Mồ côi giữa đại dịch

Thứ Năm, 23/09/2021, 12:09

Trong những tháng ngày tàn khốc bởi đại dịch, có người may mắn yên lành, có người lặng lẽ đứng gồng mình giữa phố xá bi thương. Và, có người mãi mãi không quay trở về, bỏ lại đôi mắt con trẻ ngơ ngác giữa trần gian...

Cha mẹ ra đi khi ước nguyện chưa tròn

4 anh chị em có những cái tên thật đẹp: Nguyễn Chí Tình (SN 1995), Nguyễn Chí Nguyện (SN 2000), Nguyễn Như Ý (SN 2004), Nguyễn Quỳnh Như (SN 2007). Các em là một trong hơn 1.500 trẻ mồ côi trong trận đại dịch kinh hoàng xảy ra tại TP Hồ Chí Minh suốt nhiều tháng qua.

Trong căn nhà trọ tại ấp 1A (Bình Hưng, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), bàn thờ người quá cố vẫn chưa có ảnh, 4 anh em vẫn ngày ngày nhìn lên đó để khỏa lấp nỗi nhớ khôn cùng người cha thân yêu. Chàng trai Nguyễn Chí Tình bỗng chốc trở thành trụ cột, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề và quá sức với tuổi đời cũng như khả năng của mình. Trong 4 anh em thì Như Ý nhiều chữ nhất với trình độ lớp 2, Chí Nguyện bị bệnh tâm thần nên không đi học. Cùng những đứa trẻ ấy, chỉ có Tình là hiểu được ngọn nguồn câu chuyên chia ly của cha mẹ.

Mồ côi giữa đại dịch -0
Bà ngoại đứng trông bé Minh Khôi cả ngày quanh quẩn bên ban thờ mẹ, không chịu ra ngoài.

Ngày mẹ rời đi, cha không nói lời nào, ôm 4 đứa con nheo nhóc, trong đó bé Quỳnh Như mới lên 5 liên tục khóc đòi mẹ, bỏ quê lên TP Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai. Anh Nguyễn Chí T. (45 tuổi) làm nghề tự do không ổn định, mỗi tháng anh T. chỉ làm được trên dưới 10 ngày, số tiền ấy vun vén lắm cũng không đủ chi phí sinh hoạt, nhà trọ của 5 cha con. Tình năm đó 13 tuổi, cũng xắn tay vào phụ cha, rồi ai thuê gì làm nấy. Từ phụ hồ, bốc vác, bưng bê... tuổi nhỏ thì tiền thù lao nhỏ, Tình cùng cha gánh vác một phần trách nhiệm nuôi 3 đứa em thơ dại. Em trai Nguyễn Chí Nguyện tự nhiên phát bệnh tâm thần, lúc khóc lúc cười, khi tỉnh táo, lúc ngẩn ngơ. Hai em gái chịu trách nhiệm ở nhà trông anh trai bị bệnh để cha và anh hai ra ngoài kiếm cơm.

Ngày tháng trôi đi trong căn nhà trọ đơn sơ vùng ngoại thành. Quỳnh Như may mắn xin được chân phụ việc trong tiệm tóc nhưng mới làm được nửa tháng thì đại dịch ập tới, Như phải nghỉ việc. Thời điểm này, công trình xây dựng vẫn được hoạt động, cha con anh T. đi làm được vài ngày thì phát sốt, ho. Anh T. nghĩ bị cảm do dãi nắng nhiều, ở nhà nghỉ ngơi uống thuốc vài ngày sẽ hết. Tuy nhiên, các triệu chứng không bớt mà ngày một nặng hơn, cha con anh T. chở nhau đến bệnh viện xét nghiệm, kết quả nhiễm COVID-19. Kiến thức của người cha không đủ đầy để hiểu đúng về căn bệnh quái ác này nên anh chỉ ở nhà, bịt khẩu trang cách ly với mấy đứa con rồi một mình chống chọi với những triệu chứng ngày một khủng khiếp. 2 ngày sau khi biết mình nhiễm bệnh, anh T. lên cơn sốt cao, anh gọi Tình dậy pha cho mình viên thuốc hạ sốt nhưng tình hình không khả quan. Hơi thở của anh T. ngày một khó nhọc, cứ rướn lên từng nhịp một. Tình nhìn cha lòng đau như cắt, lặng lẽ khóc thầm. Trời vừa sáng, Tình liền gọi đến các số điện thoại của đường dây nóng nhờ giúp đỡ. Lúc này, bệnh tình đã quá sức chịu đựng, cơ thể cha tím tái. Tình hoảng sợ, lấy xe máy chở cha đi bệnh viện nhưng không kịp, người cha chỉ kịp nhìn một lượt các con rồi lặng lẽ buông xuôi.

