Trở về sau hơn 30 năm bị bán sang xứ người

Thứ Hai, 29/07/2019, 11:26
Sau hơn 30 năm mất liên lạc, không một dòng tin tức, chị Lê Thị Tám được trở về nhà trong sự mừng tủi của cả gia đình, họ tộc. Mọi thứ dù thay đổi rất nhiều nhưng chị không quên tên ai, nhớ mọi con đường, ngóc ngách trở về nhà.

Từ một cô gái tuổi đôi mươi mơn mởn xuân xanh rời Nam Định theo bạn lên Hà Nội làm hàng phở, rồi chị bị lừa bán sang Trung Quốc. Qua hai lần bị bán, chị có 5 đứa con với 2 người chồng. Sau 30 năm, chị trở về sau hành trình đầy cơ cực để đoàn tụ cùng gia đình.

Trong nước mắt tủi nhục vì cuộc đời cơ cực và khổ sở của một người vợ, người mẹ lỡ dở, trở về khi mọi thứ đã quá muộn, không thể làm lại từ đầu trên mảnh đất quê hương, chị Tám bảo sau thời gian ngắn được trở về thăm quê hương bản quán, chị sẽ quay trở lại Trung Quốc vì các con của chị cần chị. Dù cuộc sống của chị bên đó không danh phận, không được tự chủ và thường xuyên phải chịu những trận đòn của người chồng, một người thợ xây, mỗi khi anh ta đi bồ bịch trở về hoặc say xỉn...

Chị Tám cùng 2 con.

Hai mươi tuổi rời quê hương và... mất tích luôn 30 năm

Chị Lê Thị Tám sinh năm 1967 tại Ý Yên, Nam Định trong một gia đình khá đông con. Chị là con của người vợ ba không chính thức nên dù cha chị sống tại Hà Nam cùng vợ hai và các chị gái thì chị Tám vẫn sống cùng mẹ, chị gái và người em tại Ý Yên, Nam Định. Cuộc sống nơi quê hương nghèo khổ, lam lũ và cũng thiếu đi sự chăm sóc của bàn tay người cha trong gia đình, vì ông một chốn đôi nơi. Chị thỉnh thoảng lên Hà Nam thăm bố nên việc đi về cũng tự do và lâu dần thành quen.

Học hết cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi nghe lời một người bạn xóm trên rủ ra Hà Nội làm hàng phở, chị đồng ý ngay. Với khát vọng thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận, thoát khỏi cái nghèo, cái đói và tù túng ở quê hương.

Cha mẹ chị vì không lo được cuộc sống cho con nên đồng ý để con rời nhà ra đi mà hoàn toàn không hay biết rằng, chuyến ra đi ấy đã xô đẩy cuộc đời chị Tám sang một hướng khác, trầm luân, khổ ải và biền biệt. Khi lên đến Hà Nội, chị bị người bạn lừa bán cho một người Trung Quốc mà không hề hay biết. Họ nói với chị là cứ đi theo họ để họ lo công ăn việc làm cho.

Hai mươi tuổi, lần đầu tiên lên Hà Nội, lại là người thật thà, chân chất, chị cứ đi theo vậy thôi mà không có một phản ứng nào. Cuối cùng, khi biết mình đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông làm nghề chăn ngỗng tại Quảng Đông, Trung Quốc thì mọi việc đã muộn.

Chị Tám năm 20 tuổi.

Chị chấp nhận số phận hẩm hiu rồi tìm cách viết thư, liên lạc với gia đình nhưng hoàn toàn vô vọng. Chị chấp nhận ở lại trong nỗi khổ nhục vì không biết tiếng. Là vợ nhưng chị không khác gì người giúp việc trong gia đình. Nhà họ nghèo, chị cũng phải bươn bả để kiếm sống. Rồi chị sinh được một đứa con trai nhưng nỗi nhớ quê hương, mẹ cha, anh chị em luôn trong tâm trí.

Chị tìm mọi cách để được trở về quê hương, có cơ hội đi ra đường là chị tìm những mối liên lạc có thể có, tìm người Việt Nam để có thể biết tiếng và cầu mong họ giúp chị tìm đường về nhà. Nỗ lực trong đau đáu, cuối cùng chị cũng tìm được một người Việt Nam để có thể cậy nhờ. Họ đồng ý giúp và khuyên chị nên mang con theo. Chị tin người và vì quá mong mỏi để được trở về, đã bế con, trốn nhà chồng ra đi.

