Cảnh giác khi đầu tư vào các ứng dụng tài chính để tránh rủi ro

Thứ Tư, 22/03/2023, 10:12

Thời gian gần đây thị trường tài chính đang nở rộ các ứng dụng (app) tài chính, nó như một công cụ gọi vốn với gói tích lũy chỉ từ vài chục nghìn đồng và cam kết “lãi suất cao hơn ngân hàng và sinh lời mỗi ngày”. Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước đã có văn bản cảnh báo bởi các ứng dụng này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán nhưng chưa được cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật.

Đầu tư sinh lời bằng những đồng tiền lẻ

Thời gian vừa qua, có rất nhiều người dân phản ánh tình trạng trên một số nền tảng xã hội, nhiều công ty tài chính đã đăng tải thông tin quảng cáo về các ứng dụng với những mỹ từ và lời hứa hẹn không thể hấp dẫn hơn. Các công ty tài chính này câu kéo người dùng app và đầu tư với số tiền chỉ từ vài chục nghìn đồng.

Trên thực tế, những ứng dụng “hút” tiền lẻ không còn xa lạ với người Việt Nam. Trước đó, Tikop, Finhay, Passion Invest, Infina, Savenow, Buff, Fmarket… đều là những cái tên quen thuộc. Các ứng dụng này đều chấp nhận số tiền gửi rất nhỏ, thậm chí từ 10.000 đồng, lãi suất thì luôn cao hơn lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng. Ứng dụng hướng tới các cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ, những đối tượng muốn đầu tư nhưng không có nhiều vốn, tạo điều kiện cho việc đầu tư trở nên khả thi hơn với người dùng ở mọi mức thu nhập.

Cảnh giác khi đầu tư vào các ứng dụng tài chính để tránh rủi ro -0
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư.

Đơn cử như Tititada, ứng dụng này tự giới thiệu mình là ứng dụng đầu tư thông minh, tích tiểu thành đại, giúp khách hàng đầu tư với số vốn 10.000 đồng và không mất phí môi giới. Qua tìm hiểu của phóng viên, đây là ứng dụng được ra mắt vào tháng 6/2022 và công bố huy động 1,5 triệu USD tiền đầu tư từ Golden Gate Ventures – Quỹ đầu tư thành lập tại thung lũng Silicon và có hơn 10 năm hoạt động ở Đông Nam Á.

Đây là ứng dụng cung cấp dịch vụ giúp nhà đầu tư có thể đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, từ 10.000 đồng, nhờ cho phép mua cổ phiếu lô lẻ. Theo thông tin từ website tititada.com, nhà đầu tư có thể nạp và rút tiền nhanh chóng, số dư tiền mặt được lưu trữ tại các ngân hàng đối tác.

Với phương thức tương tự, Anfin (ra mắt vào tháng 10/2021) là ứng dụng đầu tư chứng khoán, giúp người dùng có thể mua - bán các cổ phiếu được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam với số lượng bất kỳ. Anfin tự giới thiệu: “Với tính năng cho phép giao dịch cổ phiếu phân đoạn, mua cổ phiếu chính xác theo số tiền hoặc số lượng cổ phiếu muốn sở hữu, bạn có thể bắt đầu đầu tư với Anfin chỉ từ 10.000 đồng”.

Hay ứng dụng Infina cũng là một trong những app được UBCK Nhà nước cho vào danh sách không hợp pháp. App này tự giới thiệu mình là “nền tảng đầu tư và tích lũy được sở hữu bởi Công ty RealStake (RealStake Pte.Ltd) được thành lập vào năm 2018 tại Singapore và có chi nhánh tại Việt Nam”. Trong khi đó, website chính thức của Infina cho hay, đây là ứng dụng được đồng sở hữu và khai thác bởi Công ty cổ phần Real Stake Việt Nam và Công ty cổ phần Real Stake Fintech. Thông qua Infina, Real Stake Fintech cung cấp cho khách hàng nhiều hình thức đầu tư sinh lời, bao gồm chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, tích lũy và mua chung bất động sản. Trong đó, Infina chỉ là môi giới trung gian sử dụng tiền của nhà đầu tư để phân bổ vào các tài sản tài chính được Infina giới thiệu.