Mồ côi giữa đại dịch -0
4 anh em Chí Tình ngày nào cũng thắp hương cho cha trong căn phòng trọ ngập tràn nỗi buồn.

Ánh mắt của cha trước khi rời bỏ cõi đời vẫn còn chất chứa vô vàn nỗi lo, khi 4 đứa con có lớn mà chưa đủ khôn để bước ra chống chọi với cuộc đời. Tình cho biết, cha em khi còn sống luôn nhắc nhở con về tình yêu thương và đạo lý ở đời. Cha hay hỏi mấy anh em sau này muốn làm nghề gì. Dù không được học cao hiểu rộng thì vẫn phải có ước mơ để nghĩ và hướng về nó. Lần cuối còn khỏe mạnh, cha từng tâm sự, ước mơ của cha là nhìn mấy đứa con lớn khôn có việc làm tự nuôi sống bản thân. Nhưng, điều ước ấy chưa toại nguyện nên có lẽ cha sẽ rất đau buồn. 

Anh T. khi còn sống được hàng xóm quý mến bởi lòng tốt và sự nhiệt tình. Trong dãy trọ, ai nhờ làm việc gì anh đều vui vẻ giúp, chủ nhà trọ cũng thường xuyên nhờ anh sửa giúp mái tôn hay cánh cửa khi bị hỏng. Nghe tin anh ra đi, cả xóm bàng hoàng chua xót, thương cho anh bao nhiêu thì đau lòng khi nhìn 4 đứa con mồ côi bơ vơ, trơ trọi giữa cuộc đời. 

Căn phòng trọ bỗng một ngày lạnh ngắt hơi ấm của người cha. Quỳnh Như nhớ cha hay ra cửa ngồi khóc một mình. Chí Tình ngày nào cũng ra ngôi miếu gần đó, nơi đang đặt hũ cốt của cha để thắp hương và ngồi khóc. “Cha đã mất được gần 2 tháng rồi nhưng em vẫn cảm giác như cha còn quanh quẩn ở đây, vẫn luôn dõi theo 4 anh em”, Chí Tình chia sẻ.

Bàn thờ người cha được đặt giữa căn phòng trọ nhưng chỉ có bát hương mà không có tấm ảnh. Tình bảo, do dịch bệnh không có nơi nào làm ảnh thờ nên đành chịu như vậy. Mỗi ngày, 4 anh em đều đặn thắp hương cho cha, nhìn về góc bàn lạnh lẽo ấy cho khỏa lấp nỗi nhớ đong đầy.

Mồ côi giữa đại dịch -0
Ban thờ người cha không có di ảnh.

Từ ngày cha mất, mẹ cũng hay gọi điện cho mấy anh em nhưng mẹ đã có gia đình riêng, có con cái, với trăm nỗi lo khốn khó nên cũng chỉ dừng lại ở việc hỏi thăm mà thôi. Tại quê nhà ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây B (Phước Long, Bạc Liêu) họ hàng Tình còn 3 người cô ruột, tất cả đều khó khăn và không giúp được gì cho 4 anh em. Cha con Tình còn một căn nhà nhỏ và một miếng đất khô cằn, không có bất cứ nguồn thu nào. Hỏi có dự định gì cho những ngày sau, Tình nghẹn ngào nói: “Khi nào hết dịch, em sẽ đưa cha về quê, làm một ban thờ đàng hoàng để cha yên nghỉ trong chính ngôi nhà của mình. Chúng em muốn được trở về quê, dù không biết sẽ sống ra sao”.

