Người anh hùng trên bến Tam Soa

Thứ Sáu, 28/01/2022, 14:38

Huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh xưa nay vẫn được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt. Núi rừng khoáng đạt, sông suối phong nhiêu bao đời hào phóng bồi đắp, cộng thêm yếu tố về con người, cũng như văn hóa đặc sắc đã khiến vùng đất này luôn hàm chứa trong mình những trầm tích của thời cuộc.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Đức Thọ là một địa bàn chiến lược quan trọng của nghĩa quân. Núi Tùng Lĩnh, ngã ba Tam Soa là cứ điểm trọng yếu án ngữ đường lên căn cứ Đỗ Gia (nay thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) của Bình Định Vương Lê Lợi. Một trong số những Khai quốc công thần, chiến tướng hàng đầu được giao trọng trách coi giữ tại điểm trọng yếu này, người đã có những chiến công hiển hách được nhân dân lập đền thờ là Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ.

Người anh hùng trên bến Tam Soa -0
Bến phà Linh Cảm

Tùng Ảnh, Đức Thọ ngày mùa thu, nắng vàng như rót mật. Với địa thế là một vùng đồng bằng bán sơn địa, bao xung quanh ba mặt núi, một mặt sông nên khí hậu nơi đây dường như luôn thoáng đãng, trong lành hơn. Đứng trên đồi Quần Hội, chếch bên phải là núi Tùng Lĩnh, nhìn xuống phía bến Tam Soa là cả một vùng ruộng đồng bằng phẳng, sơn thủy hữu tình. Xa xa, mờ ẩn trong mây là dãy Thiên Nhẫn hùng vĩ với truyền thuyết về con đại bàng của trời xanh gom nhặt được 999 ngọn núi, chẳng may đánh rớt một ngọn mà thành rú (núi) Mồ Côi... Nhiều cụ cao niên ở đây bảo, tuy cùng nằm trong dải miền Trung cát nắng gió Lào, mưa bão chẳng thiếu một lần, song với cùng một cơn thịnh nộ của ông trời, thì Đức Thọ vẫn là nơi ít chịu thiệt hại hơn so với các vùng khác.

Ông Phan Văn Nậm, năm nay 79 tuổi, đã có thâm niên 15 năm trông coi đền thờ Linh Cảm đại vương Đinh Lễ ở thôn Châu Linh (trước là thôn Võng Sơn), xã Tùng Ảnh. Ông Nậm là một người con của dòng họ Phan Tùng Mai của làng Tùng Ảnh (nguyên xã Tùng Ảnh chia thành 17 thôn, trong đó có thôn Đông Thái 1 và Đông Thái 2. Đông Thái 2 nay là Làng khoa bảng Đông Thái, còn Đông Thái 1 chính là làng Tùng Ảnh - quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú), một trong những dòng họ nổi tiếng trong vùng bởi nhiều người giỏi giang, đỗ đạt cao. Cha ông Nậm khi còn sống cũng từng làm công việc trông coi đền nhiều năm về trước. Khi biết tôi về đây để tìm hiểu về ngôi đền cũng như thần tích của Linh Cảm đại vương Đinh Lễ, ông vui lắm…

***

Về thân thế và sự nghiệp của Linh Cảm đại vương Đinh Lễ, hầu hết sách sử khi viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đều dành nhiều dòng về ông. Theo đó, Đinh Lễ người sách (huyện) Thủy Cối, trước nằm trong vùng Lam Sơn, nay thuộc huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Thái úy Hùng quốc công Đinh Tôn Nhân, mẹ là Lê Thị, em gái Lê Lợi. Vì thế, ông gọi Lê Lợi bằng cậu ruột và sau này, ông được Bình Định vương ban cho họ vua, nên sử sách thường chép là Lê Lễ khi đề cập đến.

Người anh hùng trên bến Tam Soa -0
Trụ sở Báo CAND ngày nay tọa lạc trên con phố mang tên ông giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội - số 2A phố Đinh Lễ.

