Có một làng chài phía bên kia phố thị

Thứ Hai, 17/01/2022, 22:25

Thuộc địa phận Hà Nội, ở phía bên kia sông Hồng, làng chài Văn Đức vẫn lặng lẽ duy trì nếp sống thường ngày giống như bao đời nay dù cho thế sự biến đổi khôn lường. Họ vẫn sống nhờ dòng sông, mưu sinh bằng nghề chài lưới và trú ngụ trong những căn nhà nổi lênh đênh bên bờ…

Phía bên kia phồn hoa

Có thể nói làng chài Văn Đức thuộc xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng chài duy nhất của Hà Nội còn tồn tại đến ngày nay. Khác với những xóm nổi “ăn nhờ, ở đậu” trên sông Hồng nhưng mưu sinh trong phố thị, người dân ở làng chài Văn Đức vẫn sống bằng nghề đánh cá và chèo đò qua bao đời nay.

Nhiều người vẫn đùa rằng, mặc dù vẫn nằm trên địa phận Hà Nội, nhưng nhìn từ làng chài về phía bên kia phố thị như hai thế giới khác nhau. Ở phía bên kia xe cộ ồn ã, cuộc sống hối hả với những ánh đèn xanh đỏ chiếu rọi ngày đêm thì ở phía tả ngạn sông Hồng, những ngư phủ của làng chài Văn Đức vẫn sống cuộc sống lặng lẽ bên những con sóng bập bềnh.

Có một làng chài phía bên kia phố thị -0
Xóm chài Văn Đức với những căn nhà nổi tả ngạn sông Hồng

Ông Nguyễn Văn Hiền – người đại diện của làng chài Văn Đức cho biết, trong trí nhớ của ông thì làng chài này đã tồn tại cả trăm năm. Khi đó các gia đình đánh cá trên khu vực sông Hồng quanh khu vực Hà Nội, Hưng Yên tụ tập lại và thành lập nên làng chài này.

Có một làng chài phía bên kia phố thị -0
Không gian vừa là phòng ngủ vừa là phòng tiếp khách của nhà ông Hiền

“Từ đời ông nội tôi cho tới nay đến đời cháu tôi cũng được sinh ra ở nơi đây, nghĩa là đã 5 đời gắn liền với làng chài Văn Đức. Nhưng tôi nghe kể lại thì trước đời ông tôi cũng đã gắn bó với cuộc sống thuyền chài, nhưng khi đó không rõ họ có lập làng như bây giờ không. Những người đánh cá quây quần lại nơi đây rồi sinh con đẻ cái, thời điểm đông đúc nhất lên tới 300 người với 100 hộ…”, ông Hiền chia sẻ.

Vào thời điểm làng chài Văn Đức đông vui nhất, cá ở khúc sông Hồng này còn không đủ để khai thác, nhiều ngư phủ đem theo cả vợ con lên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình thuộc địa phận Hải Dương để đánh bắt. Có gia đình chuyển ra biển làm ăn, cả năm mới quay về Văn Đức một lần. Khi đó những con thuyền gỗ của làng chài Văn Đức chỉ rộng chừng 5m2 chở cả gia đình 3, 4 người lênh đênh trên sông, ra đến cả cửa biển để mưu sinh. Cuộc sống sinh hoạt gói gọn trong không gian chật chội với cơ man đồ đạc như nồi niêu, bát đĩa và cả bếp củi cùng đồ ăn thức uống mang theo.

“Có lúc gặp mưa to, củi ướt nên phải vừa hong khô vừa cho vào bếp thổi cơm. Những khi ấy, nồi cơm trên sống, dưới khê nhưng vẫn phải ăn. Cuộc sống trên con thuyền nhỏ được các cụ miêu tả bằng câu cửa miệng là ăn đằng lái, đái đằng mũi, vô cùng khổ cực”, ông Hiền nhớ lại.

