“Phu hàu” giữa biển

Thứ Bảy, 17/07/2021, 08:33
Biển cả đã cho ghềnh đá Hòn Nghệ (Kiên Giang) thứ hàu sữa tuyệt hảo mà không phải nơi nào cũng có được. Tiếng đục đá chìm trong tiếng sóng ràn rạt vỗ bờ, át đi hơi thở nhọc nhằn của những “phu hàu”, một đời lặn ngụp nơi đại dương...


1. 5 giờ sáng, từ chân núi An Hải Sơn (xã Bình An, huyện Kiên Lương) đội quân đập đá tìm hàu, nổ máy đi về bờ biển có hang Giếng Tiên (xã Bình An), rồi nhanh chóng chạy vỏ lãi tới các mỏm đá chênh vênh, các hang đá sâu thăm thẳm để bắt đầu một ngày lao động ngụp lặn giữa biển trời.

Chuyến đi hôm nay, có 3 người, gồm vợ chồng anh Danh Châu - Thị Thanh Dịu và chị Thị Thanh Cẩm (đều là dân tộc Khmer). Đồ nghề xuống biển của họ là một chiếc rìu sắt, một chiếc rổ và một can nhựa có khoét nắp thòng dây ở cổ can rồi buộc vào hông. Riêng chiếc can nhựa, ngoài tác dụng chứa những con hàu nguyên vỏ, còn kiêm phao cứu sinh mỗi khi gặp tai nạn về nước.

“Phu hàu” vắt vẻo trên mỏm đá chông chênh giữa biển để đục hàu.

Là đàn ông, lại có tài lặn ngụp, anh Danh Châu (37 tuổi) chuyên lặn mò những con hàu to nằm sâu dưới lòng biển, bám vào các phiến đá. Có những con hàu nằm lọt vào khe đá, Danh Châu phải lặn đến vài hơi mới đục vỡ được. Ở trên nhìn xuống chỉ thấy hai bàn chân anh chổng ngược lên mặt sóng. Chỗ nào sâu, chỉ thấy mỗi chiếc can nhựa bồng bềnh, còn người không một sủi tăm. Tròn buổi sáng, anh Châu kiếm được khoảng 3kg hàu vỏ, bán ra với giá 25.000 đồng/kg.

Khi mặt trời tròn vành, mặt nước bỏng rát, cũng là lúc “phu hàu” leo lên mỏm đá ăn cơm. Nói là cơm nhưng thực tế chỉ có bánh chưng hoặc bánh cam và chai nước. Anh Châu giải thích, ở biển, ăn cơm sẽ bị gió thổi hoặc sóng đánh cho bay chén cơm, hất tung đồ ăn xuống biển. Vì thế, ăn bánh là tiện nhất. Hơn nữa, trên mỏm đá lởm chởm những vỏ hàu chỉ có thể ngồi xổm, sẩy chân một cái mà bệt mông xuống, lập tức bị hàng trăm “mũi dao” đâm cho tóe máu. Bữa ăn vội vã và chóng vánh, họ chỉ cần no bụng, để có sức xuống nước.

Anh Châu theo nghề đập hàu từ nhỏ tới giờ, cuộc đời của anh đơn giản chỉ biết đến biển và những con hàu. Lấy vợ, sinh con, 200 ngàn tiền bán hàu mỗi ngày không đủ nuôi gia đình, anh dẫn vợ cùng ra biển. Thị Thanh Dịu (30 tuổi) và có 4 năm đập đá cạy hàu sữa. Không kể nắng mưa, dông bão hay những chuyện nhạy cảm của phụ nữ, Dịu cần mẫn, dẻo dai như một lực điền vung búa giữa biển khơi. Một kg hàu sữa bán với giá 150.000 đồng, trung bình mỗi ngày Dịu kiếm được hơn 1kg, thu về khoảng 200.000 đồng. Cạy hàu sữa đòi hỏi sự bền bỉ, nhẫn nại, một con hàu bé bằng đầu đũa thôi nhưng mất đến 2-3 nhát đập, đẽo, moi, móc thì mới lấy ra khỏi vỏ được.

Hàu bám chặt vào các mỏm đá, để lấy được phải dày công đục đẽo.

Hàu bám vào thân đá, trải qua những mùa nước lớn nước ròng, rêu mốc cùng các vi sinh vật ký sinh nên cứng chẳng khác nào đá. Tiếng đập của chị Dịu, từ xa đã nghe choang choác. Âm thanh giữa biển không hề yên ả, tiếng búa đập hàu hòa với tiếng sóng đập đá, tiếng gió rít vào hang sâu, tạo nên một trường phái âm thanh hổ lốn, khó nghe và gây buồn nôn với những người yếu đuối.

