Cuối năm… “mùa vỡ hụi”

Thứ Hai, 28/11/2022, 10:15

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là lại đến mùa vỡ hụi, hàng ngàn gia đình lâm cảnh trắng tay, có người còn tự sát vì chơi biêu, hụi. Bài học vỡ hụi hằng năm lúc nào cũng là quá đắt, nhưng rồi cũng vì mờ mắt trước lãi suất khủng của chủ hụi đưa ra mà người dân vẫn cắm đầu lao vào. Để rồi cuối cùng chuốc lấy nỗi ê chề mang tên “vỡ hụi”.

Rúng động những vụ vỡ hụi

Thời gian qua, đặc biệt là đợt cao điểm cuối năm 2022, liên tiếp những vụ vỡ hụi tiền tỷ xảy ra làm hàng ngàn người điêu đứng, nhiều gia đình kiệt quệ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí có người đột quỵ, tự sát khi không thể đòi lại số tiền đóng vào các đường dây hụi này.

Ngày 16/11/2022, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu tiến  hành bắt tạm giam Trương Thị Thùy (sinh năm 1981, ngụ xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thùy mạo danh các hụi viên để hốt hụi, bán hụi khống cho hụi viên, chiếm đoạt trên 2,5 tỷ đồng, sau đó tuyên bố vỡ hụi. Trước đó, vào sáng 15/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cũng tiến hành bắt tạm giam đối với Ong Thị Bích Ngọc (sinh năm 1988, ngụ xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ong Thị Bích Ngọc cũng là chủ hụi, dùng tên khống, mạo danh tên của các hụi viên để hốt hụi, bán hụi với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Cuối năm… “mùa vỡ hụi” -0
Cuối năm… “mùa vỡ hụi” -1
Nhiều tiểu thương chợ Nam Phước chung hụi cùng bà L. đang đứng ngồi không yên.

Điển hình gần đây là vụ vỡ hụi lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Duy Xuyên (Quảng Nam) mà nạn nhân là hàng trăm tiểu thương ở chợ Nam Phước. Theo trình báo của nhiều người với Cơ quan công an, những người này chơi hụi với bà N.T.M.L (sống ở thị trấn Nam Phước), có người góp vài trăm triệu đồng, có người góp vài tỷ đồng. Các tiểu thương cho hay rất đông người chơi hụi cùng bà L. Những người tham gia chơi biêu hụi này có nhiều người là tiểu thương buôn bán (từ người bán rau đến trái cây, thịt cá) đều chung hụi cùng bà L.

Nhiều tiểu thương như bà Nguyễn Thị Gái góp 4 “chân hụi", mỗi tháng đóng 40 triệu đồng cho bà L. Từ đầu năm đến nay, bà Gái đã góp hơn 300 triệu đồng. Đây là số tiền mà bà và người thân gom góp, giờ nguy cơ mất trắng. Tương tự, chị Thu Hà (tiểu thương bán thịt heo tại chợ Nam Phước) cũng đóng góp 300 triệu đồng để tham gia 2 “chân hụi” cùng bà L. Không chỉ hai tiểu thương này, mà hàng trăm người khác cũng góp những “chân hụi” với bà L. Trong số các nạn nhân, có nhiều người bán chè, bán sữa đậu nành, có người khuyết tật gom góp từng đồng để đóng hụi, với mong muốn cuối năm "hốt hụi" sắm sửa Tết.

Theo người dân địa phương, bà L. làm chủ đường dây biêu hụi khoảng 20 năm nay, mọi năm đều trả tiền đầy đủ nên không ai nghi ngờ gì cả. Chính vì vậy mà nhiều người tin tưởng, góp tiền chơi biêu hụi. Người dân góp hụi chỉ ghi vào sổ chứ không hề có giấy tờ gì. Tin ban đầu bà L. mất liên lạc đã khiến cả chợ xôn xao, đời sống xáo trộn, buôn bán đình trệ. Sáng 18/11, nhiều người dân đã đến trụ sở Công an thị trấn Nam Phước trình báo vụ việc. Một cán bộ trực ban công an cho biết đơn vị đang tiếp nhận hồ sơ ban đầu. Các tiểu thương đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nếu bà L. lừa đảo, chiếm đoạt tiền thì phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật. 

Đó chỉ là vài trong số rất nhiều vụ việc vỡ hụi xảy ra gần đây trên địa bàn cả nước. Số phận những “chủ nợ” bỗng dưng trắng tay vì chơi hụi đang rất bi đát. Những vụ vỡ hụi đã cuốn đi biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng con người khiến biết bao gia đình đang yên ấm bỗng rơi vào cảnh tan nát, tình cảm gia đình, hàng xóm phôi phai.

Vì sao thường vỡ hụi vào dịp cuối năm?

Chơi hụi bằng lòng tin, thậm chí nhiều người còn không biết những ai cùng chơi với mình. Chủ hụi nói sao nghe vậy và cứ thế góp tiền. Cuối cùng, hậu quả từ những vụ vỡ hụi là hụi viên thiệt đơn thiệt kép khi vừa mất tiền, bản thân phải ôm đơn đi kiện.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, tại tòa án các cấp, tỷ lệ người dân đến nộp đơn khởi kiện tranh chấp nợ hụi không phải là chuyện hiếm. Một bị đơn thì có đến vài chục nguyên đơn khởi kiện. Đến 90% là hụi viên đi kiện chủ hụi vì bị giật, phần lớn các vụ việc được tòa án giải quyết theo thủ tục tranh chấp dân sự. Số ít trường hợp phải xử lý hình sự vì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc xét xử dân sự liên quan đến hụi thường khá phức tạp và nhiều khó khăn. Rất nhiều người tham gia chơi hụi không nắm vững các quy định pháp luật, không quan tâm đến hình thức, nên dễ dẫn đến các bất lợi khi xảy ra tranh chấp.

