"Đại dịch" mang tên smartphones

Thứ Tư, 14/09/2022, 21:07

Smartphones hay các thiết bị công nghệ như máy tính bảng, máy tính xách tay... là tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ nổi bật trong vài chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc lạm dụng các thiết bị này, đặc biệt là đối với trẻ em đã và đang tạo ra vô vàn những hệ lụy nguy hiểm...

Bài 1: Khi trẻ em trở thành "nô lệ" của smartphones

1. Mấy tuần trở lại đây, gia đình anh Toàn chị Hương (thường trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) như thể có đám. Hai anh chị không bao giờ có thể nghĩ được rằng chỉ sau một thời gian ngắn bỏ bê con cái cho điện thoại thông minh, cả hai đứa trẻ đều có những biểu hiện hết sức đáng quan ngại. Chị Hương thậm chí đã phải bỏ làm, dành thời gian ở nhà với con. Song, tình trạng hai cháu bé vẫn hết sức nguy hiểm, chị phải đưa con đi bệnh viện khám và điều trị.

Bác sỹ Tô Thanh Phương đang thăm khám cho một bệnh nhân trầm cảm do nghiện mạng xã hội.

Sinh cháu bé thứ hai đúng đợt dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại nước ta, hai anh chị không còn cách nào khác là phải gửi con về nhờ ông bà giúp đỡ. Thiếu hơi cha mẹ, đứa trẻ luôn quấy khóc nên mỗi lần cho ăn ông bà đều phải bật ti vi, hoặc điện thoại cho cháu xem các video trên mạng xã hội Youtube. Còn cháu lớn thì ở nhà cũng chỉ loanh quanh với tivi, máy tính bảng... Thời gian học online thì lại dán mắt vào chiếc   laptop.

Khi dịch bệnh đã tạm lui, anh chị đón các cháu lên, song vẫn phải cắm đầu vào làm ăn để bù lại những thiệt hại trong dịch. Việc trông nom đành phó thác cho bà giúp việc.

Vài tháng trở lại đây, cô con gái lớn 8 tuổi mỗi khi đi đâu về đến nhà là vồ lấy máy ipad để... lướt Youtube, Tiktok... Đến giờ ăn cơm gọi mãi cháu vẫn mê mải lướt mạng. Bố quát mắng, lấy lại máy thì cháu vùng vằng ra bàn ngồi. Lùa nhanh bát cơm, cháu lại mượn điện thoại của mẹ để "học tiếng Anh", nhưng thực chất là để chơi game.

Còn đứa em hơn hai tuổi thậm chí có những biểu hiện đáng lo ngại hơn. Cả ngày, chỉ trừ lúc ngủ - cháu luôn phải có một thiết bị số bên cạnh. Những trò chơi như Lego, xe ô tô... cháu đều không màng, lúc nào cũng chỉ thích xem video và chơi game trên điện thoại. Muốn cháu không quấy khóc, bật tivi; muốn cháu ăn cũng phải bật Youtube. Muốn cháu ngồi yên - phải bật game. Khi chị Oanh thấy mắt cháu thường xuyên giật giật, ngón tay cử động rất lạ mới cấm tiệt không cho con sử dụng nữa. Cháu phản ứng một cách quyết liệt, xông vào cắn xé cha mẹ, đâm đầu vào tường ăn vạ...

Một bệnh nhi lên cơn co giật sau khi nghiện nặng mạng xã hội.

Dù không bị nỗi lo về kinh tế, song chị Hạnh cũng đang mất ăn mất ngủ vì cậu con trai 5 tuổi có những biểu hiện bất thường, mỗi khi bị rời xa khỏi các thiết bị số.  Từ khi con còn ăn bột, ăn cháo, chị đã phải cho bé xem các loại video quảng cáo, phim hoạt hình trên Ipad. Mỗi bữa kéo dài 1-2 giờ đồng hồ vì bé cứ ngậm được một thìa, lại dán mắt vào màn hình mãi không nuốt.

Được hai tuổi, bé đi nhà trẻ được ba bữa thì ốm lê ốm lết, chị Hạnh đành thuê một bà giúp việc về trông bé. Để cho cu cậu khỏi quậy phá, tivi với các kênh Bibi, Cartoon Network... được bật suốt ngày khiến cậu bé phát chán vì thích xem clip trên Youtube hơn. Vậy là chị phải mua thêm máy tính mảng.

