Nồi cháo “xã hội hóa”

Thứ Ba, 29/06/2021, 21:52
4 giờ sáng, khách đã vãn, tiếng hô "cháo thôi!" kéo mọi người lục tục rời ghế đứng lên, vặn vẹo người, tay che đi những cái ngáp dài. Từ bếp, một nồi cháo gà nghi ngút khói được bê vào.

Anh em trong tổ cấp căn cước công dân lưu động truyền nhau những bát cháo con rồi uể oải húp. Tôi phá tan sự im lặng mệt mỏi bằng câu khen cháo ngon, Thượng tá Cao Văn Hà (Trưởng Công an huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) liền quay sang tôi, mỉm cười rồi nói nhỏ: "cháo xã hội hóa đấy!"

Nỗ lực xuyên đêm

Đưa chúng tôi "mục sở thị" hoạt động cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử của Công an huyện Chi Lăng tại các điểm xã vùng cao, Thượng tá Hà kể đã 3 tuần nay anh không về nhà ở TP Lạng Sơn, bởi ngày nào Ban chỉ huy Công an huyện cũng chia nhau 2 buổi sáng - tối đi đôn đốc, kiểm tra, động viên cán bộ chiến sĩ cố gắng hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ đúng tiến độ, kế hoạch trên giao.

Khuya lắm rồi nhưng khoảng sân rộng của một gia đình ở xã Quang Sơn vẫn tấp nập người ra vào. Hàng ngày bà con bận đồng áng, nương rẫy, đêm về mới là lúc họ tranh thủ đi làm các thủ tục cấp CCCD. 

Lúc chúng tôi đến ước chừng có khoảng 100 người trong quần áo, trang phục của dân tộc Tày, Nùng, đang chờ đến lượt mình. Họ đứng, ngồi phệt xuống sân, rì rầm trao đổi với nhau bằng các thứ tiếng tôi không hiểu. 

Một dãy bàn dài với đầy đủ các thiết bị và nhân sự của dây chuyền làm thủ tục CCCD gắn chíp điện tử từ khâu tiếp nhận hồ sơ hộ khẩu, nạp dữ liệu vào máy tính, in tờ khai đến chụp ảnh, lăn tay… đang hoạt động hết công suất. Anh em trong tổ cấp CCCD đang tập trung cao độ, miệng nói, tay làm, nhưng việc thỉnh thoảng bị ứ lại vì những lý do cực khôi hài.

Loay hoay mất gần 30 phút nhưng Thiếu úy Tuấn vẫn không thể lấy được vân tay của một bà mế chừng 60 tuổi. Số là 2 bàn tay của bà đã chằng chịt những vết sẹo ngang dọc và chai sần đóng cục. Khi bàn tay của bà được giơ lên, tất cả cùng bật cười. 

"Thế này thì máy quét đường vân tối tân cỡ nào cũng chịu chết! Kiểu bàn tay bị gai rừng cào nát, sần sùi đến mức không thể nhận ra đường vân do lao động, nương rẫy…  rất phổ biến nơi đây. Khó khăn này có ở tất cả các đội đi cấp CCCD ở vùng cao" - Thượng tá Hà vui vẻ giải thích.

Tôi đang phân vân chưa biết sẽ phải xử lý thế nào với các trường hợp đặc biệt này thì anh Hà đã "bật mí" rằng với các trường hợp không thể lấy dấu vân tay, cán bộ làm thủ tục phải ghi nhận nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của các ngón tay đó. 

Còn để "đối phó" với những bàn tay da dẻ thô ráp, bong tróc khiến đường vân mờ tịt, anh em đã nghĩ ra cách trước khi lăn tay, bảo người dân ngâm tay vào nước thật lâu rồi kỳ cọ thật sạch cho mềm da.

Tuấn vừa "toát mồ hôi" với bà mế xong thì một người có bàn tay nổi cục topi bởi di chứng bệnh gout tiến đến bên máy quét đường vân. Đứng sau lưng ông lại là chủ sở hữu của 2 bàn tay với các móng dài vài cm thật kỳ dị. 

Giải quyết xong hai vị khách này thì tới lượt một cụ ông được con cháu xốc nách dìu đến. Theo giải thích của người nhà, cụ bị tai biến đã lâu nên đôi cánh tay co quắp đến đáng sợ. Chật vật lắm thì cán bộ này mới đưa được bàn tay ông cụ lên máy quét thu thập đường vân. 

Tưởng đã xong, nào ngờ mỗi ngón tay của cụ lại "ngoảnh" đi một hướng. Xoay xở chừng 20 phút thì việc cũng xong, Tuấn cười trong lúc giơ ống tay áo gạt đi những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên má giữa đêm hè oi ả.

Tuổi trẻ Công an tỉnh Lạng Sơn phát bánh mỳ cho bà con chờ làm thủ tục cấp căn cước công dân.

Ngó sang bộ phận chụp ảnh căn cước, cũng thấy nhiều chuyện vui. Một ông cụ  mắc bệnh Parkinson được hướng dẫn ngồi vào ghế chụp ảnh. "Của đáng tội" người ông cứ run bắn, 2 tay lập cập không thể cố định được, trong khi yêu cầu là phải ngồi nghiêm ngắn để có bức ảnh chân dung căn cước theo đúng quy định. 

Tiếp đến lại là một bà lão chít khăn của người dân tộc Nùng ngồi vào ghế chụp ảnh. Cán bộ hướng dẫn bà chỉnh khăn để hở vành tai. Chỉnh mãi cũng tạm như ý, vừa thao tác bấm máy ảnh trên giá cố định để chụp thì bà cựa quậy, lắc lư khiến vạt khăn lại sụp xuống. 