Phần lớn sau các vụ vỡ hụi, cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn trong việc thi hành bản án. Bởi thường khi vỡ hụi, tài sản của các chủ hụi chẳng còn lại là bao để thi hành, đối với các hụi viên nếu có nhận lại được tiền thì phần được nhận lại cũng rất ít ỏi, so với con số mất mát. Những tài sản có giá trị như nhà, đất đều đã được cầm cố, thế chấp trong ngân hàng với số tiền lớn, nên việc thi hành án là rất gian nan.

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ về việc chơi hụi. "Họ, hụi, biêu, phường... là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”.

Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia chơi họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân, theo quy định của nghị định và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ: Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cách chơi hụi đã bị biến tướng, bóp méo, dẫn đến nỗi buồn, cảnh mất mát về người và tài sản đã xảy ra một cách nghiêm trọng. Thường thì những đường dây hụi này do một số người tự nguyện, rủ nhau cùng tham gia gom góp tiền đưa cho một người cố định hoặc luân chuyển sang người khác, tự thống nhất ngày, giờ, số tiền góp hụi theo hàng tháng. Khi độ tin tưởng lên cao, việc góp tiền hụi còn được tiến hành qua điện thoại, không nhất thiết phải có mặt trực tiếp.

Cuối năm… “mùa vỡ hụi” -0
Một tiểu thương thất thần khi hay tin chủ hụi mất tích.

Nhiều người chơi hụi đều khẳng định đó là một cách để có vốn làm ăn. Nhưng, khi mọi người đều bị cuốn theo những khoản lãi suất “siêu khủng” và khi cần huy động vốn lại rất dễ dàng, thuận lợi, kèm theo đó là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trước cám dỗ của đồng tiền... khiến họ mờ mắt tự nguyện mang tiền đến góp mà không có bất kỳ một loại giấy tờ nào hoặc có cũng chỉ là những tấm giấy viết tay vô giá trị. Vì thế, nhiều gia đình chồng giấu vợ, vợ trốn chồng lặng lẽ cắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp nhà cửa, vay nợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau dồn tiền dây hụi để hưởng lãi suất hằng tháng. Sau khi lấy được tiền một cách dễ dàng, họ mua sắm đồ dùng gia đình, cờ bạc lô đề, dẫn đến các tổ phường hụi vỡ tan tành. Chi tiêu một cách vô bổ bằng tiền của người khác, cho đến khi không còn khả năng trả lại tiền cho những người đã nộp trước được nữa thì các đối tượng này tìm cách thoái thác, bỏ trốn, thậm chí đã phải tự sát. Những chủ hụi có “âm mưu” lừa đảo thường có toan tính từ trước. Ban đầu họ cố tình phô trương tiềm lực kinh tế để các hụi viên tin tưởng. Khi đã có được sự tin tưởng của các hụi viên, họ gom tiền bỏ trốn.

Điều đáng chú ý là thường vào dịp cuối năm, các hụi viên lúc này mới hốt hụi để trả nợ, lo sắm sửa cho gia đình và làm nhiều việc khác, cần tiền mới tìm đến chủ hụi thì chủ hụi đã bỏ trốn. Có chủ hụi “trốn không kịp” thì tuyên bố vỡ nợ không có khả năng chi trả. Đó là lý do vì sao vào thời điểm cuối năm, tình trạng vỡ hụi lại rộ lên hơn bao giờ hết. Cuối cùng, những giọt nước mắt đắng cay đổ dồn hết về những người cho vay.

Thực tế hiện hay là có bao nhiêu đường dây hụi không thể nào kiểm soát hết được và tình trạng chơi hụi trá hình ở các địa phương vẫn không thể dập tắt. Kết cục là chỉ có những người mang tiền đi cho vay, mang tất cả tài sản dốc vào canh bạc này là thiệt thòi nhất. Điều đáng ngạc nhiên là những bài học đắt giá cho những ảo tưởng làm giàu nhanh chóng dù đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở nhiều địa phương nhưng nó vẫn luôn mới. Đặc biệt là vỡ  hụi thường xảy ra vào dịp cuối năm nhưng năm nào cũng vậy, vẫn có rất nhiều nạn nhân của các sự việc tương tự như trên.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự, nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ đều có những quy định liên quan đến hụi, điều chỉnh quan hệ dân sự này. Tuy nhiên, trên thực tế, ít có hụi viên nào yêu cầu chủ hụi phải đem văn bản thỏa thuận về hụi đi chứng thực và cũng hiếm có chủ hụi nào khai báo với chính quyền địa phương khi mở các dây hụi lớn.

Vậy là khi các bên không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của pháp luật thì ẩn đằng sau đó là rủi ro, nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nhiều hệ lụy, hậu quả từ hụi có thể xảy ra...

Minh Ngọc
.
.