Thằng bé dường như biết được cha mẹ "sợ" mình  nên sớm biết vòi vĩnh. Mỗi khi đang "lướt" Tiktok mà bị yêu cầu tắt đi để đi ăn, đi tắm... là cu cậu gào khóc, lăn lộn. Đỉnh điểm, nó chửi luôn cả mẹ là "con điên" mỗi khi không được dùng điện thoại.

Anh Hùng (quê Hải Dương) nhớ lại pha thót tim vừa xảy ra tuần trước. Đi làm về, thấy hai con nằm bất tỉnh anh hoảng hốt gọi taxi đưa đi bệnh viện. Nghe đến bác sĩ, cậu bé 11 tuổi lồm cồm ngồi dậy, nhưng cậu 6 tuổi vẫn "ngất".

Vào đến viện, khi bác sĩ lấy ven để cắm kim truyền, cấu véo... đứa trẻ mắt vẫn nhắm nghiền. Đến khi nhân viên y tế soi đồng tử kiểm tra phản xạ ánh sáng thì phát hiện cậu bé cố tình nhắm mắt chứ sức khỏe chẳng vấn đề gì.

Dọa dẫm các kiểu, lay không được, nhân viên y tế buộc phải xốc cậu bé dậy. Hai chân đứng thẳng, nhưng mắt cậu vẫn nhắm nghiền. Bất lực, bác sĩ quyết định đưa cả hai đứa trẻ vào một phòng riêng để tự giải quyết. Một lúc sau, người lớn mở cửa thì thấy cậu em đang mở mắt nói chuyện với cậu anh. Nhìn thấy hơn chục người họ hàng nhốn nháo ngoài phòng bệnh, cậu chỉ cười. Nguyên nhân của vụ "ngất" này được cậu anh khai là để "trả đũa" bố mẹ không cho mượn điện thoại.

Anh Hùng cho biết, nhiều lần hai bé vờ đi ngủ sớm, đợi bố mẹ ngủ say thì lén lấy điện thoại, trùm chăn chơi game, xem phim. Thậm chí, các con còn tắt nguồn máy của mẹ, nói dối là hết pin để mang đi sạc giúp, nhưng thực chất là ôm vào phòng xem phim... Lần này, sau khi tét vào mông con vài cái và quát mắng, vợ anh Hùng lấy điện thoại đi làm mà không biết hai đứa ở nhà bàn kế hoạch dọa bố mẹ.

2. Có mặt tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) mới thấy tình trạng nghiện thiết bị số của trẻ em đang rất báo động. Bác sĩ Trần Thị Sáu cho biết, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên đến khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó nhiều em có biểu hiện nghiện các loại thiết bị số.

Có những gia đình cả hai anh em đều bị cha mẹ bỏ bê, dẫn đến nghiện thiết bị số.

Có trường hợp một bé gái 6 tuổi có dấu hiệu bị cuốn vào thói quen sử dụng mạng xã hội TikTok, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập. Theo chia sẻ từ gia đình, thời gian đầu, bé chỉ xem và nhờ bố mẹ quay video bản thân làm theo các trào lưu trên nền tảng này. Khi đó, phụ huynh thấy con hào hứng cũng đồng ý và xem đây là hoạt động giải trí sau giờ học.

Tuy nhiên, sau một thời gian, bé gái bắt đầu có biểu hiện xao nhãng học tập. Gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi, bé đều dùng để xem TikTok, thậm chí tự quay lại các video mà không còn cần sự trợ giúp từ gia đình. Khi bị nhắc nhở, bé còn tỏ ra khó chịu, thậm chí tự khóa mình trong phòng riêng. Lúc này, gia đình mới quyết định đưa bé đi khám.

Bác sỹ Tô Thanh Phương, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 chia sẻ, trường hợp bệnh nhân mà ông còn nhớ mãi. Đó là em Hoàng Thị V. (học sinh THCS, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện điều trị trong tình trạng bị trầm cảm nặng.

Người thân cháu V. kể lại, gần đây người nhà phát hiện cháu có những biểu hiện bất thường như hay cười tủm một mình, lẩm bẩm, nói chuyện một mình, đi lại thì thất thểu, gọi năm lần bảy lượt mới thưa. Đồng thời cũng hay kêu chán đời, không chịu ăn, thậm chí trốn ăn, không ngủ. Sau một thời gian, V. trở nên gầy mòn, xanh xao khiến bố mẹ vô cùng lo lắng.