Có một làng chài phía bên kia phố thị -0
Bà Liệu – Em gái ông Hiền luôn phải kè kè bên đứa cháu nhỏ

Ông Hiền kể rằng, trước đây việc tắm, giặt trực tiếp vào nước sông, nayl o lắng nước ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh, dân làng cẩn thận đánh phèn chua vào nước để rửa bát, lau mặt, còn ăn uống phải mua nước bình trên bờ. Việc tắm, đàn ông, con trai đơn giản, gọn nhẹ cứ nhảy ùm xuống sông, đàn bà, con gái phức tạp hơn, múc nước sông lên lắng lọc rồi mới tắm gội.

Nơi cư ngụ của xóm chài này cũng từ những con thuyền nhỏ chòng chành, dần chuyển sang thành thuyền lớn hoặc ngôi nhà đặt trên những chiếc thùng phi ghép lại, neo chặt vào bến sông. Ngôi nhà nổi lênh đênh này nối với đất liền bằng những chiếc cầu vá chằng chịt bởi gỗ, sắt phế thải được người dân thu lượm, chòng chành khó đi cả với những người sống ở đây suốt một đời.

Bế đứa cháu trên tay, bà Nguyễn Thị Liệu – em gái ông Hiền cho biết: “Những gia đình có trẻ nhỏ luôn phải có người trông coi để tránh cảnh ngã xuống sông.Thế nên nhà nào có trẻ con lại mất một người ở nhà trông coi, không đi làm được. Nhưng đành phải vậy, chứ sống cảnh sông nước này chỉ lơ là một chút là hối không kịp”.

Oằn mình trong đại dịch

Nhiều thập niên qua, dân chài Văn Đức vẫn chỉ mơ có một mảnh đất "cắm dùi". Ho mong mỏi có một mảnh đất sinh sống để rồi sẽ không còn phải tránh trú mỗi khi bão về, không phải sống đời lênh đênh, những đứa trẻ sẽ không còn lo ngã nước, không còn phải lênh đênh trên thuyền, nay đây mai đó với bố mẹ chúng, và lẽ đó, những đứa trẻ cũng sẽ được ăn học đàng hoàng hơn...

Bao năm qua, không ít dân chài Văn Đức phải thuê lối đi từ đường xuống nhà ở dưới sông, bởi phần đất bãi từ đường xuống sông thuộc quyền sử dụng của người khác. Khi mở đường đi qua đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoa màu. Họ vẫn nhìn những mảnh đất xanh mướt đó mà thèm thuồng, nghĩ đến một ngày tích cóp đủ đầy để được lên bờ một cách đúng nghĩa.

Quan hiều thế hệ, cũng đã có một số người chán cảnh lênh đênh nên đã ra đi tìm cho mình một con đường mới, cũng vì thế làng chài bắt đầu thưa thớt dân cư. Cho tới thời điểm hiện tại, làng chài Văn Đức chỉ còn 24 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu đang bám trụ nơi này. Tuy nhiên, không phải tất cả đều theo nghề chài lưới như nếp cũ mà bắt đầu làm các nghề khác nhau như buôn bán, làm thuê để kiếm sống.

Một điển hình của việc đổi nghề đó là gia đình bà Nguyễn Thị Minh, hàng xóm của ông Hiền. Để mưu sinh qua ngày, bà Minh thường chèo thuyền sang bến phà gần làng chài để bán nước ngọt, kẹo bánh. Chỉ khi nào rảnh rỗi, bà mới quay lại với nghề chài lưới để kiếm thêm chút thu nhập. Con gái bà Minh cũng không sống bằng nghề đánh cá như bao người ở làng chài mà lên bờ đi làm thuê cho công ty đồ gốm tại xã Bát Tràng.

Có một làng chài phía bên kia phố thị -0
Mưu sinh trên bến sông

Cuộc sống của làng chài tưởng chừng đã bắt đầu có sự đổi thay, nhưng đại dịch COVID-19 đã lấy đi tất cả. Nhiều người đi làm xa đã bắt đầu quay về làng chài để sống tiếp cuộc sống lênh đênh do các cơ sở kinh doanh đóng cửa, không còn việc làm. Những người dân làng chài lại sống nhờ những mẻ lưới, bám trụ lại cuộc sống bằng cái nghề truyền qua cả trăm năm của làng chài Văn Đức.