Cũng như anh em Chí Tình, COVID-19 đã cướp đi người mẹ của bé Minh Khôi. Xóm trọ nghèo tại thị trấn Tân Túc (Bình Chánh), khi cơn lốc COVID-19 quét qua, mọi thứ đã không còn nguyên vẹn nữa. Hơn chục ngày sau khi “mẹ về trời”, bé Minh Khôi (6 tuổi) không chịu bước chân ra khỏi phòng trọ, không tiếp xúc, gặp gỡ ai, kể cả ông bà ngoại đứng ngoài cửa năn nỉ. Cả ngày, Minh Khôi nằm dưới ban thờ của mẹ, im lìm, lặng thinh. Ngày 3 bữa cơm, Khôi đều để lên bàn thờ cúng cho mẹ và không bỏ sót một lượt nhang khói nào. Ông bà ngoại muốn trả lại phòng trọ, đón cháu sang phòng bên ở cùng nhưng Khôi nhất định không đi. Cậu bé bảo, ở đây với mẹ thôi.

Đầu tháng 8, xóm trọ này là ổ dịch, Khôi và mẹ là bệnh nhân F0 phải đi cách ly, điều trị. Thế rồi, chỉ có Khôi trở về nhà lành lặn, người mẹ trẻ không qua khỏi. Biết mẹ đã qua đời, Khôi khóc mấy ngày rồi trở thành đứa trẻ câm lặng như thế. Khôi nói với bà ngoại, thương và nhớ mẹ lắm. Mẹ chết vì đã nhường phần ăn bổ dưỡng cho em. Giờ mẹ đang ở trên kia, Trung thu này con làm đèn ông sao chị Hằng gửi lên cho mẹ. Bà Tư nghe cháu ngoại nói, chỉ biết khóc nghẹn, nỗi đau mất con khiến bà tiều tụy, khô héo, già nua. Cha của Khôi đi làm tận Hải Phòng, suốt mùa dịch không thể trở về, hay tin vợ mất, anh chết lặng.

Sau những cơn nhớ nhung dồn dập về người mẹ thân yêu, giờ thì Minh Khôi đã nguôi dần, chịu theo ông bà ngoại ra ngoài, chịu nói chuyện với mọi người. Nhưng, thi thoảng, bất chợt, cậu bé lại tìm mẹ, như một thói quen thân thương của tình mẫu tử đã đột ngột bị chia lìa.

Nhiều chính sách nhân văn dành cho trẻ mồ côi

Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người dân sinh sống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều em nhỏ lâm vào cảnh mồ côi, có em mất cả cha lẫn mẹ. Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ mồ côi vì COVID-19.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm. Cụ thể các nhóm gồm: Gia đình tự nuôi dưỡng; gửi trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP Thủ Đức; gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng; nguyện vọng khác. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được giao hướng dẫn các địa phương, đơn vị thăm hỏi, nắm nguyện vọng, tổng hợp báo cáo, tham mưu đề xuất hệ thống các chính sách để chăm lo cho trẻ mồ côi từ nhỏ cho đến trưởng thành.

Mồ côi giữa đại dịch -0
Mất cha, những đứa trẻ chưa biết đi đâu khi hết dịch.

Một thông tin khác làm yên lòng nhiều người vào ngày 16-9 là tuyên bố của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo trẻ em mất cha, mẹ vì COVID-19. Tập đoàn FPT cam kết nhận 1.000 em nhỏ mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Các em sẽ được học tập theo chương trình phổ thông, Đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học... Địa điểm thực hiện việc đào tạo này dự kiến ở Đà Nẵng.

Dịch bệnh rồi sẽ qua nhưng nỗi đau mất người thân sẽ còn đeo đẳng mãi những đứa trẻ mồ côi. Vì thế, mong lắm những tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm để giúp các em có một tương lai tốt đẹp.

Ngọc Hoa
.
.