Hành trình mới về miền biên viễn

Thứ Năm, 20/01/2022, 20:42

“Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến”, đây là câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi về những cảm xúc của bản thân trước khi lên đường về cơ sở sau buổi Lễ gặp mặt cán bộ, chiến sĩ tăng cường Công an xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hồi tháng 10 vừa qua.

Rời xa đồng bằng, phố thị, đến miền biên viễn với công việc mới, lo lắng, hồi hộp là một trong những cảm xúc không chỉ của riêng tôi mà của gần 400 cán bộ chiến sĩ CAND khác công tác tại các cơ quan trực thuộc Bộ trong đợt điều động, tăng cường về địa bàn xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về ANTT. Song, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư và những dự định còn dang dở, mang theo quyết tâm và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi lên đường... Với cá nhân tôi, hành trình lần này tuy mới mà cũ, tuy cũ mà mới.

Trong đợt tăng cường này, tôi có phần “may mắn” hơn những người đồng chí, đồng đội khác khi được quay trở về cống hiến cho Cao Bằng, chính vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Tuy vậy, sinh sống và làm việc ở Hà Nội trong nhiều năm, cộng với việc công tác chuyên môn gắn với văn phòng, với những trang giấy, bức ảnh là chính, do đó xuất phát điểm của tôi cùng các đồng chí khác cũng không khác nhau là bao, khi gần như tất cả anh em đều chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận thực tiễn, đặc biệt là những trải nghiệm tại địa bàn xã vùng biên.

Hành trình mới về miền biên viễn -0
Bộ trưởng Tô Lâm gặp mặt, động viên gần 400 cán bộ, chiến sĩ tăng cường các xã biên giới, trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự.

Trong quá trình làm việc, với chuyên môn về truyền thông, báo chí, tôi đã quen thuộc với hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ công an tại cơ sở thông qua các bức ảnh, thước phim, cũng như được làm việc với bà con trong nhiều lần đi công tác. Tuy nhiên, chuyến đi lần này là một trải nghiệm hoàn toàn mới, khi tôi được trực tiếp “bám dân, bám địa bàn”, tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con vùng biên, để từ đó có thể tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo đơn vị, địa phương nhiều chủ trương mới nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Trên chuyến xe của Công an tỉnh chở tôi cùng 36 đồng chí khác về nhận nhiệm vụ tại Cao Bằng, tôi hồ hởi đóng vai một hướng dẫn viên du lịch, giải đáp những câu hỏi của các đồng chí khác về quê hương mình. Có những người đã lên Cao Bằng du lịch, công tác một vài lần nhưng một chuyến đi “dài hơi”, đặc biệt hơn nữa là về địa bàn trọng yếu như lần này thì hầu như đều là lần đầu đối với họ. Hơn ai hết, tôi hiểu những lo lắng, trăn trở mà họ đang nghĩ tới, vì vậy, việc chủ động giải đáp những câu hỏi của anh em chỉ là một phần nhỏ, còn mục đích chính vẫn là cố gắng giúp trấn an, động viên tinh thần cho đồng chí, đồng đội mình khi về một nơi “lạ nước, lạ cái”.

“Cao Bằng đây rồi”, tôi mỉm cười tự nói với lòng mình khi xe dừng chân tại nhà khách Công an tỉnh Cao Bằng sau hành trình dài hơn 300km lúc trời đã nhá nhem tối. Nơi đây vẫn chào đón tôi bằng cái tiết trời se lạnh ấy, chỉ khác là, lần này trở về, tôi đã đảm nhận vai trò mới - một cán bộ công an xã.

Chúng tôi được Công an tỉnh Cao Bằng sắp xếp nơi ăn, chốn ngủ và tự theo dõi sức khỏe tập trung do những lo ngại về tình hình dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp. Sau đó làm quen ngay với những kiến thức cơ bản thông qua lớp bồi dưỡng công an xã chính quy do công an tỉnh mở trước khi chính thức về nhận công tác tại địa bàn. Thời gian đó, Đại úy Trần Trọng Quảng - cán bộ Cục Đào tạo - trưởng đoàn vẫn thường xuyên động viên anh em rằng: “Về nơi biên cương nhận nhiệm vụ mới cũng có nhiều thấp thỏm, trăn trở nhưng Công an tỉnh đón tiếp nhiệt tình, giúp đỡ, tạo điều kiện, lo cho chu đáo thế này là anh em ta yên tâm công tác rồi”. Nghe xong, chúng tôi đều gật gù, quay ra trao nhau những cái nhìn động viên.

Ngày đầu về nhận công tác tại Công an xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, thứ đập vào mắt tôi đầu tiên là tấm biển “Khu cách ly - không phận sự miễn vào” ngay cạnh trụ sở. Thấy tôi ngạc nhiên, Trung tá Lương Anh Tú - Trưởng Công an xã chia sẻ rằng nơi đây là UBND xã và trạm y tế xã cũ, hiện được trưng dụng làm khu cách ly tập trung cho các công dân trở về từ tất cả các xã trên địa bàn huyện. Dù có đôi chút hồi hộp, song tôi phần lớn lại cảm thấy hào hứng khi tự nhủ rằng mình sắp trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở - những thứ mà trước đây tôi chỉ nhìn thấy qua những bức ảnh, đọc được qua những bài báo, chứ chưa từng có cơ hội được trải nghiệm.