Anh Lê Văn T. (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), là một người đang sử dụng phần mềm Infina cho hay: “Lúc đầu tôi được một người bạn giới thiệu phần mềm này, chị ấy bảo đây là kênh đầu tư bình dân, phù hợp với mọi người. Thế là tôi đã tải app về và chơi, gần đây thấy cơ quan chức năng cảnh báo đây là những phần mềm chưa được cấp phép, khi xảy ra kiện cáo mình cũng không làm gì được. Tôi đầu tư vào đây hơn 50 triệu, thực sự lúc này tôi cũng hoang mang lắm, không biết tiền của mình sẽ thế nào”.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh (Viện Chiến lược và phát triển kinh tế) cho hay, những ứng dụng này nhà đầu tư rất dễ gặp rủi ro, khi xảy ra vấn đề trách nhiệm pháp lý không rõ ràng và rủi ro nhà đầu tư không được đứng tên sở hữu tài sản.

Mặc dù thời gian vừa qua, báo chí đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro với loại hình “hợp tác kinh doanh”, tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng nhận thức được bản chất loại hình đầu tư này một cách rõ ràng. “Chẳng hạn, việc Infina lựa chọn dự án đầu tư như thế nào, xét duyệt khoản đầu tư ra sao, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả từ bán bất động sản hay không, thuật toán phân bổ vốn như thế nào, nguyên tắc quản trị rủi ro ra sao… đều là những câu hỏi chưa được giải đáp cụ thể. Như ứng dụng Anfin, nhà đầu tư không thể chắc chắn số lượng cổ phiếu thể hiện trong tài khoản ứng dụng Anfin của mình thực tế đã được Công ty mua hay chưa, bởi không thể kiểm tra hoạt động lưu ký. Trong khi đó, Anfin không công bố đơn vị kiểm toán của mình, cũng như không có công bố thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Một ứng dụng đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư tiện nay chính là Finhay. Ứng dụng này thu hút sự quan tâm của 2,7 triệu người dùng trong độ tuổi từ 20 đến 30 với cam kết đầu tư sinh lời từ 50.000 đồng. Trên ứng dụng này, sau khi đăng nhập tài khoản, người dùng sẽ được trải nghiệm các tính năng, sản phẩm của Finhay gồm có: đầu tư chứng khoán, đầu tư quỹ, tích lũy, hũ vàng. Đối với dịch vụ đầu tư quỹ tăng trưởng dài hạn, người dùng chỉ cần số vốn ít ỏi từ 50.000 đồng sẽ được hưởng lãi suất từ 6% - 49,6%/năm.

Cảnh giác khi đầu tư vào các ứng dụng tài chính để tránh rủi ro -0
Nhiều công ty chứng khoán hợp tác đầu tư, kinh doanh mà bản chất chính là huy động vốn, trả lãi tiết kiệm cho nhà đầu tư cá nhân qua app này.

Đối với dịch vụ tích lũy, người dùng được lựa chọn các gói tích lũy chính với mức lãi suất hấp dẫn. Gói tích lũy không kỳ hạn là 6%/năm, tích lũy 21 ngày là 7%/năm, tích lũy 3 tháng là 8,5%/năm, tích lũy 12 tháng là 10%/năm. Với kỳ hạn gửi tiền tích lũy 3 tháng trên Finhay, mức lãi suất 8,5% cũng cao hơn hẳn so với các “ông lớn” như BIDV, Agribank, Vietcombank, MB Bank, TP Bank...

Bên cạnh đó, tất cả tiền của khách hàng nạp vào Finhay để dùng các gói tiết kiệm hay tích lũy đều sẽ được Finsight (công ty con của Công ty Chứng khoán Thiên Việt)  chuyển đến đơn vị quản lý đầu tư là Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt để đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp,...