Nhưng cuộc đời oái oăm, chị không những không tìm được đường về mà một lần nữa, bị chính người Việt kia lừa bán. Kẻ bắt cóc đã bán chị cho người chồng hiện tại trên một vùng núi hẻo lánh, nghèo nàn, chị cũng thất lạc đứa con đầu lòng từ đó cho đến nay không một dòng tin tức.

Những tháng ngày làm lụng cơ cực và sinh con

Sống với người chồng hiện tại, chị chính thức trở thành một người lao động cơ cực trong gia đình. Về nhà họ, mỗi năm sinh 1 đứa con. Hiện tại chị có 4 đứa con, 2 gái, 2 trai cùng người chồng không hôn thú. Con đầu đã vào đại học và con út đang học những năm cuối cấp 3. Chị Tám hằng ngày chăm chút vườn chè rộng vài hecta, trồng ngô, khoai để sống. Có được đồng nào cộng với tiền trợ cấp hộ nghèo, chị lo cho các con và nuôi bố mẹ già của chồng.

Chồng chị hơn chị 2 tuổi, làm nghề phụ hồ, đi suốt ngày, kiếm được tiền thì lo bài bạc, gái gú, say xỉn. Về nhà, nếu chị có ca thán là sẽ phải chịu những trận đòn dã man của chồng. Chính vì thế, chị phải nín nhịn trong nỗi buồn tủi, sống vì các con và vì nỗi khao khát trở về quê hương bản quán. Có những lúc chị cảm thấy vô vọng và bế tắc nhưng rồi cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn cũng quen dần vì sự trưởng thành của các con.

Chị Tám trở về trong vòng tay người thân.

Các con chị lớn lên, đứa con gái lớn năm nay đã 17 tuổi, hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ. Biết mẹ là người phụ nữ Việt Nam đã 2 lần bị bán, con gái chị vừa học, vừa đi làm thêm để trước hết lo cho bản thân, không để mẹ phải chu cấp và nếu còn dư dả đồng nào thì đưa mẹ để lo gia đình, nuôi các em và ông bà nội đã già yếu.

Chị Lê Thị Tám vừa nói chuyện, vừa lấy vạt áo lau nước mắt trên gò má gầy gò, sạm đen. Đôi bàn tay gầy guộc, đen đúa do trải qua quá nhiều chông gai. Chị cho biết, hằng ngày chị ở ngoài vườn hái chè, cuốc khoai để lo cho cuộc sống. Hết tiền đong gạo thì ăn khoai ăn sắn trừ bữa. Có nuôi được con gà con vịt thì cũng ăn uống dè dặt, năm thì mười họa, chủ yếu để bán lấy tiền cho con ăn học. Trong gia đình, chồng người Trung Quốc ăn trắng mặc trơn, lười lao động, kiếm được đồng nào thì ăn chơi hết nên chị phải gồng gánh cả mấy miệng ăn.

Đôi lúc ngồi ngẫm lại cuộc đời đã qua, nghĩ bụng, ngày xưa ở quê hương Nam Định chị cũng phải nếm trải cái nghèo đói nhưng đến tận cùng nỗi khổ thì chưa đâu bằng cuộc sống chị đang nếm trải. Chị chẳng có lấy một ngày sung sướng, bình yên. Cuộc sống càng bế tắc hơn khi trong những giờ lao động đầm đìa mồ hôi, chị hướng tâm tới quê hương xa lắc mà hình dung ra từng gương mặt người thân không biết có ngày nào gặp lại. Chị khóc ròng, những giọt nước mắt đã khô cạn với thời gian trên cơ thể gầy gò.

Chị Tám (thứ 4 từ phải qua) chụp ảnh cùng người thân sau 30 năm lưu lạc.

Cuộc trở về sau hơn 30 năm...

Như là một đặc ân của số phận, cuối cùng, sau hơn 30 năm, nhờ sự quen biết với một người phụ nữ tên là Điều, quê gốc Thanh Hóa, chị Lê Thị Tám đã được trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, người thân. Chị Điều cũng là một số phận chìm nổi khi bị bán sang Trung Quốc nhưng may mắn hơn, lấy được người chồng tử tế làm nghề thầy lang bốc thuốc. Chị Điều đã trở về quê hương nhiều lần. Chị Điều nhờ người thân quen hỏi được gia đình, số điện thoại của người thân chị Tám. Và sau nhiều ngày thuyết phục gia đình nhà chồng, chị Tám đã được trở về quê hương để đoàn tụ người thân.

