Công an phường chống dịch giữa "vùng đỏ"

Thứ Hai, 27/09/2021, 10:03

Là một trong những địa bàn xuất hiện ổ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 đầu tiên trước khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, CBCS Công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân đã sát cánh cùng người dân để họ vững tin chống chọi với giai đoạn dịch khó khăn nhất...

Cho đến nay đã có 11 CBCS bị lây nhiễm dịch bệnh (F0) trong lúc làm nhiệm vụ và toàn bộ CBCS còn lại là F1 phải cách ly để điều trị, theo dõi nhưng vừa khỏi bệnh là lập tức xuống địa bàn cùng anh em giữ gìn an ninh trật tự, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tặng nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đưa F0 đi điều trị...

Cùng ăn, cùng ngủ với dân

Mặc dù luôn là người “đứng mũi chịu sào” trong toàn bộ hành trình chống dịch trên địa bàn nhưng nói chuyện với chúng tôi, Trung tá Bùi Văn Hải - Trưởng Công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân vẫn khá khiêm tốn: “Để bảo đảm ANTT cùng sự đồng lòng của người dân trong phòng, chống dịch như hôm nay là sự cố gắng của cả tập thể CBCS trong công an phường chứ bản thân cũng chỉ góp một phần...”.

Công an phường chống dịch giữa
Trung tá Bùi Văn Hải - Trưởng Công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh gọi loa thuyết phục mọi người ở yên tại chỗ.

Theo lời Trung tá Hải, đầu tháng 6-2021, khi hẻm 213 đường Lê Đình Cẩn xuất hiện ổ dịch lớn, nhận thấy khu vực này có hàng ngàn phòng trọ tập trung thành cụm với cơ sở hạ tầng thuộc dạng kém, luôn ẩm thấp, không có không gian thoáng nên Hải cùng anh em nhanh chóng thiết lập nhiều chốt phong tỏa nhằm tránh lây lan sang khu vực khác. Số anh em đã được tập huấn thì trực tiếp đến từng phòng trọ làm công tác tư tưởng, để tránh sự hoang mang cho tất cả mọi người, đồng thời trực tiếp hướng dẫn phòng, chống dịch theo biện pháp 5K trước khi tặng bà con khẩu trang cùng nước sát khuẩn. Số anh em còn lại thay phiên nhau đảm bảo túc trực đủ quân số 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, đồng thời hỗ trợ đơn vị y tế lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F1, F2...

Lúc đầu, đa số đều không thông, cứ muốn tháo chạy khỏi nơi cư ngụ nhưng khi CBCS quyết định “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc” với dân; bà con ngủ trong nhà, anh em kê ghế bố ngủ ngoài trời, ăn cơm hộp tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch nên bà con quay sang ủng hộ, ở yên trong nhà mà không qua lại thăm hỏi, trò chuyện theo thói quen thường ngày.

Sau vài ngày, tư tưởng và mọi sinh hoạt ổn định thì đến ngày thứ 3, thứ 4 bắt đầu có hiện tượng nhốn nháo. Tìm hiểu nhanh, phát hiện có rất nhiều công nhân và người lao động tự do (làm ngày nào ăn ngày ấy) thiếu hụt nhu yếu phẩm, thuốc men cho người bệnh và khám chữa bệnh cho trẻ nhỏ. Trung tá Hải giao ngay cho cảnh sát khu vực thông báo số điện thoại đến từng phòng trọ và khi người dân gọi thì kết nối ngay với y tế để kịp thời thăm khám. Riêng đồng chí Hải cùng vài anh em khác ngoài trích một phần tiền lương còn lập tức tỏa đi tìm nhà hảo tâm và đã kịp thời hỗ trợ hàng trăm phần gạo, rau củ, thịt, cá, thuốc men cho những trường hợp khó khăn.

Chưa kịp ổn định thì tại Công ty Pou Yuen trên địa bàn tiếp tục xuất hiện ca F0. Với trên 72.000 công nhân làm việc thường trực, họ đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước mang theo lối sống khác nhau nên nếu không có biện pháp kịp thời, khả năng công nhân xô cổng ùa ra ngoài gây vỡ trận là rất cao. Trước thời khắc nguy nan, Trung tá Hải quyết định rút bớt quân tại khu vực hẻm 213 Lê Đình Cẩn cùng anh trực tiếp đến Công ty Pou Yuen. Sau khi phân công cho các anh em khác đến từng phân xưởng ổn định tình hình, anh cùng giám đốc điều hành xuống ngay phân xưởng xuất hiện ca F0. Sau gần 3 giờ cầm loa tay nói chuyện thân mật, giải thích điều hay lẽ phải cùng những việc cần thiết phải thực hiện để tránh bị lây lan dịch bệnh, hàng chục ngàn công nhân đã nhiệt tình ủng hộ, sẵn sàng ngồi chờ để các anh hướng dẫn đến bàn y tế lấy mẫu xét nghiệm. Kể từ thời điểm này, Trung tá Hải cùng anh em trong công an phường đã quyết định giao lại việc chăm lo gia đình, con cái cho vợ và người thân, dành toàn bộ thời gian cho tuyến đầu phòng, chống dịch, xuống ca thì về trụ sở nghỉ ngơi chứ không về nhà.

