Tổ chức Ân xá quốc tế và hoạt động chống phá Việt Nam

Chủ Nhật, 08/04/2007, 09:20

Ở Việt Nam không có ai là “tù nhân chính trị”, “tù nhân tôn giáo” hay “tù nhân lương tâm” như Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) đã nêu, và hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam không tồn tại các thuật ngữ nêu trên.

Tổ chức Ân xá quốc tế có tên tiếng Anh là Amnesty International (viết tắt AI) do Peter Benenson, sinh năm 1921 - luật sư người Anh, thành lập năm 1961, trụ sở chính ở thủ đô London, Vương quốc Anh. Tổng Thư ký hiện nay của AI là bà Irene Khan, người Bangladesh.

AI đề ra mục tiêu hướng tới nhằm "thúc đẩy tất cả quyền con người" đã được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Năm 1977, AI đã được trao tặng giải Nobel về hòa bình vì những thành công trong hoạt động bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Nhưng gần đây, vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau "Bản phúc trình" hoặc "Báo cáo thường niên" của AI phản ánh về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới không khách quan nên sau khi công bố đã bị làn sóng dư luận các nước trong đó có Việt Nam phản đối mạnh mẽ.

Những “báo cáo” và “Bản phúc trình” sai sự thật

Xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với những công dân vi phạm pháp luật, bị giam giữ, giáo dục và cải tạo, hàng năm vào dịp lễ Quốc khánh (2-9) và tết cổ truyền của dân tộc, Việt Nam đều tổ chức các đợt đặc xá cho những phạm nhân cải tạo tốt, tạo điều kiện cho họ hoàn lương trở về hòa nhập với cộng đồng.

Từ năm 1998 đến năm 2006, qua nhiều đợt đặc xá, Việt Nam đã tha tù trước thời hạn cho gần 80.000 phạm nhân, phần lớn số họ đã hòa nhập nhanh với xã hội, có việc làm và thu nhập ổn định; nhiều người trở thành những doanh nhân làm ăn phát đạt và tham gia tích cực vào các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động từ thiện, được xã hội đánh giá cao.

Sự kiện đặc xá tha tù cho những phạm nhân trước thời hạn hàng năm ở Việt Nam đặc biệt thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận trong, ngoài nước. Nhiều hãng thông tấn báo chí quốc tế đều cử đại diện đến Việt Nam đưa các tin, bài ca ngợi chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Gần đây nhất, đợt đặc xá 2/9/2006, Việt Nam đã đặc xá tha tù trước thời hạn cho gần 9.000 phạm nhân, trong đó có 38 người được đặc xá đã từng bị kết án tử hình hoặc chung thân và 6 phạm nhân là người nước ngoài (có 2 phạm nhân mang quốc tịch Trung Quốc, 1 phạm nhân mang quốc tịch Canada, 1 phạm nhân mang quốc tịch Hà Lan, 1 phạm nhân mang quốc tịch Mỹ và 1 phạm nhân mang quốc tịch Đài Loan).

Đáng chú ý, đợt đặc xá 2/9/2006, Việt Nam đã tha tù trước thời hạn cho phạm nhân Phạm Hồng Sơn và một số phạm nhân khác được các tổ chức nhân quyền quốc tế "quan tâm". Nhân dịp này, đại diện các hãng thông tấn quốc tế như VOA, BBC, AP, AFPO và Reuters đã cử đại diện vào Việt Nam đưa nhiều tin, bài ca ngợi chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Richard Boucher nói: “Mỹ hoan nghênh kế hoạch thả những tù nhân này”. Thượng nghị sĩ Mỹ – Sam Brownback nói: “Sự kiện này là một cử chỉ tích cực của Việt Nam”, còn dân biểu Mỹ Chris Smith qua Đài RFA ca ngợi: “Đây là một chương mới trong chính sách của Chính phủ Việt Nam”.

Trước đó, trong đợt đặc xá vào dịp tháng 2 và tháng 5/2005, Tổ chức Nhân quyền quốc tế - Freedom Now do ông Jared Genser làm Giám đốc có trụ sở chính tại Washington (Mỹ) đã bày tỏ sự phấn khởi khi được biết Việt Nam đã đặc xá cho các phạm nhân Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Đình Huy.

Vì vậy, không thể chấp nhận được nhiều năm qua trong các “Bản phúc trình” và “Báo cáo thường niên” do AI công bố đã xuyên tạc chính sách nhân đạo của Việt Nam và vu cáo “Việt Nam đang giam giữ nhiều tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo và tù nhân lương tâm”.