Chỗ làm việc của chúng tôi gồm 3 phòng rộng chừng 20m2 ở dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, nằm biệt lập với UBND và trạm y tế xã. Trung tá Tú cho hay, nơi này chúng tôi chỉ là “ở tạm”. Theo kế hoạch, UBND xã mới đang xây sau này sẽ bố trí phòng làm việc cho công an xã, trong lúc chờ đợi thì cứ ở tạm thế đã. Thế nhưng, qua vài tuần tiếp dân tại trụ sở hiện tại, lắng nghe tâm sự của người dân về việc đi lại khó khăn khi “ủy ban xã ở một đằng, công an xã ở một nẻo”, tôi lại càng nôn nóng muốn chuyển trụ sở tới trung tâm xã để bà con tiết kiệm được thời gian, đỡ phải đi lại vất vả khi tới giải quyết các thủ tục hành chính.

Từng là cán bộ làm việc tại cơ quan báo chí trong nhiều năm, tôi luôn hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, cũng như sự cần thiết của việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là bà con vùng biên trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Anh Đinh Văn Ch., trú tại xóm Kéo Toong, hiện đang làm công nhân tại Bắc Giang là một ví dụ. Dịch bệnh hoành hành, số ca nhiễm tăng cao, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, buộc các công ty phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh và cắt giảm số lượng lớn nhân công dẫn đến việc người lao động phải tạm ngừng công việc không hưởng lương, thậm chí mất việc làm. Anh Ch. bất đắc dĩ phải về quê, vừa để tránh dịch, vừa để giảm bớt nỗi lo về chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Tối hôm đó, nhận được điện thoại từ trạm y tế xã thông báo anh Ch. có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19, tôi cùng lãnh đạo và các đồng chí trong Ban Công an xã vội vã lên đường tới địa bàn, trong đầu hiện lên mọi tình huống xấu có thể xảy ra nếu như công dân này về địa phương mà không thực hiện tự cách ly, cộng với việc đây là ca dương tính đầu tiên ghi nhận trong xã. Thế nhưng, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi được biết, trước khi tới nhà sau quãng đường gần 400km đi bằng xe máy từ Bắc Giang về Cao Bằng, anh Ch. đã gọi điện trước cho gia đình để dọn dẹp chuồng trâu cạnh gian nhà chính để anh tự thực hiện cách ly. Vài ngày khi có biểu hiện đau họng, anh đã thông báo với y tế xã và đến khi truy vết, không có trường hợp nào tiếp xúc trực tiếp, người nhà của anh cũng đều cho kết quả test âm tính với COVID-19...

Hành trình mới về miền biên viễn -0
Thượng úy Nguyễn Tiến Trung thăm hỏi, tặng quà người có uy tín trên địa bàn xã Lăng Hiếu nhân dịp Tết 2022.

Trò chuyện với chúng tôi tại chốt kiểm soát dịch, anh Lục Văn Huấn - Chủ tịch xã Lăng Hiếu cho biết, kể từ khi dịch bùng phát, đặc biệt là sau khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên, chính quyền xã cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân ở từng xóm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống loa truyền thanh xã, mạng xã hội Facebook, Zalo... để bổ sung liều “vaccine ý thức” giúp người dân chấp hành nghiêm quy định 5K cũng như quy định tự cách ly y tế khi trở về từ vùng dịch. Việc công dân nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống COVID-19 như trường hợp của anh Ch. khiến người dân trong thôn xóm yên tâm lao động sản xuất, đồng thời giảm tải áp lực cho hệ thống y tế cũng như các lực lượng tuyến đầu chống dịch khác tại cơ sở.

Theo Trung tá Tú, ngay từ những ngày đầu về xã, các cán bộ, chiến sĩ công an chính quy đã tranh thủ sự ủng hộ của những già làng, trưởng bản để làm cầu nối với người dân do đây là lực lượng có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn dân cư. Tôi có dịp trò chuyện với ông Hà Văn Bào, trưởng khu dân cư xóm Long Sơn trong lần đầu tới “ra mắt”. Ông Bào nói rằng, kể từ ngày có lực lượng công an chính quy xuống xã, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Với kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo bài bản, các cán bộ công an chính quy sau khi xuống các xã nhận nhiệm vụ mới đã kịp thời bắt nhịp với công việc, luôn gần dân, biết lắng nghe dân. Do đó, người dân địa phương rất yêu mến và giúp đỡ công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Xã mình đợt này có các đồng chí công an từ Bộ tới công tác thì lại càng thêm ổn định rồi”, ông Bào vui vẻ nói. Lúc đó, tôi lại nhớ tới lời căn dặn mà Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an gửi gắm trước lúc chúng tôi lên đường, khi chia sẻ rằng việc tạo quan hệ tốt với già làng, trưởng bản chính là cơ sở để tạo nên chỗ dựa quan trọng giúp lực lượng Công an triển khai thuận lợi các mặt công tác.

Làm quen với môi trường công việc chỉ mới được vài tuần, nhiều khó khăn, gian khổ còn ở phía trước, song tới thời điểm hiện tại, cảm giác lo lắng, hồi hộp của ngày đầu nhận nhiệm vụ mới giờ đã không còn nữa. Tôi cùng các đồng chí khác vẫn đang ngày đêm nỗ lực tiếp cận công việc, “lấy công việc làm niềm vui, lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống”.

Trở về trụ sở sau một ngày cùng bà con nhân dân chung tay đổ đường bê tông giao thông nông thôn, tôi mới sực nhận ra rằng, con đường đó có bóng dáng, nụ cười của bà con thôn bản từ lúc nào không hay. Một cái Tết nữa chuẩn bị tới. So với những mùa xuân trước, mùa xuân năm nay thật đặc biệt và ý nghĩa...

Thượng úy Nguyễn Tiến Trung (Cán bộ Công an xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng)
.
.