Mưu sinh trong “bình thường mới”

Thứ Hai, 11/10/2021, 12:50

TP Hồ Chí Minh đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”. Có một dòng người hồi hương nhưng cũng có những người quyết tâm ở lại, bám trụ với thành phố, hòa nhịp trong dòng chảy “bình thường mới”...

Những âm thanh quen thuộc đang từ từ len lỏi một cách dịu dàng, thong thả vào các con hẻm. Phố nhộn nhịp xe, người hối hả mưu sinh. Phố thơm lừng mùi cà phê, mùi sườn nướng, mùi hủ tiếu bánh canh, xôi chả, bánh mì thịt... mà suốt 4 tháng qua người ta nén lòng thương nhớ.

Cuộc sống mới trong “bình thường mới”

Ngày mới đến, một ngày mới như bao nhiêu ngày khác của năm tháng nhưng lại rất khác thường bởi chính sự trở lại bình thường của TP Hồ Chí Minh sau hơn 100 ngày chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Chốt chặn, rào chắn, những sợi dây giăng ngang dọc chằng chịt quấn quanh phố xá đã được tháo dỡ, đã thông thoáng đường, rộng mở hẻm. Đêm không còn tĩnh mịch nữa, đã nghe lao xao tiếng mở cửa dọn dẹp bày hàng quán, đã nghe lanh canh tiếng va chạm của chén ly muỗng đũa những tiệm ăn, đã thấy thấp thoáng những bảng hiệu được treo ra mặt tiền và tấp nập những cuộc mưu sinh vất vả của dòng người tha hương cố bám trụ lại thành phố.

Mưu sinh trong “bình thường mới” -0
Nhân viên y tế xếp hình trái tim đón ngày “bình thường mới”.

Xóm trọ nghèo ở phường Thạch Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh mở đầu ngày bình thường mới bằng việc bà con ra đồng bắt cá. Đây là công việc quen thuộc từ nửa tháng nay, khi thành phố vẫn đang phong tỏa để chống dịch. Biệt đội bắt cá đàn ông, thanh niên và cả phụ nữ, trẻ em quê ở các tỉnh miền Tây, lên TP Hồ Chí Minh làm nghề lao động tự do như phụ hồ, ve chai, giúp việc. Dịch bệnh phải nghỉ làm, mấy tháng trời không có tiền đóng nhà trọ, thực phẩm trong nhà cũng hết, họ lâm vào cảnh thiếu thốn đủ đường bèn rủ nhau ra các nhánh sông, vũng nước đọng kéo cá về cải thiện bữa ăn, hôm nào được nhiều thì mang đi đổi gạo.

Với kinh nghiệm dày dạn sông nước, họ tận dụng các mảnh lưới ở công trường cải biến thành dớn, đơm, lưới kéo để đánh bắt tôm cá. Từ sáng sớm, men theo những thửa ruộng vừa sạ lúa, họ đến điểm bắt cá nằm ở giữa cánh đồng lúa của phường Thạch Mỹ Lợi, giáp các nhánh sông Sài Gòn. Đàn ông nhào xuống nước kéo, phụ nữ, trẻ em chạy đón đầu đuổi cá vào lưới. Xong mỗi đợt kéo, chị em lại tập trung nhặt cá, phân loại. Con nhỏ thì thả về ruộng, chỉ lấy con lớn bằng 3 đầu ngón tay trở lên. Sau một buổi ngụp lặn trong nắng nóng và bùn lầy, họ mang thành quả trở về xóm trọ phân phát cho nhau cùng hưởng.

Mưu sinh trong “bình thường mới” -0
Bà con xóm trọ Thạch Mỹ Lợi ra đồng bắt cá cải thiện cuộc sống trong thời gian chờ việc.

Đôi tay thoăn thoắt làm cá, chuyên nghiệp chẳng khác nào con nhà sông nước thứ thiệt, chị Nguyễn Thị Thư đến từ Bạc Liêu hồ hởi kể về bữa ăn có đạm trong những ngày “bình thường mới”: “4 tháng trời giãn cách, xóm trọ thiếu trước hụt sau, may là chúng tôi ở gần sông nước nên kiếm được cá và rau dại qua ngày. Giờ chỉ mong được đi làm, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống sau mùa dịch”.

Những đứa trẻ theo cha mẹ lên thành phố mưu sinh là vui sướng nhất khi được ra đồng chạy nhảy, được đắm mình dưới vũng nước lầy lội đầy bùn đen và rác. Thuận Giao, năm nay 14 tuổi, quê Sóc Trăng, bỏ học từ năm lên 10 tuổi, theo cha mẹ phiêu dạt trên các công trường xây dựng từ Long An, Hóc Môn, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho tới xóm trọ ven sông Sài Gòn của TP Thủ Đức. Giao già dặn và trưởng thành hơn tuổi đời rất nhiều. Những ngày đi kéo cá, Giao là tay lưới “trụ cột”, thuần thục mọi thao tác và cách làm. Giao cho biết, ở quê, cậu đi đơm cá với ông ngoại từ năm lên 6. Từ buổi ấy, cậu đã là một ngư dân thực thụ.

