Hiểm họa rình rập từ việc nuôi chó thả rông

Thứ Năm, 01/06/2023, 13:08

Dù đã có những quy định rõ mức bồi thường, xử phạt chủ để vật nuôi của mình làm tổn hại sức khỏe, tính mạng của người khác nhưng thời gian qua thực trạng nuôi chó thả rông chưa có chuyển biến tích cực. Phải chăng mức phạt đối với những hành vi nuôi thả chó gây nguy hiểm mà pháp luật quy định chưa đủ sức răn đe? Đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra.

Chó thả rông liên tiếp gây họa

Nạn chó thả rông, không đeo rọ mõm “đại náo” khắp nơi từ Nam ra Bắc nhiều năm nay. Từ những con ngõ hẻm, đường làng, các tuyến đường lớn, khu dân cư, các công viên, quảng trường cho đến phố đi bộ. Câu chuyện tưởng như rất nhỏ ấy, cho đến khi liên tục xảy ra các vụ chó thả rông cắn người, gây tai nạn cho người tham gia giao thông… đã trở thành vấn nạn.

c3.jpeg -0
Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm từ việc chó thả rông.

Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Phượng (31 tuổi, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Hùng Xuyên, Phú Thọ) gặp nạn khi đang trên đường đến lớp. Vụ việc xảy ra vào ngày 7/3, xe máy của cô Phượng bất ngờ va chạm với chó thả rông chạy ngang đường, khiến cô bị chấn thương sọ não nghiêm trọng. Cô Phượng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để cấp cứu. Kết quả chụp CT-Scan sọ não cho thấy, nạn nhân bị vỡ xương sọ, tụ máu ngoài màng cứng thái dương trái, tụ máu dưới màng cứng bán cầu não phải. Đến sáng 10/3, cô Phượng tạm thời qua cơn nguy kịch, nhưng phải cắt thuốc an thần và tiếp tục điều trị đặc biệt tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Cuối tháng 8/2022, tại tỉnh Phú Yên cũng xảy ra vụ TNGT do chó thả rông chạy ngang đường khiến một người tử vong tại chỗ. Theo đó, anh N.A.T. điều khiển xe máy BKS 78G1-XX đến Quốc lộ 1A (đoạn qua khu phố Mỹ Hòa, phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa) thì bất ngờ đâm vào con chó đang chạy trên đường. Cú va chạm mạnh khiến anh T. ngã xuống đường tử xong, phương tiện bị văng ra xa. 

Hay đoạn clip lan truyền trên mạng mà nạn nhân là một nam sinh tên Hoàng V. ở Lào Cai đang chạy thể dục trên đường thì bất ngờ bị hai con chó (giống Doberman), mỗi con nặng chừng 30kg lao vào quật ngã, cắn xé đến nỗi phải nhập viện.

Cụ thể, Hoàng V. cho biết khoảng 17h chiều 18-2, khi đang chạy bộ thể dục ở một khu đô thị thuộc phường Nam Cường (thành phố Lào Cai) thì V. bị hai con chó to lao vào cắn. “Khi bị tấn công, tôi cố gắng phản kháng nhưng hai con chó cắn vào chân, tay rồi quật ngã tôi. Lúc này hai con chó tiếp tục cắn xé tôi. Rất may sau đó có người dân đi qua phát hiện, cứu giúp và đưa tôi đi cấp cứu”, V. kể lại.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hoảng loạn, có khoảng 10 vết thương lớn gây rách sâu phần mềm và nhiều vết thương do răng chó cắn gây nên. “Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân được đưa lên khoa ngoại chấn thương để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, tinh thần tạm ổn định. Những vết thương do chó cắn rất nhiều vi khuẩn, có thể chứa độc tố, nguy cơ nhiễm trùng rất cao nên chúng tôi phải theo dõi trong vài ngày, nếu không có nguy cơ nhiễm trùng thì mới có thể khâu lại” - đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai thông tin thêm.

