Bác sĩ F0

Thứ Bảy, 09/10/2021, 09:35

Cái vẫy tay, nụ cười giữa bác sĩ và bệnh nhân trong giờ phút chia tay trở về nhà chính là điều cuối cùng mà hàng ngàn y bác sĩ đang ngày đêm tận lực nơi tuyến đầu chống dịch khát khao hướng đến. Họ đã hiến dâng y đức, nhuệ khí và lòng quả cảm trước sinh mệnh con người, để rồi sẵn sàng chấp nhận là một F0 với những rủi ro và mất mát không thể bù lấp.

Quyết không lùi bước

Thời điểm căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, các cán bộ y tế tại TP Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều áp lực trong điều trị khi phải làm việc gấp đôi bình thường. Họ còn phải chịu áp lực lớn nữa là số ca bệnh tăng nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến họ bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì không cứu được người bệnh. Trong khi đó, làm việc tại cơ sở điều trị F0 nồng độ virus cao, nguy cơ lây nhiễm càng tăng. Trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu sơ suất, không quản lý tốt cũng có thể bị lây nhiễm. Thực tế, đã có hàng ngàn nhân viên y tế nhiễm bệnh.

Bác sĩ Sa Pi Roh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, là một trong những bác sĩ bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tham gia điều trị cho bệnh nhân F0 tại Khoa Hồi sức Bệnh viện dã chiến số 6. “Cầm kết quả dương tính trên tay tôi buồn lắm, người thì mệt mỏi rã rời. Tôi nhanh chóng sốc lại tinh thần, nghĩ bình thường khỏe mạnh, không có bệnh nền nên phần nào an tâm”, bác sĩ Sa Pi Roh chia sẻ. Mang tâm thế của một người có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nên các bác sĩ đều sẵn sàng đón nhận mọi rủi ro, cũng như nguy hiểm ập tới.

Bác sĩ F0 -0
Bác sĩ Tiến bế bệnh nhân nhiễm COVID -19 trên nền bệnh suy thận.

Khi trở thành F0, bác sĩ với bệnh nhân F0 đã không còn bức màn ngăn che, với bịt bùng đồ bảo hộ. Bác sĩ Roh có thể thoải mái đến bên bệnh nhân bất cứ lúc nào, nhanh nhất có thể trong mỗi tích tắc hơi thở của sự sống bên trong phòng hồi sức.

Đồng nghiệp cùng cảnh ngộ với bác sĩ Roh là bác sĩ Nguyễn Nhựt Cường. Ngày biết mình trở thành F0, bác sĩ Cường không khỏi lo lắng, vì chính anh cũng không thể đoán biết được diễn biến của căn bệnh này sẽ như thế nào. Với bất cứ một F0 nào, họ đều có quyền nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng khi nào khỏi bệnh, bình phục sức khỏe mới tiếp tục làm việc. Nhưng các bác sĩ F0 ở Bệnh viện dã chiến số 6 đều có chung một suy nghĩ, không thể bỏ bệnh nhân lúc này được. Trong khi đó, lực lượng tuyến đầu thì quá mỏng, họ làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ vẫn chưa thể khỏa lấp hết công việc cùng những đòi hỏi cấp thiết lúc bấy giờ. Vậy là, các bác sĩ F0 ở Bệnh viện dã chiến số 6 tự nguyện ở lại, họ nhanh chóng thu dọn hành lý chuyển lên tầng sống cùng bệnh nhân F0 khác.

Những ngày đầu nhiễm bệnh, các triệu chứng hành hạ khiến bác sĩ F0 mệt mỏi, khó chịu. Họ càng thấu hiểu nỗi buồn bệnh tật của các bệnh nhân khác, đặc biệt bệnh nhân trở nặng thì sự lo lắng, bất an và hoảng sợ của họ sẽ gấp nhiều lần. Sức khỏe trong mức chịu đựng được, bác sĩ Cường vẫn miệt mài tới thăm khám, chăm sóc cho những F0 cùng tầng điều trị. Anh không ngần ngại chia sẻ với họ việc mình bị bệnh nhằm truyền năng lượng tích cực, sự đồng cảm giúp lòng họ ấm áp mạnh để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

Chứng kiến anh em đồng nghiệp của mình nhiễm bệnh, bác sĩ Trần Văn Dương, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6 đã vô cùng xót xa.  “Anh em bị bệnh chẳng khác nào chiến trường có đồng đội bị thương, điều đó là không mong muốn, chúng tôi cũng đau lòng lắm. Tuy nhiên, tinh thần của anh em thì rất vững vàng, vượt qua được cơn bệnh ai nấy đều thoải mái, không còn gì lo lắng nữa và họ lại tiếp tục chiến đấu vì bệnh nhân của mình”.