Thực tế, ở Việt Nam không có ai là “tù nhân chính trị”, “tù nhân tôn giáo” hay “tù nhân lương tâm” mà AI đã nêu, và hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam không tồn tại các thuật ngữ nêu trên. Trong các trại giam ở Việt Nam chỉ giam giữ, giáo dục và cải tạo những phạm nhân phạm các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bị tòa án các cấp xử phạt tù và bản án đã có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, các “báo cáo thường niên” do AI công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu từ năm 1998 đến nay, thường bịa đặt và vu khống trắng trợn tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Ngày 24/5/2006, AI công bố “Báo cáo năm 2005” tiếp tục vu cáo “tình hình nhân quyền ở Tây Nguyên và việc người nước ngoài tới khu vực này vẫn là một mối lo ngại”.

Trước đó, trong “Báo cáo năm 2004” được AI công bố ngày 25/5/2005, đã trắng trợn xuyên tạc “Việt Nam tiếp tục đàn áp có hệ thống những người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, nhất là các tín đồ đạo Tin Lành”.

Không rõ AI đã cóp, nhặt những thông tin ở đâu để xuyên tạc về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam khi mà đại diện hoặc nhân viên của AI chưa một lần đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế ở vùng Tây Nguyên. Trên thực tế, những thông tin mà AI đưa ra đều sai sự thật, do các nhóm phản động lưu vong người Việt ở Mỹ như “FULRO lưu vong” do Ksor Kơk cầm đầu, “Ủy ban nhân quyền Việt Nam” do Lê Minh Nguyên cầm đầu và “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam” do Ngô Thị Hiền chỉ huy v.v... phát tán trên mạng Internet và các phương tiện chiến tranh tâm lý mà AI đã bê nguyên xi vào các “Bản phúc trình” hoặc “Báo cáo thường niên”, nhằm xuyên tạc tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, Tây Nguyên được xác định là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đầu tư để phát triển, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng năm 2006, GDP toàn vùng đã đạt gần 23.000 tỉ đồng, tăng gần 14% so với năm 2005.

Những năm qua có nhiều đoàn nước ngoài quan tâm đã lên tìm hiểu tình hình thực tế ở Tây Nguyên và đã đưa ra những thông tin hết sức khách quan về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gần đây nhất, ngày 5/2/2007, bà Ellen Sauerbrey - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về dân số, tị nạn, di cư đã đến Tây Nguyên tìm hiểu thực tế tình hình ở đây và nhận xét rằng: “Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trốn sang Campuchia, đều do bị rủ rê, hoặc vì lý do kinh tế, chứ không phải bị trừng phạt hoặc đánh đập như cáo buộc của một số nhà hoạt động tại Mỹ”.--PageBreak--

Một trọng tâm trong chuyến thăm của bà Sauerbrey là vấn đề người dân tộc thiểu số từ Tây Nguyên chạy sang Campuchia, rồi bị từ chối quy chế tị nạn và trở về Việt Nam. Bà cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu nguyên nhân họ ra đi, giúp họ tái định cư khi trở về và tìm hiểu khi trở về họ được đối xử như thế nào. Ở Mỹ, nhiều nhà hoạt động nói rằng những người trở về đã bị ngược đãi, bị trừng phạt. Do vậy, đối với những người tham gia hoạch định chính sách như tôi, sẽ rất quan trọng nếu chính mắt mình nhìn thấy thực tế”.

Bà cho biết: "Ở Gia Lai, tôi có gặp những người bị buộc trở về từ Campuchia. Tôi được phép đi khắp làng của họ, gặp gỡ bất kỳ ai tôi muốn trong khoảng thời gian tôi có. Tôi đã nói chuyện riêng, trực tiếp với 7 người trở về. Những người trở về này nói rằng họ rất hạnh phúc khi được trở về nhà, được gặp người thân”.

Bà Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ghi nhận việc Việt Nam đã mở cửa để nhiều đoàn nước ngoài được đến thăm Tây Nguyên thường xuyên, nói chuyện trực tiếp với những người trở về. “Đây là việc làm rất tích cực, rất tốt cho Việt Nam. Đại sứ Mỹ, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Ủy ban châu Âu đã nhiều lần đến thăm và nói chuyện với người trở về”. Bà cho biết, bà sẽ nói với những người cáo buộc việc ngược đãi với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên rằng, chính họ nên sang Việt Nam tìm hiểu tình hình.