Hay một vụ 2 du khách nước ngoài đang đi bộ trên đường đường 23/10 - gần nút giao Ngọc Hội, thuộc xã Vĩnh Hiệp thì bị một con chó nặng khoảng 20kg lao vào tấn công. Sau khi bị người dân xua đuổi, con chó này bỏ chạy. Thanh niên nước ngoài được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Theo người dân địa phương, đây không phải lần đầu con chó này tấn công người đi đường.

Sau khi được người dân đưa đi cấp cứu, các bác sĩ cho biết nạn nhân nhập viện trong tình trạng có vết thương dài 8cm và 10cm ở tay phải, đứt cơ nhị đầu cánh tay phải, một số xây xát ở tai trái, đùi chân phải… Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo TP Nha Trang mới chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu xử lý vụ việc; đồng thời kiểm tra, xử lý tình trạng chó nuôi thả rông hoặc cắn người đảm bảo tình hình an ninh trật tự và giữ hình ảnh thành phố du lịch thân thiện, văn minh.

c1.jpeg -0
Không chỉ bà Lộc mà nhiều người rất sợ phải đi qua con ngõ này vì luôn có một chú chó “gác cửa”.

Và cứ sau những sự việc đau lòng do chó thả rông gây ra, các địa phương mới bắt đầu vào cuộc, ra chỉ đạo “tăng cường kiểm soát” hay vội vã lập đội chuyên trách bắt chó thả rông. Qua tìm hiểu, từ năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định mới, quy trách nhiệm của địa phương (cụ thể là UBND cấp xã) phải có trách nhiệm thành lập các đội bắt chó thả rông. Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải địa phương nào cũng biết và quyết liệt làm. Thậm chí có nơi còn cho rằng “chưa thật sự cần thiết”.

Bên cạnh đó, ý thức yếu kém của một số người nuôi với tâm lý chủ quan theo kiểu “có cắn đâu mà sợ”, đã tạo ra “khoảng trống” trong xử lý chó thả rông. Với một “điệp khúc buồn” quen thuộc đến nhức nhối như thế, phải có biện pháp tăng nặng các hình thức xử phạt dành cho chủ nuôi chó thả rông.

Thậm chí cần nghĩ đến việc xử lý hình sự đối với chủ nuôi cố tình vi phạm và tái phạm nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không “điệp khúc buồn” sẽ khó lòng chấm dứt.

Chưa tìm ra biện pháp hiệu quả

Với vụ chó tấn công khách du lịch tại Nha Trang, cơ quan chức năng đã phải đưa đi tiêu hủy. Trước đó, con chó này đã tấn công nhiều người. Lào Cai cũng tiêu hủy 8 con chó sau vụ nam sinh bị chó tấn công. Cứ phạt, nộp phạt rồi lại có những vi phạm mới, phải chăng những mức phạt đối với những hành vi nuôi thả chó gây nguy hiểm cho cộng đồng mà pháp luật đã quy định chưa đủ sức răn đe?

c4.jpeg -0
Lực lượng chức năng bắt chó thả rông.

Chẳng khó khăn gì để bắt gặp trên hè phố hay các điểm công cộng ở Hà Nội những hình ảnh chó thả rông, không rọ mõm ở khắp mọi nơi. Mặc dù pháp luật đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ nuôi chó cũng như các mức xử phạt đối với các hành vi thả chó gây nguy hiểm cho cộng đồng nhưng thực tế, những quy định này tại nhiều nơi vẫn không được chấp hành triệt để.

Anh Lê Văn Vương (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đưa con ra công viên Thống Nhất chơi nhưng nhiều lúc rất sợ vì gặp chó thả rông. Cháu nhà tôi mới chỉ 5 tuổi, thấy chó là lao vào ôm, rất nguy hiểm. Tôi nghĩ những người nuôi chó cần phải có ý thức khi dắt đi dạo ở những nơi công cộng. Đã có lúc tôi không dám đưa con đi chơi công viên vì đọc được những vụ chó thả rông cắn người”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lộc (Phú La, Hà Đông, Hà Nội) cũng không giấu được bức xúc khi nhắc đến chuyện chó thả rông. Bà Lộc cho biết: “Nhà tôi ở gần cuối một con ngõ sâu, muốn đi đâu ra ngoài thì chỉ có duy nhất con đường đó. Nhưng nhiều lúc bản thân tôi và các cháu của mình cũng không dám đi lại nhiều vì luôn có một con chó của một gia đình trong ngõ ngồi canh trước cửa. Không chỉ tôi mà nhiều người khác qua đây cũng luôn có cảm giác rúm ró lại vì không biết nó có xông vào cắn mình hay không. Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên có những biện pháp quyết liệt để ngăn chó thả rông ra đường gây hậu quả đáng tiếc”.