Bảo bỏ khăn ra thì bà chỉ cười, giải thích một hồi bằng tiếng trong bản, khiến anh em cũng chỉ biết bấm bụng cười. Một ông thạo tiếng, phiên dịch ra tiếng Kinh rằng bà ấy bảo không bỏ khăn ra được đâu, sợ xấu! Té ra ai cũng muốn hình ảnh của mình trong tấm căn cước phải thật đẹp.

 Công việc cứ nối tiếp hết người này đến người khác. Trời về đêm vẫn nực, mồ hôi ướt nhễ nhại trên những bộ Cảnh phục. Nét mệt mỏi đã hằn lên ánh mắt của những chiến sĩ sau nhiều đêm trắng cấp CCCD cho bà con rẻo cao.

 Tiếng máy nổ phát điện vẫn ì ì đều đặn. Chợt có cái cau mày trên trán một nữ chiến sĩ đang ngồi nhập liệu vào máy tính. Máy treo! Cô thở dài. Anh chàng Trung úy làm bên cạnh ghé sang nhìn một lát để đánh giá tình hình rồi bảo "Chạy suốt ngày đêm, nóng hầm hập, không treo mới lạ".

Quãng 4 giờ sáng, sân đã vãn người. Những cái ngáp không cần che đậy lây lan rất nhanh. Vài người đứng dậy, đi lại, vặn vẹo người cho đỡ mỏi. Đó cũng là lúc nồi cháo gà được bưng lên...

Được biết, tại huyện Chi Lăng có hơn 60 nghìn người cần cấp CCCD gắn chíp điện tử. Kế hoạch làm CCCD được triển khai từ 1/3, với "deadline" - (hạn chót) phải xong trước ngày 1/7/2021. 

Để công việc "chạy" đúng tiến độ, Công an huyện đã thành lập nhiều tổ công tác gồm 22 cán bộ, chiến sĩ, lưu động đến tận các xã, điểm xã, thôn bản để cấp CCCD cho bà con. Quân số được tăng cường từ các đội nghiệp vụ khác nhau và huy động lực lượng Công an các xã cùng tham gia.

Hàng ngày các tổ công tác phân công 3 ca sáng -  chiều - tối, thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ, không để máy nghỉ. Mỗi ca làm thủ tục cho khoảng 300 người. Có ngày đêm làm được 1.106 hồ sơ, làm từ 7 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Bởi những nỗ lực cao độ nên khi chúng tôi đến thăm, Công an huyện Chi Lăng đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch.

Kể về những khó khăn trong quá trình cấp CCCD, Thượng tá Hà cho biết, do địa hình miền núi nên việc đến các điểm xã đường đi lối lại rất khó khăn. 

Để tạo điều kiện cho bà con đỡ phải di chuyển xa, tùy điều kiện cụ thể mà tổ chức làm thủ tục tại trụ sở ủy ban, hoặc các tổ công tác lưu động xuống tận các thôn, bản, lựa chọn các nhà dân có vị trí thuận lợi, giáp ranh nhiều thôn để làm, miễn sao có đủ số lượng người cần thiết cho một chuyến đi. 

Để bảo đảm sức khỏe cho anh em, Thượng tá Hà có sáng kiến vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện ủng hộ kinh phí để có nồi cháo gà cho cán bộ, chiến sĩ sau những nỗ lực xuyên đêm cùng bà con dân bản. Nồi cháo "xã hội hóa" mà anh Hà giải thích với tôi lúc trước theo nghĩa như vậy.

Một phụ nữ người dân tộc chụp ảnh làm căn cước công dân gắn chip điện tử.

Quyết tâm về đích

Có thể nói chưa khi nào lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) lại "vất" như hiện nay, bởi cùng lúc họ phải cùng triển khai thực hiện song song đề án thu thập thông tin dữ liệu dân cư và đề án cấp CCCD gắn chíp điện tử. Đây là những công việc mang tính thời sự, cấp thiết với tiến độ "ốp" sát sạt.

Đến Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an tỉnh Lạng Sơn những ngày này thấy vắng hoe, bởi cán bộ đã tăng cường tối đa xuống các địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị triển khai các đề án.

Thượng tá Trần Thị Thu Trang - (Phó trưởng phòng) cho biết, với chức năng thường trực, tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn ban hành các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai 2 đề án nêu trên, đơn vị đã tập trung tối đa về lực lượng, phương tiện cho công tác này. Hàng ngày, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị tỏa xuống các địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra công tác.

Hiện các đơn vị Công an trong toàn tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực rất cao, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch được giao, "về đích" đúng tiến độ. Cả 2 đề án đều đang "chạy" với tốc độ "nước rút" ở tất cả 11 huyện và thành phố Lạng Sơn, với phương châm địa bàn gần, dễ, đông dân làm trước, địa bàn xa, khó, ít dân làm sau. 

Khi chúng tôi đến xứ Lạng, hoạt động cấp CCCD đang diễn ra 24/24 giờ trong ngày và 24/7 ngày trong tuần. Để khuyến khích, động viên bà con đến khai báo, làm thủ tục cấp CCCD, nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo đã được vận dụng. 

Chẳng hạn như chính quyền hỗ trợ kinh phí để mua bánh mỳ, bánh ngọt, nước uống, hạt hướng dương phục vụ bà con trong lúc chờ đợi làm thủ tục. Thậm chí, việc dùng xe ô tô đưa đón công dân đến các địa điểm làm thủ tục, hay cấp CCCD lưu động trên xe ô tô, lập các điểm cấp ở các cụm xã… cũng đã được triển khai ở nhiều huyện… 

Đến nay các thông tin dữ liệu dân cư thu được trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều đảm bảo các tiêu chí: "đúng, đủ, sống, sạch".

Đào Trung Hiếu
.
.