Tỉ tê tâm sự, an ủi dỗ dành mãi, V. mới kể với mẹ rằng nhiều tháng nay em thường xuyên truy cập vào mạng xã hội Facebook. Cách đó một tuần, V. và bạn thân có mâu thuẫn và cãi nhau trên mạng xã hội. V. còn bị người bạn kia nói xấu, bêu riếu trên Facebook nên em cảm thấy vô cùng chán nản, mệt mỏi. Em trở nên ngại tiếp xúc với bạn bè, người xung quanh, lầm lỳ trong nhà.

Chưa dừng lại ở đó, cô bé hơn chục tuổi đầu còn nghe thấy trong đầu có tiếng nói, đặc biệt là tiếng chửi mình. “Cháu kể rằng liên tục nghe thấy người chửi mình. Cháu trở nên mất kiểm soát hành vi và vô cùng sợ hãi. Tình trạng ngày càng nặng nên chúng tôi quyết định đưa em vào viện” - mẹ của V. chia sẻ.

Cũng theo tiến sỹ, bác sỹ Tô Thanh Phương, qua một thời gian điều trị nhiều bệnh nhân nghiện thiết bị công nghệ và nội dung số (bao gồm game, mạng xã hội...), có thể thấy không chừa lứa tuổi nào. Trong đó trẻ em là lứa tuổi dễ bị nghiện nhất, và dễ gây hậu quả nặng nề nhất.

Cha mẹ cần hạn chế cho con  sử dụng các loại thiết bị số một cách tự do, không kiểm soát.

“Có thời điểm chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân mới 9 tuổi mà đã có những dấu hiệu rất đáng lo ngại. Cháu nhút nhát, gần như không nói năng gì, gặp ai cũng sợ hãi. Người thân kể, cháu lúc nào cũng chỉ muốn ở một mình cùng chiếc điện thoại, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả bố mẹ.

Gia đình cũng thú nhận là do từ bé đã cho cháu sử dụng smartphone, ban đầu là để cháu dễ ăn uống, đỡ quấy khóc. Lâu dần cháu trở nên bị “nghiện” điện thoại. Bố mẹ ông bà mua đủ thứ đồ chơi nhưng cháu cũng không thèm đoái hoài. Luôn chỉ yêu cầu được sử dụng điện thoại”, bác sỹ Phương kể.

Khi tiếp nhận cháu bé, các bác sĩ phát hiện cháu bị trầm cảm nặng. Cháu đã phải sử dụng những loại thuốc an thần mạnh nhất, để khiến cháu phần nào “quên” đi được sự giày vò vì không được dùng điện thoại. Phải sau gần hai năm điều trị thì cháu bé mới tương đối trở lại bình thường.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tình trạng nghiện mạng xã hội TikTok cũng như mạng xã hội nói chung khiến chúng ta dễ bị cuốn vào thế giới ảo, từ đó hạn chế các kỹ năng sống khác.

Bác sỹ Thu phân tích: “Tình trạng này diễn ra ở người trưởng thành khiến chúng ta giảm năng suất làm việc, thậm chí ảnh hưởng tới cả các hoạt động cơ bản như ăn, ngủ. Tác động này còn lớn hơn ở trẻ em, khi các bé thường bỏ bê việc học tập, thiếu tập trung trong cuộc sống”.

Đáng nói hơn, tình trạng trẻ em bị phụ thuộc vào mạng xã hội quá sớm có thể ảnh hưởng lớn tới nhận thức, sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ trong quá trình phát triển, từ đó dẫn đến những hậu quả ở tương lai.

Tiến sĩ Thu khẳng định, các nội dung trên mạng xã hội có khả năng tác động mạnh vào tâm lý người xem, nhất là nhóm trẻ tuổi, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức. Từ đây, những video trên mạng xã hội có thể tác động vào thế giới quan cũng như nhận thức của trẻ. Khi các hình ảnh và lời nói được lặp lại nhiều lần trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận nội dung đó, dù chúng không đúng với chuẩn mực đạo đức. Điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ...

(Còn nữa)

M. Tiến
.
.