4-1642386497964.jpeg
Người dân xóm chài cất lưới sau khi thu một mẻ cá

Tuy nhiên, vào thời điểm giãn cách vì dịch bệnh, ngay cả cá cũng không có “đầu ra” do các chợ đóng cửa. Người dân làng chài phải tận dụng mọi mối quan hệ để mang cá đến bán tận nhà, kiếm lấy đồng ra đồng vào. Có những mẻ cá bắt về không tiêu thụ được, họ lại thả vào nuôi ở lồng bè bên mạn thuyền, chờ đến ngày có người mua hoặc phải mang ra ăn cho qua bữa.

“Làng chài Văn Đức từng chứng kiến nhiều trận thiên tai, lũ lụt nhưng có lẽ chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch lớn như vậy. Tôm cá không bán được, trẻ em không thể đến trường, mọi thứ đều bị cô lập. Nó còn đáng sợ hơn những trận lụt kinh hoàng trước đây chúng tôi từng đối mặt”, bà Nguyễn Thị Son – một người dân làng chài cho biết.

Nhưng may mắn thay, trong những ngày giãn cách, làng chài vẫn được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Những con thuyền vẫn sáng đèn dù có hộ nhiều tháng không có tiền đóng tiền điện. UBND xã Văn Đức vẫn thường xuyên hỗ trợ rau xanh, mỳ tôm và tuyên truyền cho bà con thực hiện 5K để đảm bảo an toàn trong đại dịch.

Vào cuối tháng 9-2021, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với nhiều hội nhóm, tổ chức đã tặng nhiều máy tính bảng kèm sim số, thiết bị phát sóng với tổng trị giá 130 triệu đồng do Thành đoàn cùng các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp trao tặng cho các em nhỏ. Giúp các em có đầy đủ thiết bị cần thiết để tham gia học online trong thời điểm dịch bệnh.

Có một làng chài phía bên kia phố thị -0
Thành đoàn Hà Nội cùng các tổ chức, cá nhân trao tặng quà và máy tính cho các em nhỏ làng chài Văn Đức trong mùa dịch COVID-19

Theo ông Trần Văn Duẩn – Phó chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết, việc hình thành xóm chài Văn Đức không có tài liệu nào ghi chép, nhưng qua một số lời kể thì làng chài này đã có từ vài thế kỉ trước. Trước đây khi chưa có những công trình thủy điện ở thượng nguồn, hệ thống đê điều chưa hoàn thiện, cứ khoảng tháng 6-8 âm lịch hàng năm, làng quanh bờ sông ngập trắng. Khi đó, nhà nào nhà nấy cũng sắm cho mình 1 chiếc thuyền, nước lên là cùng nhau đi đánh bắt cá để mưu sinh, từ đó tạo thành làng chài như hiện nay. Bà con làng chài đều được cấp hộ khẩu xã Văn Đức, trẻ con được đi học, một số cháu còn học lên hẳn cấp 3.

Về việc “lên bờ”, chính quyền xã Văn Đức đã tổ chức nhiều cuộc họp với bà con để giải quyết vấn đề cấp đất cho dân làng chài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất bởi những hộ dân hiện đã có đất trên bờ cũng bày tỏ có nguyện vọng được hưởng quyền lợi như những hộ còn lại. Xã cũng đang cố gắng thuyết phục bà con để xử lý khúc mắc này. Khi đã thống nhất, chính quyền sẽ có một công văn đề nghị lên huyện Gia Lâm để có cơ chế hợp lý. Nếu không cấp đất được miễn phí thì cũng sẽ có một mức giá ưu đãi cho bà con làng chài.

Đại úy Đoàn Duy Thành - Trưởng Công an xã Văn Đức cho biết các cư dân ở làng chài Văn Đức có đầy đủ hộ khẩu, được quản lý nhân khẩu như mọi công dân bình thường. Trước đây làng chài Văn Đức thuộc khu Bến thuyền, hiện giờ thuộc thôn Trung Văn 3, có cán bộ cảnh sát khu vực phụ trách. Cũng như bất cứ địa bàn dân cư nào trên bờ, làng chài Văn Đức được tuyên truyền về pháp luật, an toàn trật tự xã hội và các hoạt động khác của địa phương.

Trâm Anh
.
.