Ngày đầu đi làm, chị Dịu cũng bị tình trạng này. Lúc đầu chị nghĩ là do say sóng, sau mới phát hiện, đó là triệu chứng của “say” tiếng ồn. Chị Dịu dùng khăn dày bịt quanh tai để hạn chế. Ngoài “hung thần” tiếng ồn thì vỏ hàu được xem là “vũ khí” sẵn sàng tấn công ba bề bốn phía. Vỏ hàu rất sắc và nhọn, mỏm đá thì càng khủng khiếp hơn, chỉ quệt nhẹ là có thể xây xước da thịt.

Người cạy hàu luôn mặc những bộ quần áo thật dày, đeo đôi găng tay thật cứng và dùng dép tổ ong chắc bền. Tuy nhiên, đồ bảo hộ không thể bảo vệ họ hoàn toàn mà vẫn phải chịu tổn thương da thịt. Những vết xước chằng chịt trên cánh tay, bàn chân của chị Dịu như những đường chỉ, bị ngâm liên tục trong nước biển nên dãn nở ra, lại như rợi rêu biển thâm xì, mốc thếch.

Làm nghề ngâm nước này, những ngày “đèn đỏ”, cánh chị em phải nghỉ. Nhưng, chỉ nghỉ 2 ngày “quan trọng”, còn lại vẫn ra biển đằm mình. “Nước biển rất tốt, chúng tôi ngâm hoài không sao hết, thậm chí còn sinh đẻ dễ dàng”, chị Dịu cười ngượng ngùng chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng thật thà nói rằng, vì ngâm trong nước nhiều nên cơ thể các chị bị bợt và nhăn, da hay bị tróc lở. Cuộc sống quanh quẩn vào việc kiếm hàu, chỉ 2 ngày không đi biển thôi, sẽ thiếu đói nên vợ chồng chị Dịu mải miết ở ngoài biển và quên luôn việc sinh thêm con.

Tay cầm rổ hàu, lưng kéo theo can nhựa làm phao cứu sinh.

Thu nhập từ việc đập hàu phụ thuộc vào con nước lớn nước ròng. Thời điểm nước lớn, các tảng đá chứa hàu bị ngập sâu, người đập hàu phải mò mẫm vất vả mới lấy được một con hàu, thu nhập mùa nước lớn chỉ được 100.000 đồng cho cả ngày trời ngụp lặn. Bù lại, khi nước ròng sẽ để lộ ra những bãi đá trắng hàu, thợ cạy hàu chỉ việc ngồi lên bãi hàu để lấy, thu nhập cao nhất vào khoảng 300.000 đồng.

Hàu thường sinh sản mạnh vào mùa nắng ấm từ tháng 3 đến tháng 8. Bây giờ là tháng 7, việc kiếm hàu tương đối thuận lợi, có thể nói là “mùa ăn nên làm ra” của “phu hàu”. 

2. Nghề vất vả, hiểm nguy nên chỉ có những người không còn sự lựa chọn nào khác mới phải làm công việc này. Chị Thị Thanh Cẩm (35 tuổi) có lẽ là “phu hàu” quen mặt các bãi đá ở Hòn Nghệ này nhất.

Chồng chị Cẩm đi bạn tàu cá ở biển Tây Nam. Chuyến có chuyến không, chị Cẩm gửi con lao ra biển làm “phu hàu” gánh vác kế sinh nhai cùng chồng. Nhà chị theo nghề từ thời ông ngoại, hễ rảnh là đi, làm nhiều thì quen tay, có kỹ xảo rồi thông thạo cả con nước, luồng lạch ở bãi biển này.

Người phụ nữ nhỏ bé, tay thoăn thoắt đập đá tìm hàu, rất thành thục và chuyên nghiệp. Chiếc rổ hàu khi thì đeo ở cổ, khi lại móc trên bờ đá, vòng eo của chị luôn kéo theo can nhựa làm phương tiện cứu sinh lúc sóng đánh ra xa hoặc đi vào vùng nước sâu.

Trên những lớp đá, nếu nhìn bao quát thì sẽ thấy trắng xóa màu hàu nhưng phần lớn chỉ là vỏ. Phải tìm những con hàu có lớp vỏ khít thì hàu mới còn sống để đục. Tay phải cầm dùi chắc, đập mạnh xuống thì mới tách được vỏ hàu. Lấy hết một lượt dưới nước, chị Cẩm lại leo lên mỏm đá đục tiếp. Ngồi trên những mỏm đá nhọn sắc không hề có lấy một điểm tựa và có thể rơi xuống biển bất kỳ lúc nào. Chị Cẩm cho biết, nhiều lần bị sóng đánh làm đổ cả rổ hàu xuống biển. Chị lao xuống vớt được vài con, còn lại tan tác hết, mất tong rổ hàu mà cả ngày hì hục đập, cạy lở toét cả bàn tay.