Công an phường chống dịch giữa
Tặng nhu yếu phẩm cho người dân “vùng đỏ”.

Cũng bởi tập trung nhiều công nhân và người lao động nghèo nên khi dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng, thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở mức độ cao thì vấn để an sinh xã hội, ổn định tinh thần cho người dân cũng trở nên khá cấp thiết. Mặt khác, phần lớn trong số 24.000 hộ dân với trên 78.000 nhân khẩu cùng hàng chục ngàn công nhân và người lao động thuê phòng tại 1.200 khu nhà trọ trải rộng trên diện tích 500 ha đều nằm trong “vùng đỏ” nên việc tập trung chống dịch phải được đặt lên hàng đầu.

Để giải quyết tốt tình hình, Trung tá Hải yêu cầu tất cả anh em trong đơn vị lập tức xuống 42 ô khu vực, 106 tổ dân phố để rà soát, nắm bắt tình hình thực tế với yêu cầu phải ân cần, gần gũi, xem người dân như người thân của mình để họ cởi mở tấm lòng, thổ lộ tâm tư, tình cảm và khó khăn về mặt nào để còn có hướng giúp đỡ. Đối với hộ nào có ý thức cao thì gửi giấy có ghi các yêu cầu về phòng, chống dịch nhưng đối với công nhân và người lao động tự do vốn có thói quen tụ tập trò chuyện cho vơi bớt mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả thì trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở cho họ hiểu để ai ở phòng nào thì ở yên phòng đấy, nếu có vấn đề gì thì gọi , cảnh sát khu vực luôn trực 24/24 giờ...

Sau khi rà soát, nhận thấy rất nhiều bà con thực sự thiếu thốn lương thực, thuốc men, Trung tá Hải cùng anh em lại tìm đủ mọi cách vận động được trên 1.000 phần nhu yếu phẩm gồm gạo, dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, muối, rau củ cùng thuốc men gửi tặng bà con, ngoài ra còn hàng ngàn phần nhu yếu phẩm khác do Công an quận Bình Tân chuyển xuống.

Chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng F0 đến từng hộ dân

Công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm những yêu cầu về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đang rất thuận lợi thì Trung tá Hải nhận tin có 2 cán bộ bị nhiễm COVID-19. Vừa đưa 2 người này sang khu cách ly điều trị tập trung nằm cùng phường thì tiếp tục có thêm 9 cán bộ khác cũng cho kết quả dương tính sau khi xét nghiệm. Nhân lực vốn đã mỏng, bản thân cùng vài anh em khác đã trở thành F1, cần phải cách ly theo dõi, gần như toàn bộ công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh trật tự dồn lên vai 4-5 cảnh sát khu vực còn lại; chưa kể thêm cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của những cán bộ dính F0 cứ liên tục gọi điện hỏi tình hình khiến anh Hải như ngồi trên đống lửa. Công tác an ủi, động viên những người thân của những cán bộ dính F0 đã được thực hiện và họ rất an tâm nhưng những vấn đề phát sinh của người dân “vùng đỏ” về an sinh xã hội, trợ giúp y tế... thì làm sao kịp thời giải quyết ổn thỏa? 

Để giải quyết những câu hỏi chất chứa trong đầu, ngay khi nhận kết quả âm tính sau 3 lần xét nghiệm PCR, Trung tá Hải lập tức xắn quần cùng số anh em thuộc diện an toàn mỗi ngày ít nhất 1 lần lội bộ vào từng ngõ ngách trong 106 tổ dân phố để rà soát, nắm bắt tình hình. Ai thiếu nhu yếu phẩm thì vận động nhà hảo tâm ủng hộ, ai thiếu thuốc men thì bỏ tiền túi mua tặng hoặc lên cơ sở y tế xin giúp. Một số cán bộ sau thời gian điều trị và tự cách ly 14 ngày đã có kết quả âm tính cũng xung phong ra tuyến đầu vì muốn mang kinh nghiệm chiến thắng F0 chia sẻ để tất cả bà con trong phường hiểu sâu hơn về phương pháp phòng, chống dịch. Không cần bàn bạc thêm, tất cả CBCS lập tức xuống từng tổ dân phố gửi thông báo với tiêu chí: “Mọi người dân cần trợ giúp đột xuất cứ gọi điện thoại bất cứ ngày hay đêm, bất cứ ai trong danh sách của toàn bộ CBCS mà công an phường đã chuyển đến bà con trước đó để được giải quyết trong khả năng, bà con gọi nhỡ thì gọi lại, nhận tin nhắn hỗ trợ bệnh tật thì cử cán bộ xuống tận nơi trong thời gian sớm nhất...”.

