Trắng đêm cấp căn cước công dân ở biên giới Tây Nguyên

Thứ Năm, 01/04/2021, 10:16
22h30, điểm cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động tại thôn 6, xã Nam Dong, huyện biên giới Cư Jút, tỉnh Đắk Nông vẫn sáng đèn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an huyện vẫn miệt mài cùng người dân hoàn thiện các thủ tục để cấp CCCD gắn chip. Đó chỉ là một trong rất nhiều điểm cấp CCCD lưu động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.


Những ngày qua, Công an Đắk Nông đã và đang tập trung quyết liệt thực hiện “chiến dịch” đặc biệt này, huy động hàng trăm lượt (CBCS) tăng ca, tăng thời gian làm việc ngoài giờ tất cả các ngày trong tuần với phương châm “còn dân, còn phục vụ”.

Chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ

Chuyện làm CCCD xuyên đêm đã không còn xa lạ với người dân cả nước. Nhưng, ở những địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, công tác này trở nên đặc biệt hơn bởi ở đây có những khó khăn đặc thù. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nông Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, cho biết Đắk Drông là xã thuần nông, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trong dịp này, người dân thường lên rẫy đi làm từ rất sớm và trở về nhà khi đã tối muộn. Có gia đình đi làm rẫy xa, cả tuần mới về nhà một lần. Do đó, công an huyện bố trí tổ công tác đến tận cơ sở làm CCCD cho người dân cả ngày lẫn đêm.

Đồng thời, ghi nhận thông tin, lấy số điện thoại rồi thông báo cho người dân đến làm thủ tục theo từng khung giờ khác nhau. “Chúng tôi đánh giá rất cao việc làm của lực lượng Công an trong việc bố trí, sắp xếp các khung giờ hợp lý để tránh cho nhân dân phải chờ đợi lâu. Qua nắm bắt thông tin, đại đa số người dân trên địa bàn đều rất vui mừng, phấn khởi và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ của CBCS Công an huyện Cư Jút”, ông Dũng nhận xét.

Công an Đắk Nông xuyên đêm làm căn cước công dân cho người dân.

Không riêng gì ở huyện Cư Jút, nhiều ngày qua, cùng với việc thực hiện cấp CCCD tại trụ sở cơ quan và đến tận nhà cấp CCCD cho Mẹ Việt Nam anh hùng, người già neo đơn, các gia đình chính sách, các CBCS công an còn đến tận trường học, địa bàn cơ sở làm CCCD cho người dân.

Tại trụ sở UBND xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, ông Vũ Văn Ca chia sẻ: “Tôi thấy lãnh đạo công an tỉnh đến tận nơi làm CCCD vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật để kiểm tra, hướng dẫn và lắng nghe ý kiến, tâm tư từ nhân dân, tôi thấy được tầm quan trọng và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và ngành Công an trong triển khai thực hiện dự án này. Mặc dù làm việc cả ngày lẫn đêm với cường độ công việc rất lớn nhưng CBCS vẫn luôn vui vẻ, hòa nhã với người dân, tận tình hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác nhanh, khoa học”.

Chứng kiến lực lượng Công an làm việc vất vả với trách nhiệm cao, một số người dân trên địa bàn đã mua nước, bánh trái đến tặng, động viên, chia sẻ. Không những thế, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đồng hành, mua tặng máy lọc nước, ghế đá và một số trang thiết bị khác phục vụ nhân dân đến làm căn cước. Đơn cử như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đắk Glong đã mua tặng công an huyện 1 máy lọc nước, 10 ghế đá và hỗ trợ tiền mua một số trang thiết bị phục vụ cho người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Công an huyện Đắk Glong...

Đại tá Hồ Văn Mười, Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ làm căn cước công dân tại cơ sở.

Bám địa bàn để giải quyết ngay vướng mắc

Trên cơ sở chỉ tiêu được giao đến ngày 30-6-2021 phải thu nhận được 500.000 hồ sơ CCCD, Công an tỉnh Đắk Nông giao chỉ tiêu cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các huyện, thành phố mỗi đơn vị 1 ngày phấn đấu thu nhận đạt 628 hồ sơ. Đây là chỉ tiêu đặt ra rất lớn, đòi hỏi CBCS phải tập trung thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đột phá. 18 tổ công tác lưu động đến tận địa bàn cơ sở để làm thủ tục cấp CCCD. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay như bố trí thời gian hợp lý, khoa học cho từng nhóm đối tượng cấp CCCD, phân công CBCS đến tận gia đình để đưa người già, neo đơn, tàn tật đến các điểm cấp CCCD lưu động.

Trung tá Nguyễn Xuân Đức - Trưởng Công an huyện Đắk Mil chia sẻ, để đảm bảo tiến độ cấp CCCD cho người dân, công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể trước khi đến cấp lưu động ở từng khu dân cư, đồng thời phân công từng CBCS phụ trách các khâu trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân. Khẩn trương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, nỗ lực không kể ngày đêm, làm 3 ca/ngày tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và những tiện ích của CCCD mới. Công an huyện huy động lực lượng, phương tiện, thành lập 2 tổ công tác lưu động thay nhau làm việc từ 6h sáng đến 24h  tất cả các ngày trong tuần với phương châm người ở xa thì làm ban ngày, người ở gần thì làm buổi tối; nơi tập trung đông dân cư làm trước, nơi thưa dân cư sẽ làm sau, để người dân chủ động và tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi và chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cán bộ Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông bế con cho người dân đến làm căn cước công dân.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hồ Văn Mười - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD có gắn chip điện tử ở tỉnh Đắk Nông những ngày qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều đơn vị liên tục nhiều ngày liền đạt trên 800 hồ sơ, thậm chí có ngày đạt gần 1.100 hồ sơ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện “chiến dịch” theo chỉ đạo của Bộ Công an. Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn của tập thể Đảng ủy, lãnh đạo và toàn thể CBCS Công an tỉnh Đắk Nông trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an.

Trong những ngày gấp rút triển khai “chiến dịch”, trực tiếp Giám đốc và các Phó Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên đến các điểm cấp CCCD lưu động để kiểm tra, kịp thời động viên, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế, động viên khích lệ CBCS. Bên cạnh đó, Công an tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch “Tôi làm công an xã” đợt III để tăng cường hơn 100 CBCS thuộc các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh xuống thực hiện nhiệm vụ tại công an các xã để hỗ trợ lực lượng công an cơ sở vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa thực hiện dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD.

Công an Đắk Nông đến nhà làm căn cước công dân cho Mẹ Việt Nam anh hùng.

Cán bộ chiến sĩ thực hiện “Kế hoạch tôi làm Công an xã” tích cực hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở làm căn cước công dân.

Cũng theo Đại tá Hồ Văn Mười, mặc dù lực lượng công an toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng làm việc xuyên ngày đêm và kết quả mỗi ngày luôn đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, thời gian để đạt được chỉ tiêu Bộ Công an giao còn rất ngắn, chỉ được tính bằng từng giờ, từng phút. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã triển khai thì mỗi CBCS tiếp tục đoàn kết khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm với phương châm “làm hết việc, chứ không hết giờ” và xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Minh Quỳnh
.
.