Mưu sinh trong “bình thường mới” -0
Niềm vui của xóm nghèo chào đón ngày thành phố nới lỏng giãn cách.

5 tháng trước, cha về đón Giao lên TP Hồ Chí Minh đi làm công trình. Thằng bé mới làm được 3 tuần thì phải nghỉ do dịch bệnh. Nó buồn quá, nhớ ông bà ngoại ở quê da diết, rồi nhớ cả những đêm cùng ngoại ra sông đặt dớn. May là có khoảng trời thôn quê gần xóm trọ, nó theo người lớn đi bắt cá, cũng là để khuây khỏa nỗi nhớ đồng quê. 

Ngày bình thường mới, xóm trọ vẫn “án binh bất động” vì chủ chưa gọi đi làm. Cha con Giao điện thoại suốt cho nhà thầu hỏi nhưng họ bảo chờ. Mẹ Giao buồn chỉ muốn về quê, không thích cuộc sống lênh đênh thế này nữa. Vậy là gia đình Giao quyết định, để cho hai mẹ con trở về quê, còn cha Giao sẽ ở lại bám trụ đến tết, hy vọng kiếm được ít đồng trang trải cho cuộc sống bình thường sau này. Trước khi về quê một ngày, anh em xóm trọ vẫn ra đồng kéo cá cho những người ở lại có thức ăn trong những ngày chờ đi làm.

Anh Lê Công Hậu, 39 tuổi, quê Bạc Liêu, là một trong hơn chục người của xóm trọ quyết tâm ở lại đón thành phố mở cửa chào “ngày mới”. Anh Hậu làm thợ sơn cho một công ty tư nhân ở phường An Khánh, TP Thủ Đức. Cũng như bao cảnh đời khác, vợ chồng anh Hậu đã thất nghiệp 4 tháng trời, không lương, không trợ cấp. Cũng may, trước đó anh Hậu được nhận trọn vẹn 10 triệu tiền lương, chị Bé Nga vợ anh cũng còn trên 6 triệu tiền dành dụm. Ngần ấy tiền, vợ chồng sinh hoạt, trả tiền thuê trọ đủ 3 tháng là hết. Tháng gần đây thì được nhận 2 triệu trợ cấp của Nhà nước nên tạm ổn. “Mấy ngày nay dân quê tôi về nhiều lắm nhưng vợ chồng tôi quyết không về. Giờ chỉ có hai bàn tay trắng, về làm khổ gia đình, rồi hai đứa con đang sống cùng nội lấy gì nuôi chúng. Tôi hy vọng công ty sẽ có nhiều hợp đồng để làm việc”, anh Hậu chia sẻ. Chị Bé Nga cũng hồ hởi thông báo, công ty môi giới vừa gọi điện có gia đình thuê giúp việc nhà, hẹn chị tuần sau nhận việc. Vợ chồng anh Hậu đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, là điều kiện cần và đủ để bắt đầu công việc cho ngày “bình thường mới”.

Thành phố cũng đang từng bước khỏe lại với một trạng thái mới. Có thể, khi cuộc sống quay trở lại sẽ không còn như xưa nữa nhưng chắc chắn rằng mọi người sẽ vẫn yêu thương, vẫn cảm thông cho nhau giống như cái cách chúng ta từng gắn bó trước mùa dịch bệnh.

Mưu sinh trong “bình thường mới” -0
Hàng quán, phố xá đông đúc trở lại.

Những người ở lại

Trong dòng người hồi hương, cũng có một dòng người ở lại. Đã bám trụ được tới ngày này thì không có lý do gì để rời đi. Đó là suy nghĩ của Dương Văn Khang, 21 tuổi, đến từ Đắk Lắk. Khang vào TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 2021 và may mắn xin được công việc nấu ăn tại một nhà hàng ở TP Thủ Đức. Mới làm được 3 tháng, thành phố phong tỏa, nhà hàng đóng cửa, Khang mất việc. Cậu ở phòng trọ với hai đứa bạn là Tiến và Chiến, là người cùng quê. Trong đó, Tiến chạy xe ôm công nghệ, Chiến làm công nhân khu chế xuất Linh Trung 2.