Anh Châu lặn ngụp cả ngày đập đá tìm hàu.

Chị Cẩm không xem chuyện sóng, gió, rồi trượt chân đổ hàu là tai nạn hay vận xui, bởi đó là quy luật cuộc sống và tự nhiên. Trên đời này không có gì là hoàn hảo cả. Tai nạn là khi gặp một cơn dông lốc kéo theo những con sóng cao vài mét táp vào ghềnh đá, sóng “ngoạm” lấy người đập hàu quăng ra giữa biển. Có đận, chị Cẩm bị sóng đập vào người suýt ngất, may lọt vào một cái rãnh đá, mắc kẹt trong đó. Nặng nhất là lần chị bước hụt vào một cái hố, chấp chới uống đến no nước rồi bị đẩy ra giữa biển mà không hề hay biết. Chị bấu vào chiếc can nhựa cầm cự rồi hô mọi người tới cứu.

Những miểng vỏ hàu bắn lên mắt, nhẹ thì xây xước, nặng thì phải đi bệnh viện gắp ra và điều trị dài ngày. Làm nghề đục hàu, không ai đeo kính cả, mà chỉ bịt một chiếc khẩu trang mỏng che mũi miệng. Giải thích vì sao không bảo vệ đôi mắt, chị Cẩm bảo, đeo kính vào thì không phân biệt được đâu là con hàu, đâu là vỏ hàu, đâu là đá. Với lại, sóng đánh dạt dào, tung tóe thế này thì đeo kính chẳng khác nào đi dưới trời mưa, phía trước mịt mù trắng xóa, cũng lại không khả thi cho công việc. Chị Cẩm may mắn sau nhiều năm làm nghề, đôi mắt vẫn sáng, chỉ vài lần bị xước nhẹ phía ngoài, ít ngày thì hết.

Ngày nào chị Dịu cũng ngâm mình dưới biển vật lộn với đá và hàu.

Thương nhất phải kể đến hoàn cảnh của chị Đỗ Cẩm Hằng, mới vào nghề được hơn 2 tháng thì gặp tai nạn. Chị Hằng người xóm chùa Hang, có thời gian làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, sau vợ chồng bỏ nhau, chị mang theo đứa con 2 tuổi về quê nhà Kiên Lương. Quay quắt với cuộc sống, mãi vẫn cùng cực, Hằng xin chị em cho theo làm “phu hàu”. Những ngày đầu, Hằng không quen, tay chân luống cuống toàn đập vào đá, thu hoạch cả ngày được vài lạng hàu, mang ra chợ bán được vài chục ngàn. Như thế vẫn là tốt, Hằng hài lòng với thu nhập đó.

Hôm đó trời âm u, mây đen vần vũ, dự báo sắp có bão ngoài khơi. Nhận định bão chưa thể vào tới đất liền nên đội quân “phu hàu” vẫn hăng hái ra biển. Hằng miệt mài trên mỏm đá, đục đẽo liên tay, đến quá trưa, có lẽ do mệt nên Hằng bị choáng, xây xẩm, vung tay đập hàu mà không để ý mảnh hàu văng vào giữa mắt trái. Hằng giật mình bật ngửa ra phía sau, ngã xuống biển. Chị em nhanh chóng lao tới ứng cứu, đưa Hằng lên bờ đá. Lúc này, Hằng vẫn tỉnh táo nhưng không mở được một bên mắt. Một đường máu chảy ra, cơn đau bắt đầu choáng lên đầu. Mọi người mang Hằng vào bờ, đưa tới bệnh viện huyện, sau đó Hằng được chuyển lên tuyến trên do vết thương phức tạp.

Hằng được chẩn đoán bị thủng nhãn cầu, vỡ thủy tinh thể. Vậy là, con mắt đã vĩnh viễn khép lại với người mẹ nghèo chỉ vừa bước qua tuổi 25. Hằng từ giã nghề “phu hàu” trong nỗi đau khôn cùng cả thể xác lẫn tinh thần.

Tai nạn của Hằng rồi cũng chìm vào quên lãng khi miếng cơm manh áo choán lấy cuộc sống của dân “phu hàu”. Vợ chồng chị Dịu, chị Cẩm và những mảnh đời chênh vênh trên mỏm đá giữa đại dương vẫn nổi trôi theo con sóng khi yên ả, lúc lạnh lùng.

Ngọc Hoa - Cát Tường
.
.