Công an phường chống dịch giữa
Công an phường chống dịch giữa
Tuyên truyền, giải thích, tặng nhu yếu phẩm cho những trường hợp khó khăn chưa được nhận tiền hỗ trợ để họ an tâm.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ tiếp dân chia sẻ: “Trước giãn cách, trên địa bàn xuất hiện ổ dịch nên không dám về nhà mà giao toàn bộ công việc chăm sóc cha mẹ già cùng 2 con nhỏ cho chồng. Đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì dịch bệnh lại bùng phát trên diện rộng, mình cùng anh em quyết định tiếp tục ăn nghỉ tại trụ sở để dành thời gian xuống từng hộ dân, đặc biệt là “vùng đỏ” tuyên truyền và hỗ trợ bà con. Có hôm còn quên, khi vừa tan ca trực chốt thì chạy xe gắn máy về nhà để ôm các con vào lòng cho thỏa nỗi niềm trong những ngày xa cách, chỉ đến lúc gặp chốt kiểm soát phòng, chống dịch tiếp theo mới sực nhớ phải quay về trụ sở. Hơn 3 tháng ròng chỉ gặp gia đình qua điện thoại video call, 2 con nhỏ lúc nào cũng nước mắt ngắn dài đòi mẹ về dạy viết chữ, kể truyện cổ tích, khâu lại cái nút áo đã bị đứt mà lòng cứ quặn lại nhưng vẫn phải cố gắng kìm nén động viên chúng... Ngày bị dính F0 cũng không dám nói với bất cứ ai ngoài chồng và đồng đội, cũng nhờ anh ấy luôn động viên, đồng đội thì chia sẻ nên mình yên tâm nằm điều trị ở bệnh viện. Vừa ra viện, chồng lại khuyên mang kinh nghiệm chiến thắng F0 chia sẻ rộng rãi nên mình cùng các anh em vừa khỏi lập tức vào “vùng đỏ” chia sẻ cho tất cả bà con...”.

Thiếu tá Trịnh Xuân Sang, cảnh sát khu vực KP9 tâm sự: “Mình xem việc hỗ trợ bà con cũng như cho chính người thân của mình thôi. Giúp được gì thì giúp hết mình chứ không nề hà... Trách nhiệm mà anh...”. Mặc dù anh e ngại không nói, nhưng qua ông N.V.T, tôi biết Sang đã kịp thời cứu sống chính ông T. và 2 người khác trở nặng do nhiễm COVID-19.

Theo lời ông T., một đêm giữa tháng 8-2021, ông bỗng phát hiện bị sốt cao, rát họng, nhức đầu và gần như không thể thở nổi. Không có số điện thoại của y tế phường, quận, ông chỉ còn cách gọi cho cảnh sát khu vực. Chỉ 5 phút sau đã thấy Thiếu tá Sang trong bộ đồ bảo hộ đẩy cửa vào nhà bế ông lên xe gắn máy chở đến bệnh viện. Khi đã qua cơn nguy kịch, các bác sĩ cho biết chỉ chậm vài phút thôi, có thể sẽ không cứu được. Sau khi xuất viện, ông T. định tìm Thiếu tá Sang để cảm ơn cứu mạng nhưng ông tổ trưởng khu phố cho biết, ngoài ông, anh Sang còn kịp thời cứu sống 2 F0 nguy kịch khác và hiện anh cũng dính F0, phải nằm điều trị trong bệnh viện...

Sau nhiều tháng ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở mức độ cao, nhiều hộ dân “vùng đỏ” rơi vào cảnh khó khăn mọi bề. Trên 5.000 trường hợp thất nghiệp đã được hỗ trợ 1.500.000 đồng/hộ theo Nghị quyết 09 của thành phố nhưng do cán bộ UBND phường mỏng, không kịp rà soát khiến một số hộ dân khó khăn chưa được nhận hỗ trợ. Tưởng bị bỏ lọt, họ kéo nhau lên UBND phường khiếu nại, có người quá khích còn la lối, chửi bới.

Không thể để bà con tụ tập đông người gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và cộng đồng, Trung tá Hải cùng những anh em vừa khỏi F0 xuống ngay hiện trường gặp gỡ bà con để vận động, giải thích. Cùng với đó, anh Hải còn yêu cầu các cán bộ còn lại chuẩn bị 20 tấn gạo cùng hàng trăm túi rau, củ, thực phẩm tặng liền tay cho từng người.

Đức Cương
.
.