Điều kỳ diệu của những “phép màu”

Thứ Hai, 20/03/2023, 21:02

Một buổi gặp mặt đầy thân tình, ấm áp, với lời ca của NSND Minh Vương cất lên đã làm người nghe vô cùng xúc động. Ở cái tuổi 73 và có 11 năm được ghép từ quả thận của một người đàn ông 34 tuổi chết não hiến tặng, giọng ca vang danh - NSND Minh Vương sống khá khỏe mạnh, lạc quan và tiếp tục mang lời ca tiếng hát của mình làm đẹp cho đời…

Nối dài những cuộc đời

“Nếu kiếp này tôi không trả được thì xin hẹn kiếp sau tôi trả nợ ân tình”, kể lại câu chuyện của mình qua bài vọng cổ tự sáng tác, NSND Minh Vương gửi lời tri ân chân thành, xin hẹn “kiếp sau” để đền đáp ân tình của người hiến tạng và các y, bác sĩ, giúp mình được sống và không phải giã từ con đường nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, tổ chức sáng 16/3.

1.jpg -0
Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương ca cải lương “Nợ ân tình hẹn trả lại kiếp sau”.

Năm 2012, nghệ sĩ Minh Vương bị suy thận khiến chân ông bị sưng, việc tiểu tiện ngày càng trở nên khó khăn. Những ngày ấy, ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật. Nuôi chút hy vọng mong manh, ông đã đăng ký vào danh sách chờ ghép thận tại BV Chợ Rẫy… Và số phận đã mỉm cười với ông khi ông may mắn được một thanh niên 34 tuổi chết não hiến thận.

“Đến nay nhiều năm trôi qua, sức khỏe tôi khá tốt, có thể cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật cải lương. Tôi là một người được hiến thận và nhận thấy hiến ghép tạng là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng”, NSND Minh Vương chia sẻ.

Ngoài NSND Minh Vương, buổi lễ kỷ niệm của BV Chợ Rẫy còn có sự tham dự của nhiều người từng may mắn được ghép tạng và nhiều câu chuyện xúc động về hành trình tìm lại sự sống đã được các bệnh nhân ghép thận chia sẻ.

2.jpg -0
Bà Võ Thị Thượng là một trong hai trường hợp đầu tiên được ghép thận vào năm 1992.

Đó là bà Võ Thị Thượng (quê Long An) được ghép năm 1992; ông Nguyễn Hải Đăng (ngụ TP Hồ Chí Minh) được ghép năm 2017; linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng - Chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài - được ghép vào năm 2002… Hay ông Nguyễn Văn Thoan (TP Hồ Chí Minh), người từng được ghép tim ngừng đập đầu tiên vào năm 2015; chị Lê Thị Ánh Hồng (quê Kiên Giang) - ca ghép đổi chéo đầu tiên năm 2017 và ông Vi Văn Biết (quê Bến Tre) - ca ghép không tương hợp nhóm máu đầu tiên vào năm 2021…

Bà Võ Thị Thượng (67 tuổi, quê Long An) - một trong hai trường hợp đầu tiên được ghép thận chia sẻ, vào năm 1990, bà bất ngờ phát hiện thận của mình có vấn đề sau cơn nôn ói liên tục. Hơn 1 năm sau, bệnh tình trở nặng, bà mẹ hai con này nhận được thông báo bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.

Mỗi tuần 3 lần, chồng bà chở bà trên chiếc xe máy cũ từ Long An lên BV Chợ Rẫy chạy thận nhân tạo. Nửa năm trời chạy thận đau đớn, khổ sở, cơ thể bà ngày càng xanh xao, gầy yếu… khiến bà Thượng từng nghĩ tới cái chết. Trước tình cảnh nguy cấp, cha ruột của bà đã không ngần ngại hiến quả thận của mình cho con. Sau các thủ tục xét nghiệm, bác sĩ báo thận cha của bà phù hợp, có thể tiến hành ghép... May mắn là mọi thứ đã diễn ra thuận lợi, ca ghép thận ngày 29/12/1992 tại BV Chợ Rẫy thành công đã cho bà cuộc đời thứ hai. “Đối với tôi, việc được ghép thận thành công giống như là tái sinh lại lần hai”, bà Thượng xúc động nói.

Đáng nói, người cha của bà cho con gái quả thận khi ông đã 59 tuổi và đến nay ông đang sống khỏe mạnh cùng vợ chồng con gái tại Long An.

Ông Huỳnh Quang Minh, chồng bà Thượng luôn bên cạnh chăm sóc vợ, chia sẻ: “Khi biết tin vợ suy thận mạn, tôi sốc và thương lắm. Cô ấy cũng có lúc cáu gắt, nhưng tôi luôn cố gắng chăm sóc. Thời điểm đó, chúng tôi gửi hai con cho ông bà ngoại trông giúp. Và rồi vợ tôi may mắn được ghép thận, sống vui khỏe đến hôm nay. Tôi rất biết ơn cha vợ và các bác sĩ”, ông Minh bày tỏ.

Linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng, Chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài (quận 3) - người được ghép thận cách đây hơn 20 năm, cũng bày tỏ sự tri ân và trân trọng những người giúp ông có được cuộc sống. “Khi đón nhận sự sống mới, chúng tôi sẽ phải nỗ lực làm những gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời, cũng như dành nhiều thời gian lan tỏa những điều tốt đẹp nhất để sự hồi sinh ấy có ý nghĩa”, vị linh mục vui vẻ cho biết.