Trước khi về, chị còn phải đưa mẹ chồng đi viện khám bệnh vì bà bị ốm nặng. Chồng người Trung Quốc thì thu hết sạch tiền của chị và bảo chị, nếu muốn về thì tự đi vay mượn tiền để về. Còn các con, khi biết mẹ tìm được quê hương và đi theo người quen trở về, một phần sợ chị bị lừa bán thêm một lần nữa, một phần sợ mẹ trở về quê hương sẽ không quay lại cùng các con nữa. Nhưng chị Tám gạt nước mắt hứa với các con là sẽ quay trở lại, bởi vì dù đắng cay cơ cực nhưng cuộc sống của chị là thuộc về xứ sở ấy, nơi có 4 đứa con thương mẹ, biết nỗi khổ của mẹ.

Sau 30 năm, trở về, cha mẹ, người em trai duy nhất cũng đã mất. Làng xóm thay đổi rất nhiều so với thời chị ra đi nhưng ở cả hai quê, quê mẹ Ý Yên, Nam Định và quê cha Kim Bảng, Hà Nam, chị nhớ không quên một gương mặt nào. Họ hàng đón trong mừng tủi, đẫm nước mắt với những sẻ chia của 30 năm lưu lạc.

Chị Tám cùng chồng và 4 con (ảnh chụp năm 2011).

Câu chuyện chị trở về và tìm được nhà như là một đặc ân của số phận, của dòng tộc, ông bà ban ơn và dẫn đường chỉ lối. Họ hàng, dù giàu nghèo thế nào cũng chia sẻ với chị từ việc mua sắm cho chị đồng quà tấm bánh, manh áo, đồng vốn để chị quay lại Quảng Đông (Trung Quốc) có cái để lưu giữ kỷ niệm, cũng như để cuộc sống bớt khổ đau. Mẹ chị trước ngày nhắm mắt xuôi tay vẫn dặn dò người ở lại nếu có thể thì tìm chị Tám trở về quê hương, nhận mặt, đoàn tụ chị em.

Chị Tám bảo, 30 năm lưu lạc trở về, chị như được sống lại. Ông trời bù đắp cho chị vì tình cảm của người thân, chòm xóm dành cho chị quá lớn. Họ xót xa cho thân phận của một cô gái tuổi 20 đầy khát vọng ngày xưa chỉ vì một giây phút nông nổi, tin người mà cuộc đời đã bị đẩy đi quá xa, sang một hướng khác ê chề, đau đớn, ngoảnh lại đã bước sang tuổi 52 mới tìm về được với quê hương mà khóc ròng như một đứa trẻ lên 3.

Suốt nhiều tháng năm, chị căm hận người bạn vì tiền mà quên hết tình người đã lừa bán chị nhưng khi trở về, biết chuyện chị ta năm xưa cũng đã lừa nhiều người khác, ngoài ra còn buôn bán hàng cấm nên đã bị đi tù. Tội lỗi thì kẻ ác đã đền, bởi lưới trời lồng lộng, không thể thoát khỏi pháp luật. Nhưng chị vẫn ước gì được quay ngược thời gian để gặp cha, gặp mẹ, gặp những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Những người lưu lạc nửa đời lỡ dở như chị Tám không phải ai cũng tìm về được với quê hương. Chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì lại được sống trong vòng tay của người thân, chòm xóm. Họ đến thăm hỏi, tặng quà vì biết chị quá nghèo khổ, họ may cho chị những tấm áo mới thay vì tấm áo đã sờn với thời gian.

Sau thời gian ngắn trở về quê hương, chị bảo sẽ phải quay trở lại Trung Quốc vì dù cuộc sống khốn khó, bế tắc nhưng vẫn là cuộc sống của chị, vì các con chị cần chị. Chị vẫn là mẹ của 4 đứa con thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn. Dù chồng có đối xử tệ với chị nhưng chị vẫn còn các con. Chị vẫn mong ngóng tìm lại được đứa con đầu đã bị bán đi, năm nay cũng đã 30 tuổi.

Dù biết là vô vọng nhưng chị vẫn không ngừng hy vọng, bởi chị không có gì ngoài hy vọng, để được sống tiếp những ngày tháng cuộc đời nơi xứ người...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.