Trong khi rất nhiều chế tài xử phạt đã có, nhiều người nuôi chó vẫn không có ý thức hay không biết, không tìm hiểu các quy định về việc nuôi thả chó. Đa số chủ nhân của những chú chó chỉ nghĩ đơn giản chó của mình là chó cảnh, sẽ chẳng bao giờ tấn công ai

Một con số đáng báo động từ Trung tâm Tiêm chủng của Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, tại đây liên tục tiếp nhận các ca tới tiêm phòng vì bị chó cắn. Có ngày cao điểm lên đến hàng trăm ca. Theo số liệu của Cục Thú y, hiện ở Việt Nam tình trạng chó thả rông rất phố biến, vào khoảng 50% tổng đàn. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng dại cho đàn chó thấp, mới đạt chưa tới 50%. Trong khi theo yêu cầu của WHO phải đạt trên 70%. Riêng năm 2022, 76 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Điều này cho thấy tình trạng chó thả rông nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.

Câu chuyện giải pháp để ngăn ngừa tình trạng chó thả rông, phòng bệnh dại cũng như những tai nạn đáng tiếc vừa qua tốn quá nhiều giấy mực. Tuy nhiên vẫn chưa thể tìm ra giải pháp hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người nuôi chó.  Trước hết mỗi người dân hay mỗi hộ gia đình cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định, nuôi chó mèo phải khai báo với chính quyền địa phương và thực hiện đưa chó mèo đi tiêm phòng dại. Nếu không may bị chó mèo cắn, người bị cắn phải được thực hiện các bước sơ cứu vết thương.

Bên cạnh đó, mỗi xã, phường cần thành lập và duy trì hiệu quả các đội bắt chó thả rông. Thực hiện tuyên truyền đến mỗi người dân quy định nuôi chó mèo phải xích nhốt cẩn thận trọng nhà. Khi dắt chó ra đường phải có xích, rọ mõm để không gây nguy hiểm với cộng đồng.

Thêm nữa, các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong phát hiện xử lý các trường hợp thả rông chó. Người dân cũng cần chủ động ghi lại những hình ảnh các trường hợp thả rông chó để làm bằng chứng cung cấp cho lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Việc người dân phát hiện chó thả rông có thể gọi cho chính quyền địa phương để xử lý. Nếu phường, xã nào để xảy ra việc chó thả rông cắn người thì chính quyền nơi đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo quy định của pháp luật, các phường, xã phải thành lập tổ bắt giữ chó nói chung. Còn riêng ở Hà Nội, hiện nay đang tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại một số quận. Trong việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại tại các quận, việc thành lập tổ bắt giữ chó tại địa phương (cấp xã, phường), việc xử lý vi phạm chó thả rông, chó ra nơi công công cộng, chó tấn công người gặp nhiều khó khăn do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, văn bản hướng dẫn chưa cụ thể. Bên cạnh đó, phương tiện và dụng cụ bắt chó, nhất là trong điều kiện tại các ngõ, xóm, nhà cao tầng còn thô sơ, chủ yếu là tự nghiên cứu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người thực thi nhiệm vụ.

Theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác, có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và Trưởng công an cấp xã, phường.

Trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì người chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân. Cụ thể, vật nuôi gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác thì chủ phải bồi thường theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự tương đương với giá trị tài sản bị mất, bị hư hỏng và lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản này.

Trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác, chủ vật nuôi phải bồi thường các chi phí như cứu chữa, điều trị, tổn thất về tinh thần, thu nhập bị mất... cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự. Nếu dẫn đến chết người, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và cấp dưỡng cho bị hại theo khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự.

Hiền Anh
.
.