Công ty Chứng khoán Thiên Việt là một trong 3 cổ đông của Finhay - một công ty tài chính đang tích cực huy động tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân mấy năm qua. Từ giữa năm 2020, các sản phẩm tiết kiệm của Finhay được đổi tên thành tích lũy, song bản chất sản phẩm hầu như không thay đổi.

Finhay đã công bố trên trang chính thức của mình, số tiền của khách hàng sẽ được chuyển tới các quỹ đầu tư tài chính tại Việt Nam (bao gồm quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục), được sử dụng để đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu, trả về cho nhà đầu tư một số chứng chỉ quỹ, tương ứng số tiền mà khách hàng đã đầu tư. Nếu quỹ hoạt động tốt, chứng chỉ quỹ của khách hàng sẽ có giá trị cao hơn và ngược lại.

Có thể thấy, các ứng dụng này không chỉ đi đường vòng, đứng sau họ để huy động vốn, nhu cầu cho vay margin tăng mạnh khiến thời gian qua, rất nhiều công ty chứng khoán đã trực tiếp đưa ra các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh mà bản chất chính là huy động vốn, trả lãi tiết kiệm cho nhà đầu tư cá nhân. Bộ Tài chính cũng đã “tuýt còi” đối với Công ty Chứng khoán MB (MBS) và VNDirect về hoạt động huy động vốn trá hình.

Kẽ hở huy động vốn sẽ được siết chặt

Trước tình trạng nở rộ các ứng dụng này, UBCK Nhà nước đã phải đưa ra cảnh báo tới người dân. Cơ quan này cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch sử dụng truyền thông báo chí quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán. Những hoạt động này có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được UBCK cấp phép, quản lý, giám sát, theo quy định của pháp luật.

Việc này nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình. Chính vì thế nhà đầu tư cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu từ phải chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Cảnh giác khi đầu tư vào các ứng dụng tài chính để tránh rủi ro -0
Các ứng dụng này đều chấp nhận số tiền gửi rất nhỏ, thậm chí từ 10.000 đồng, lãi suất thì luôn cao hơn lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.

Trước đó, ngày 5/10/2022, UBCK Nhà nước đưa ra khuyến cáo nêu rõ, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCK Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

UBCK Nhà nước cũng thông tin, đơn vị này chỉ cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các công ty quản lý quỹ; cấp giấy chứng nhận thành lập quỹ cho các quỹ đầu tư chứng khoán do các công ty quản lý quỹ được cấp phép quản lý; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho các đại lý phân phối chứng chỉ quỹ.

Các công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối được cấp phép thực hiện phân phối chứng chỉ quỹ theo hình thức trực tiếp hoặc trên môi trường mạng thông qua các trang thông tin điện tử, chương trình, ứng dụng công nghệ của công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối. Để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư, UBCK Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư, trong đó bao gồm cả đầu tư qua phương thức điện tử (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,...).

Nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu về các dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được UBCK Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.

Ngày 23/3/2023, Bộ Tài chính cũng đưa ra cảnh báo: Để thu thập tài liệu chứng minh hoạt động của các tổ chức sử dụng ứng dụng điện thoại có dấu hiệu vi phạm hay không và đưa ra cảnh báo phù hợp cho nhà đầu tư thì sẽ mất một khoảng thời gian do một số yếu tố khó khăn tác động. Cụ thể, các doanh nghiệp này không phải là các đơn vị do UBCKNN thành lập và quản lý, mà được các sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố cấp theo Luật Doanh nghiệp. Hoạt động của những đơn vị này cũng được thực hiện trong môi trường công nghệ, thông qua cung cấp nền tảng công nghệ, gồm hệ thống website và các ứng dụng app giao dịch trên điện thoại di động.

Các doanh nghiệp trên truyền thông để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Bộ Tài chính cho rằng, cần định hướng các công ty fintech sử dụng nền tảng công nghệ và hoạt động đúng vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian cho các công ty quản lý quỹ, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghệ fintech nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Phong Anh
.
.