Ba anh em trai Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt đều tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những buổi đầu sơ khai. Đinh Lễ vốn tính gan dạ, dũng cảm nên thường đi hầu cận, hộ vệ Lê Lợi, đặc biệt là giai đoạn đầu, leo trèo trải bao gian khổ, chiến công rất nhiều. Đó là thời điểm nghĩa quân Lam Sơn mới hội tụ, vừa củng cố lực lượng, vừa tổ chức những trận tập kích, đánh địch ở vùng rừng núi Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình của giai đoạn từ năm 1418 đến 1423. Kế đó, theo chiến lược của tướng Nguyễn Chích đưa ra, nghĩa quân Lam Sơn quyết định chuyển hướng, chọn một phần châu Hoan - bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ - làm “đất đứng chân”, thực hiện kháng chiến lâu dài, tiêu hao sinh lực địch, xây dựng lực lượng, tiến tới đánh lớn để quét sạch giặc Minh xâm lược, dẹp yên bờ cõi.

Tháng 9 năm Giáp Thìn (1424), nghĩa quân tập kích đồn Đa Căng ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), mở đường tiến vào Nghệ An và liên tiếp thắng lớn trong các trận đánh ở Trà Long, Khả Lưu, Bồ Ải - đều thuộc đất Nghệ An. Trong những trận đánh quan trọng này, Đinh Lễ cùng Lê Sát và các tướng đích thân chỉ huy các cánh quân phục kích, trực tiếp xông lên hãm trận, quân sĩ vì thế đua nhau xông lên tiêu diệt địch... Sau những chiến thắng này, ông được phong là Tư không và được giao chỉ huy một đạo quân theo đường tắt xuống đóng quân tại núi Tùng Lĩnh, nhìn xuống ngã ba Tam Soa, án ngữ trọn vùng bình nguyên của phủ La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), là cửa ngõ vào đại bản doanh Đỗ Gia. Tại đây, ông cho quân lính khai khẩn đất đai hai bên bờ sông để tự cung cấp quân lương gồm 40 mẫu gọi là “ruộng Binh”...

Người anh hùng trên bến Tam Soa -0
Ông Phan Văn Nậm cho biết toàn bộ phần gỗ kết cấu của đền thờ Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ đều được chạm khắc tinh xảo từ gỗ mít nguyên khối, Những cột cái, xà thượng... mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử

Tương truyền núi Tùng Lĩnh là nơi Đinh Lễ đóng đồn chính để bao quát cả vùng. Quay mặt về phía sông thì bên trái có ngọn đồi thấp hơn, địa thế thoai thoải, lại có bãi bồi bằng phẳng bên dưới, là nơi ông thường cho điểm quân và huấn luyện binh sĩ, hội quân các lộ binh mã đi theo Lê Lợi. Địa danh Quần Hội có lẽ cũng ra đời từ đó. Về sau, một loạt địa danh như bến phà, ngã ba và nay là cả cây cầu hiện đại bắc qua sông đều được gọi theo thần phong của ông, Linh Cảm.

Cuối tháng 4 năm Ất Tị (1425), nghĩa quân Lam Sơn chọn cửa sông Khuất - vực Nầm là đoạn sông quanh co hiểm trở, hai bên có núi che chắn, phù hợp việc bố trí mai phục và phối hợp với quân thủy bộ tấn công tiêu diệt địch. Quân Minh do Tổng binh Trần Trí chỉ huy tổ chức tấn công căn cứ Đỗ Gia. Đinh Lễ khéo dụng binh, nhử địch tiến sâu vào trận địa mai phục, nghĩa quân xông ra tấn công tiêu diệt cả ngàn tên, bọn còn lại tháo chạy ra cửa sông Ngàn Phố để về thành Nghệ An cũng bị phục binh của ông chặn đánh và tiêu diệt. Cuộc tấn công của địch vào căn cứ Đỗ Gia bị đập tan. Chiến thắng này góp phần loại bỏ mưu đồ tấn công vào sào huyệt nghĩa quân ở Đỗ Gia của địch, giúp Bình Định vương Lê Lợi có thời gian củng cố quân lực, tích trữ lương thảo, khí giới để phục vụ cho công cuộc tiến quân ra Bắc sau này.