Bác sĩ F0 -0
Vòng tay trái tim thay cho lời chào thân thương đoàn y tế chi viện trở về quê hương tại bệnh viện dã chiến số 4.

Và trở thành F0

Quyết định vào Nam chi viện, người đầu tiên bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (Đoàn y tế tỉnh Quảng Ninh) thông báo là chồng của mình. Lúc đầu, anh ấy lặng đi một chút không nói gì. Sau đó như hiểu được ngọn lửa tình nguyện đang sôi sục trong lòng của vợ, anh đã động viên chị: “Em cứ đi, các con ở nhà anh sẽ chăm lo được”.

Vợ chồng chị Hạnh có hai bé trai, bé lớn chị gửi về quê, bé nhỏ ở nhà với bố. Hôm nào bố đi công trình thì cô giáo sẽ chăm sóc, cho ăn uống và ngủ nghỉ luôn ở nhà cô. Mỗi giờ tan ca, bác sĩ Hạnh lại tranh thủ gọi video call về cho con trai. Thằng bé lúc nào cũng thấy mẹ đeo khẩu trang và kính bảo hộ, nó hồn nhiên hỏi: “Sao mẹ lúc nào cũng đeo cái đấy. Chủ nhật mẹ làm gì?”. Chị Hạnh trả lời con phải đeo để chống dịch và chủ nhật vẫn đi chống dịch. “Con nhớ mẹ, mẹ nhanh lên nhé”, tiếng con trẻ vọng ra từ chiếc điện thoại khiến người mẹ rưng rưng, nhưng chị cố nén xúc động để nói một lời thật mạnh mẽ an ủi con trai: “Mẹ cũng muốn nhanh lắm”.

Gác lại nhung nhớ, yêu thương, bác sĩ Hạnh ngày đêm sống cùng hơi thở của bệnh nhân COVID -19. Chị luôn tận tình giải thích cho bệnh nhân hiểu đầy đủ về căn bệnh cũng như hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị sao cho hiệu quả nhất. Mỗi người một vị trí, mỗi người một công việc, với tấm lòng tình nguyện thì phụng sự cũng bằng tất cả trái tim. Và bác sĩ Hạnh đã phụng sự trọn vẹn nhất có thể, để rồi bị nhiễm COVID -19 vào một ngày cuối tháng 7. Chị chuyển lên cùng tầng với F0 và tiếp tục làm việc bình thường.

Bác sĩ F0 -0
Bác sĩ Cường thăm khám bệnh nhân thở oxy.

Đôi mắt sáng, hiền từ, đó là nét nổi bật mà người đối diện nhận thấy ở bác sĩ Trần Văn Tiến, đơn vị Thận nhân tạo Bệnh viện dã chiến số 6. Bác sĩ Tiến phụ trách việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 chạy thận nhân tạo. Với những bệnh nhân có các bệnh nền nặng, tuổi cao như cụ T. thì sức khỏe rất yếu, hy vọng sống không cao. Mỗi lần cho cụ chạy thận, bác sĩ Tiến là người ẵm bế từ phòng này sang phòng khác và từ xe lăn lên giường.  Dù hy vọng mong manh nhưng không ai bỏ cuộc, không ai nản lòng hay buông xuôi. Cả ekip tích cực dùng các loại thuốc tốt nhất cho bà cụ, kiên trì lọc máu, chăm chút từng miếng dinh dưỡng. Sự nỗ lực cuối cùng được đền đáp, sau một tuần cụ T. đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ có thể giao tiếp được bằng ánh mắt. Khi bác sĩ giơ ngón tay lên tỏ ý chí quyết tâm, mắt cụ mở thật to, chớp nháy xúc động. Chỉ cần một ánh mắt của bệnh nhân thôi đã khiến bác sĩ Tiến và đồng đội của anh nở một nụ cười thật tươi. Nụ cười rạng rỡ hơn khi gần một tháng điều trị, bệnh nhân 82 tuổi đã hồi phục kỳ diệu và được xuất viện. Ngày tiễn cụ về với gia đình, bác sĩ Tiến vẫn không quên nhiệm vụ của mình là bế bà ra xe. Con dâu của cụ liên tục cúi đầu cảm ơn bác sĩ Tiến nhưng bác sĩ thì cứ xua tay, ngại ngùng. Anh nói: “Không dám, chị em mình cùng nhau tận lực thôi”.

