Để đồng bào không trở thành nạn nhân của không gian mạng

Thứ Tư, 19/01/2022, 13:52

Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, đồng bào dân tộc ở miền núi đã tiếp cận được với các loại thông tin trên mạng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiến thức để nhận biết những thông tin xấu, độc trên mạng. Để tăng “sức đề kháng” cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Công an tỉnh Sơn La đã có những cách làm sáng tạo giúp đồng bào không bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ bởi thông tin xấu.

Mất tiền chỉ vì thiếu hiểu biết

Từ ngày có điện thoại thông minh, lại thêm mạng internet phủ sóng đến bản, ngày nào chị Lò Thị Liêng ở bản Chiềng khương, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã cũng dành vài tiếng đồng hồ cho việc lướt Facebook và xem các video trên chiếc smartphone. Công cụ này giúp chị kết nối với nhiều bạn bè, biết thêm nhiều thông tin và có thể chia sẻ với mọi người. Nhưng, khi được hỏi về những quy định khi sử dụng mạng xã hội và làm thế nào để nhận biết được thông tin chính thống, được phép chia sẻ thì chị lắc đầu bảo: “Có điện thoại thông minh kết nối mạng internet rất tiện, có thể tiếp cận được nhiều thông tin. Cái nào thấy hay hay thì chia sẻ cho mọi người cùng xem thôi”.

Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay Tiktok... đã không còn xa lạ với đồng bào thiểu số ở vùng cao, biên giới Sơn La nhưng hầu hết đều giống chị Liêng, nhiều người dân còn chưa nhận thức được thông tin nào là đúng, là chuẩn xác, cũng không hiểu được các quy định khi sử dụng mạng xã hội để thực hiện đúng.

Để đồng bào không trở thành nạn nhân của không gian mạng -0
Công an xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã cùng Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định trên không gian mạng.

Ngày 24-5-2021, Công an huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phát hiện tài khoản Facebook “Vang Mua” đăng tải nội dung sai sự thật về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cho rằng việc kiểm phiếu tại điểm bầu cử mà người có tài khoản Facebook “Vang Mua” trực tiếp bỏ phiếu bầu không khách quan kèm theo hình ảnh một cử tri đang tiến hành bỏ phiếu. Công an huyện Bắc Yên đã khẩn trương tổ chức xác minh, xác định được đối tượng đăng tải là Mùa A Vàng, sinh năm 1990, trú tại bản Háng Chơ, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên.

Khi được Cơ quan công an mời đến làm việc, Mùa A Vàng khai do không theo dõi quá trình bầu cử nên cho rằng việc bầu cử và kiểm phiếu không công bằng, không khách quan. Bức xúc, Mùa A Vàng đã đăng tải nội dung không đúng sự thật lên mạng xã hội mà không biết hành vi đó là vi phạm quy định trong việc sử dụng không gian mạng. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, Mùa A Vàng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình, thông tin đăng tải là do nhận thức chủ quan, không có căn cứ, sai sự thật. Mùa A Vàng đã bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng, đồng thời tự gỡ bài viết, đăng tin đính chính.

18h30 phút ngày 9-11-2021, trên trang Facebook “Hà Thanh Chiên” đăng nội dung “Tình hình dịch bệnh Nà Nghịu đã nhiễm COVID và một nạn nhân tử vong ngay tại nhà”. Sau đó hơn 1 giờ, bài viết này đã bị gỡ bỏ nhưng sau đó Công an huyện Sông Mã đã xác định chủ nhân trang này là Lò Văn Chiên, sinh năm 2005, trú tại bản Híp, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Tại Cơ quan công an, Chiên khai thời điểm đó, tại huyện Sông Mã có 2 trường hợp dương tính với COVID-19 là công dân từ địa phương khác về. Chiên đăng bài trên Facebook nhằm mục đích dọa bạn bè, muốn bạn bè của mình vì sợ dịch bệnh mà không đi chơi nữa chứ không biết hành vi này đã gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. Do Chiên chưa đủ 18 tuổi nên Công an huyện đề xuất mức xử phạt hành chính 3.750.000 đồng.

Đó chỉ là 2 trong số 30 trường hợp do thiếu hiểu biết, đã cóp nhặt, chia sẻ, đăng tải, bình luận trên mạng xã hội Faceboook những thông tin sai sự thật nhằm mục đích “câu view”, “câu like”, tăng sự tương tác trên mạng xã hội để thể hiện cái tôi của mình hoặc phục vụ mục đích bán hàng online..., đã bị Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2021 với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Trong đó 20 trường hợp vi phạm là người dân tộc thiểu số.

Để đồng bào không trở thành nạn nhân của không gian mạng -0
Cơ quan Công an xử lý đối tượng đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19.