Liên quan đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo trong vùng Tây Nguyên, ngày 16/6/2006, ông Rôn Rét Mông - người phát ngôn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết: “Cái gọi là hành động tra tấn đối với người dân tộc thiểu số Tây Nguyên hồi hương từ Campuchia hoàn toàn không phù hợp với kết quả thực tiễn mà UNHCR có được sau 12 chuyến đi tìm hiểu thực tế tại Tây Nguyên”. Theo ông Rôn Rét Mông: “Ở Tây nguyên không có bất cứ sự ngược đãi nào đối với người dân tộc thiểu số trở về từ Campuchia”.

Ngoài ra, các “Báo cáo thường niên” của AI trong những năm qua còn xuyên tạc về tình hình tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Việt Nam. Ngày 25/10/2006, AI tung lên mạng Internet cái gọi là “Bản phúc trình” trong đó vu cáo Việt Nam đàn áp “quyền tự do ngôn luận” của người dân qua việc “siết chặt kiểm soát Internet” và “đã tạo nên bầu không khí lo sợ cho người dân Việt Nam”.

Sự thực thì ở Việt Nam báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Ở Việt Nam đã có gần 600 cơ quan báo chí với trên 700 ấn phẩm, hơn 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng Internet.

Việt Nam còn là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng, với hơn 20 triệu tín đồ tôn giáo, mọi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của tín đồ, chức sắc diễn ra bình thường. Đến nay, ở Việt Nam đã có gần 16 nghìn cơ sở thờ tự của Phật giáo, gần 6.000 cơ sở của đạo Công giáo, 275 cơ sở của đạo Tin Lành, hơn 1,3 nghìn cơ sở thánh thất Cao Đài, gần 40 cơ sở thờ tự của đạo Hòa Hảo, gần 80 thánh đường Hồi giáo và hàng chục ngàn đình, miếu và điện thờ.

Đội ngũ chức sắc, nhà tu hành không ngừng tăng, tính đến năm 2006 ở Việt Nam có gần 63 nghìn chức sắc, nhà tu hành, có 7 người là đại biểu Quốc hội Việt Nam và 1.171 chức sắc tôn giáo là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nhà nước Việt Nam không ngừng tạo điều kiện để các tôn giáo ở Việt Nam mở rộng quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế.

Trở về với tôn chỉ, mục tiêu ban đầu

Như trên đã nói, từ năm 1998 đến nay, vì những động cơ và mục đích khác nhau các “Bản phúc trình” hoặc “Báo cáo thường niên” do AI công bố đã bị Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga v.v... phản ứng quyết liệt. Điển hình ngày 21/9/2006, ông Tần Cương - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ nội dung “Bản phúc trình” của AI chỉ trích những nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền của nước này.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông Tần Cương đã bình luận về một báo cáo mới công bố của AI cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền mà nước này đưa ra trong chiến dịch vận động giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic 2008.

Ông Tần Cương nói: "AI luôn luôn có định kiến với Trung Quốc và những báo cáo của tổ chức này thường có động cơ chính trị”. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối những “Bản phúc trình” hoặc “Báo cáo thường niên” của AI.

Gần đây, sau khi AI công bố “Báo cáo năm 2005”, ngày 26/5/2006, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Dũng nói: “Việt Nam bác bỏ những thông tin hoàn toàn bịa đặt và những nhận xét không khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của Tổ chức Ân xá quốc tế”.

Thế giới ngày nay vẫn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, ở một vài nơi, chiến sự vẫn xảy ra hằng ngày, hằng giờ, nạn khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra triền miên, mà hậu quả thì người dân phải gánh chịu. Máu và sinh mạng của nhiều triệu người vẫn đang chảy và đang bị đe dọa hàng ngày.

AI với mạng lưới ở 162 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện nay hãy quay về với tôn chỉ, mục tiêu tốt đẹp ban đầu bảo vệ con người, nói lên tiếng nói vì một thế giới hòa bình không có chiến tranh, khủng bố và xung đột tôn giáo. Ở Việt Nam không có ai bị coi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hoặc “tù nhân tôn giáo", hơn nữa không có chuyện chính quyền tạo ra “không khí hoảng sợ cho những người sử dụng Internet” mà AI đã nói ra. Đó là thực tế.

Với những sự thật về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo như đã nêu, AI nên có cách nhìn khách quan và tôn trọng sự thật để trong “Báo cáo năm 2006” mà AI sẽ công bố vào cuối tháng 5/2007, sẽ không còn lặp lại những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam vì đó là luận điệu quá nhàm chán và lỗi thời

Thi Nga
.
.