ đàn em như chúng tôi cũng như trong làng báo đương thời, anh là một nhà báo lớn, chỉ biết đến công việc, vô cùng say đắm và yêu nghề. Bạn đọc hẳn không thể quên những phóng sự sắc sảo, ăm ắp chi tiết "độc", góc nhìn nhân văn và lối hành văn chỉ có ở Nguyễn Như Phong. Anh luôn nghiêm khắc với bản thân và với phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Nữ nhà báo Đặng Huyền (hiện là Phó ban Chuyên đề ANTG), một cây bút sắc sảo, từng ví Nguyễn Như Phong như "bà mẹ chồng khó tính". Trong một tâm sự mới đây trên mạng xã hội, nhà báo Đặng Huyền chiêm nghiệm: "Tính đến ngày “mẹ chồng” (nhà báo Nguyễn Như Phong - PV) rời ANTG để về làm Tổng Biên tập tờ Năng Lượng Mới, mình đã làm việc dưới trướng của "mẹ chồng" chẵn 12 năm, trong đó có 9 năm làm PV. Đó là 9 năm mình phải làm dâu thực sự. "Mẹ chồng" khe khắt đến cả chuyện tại sao mày đi phỏng vấn mà chỉ mang theo có 1 cây bút, nếu bút hết mực thì mày viết bằng tay à?”.

"Mẹ chồng" kiểm tra cả sổ ghi chép của PV và sẵn sàng bắt phạt nếu đi phỏng vấn về mà sổ trắng trơn, chỉ ỷ vào máy ghi âm. Có những chuyến công tác đi miền núi cả chục ngày, trèo đèo lội suối về viết 5 kỳ, cả chục ngàn chữ, nộp bài xong, “mẹ chồng” gọi lên bảo, mày viết khô lắm, về viết lại đi. Viết lại, nộp - “mẹ chồng” vẫn chưa ưng. Lại viết lại nữa. Có loạt bài viết lại đến 3 lần. Lúc ấy, cú điên lên. Đã có lần bảo, thôi, anh vứt đi, em chả tiếc nữa. Nhìn thấy mình mắt ngân ngấn nước, “mẹ chồng” lại mủm mỉm cười, bảo, tốc độ viết như mày, chỉ xoẹt cái là xong chứ có khó khăn gì. Sau này, mình vô cùng biết ơn những ngày ấy, biết ơn sự khe khắt của “mẹ chồng”. Bởi nếu không thì mình không bao giờ được như hôm nay".

Nhà báo Nguyễn Như Phong đã chia tay Báo CAND từ năm 2011. Trên cương vị Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới, hiện anh đã bước vào tuổi 60 nhưng bút lực vẫn dồi dào. Có những tối trực muộn làm báo, thấy status Yahoo của anh còn sáng, tôi chào anh và anh em cùng tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời. Anh vẫn tâm huyết, yêu nghề như mấy chục năm qua.

Là Tổng Biên tập, nhưng anh cũng là phóng viên, biên tập viên… Bởi vậy, một tờ báo chuyên ngành hẹp như Năng Lượng Mới vẫn luôn được bạn đọc chú ý, có nhiều tác phẩm khiến dư luận quan tâm. Tôi vẫn học được ở anh những điều bổ ích và vẫn nhớ nhiều điều anh tâm sự như "Mài chữ ra mà… ăn", "Còn viết được thì phải viết"…

Là người "khai sơn phá thạch" nhưng trong cuộc gặp gỡ hôm ấy, nhà văn Hữu Ước khi nhớ lại những ngày đầu gây dựng Tạp chí VH-VNCA và Chuyên đề ANTG, chỉ nói rất ngắn gọn về những người đã đồng cam cộng khổ: "Để có được thành công của tờ báo, tôi rất trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp của cả tập thể, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Phan Quế…".

Trần Duy Hiển
.
.