Mối nguy hại từ không gian mạng thì hiện hữu nhưng không phải ai cũng nhận thức được. Không ít người bị lừa đảo qua mạng do thiếu hiểu biết quy định về hoạt động trên không gian mạng. Anh Sồng A Pó làm nghề sửa chữa xe máy ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, là một nạn nhân trong số đó. Thấy trên Facebook có trang quảng cáo của Công ty Vitae kêu gọi đầu tư tiền vào công ty sẽ sinh lợi nhuận, anh đã chủ động liên hệ với người đại diện Vitae qua Facebook, cung cấp một số thông tin cá nhân, chuyển 6 triệu đồng đến tài khoản của công ty và được hướng dẫn cách đầu tư, theo dõi số tiền gốc và lãi. Tất cả giao dịch đều thực hiện qua mạng xã hội Facebook và Zalo. Khoảng 2 tháng sau, anh không truy cập được trang web của Công ty Vitae, người đại diện mà anh liên hệ qua Facebook cũng mất hút cùng số tiền anh đã đầu tư.

Anh Pó ngậm ngùi nói: “Thấy họ quảng cáo trên Facebook hấp dẫn lắm nên tôi vào trang và được tư vấn nhiệt tình. Tôi cũng tin nhưng hóa ra họ muốn lừa mình để lấy tiền. Cũng may, tôi chưa lôi kéo ai tham gia cùng, nếu không thì vừa mất tiền, vừa mang tiếng đi lừa người khác...”.

Liều “vaccine” hữu hiệu

Sự phát triển của internet, mạng xã hội đã mang lại cơ hội tiếp cận thông tin cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của nó thì tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao “sức đề kháng” với người sử dụng mạng là một trong những liều “vaccine” hiệu quả, giúp người dân cảnh giác trước những thông tin xấu độc, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trên không gian mạng.                    

Để đồng bào không trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo trên mạng, không nghe theo những thông tin xấu, độc, lãnh đạo Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo lực lượng Công an ở cơ sở đến từng bản, từng hộ dân tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về những quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn an ninh mạng, kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu trên không gian mạng, giáo dục ý thức tự phòng tránh, tự bảo vệ và cảnh giác trước những thông tin xấu độc phát tán trên mạng, cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin chính thống, giúp mỗi cá nhân có đủ nhận thức, phân biệt được đúng - sai, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, nhận biết được đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm mục đích xấu, từ đó tạo nên “sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trên không gian mạng. Việc làm này đang được tiến hành thường xuyên, liên tục ở Sơn La để xây dựng một không gian mạng an toàn, đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích của chính bản thân người sử dụng.

Trung tá Lò Văn Hạnh, Trưởng Công an xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, cho biết: “Để đồng bào dễ hiểu, nhiều khi chúng tôi phải trực tiếp cầm điện thoại hướng dẫn bà con nhân dân không đăng tải, chia sẻ, bình luận những hình ảnh, thông tin xấu, sai sự thật về Đảng, Nhà nước, những thông tin không chính thống và mức phạt cụ thể nếu ai thực hiện không đúng, hướng dẫn họ cách nhận biết thủ đoạn của các đối tượng xấu để không bị lợi dụng trên không gian mạng”.

Anh Vì Văn Thiếc, Bí thư Chi bộ bản Puông, xã Chiềng Khương cho biết: “Được lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng đến tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người dân biết được cái nào là thông tin đúng, được phép chia sẻ, cái nào không được chia sẻ để không vi phạm pháp luật, tôi thấy rất bổ ích. Tuy nhiên, bà con thích điện thoại thông minh lắm, hay truy cập vào Facebook, Zalo nên với trách nhiệm của bí thư chi bộ bản tôi cũng sẽ tìm hiểu thêm để trực tiếp tuyên truyền cho từng người, giúp họ hiểu biết hơn để sử dụng cho đúng”.

Để đồng bào không trở thành nạn nhân của không gian mạng -0
Để đồng bào không trở thành nạn nhân của không gian mạng -1
Công an huyện Sốp Cộp tăng cường tuyên truyền Luật An ninh mạng đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Còn Công an xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp lại có cách tuyên truyền rất sáng tạo. Các anh sưu tầm những hình ảnh, video các trường hợp vi phạm quy định trên không gian mạng đã bị xử phạt ở địa phương mình và các địa phương khác mở cho bà con xem, lồng ghép hướng dẫn cách nhận biết đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin sai sự thật, cảnh giác trước những quảng cáo, lời mời gọi đầu tư tiền trên mạng xã hội và cung cấp một số nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng một cách ngắn gọn, dễ hiểu, thu hút sự chú ý lắng nghe của bà con nhân dân.

Thiếu tá Lò Văn Long, Trưởng Công an xã Mường Lạn cho biết: “Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc tuyên truyền cũng phải có cách thức riêng. Với họ, việc đi làm nương quan trọng hơn ngồi nghe cán bộ công an tuyên truyền. Nhưng, với cách cho bà con xem video, hình ảnh trực tiếp rất dễ thu hút, dễ hiểu, từ đó bà con biết cách thực hiện để không vi phạm vì thiếu hiểu biết”. Thiếu tá Long chia sẻ thêm anh còn cùng cán bộ, chiến sĩ công an xã dịch bài tuyên truyền ra tiếng dân tộc, cử cán bộ là người dân tộc thiểu số thực hiện việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để tạo sự gần gũi, dễ hiểu cho bà con nhân dân.

Minh Phong
.
.