Cái vẫy tay, nụ cười giữa bác sĩ và bệnh nhân trong giờ phút chia tay chính là điều cuối cùng mà hàng ngàn y bác sĩ đang ngày đêm tận lực nơi “tuyến lửa” khát khao hướng đến. Bác sĩ Tiến, người đàn ông có đôi mắt cười, người sẵn lòng ẵm bồng bệnh nhân trên tay, đã bị nhiễm COVID-19 vào ngày cuối cùng của tháng 8, nhưng anh và đồng nghiệp vẫn lăn xả không chịu dừng bước trên mặt trận không tiếng súng này.  

Chẳng ai muốn làm siêu anh hùng trong cuộc chiến này. Mỗi ngày thành phố vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, nên họ cố gắng ở lại hỗ trợ tuyến đầu, chia sẻ những khó khăn, vất vả với đồng nghiệp.

Bác sĩ F0 -0
Và cái nắm tay động viên, truyền tinh thần của bác sĩ F0 với bệnh nhân F0.

Bịn rịn ngày chia tay

Dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh đang từng bước được kiểm soát, số ca nhiễm mới và tử vong giảm theo từng ngày. Một số đoàn chi viện đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bệnh viện dã chiến bắt đầu chia tay những “chiến binh” tinh nhuệ. Khi đi họ cạo trọc đầu, khi về người gầy hơn.

2 trong số 52 y bác sĩ của đoàn chi viện tỉnh Phú Thọ đã phải ở lại Bệnh viện dã chiến số 4 và chia tay đồng nghiệp trong sự nuối tiếc đầy thương nhớ vì đã dương tính với COVID -19.

Một con số không phải nhiều vì nó cắt ngang tại thời điểm chia tay. Con số phơi nhiễm khi thi hành nhiệm vụ nơi tuyến đầu là không nhỏ, phản ánh đúng nguy cơ hiện hữu và nói lên sự hy sinh, dấn thân không ngần ngại của lực lượng tham gia công tác chi viện. Họ đến khẩn trương, khi làm không câu nệ, đầy nhiệt huyết. Những con người xa xứ xung phong vào tâm dịch, nơi sự sống và cái chết mỏng manh, nơi mà niềm tin và nỗ lực không được phép ngơi nghỉ. Họ ở đó, sống, cảm nhận và bắt nhịp nhanh chóng vào cuộc đua sinh tử cùng đồng nghiệp phía Nam.

Bác sĩ F0 -0
Bác sĩ Sa Pi Roh vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở tại phòng hồi sức.

Ngày chia tay, họ bịn rịn nói lời tạm biệt, vẫy tay chào những đồng đội không may phải tiếp tục ở lại “dưỡng thương”. Đón và tiễn nhiều người, từ nhân viên y tế, bệnh nhân…nay lại tiễn các đồng nghiệp đoàn Phú Thọ về mà lòng xốn xang tự hỏi, bao giờ tới phiên mình. Bác sĩ CK2 Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4, chạnh lòng chia sẻ khi là người cuối cùng ở lại vẫy tay không rời để chào đoàn xe từ lúc chuyển bánh đến khi xa dần.

Chúc sức khỏe và xin chào thân ái quý đồng nghiệp. Chúc thắng lợi sớm về cho anh em khắp mọi miền. Để khi gặp lại, tất cả đều là kỉ niệm đẹp được kể lại, thay cho những niềm đau chôn giấu. Những tháng ngày không dài, tuy chưa biết rõ mặt nhau, nhưng mỗi thời khắc đối diện lằn ranh sinh tử của bệnh nhân nhiễm COVID-19, khiến tất cả chúng ta đều có cùng khái niệm bảo vệ, san sẻ, giúp đỡ nhau hết lòng.

Trân trọng từng thời khắc có được thời gian qua. Nâng niu những trái tim quả cảm ở chiến trường dịch bệnh. Mình hẹn gặp nhau ngày Sài Gòn bình yên trở lại.

Ngọc Thiện
.
.