Số tiền tích lũy chỉ dùng được trong một tháng là hết veo, nhóm của Khang phải khất tiền phòng trọ. Những đồng tiền cuối cùng của 3 chàng trai chỉ cầm cự được đến tháng 7 là không còn gì nữa. Giữa lúc thành phố thực hiện biện pháp nghiêm ngặt chống dịch “ai ở đâu ở yên đó”, Khang và hai đứa bạn không thể đi đâu ra ngoài, nên ý định cầm xe máy lấy 3 triệu đã thất bại. Giờ chỉ còn cách đi vay mượn bạn bè nhưng thời này ai có mà cho vay. Khang quyết định gọi điện về nhà xin tiền bố mẹ. Mẹ ở quê bán được 500 ngàn tiền gà gửi hết cho con. Tiến và Chiến thì khá hơn, gia đình gửi cho mỗi đứa 1 triệu. Vậy là tổng cộng 3 đứa có 2.5 triệu, chi tiêu tằn tiện từng ngày.

Vừa lúc hết sạch tiền thì Khang và bạn nhận được gói hỗ trợ an sinh và tiền trợ cấp đợt 1, đợt 2 nên cuộc sống vẫn “lai rai” qua ngày. Đầu tháng 9, thành phố cho shipper hoạt động, Tiến vui sướng vì có việc làm trở lại. Mỗi ngày Tiến cũng kiếm được ngót 300 ngàn, về chia sẻ với hai bạn. Cuộc sống đã dễ thở hơn. Nhưng, niềm vui sớm vụt tắt, Tiến bị nhiễm COVID-19 sau một tuần ra đường. Tiến phải đi cách ly, Khang và Chiến ở phòng trọ cứ 3 ngày bị test một lần. Tâm lý bức bối, buồn bã và một nỗi đau kiệt quệ vì đói khát, vì không làm ra tiền, vì nợ, rồi tiền nhà, điện nước vẫn đều đều cứ song hành với nỗi sợ mắc bệnh COVID, sợ chết bất cứ lúc nào...

Thế rồi, may mắn đã mỉm cười, Khang và Chiến không bị nhiễm COVID-19, Tiến cũng khỏi bệnh trở về phòng trọ đoàn tụ với chúng bạn, háo hức đếm ngược “bao giờ cho đến tháng 10”.

Mưu sinh trong “bình thường mới” -0
Những ngày bận rộn của chàng shipper quyết tâm ở lại thành phố.

Ngày đầu tháng 10, cũng là ngày “bình thường mới”, thay vì vui mừng để được đi làm thì lại chứng kiến cảnh dòng người ào ạt về quê, nhìn mà ứa nước mắt. “Từng dòng tin nhắn dồn dập hỏi chúng em có về không làm em nghẹn lại, nghẹn vì thương cho bạn, thương cho mình ở lại cũng khổ, không biết ai khổ hơn”, Khang nghẹn ngào nói.

Sáng hôm sau, gần hết dãy trọ đã gom đồ đạc, “tay xách nách mang” lỉnh kỉnh những vật dụng cần thiết chất đầy xe máy rồi nối đuôi nhau tràn ra đường về nhà. Tâm lý phải vững vàng lắm mới không bị xáo động, không bị tình cảm và nỗi nhớ nhà lấn lướt vào lúc này. 3 thanh niên nhìn nhau, nỗi buồn ngập tràn khuôn mặt.

Khang nói với hai bạn: “Mình sẽ ở lại thành phố, sẽ không bỏ cuộc, không đầu hàng hoàn cảnh”. Nghe lời đanh thép của Khang, Tiến và Chiến cũng thấy có thêm động lực. Vậy là 3 đứa quyết tâm ở lại. Tiến tiếp tục chạy xe ôm công nghệ, Chiến cũng trở lại công ty, Khang trong thời gian chờ đợi nhà hàng mở cửa đã xin được một chân phụ hồ ở khu công trường gần phòng trọ. Nghỉ lâu ngày, lại đói ăn nên ngày đầu đi xách vôi vữa, bê gạch đá, Khang mệt muốn lả đi và muốn bỏ cuộc nhưng đã kịp sốc tinh thần và suy nghĩ chín chắn lại. Còn khỏe mạnh và được đi làm trong hoàn cảnh này đã là một đặc ân lớn rồi, phải cố gắng và quyết chí. Mình còn trẻ, đây sẽ là thử thách.

Sau một tuần lao động, Khang thông báo với tôi đã quen với công việc nên không mệt nữa và vui mừng vì vừa được chủ trả cho 1 triệu tiền công. Còn Tiến, mặc dù vừa trải qua cơn bạo bệnh do nhiễm COVID-19 nhưng được ra đường đi làm và kiếm tiền khiến chàng trai trẻ vui mừng mà quên đi tất thảy những tháng ngày bi đát vừa qua. Cuộc sống của họ đã bắt đầu trở lại như thế.

Ngọc Hoa
.
.