Với ca ghép đổi chéo đầu tiên tại Việt Nam, vào 6 năm trước (năm 2017), chị Lê Thị Ánh Hồng (36 tuổi, Kiên Giang) và chị Vũ Thị Huệ (37 tuổi, Đắk Nông) đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận ở BV Chợ Rẫy… Sau đó, chị Hồng được ba dượng tình nguyện hiến một quả thận. Mẹ ruột chị Huệ cũng tặng quả thận để cứu con gái. Tuy nhiên, điều trớ trêu là cặp đôi không phù hợp kháng thể khi nhận thận từ người thân…

7.jpg -0
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tặng hoa cho những người đã được ghép tạng thành công.

Nhưng sau đó, một đề xuất táo bạo của các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã được đưa ra. Theo đó, các bác sĩ đã đề xuất thận của ba dượng chị Hồng sẽ ghép cho chị Huệ. Còn chị Hồng nhận quả thận hiến từ mẹ chị Huệ. Ngày 11/1/2017, ca ghép cho cả hai thành công, đánh dấu cuộc đời hai người phụ nữ tái sinh, đồng thời cũng là cột mốc cho thành tựu mới trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam…

Câu chuyện của cặp đôi Hồng - Huệ là một trong nhiều cuộc đời được nối dài sự sống nhờ “món quà vô giá” từ cơ thể người khác. Tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối có thể khiến người bệnh tử vong, tuy nhiên sau khi thực hiện cấy ghép, ngoài những trường hợp kể trên, nhiều bệnh nhân đến nay đang có cuộc sống khỏe mạnh, thọ lâu.

Thành tựu vĩ đại của nhân loại

Trường hợp của ông Lê Đức H. còn là một kỳ tích trong những ca ghép thận của BV Chợ Rẫy. Năm 1997, ông H. bị suy thận giai đoạn cuối được BV Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thành công nhờ nguồn thận hiến từ người thân của bệnh nhân. Hiện nay, ông H. đang làm bác sĩ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với sức khỏe ổn định. Sau cuộc ghép thận, vợ chồng ông H. đã có thêm một người con, điều đó cho thấy chức năng của thận ghép hoạt động rất tốt.

4.jpg -0
Các y bác sĩ thực hiện nghi thức mặc niệm người hiến tạng.

GS.TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, cho biết những ca ghép điển hình kể trên cùng nhiều ca ghép khác thực sự là kỳ tích, góp phần đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của ghép thận nói riêng và lĩnh vực ghép tạng nói chung tại BV Chợ Rẫy.

TS.BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết trải qua hơn 30 năm tính từ thời điểm (tháng 12/1992) tiến hành ca ghép thận đầu tiên, đội ngũ y bác sĩ BV Chợ Rẫy đã từng bước xây dựng và phát triển Đơn vị Ghép thận trở thành một trong những trung tâm ghép thận hàng đầu của cả nước. Đặc biệt, số lượng ghép ngày càng tăng, đến nay đã ghép trên 1.100 trường hợp, với tỷ lệ thành công cao, tương đương với các nước trên thế giới.

5.jpg -0
Một ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện vào tháng 2/2023.

BV Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến như: Ghép thận từ người cho chết não (23/4/2008); từ người cho tim ngừng đập (18/6/2015), ghép đổi chéo người cho (11/01/2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29/12/2021)...

 Nhằm phát triển nguồn thận ghép và tạo sự công bằng trong ghép tạng, BV Chợ Rẫy đã thành lập Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (10/2014). Các chuyên gia đầu ngành đều chung nỗi trăn trở về việc cần phát triển mạnh hơn về nguồn thận hiến từ người hiến chết não nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Ngoài ra, BV Chợ Rẫy cũng đã phát triển chương trình ghép gan, ghép tim, giác mạc, tủy, ghép da và hiện tại đang chuẩn bị phát triển các kỹ thuật ghép phổi…

Khi có chỉ định của một bệnh nhân ghép tạng, có nguồn tạng, BV sẽ khởi động cả một hệ thống để nhanh chóng lấy được tạng, nhanh chóng ghép cho người bệnh, đảm bảo không để lãng phí nguồn tạng hiến. BV Chợ Rẫy cũng đã phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn y tế, Hãng hàng không quốc gia, Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu để vận chuyển nguồn tạng hiến trên khắp mọi miền Tổ quốc. 

Theo TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, ghép thận là một trong các phương pháp điều trị suy thận mãn giai đoạn cuối hiệu quả, đem lại chất lượng sống cao, thời gian sống kéo dài và chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị thay thế thận khác. Người bệnh có thể trở lại cuộc sống đời thường và tiếp tục cống hiến cho gia đình, xã hội. Chính vì vậy, ghép thận được đánh giá là một trong mười thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ XX.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết việc ghép thận thành công cứu được nhiều người thì không thể thiếu nguồn tạng. Số người đăng ký hiến tạng, mô và bộ phận cơ thể người khi chết não, tim ngừng đập đã gia tăng trong thời gian qua.Nếu như năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng thì đến năm 2022 có đến 62.555 người đăng ký. Trong đó, tại BV Chợ Rẫy có số người đăng ký hiến tạng cao nhất, chiếm khoảng 50%. Hiện nay trên thế giới mỗi năm có 40.000 ca cấy ghép các bộ phận cơ thể người và có khoảng 460.000 người đang sống nhờ một hoặc vài bộ phận của người khác. “Việc hiến tạng là món quà vô giá, ở đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là nối dài sự sống cho những người tưởng chừng như hết hy vọng cuộc đời”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Phú Lữ
.
.