Nói về công lao của Đinh Lễ, không thể không nhắc tới chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (Tốt Động là tên một xã, sau thuộc huyện Mỹ Đức; Chúc Động giờ là Chúc Sơn, thuộc Chương Mỹ, Hà Nội) vào tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), một chiến thắng vang dội có tính chất lật ngược thế cờ, đưa tình thế nghĩa quân từ kháng cự sang chủ động phản công, đánh đuổi giặc Minh, giải phóng hoàn toàn bờ cõi. Về trận đánh này, sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư” mô tả khá kỹ: “Ngày mồng 6, Vương Thông nước Minh đem các quân mới, cũ hơn 10 vạn người, chia làm 3 đạo đánh quân ta. Vương Thông từ Khâu Ôn (Lạng Sơn) đến, qua cầu Tây Dương (tức Cầu Giấy), đóng ở bến đò Cổ Sở (nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức), làm cầu phao cho quân sang sông. Phương Chính tiến từ cầu Yên Quyết, đóng quân ở cầu Sa Đôi (cầu Yên Quyết tức cống Cót ở Hạ Yên Quyết, Láng; còn cầu Sa Đôi ở phía Tây làng Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Sơn Thọ và Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục, đóng ở cầu Thanh Oai. Quân giặc đóng liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận thì bắt được...

Người anh hùng trên bến Tam Soa -0
Đền thờ Đinh Lễ tại thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

Ngày mồng 7, bọn Lê Triện (nguyên là Lý Triện, cũng là một tướng tài đi theo Lê Lợi cùng thời gian và cũng được vua ban họ) đánh Vương Thông ở các xứ trại ngoài Cổ Sở. Bấy giờ giặc đã phục binh sẵn, đan tre làm lá chắn, bên trong gài chông sắt, giả cách bỏ lá chắn chạy, voi của ta giẫm lên, trúng phải chông sắt, quân thua phải lùi lại một chút. Bọn Triện tự liệu không thể chạy được, mới phá hủy dinh cũ, thu quân giữ nơi hiểm yếu, cáo cấp trước với bọn Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Xí (tướng Nguyễn Xí). Bấy giờ bọn Lê Lễ đã ngầm phục tinh binh ở Thanh Đàm (tức Thanh Trì ngày nay) để đợi giặc, được tin báo của Triện, bèn ban đêm đem quân tinh nhuệ hơn 3 nghìn người và 2 con voi đến cứu, hội nhau ở Cao Bộ (nay thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho quân phục sẵn ở chỗ hiểm yếu. Nhân bắt được gián điệp của giặc, hỏi biết là giặc muốn đặt súng lớn đằng sau quân ta, Lễ và Triện bèn dùng kế của giặc để đánh giặc, hạ lệnh cho các quân nếu nghe tiếng súng thì nấp náu không động. Giặc cho là không có quân, nghe tiếng súng nổ, đem toàn quân đi sâu vào, chưa đến sông Yên Duyệt cách vài dặm thì quân phục của ta ba mặt đều nổi dậy, xông đánh các xứ Tốt Động, Chúc Động, phá tan quân giặc, chém được Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng và quân sĩ 5 vạn người, giặc chết đuối rất nhiều, nước sông ở Ninh Kiều không chảy được; bắt sống được hơn 1 vạn người; bắt được ngựa, quân tư, khí giới và xe cộ không kể xiết.

Phương Chính qua đò Cổ Sở trốn về. Bọn Vương Thông, Mã Kỳ chỉ thoát được thân, chạy về thành Đông Quan. Bọn Lễ thừa thắng tiến vây thành, báo tin thắng trận về hành dinh ở Lỗi Giang. Bấy giờ vua đương đóng quân ở Thanh Hóa, họp các quân Hải Tây, nhận được thư báo thắng trận của bọn Lê Lễ, bèn thân đem đại quân và 20 con voi, chia đường thủy, bộ ngày đêm đi gấp. Ngày 10 đến sông Lũng Giang (tức là sông Đáy) đóng dinh. Các tướng đón mừng”.

Cũng về trận đánh này, sử gia Trần Trọng Kim trong cuốn “Việt Nam sử lược” có lời bàn: “Kể từ ngày Bình Định vương đem binh vào đánh Nghệ An đến giờ, tuy rằng đánh đâu được đấy, nhưng chưa có trận nào quan hệ bằng trận Tốt Động (nguyên sách viết là Tụy Động - có lẽ do phương ngữ vùng miền). Bởi vì việc thắng bại trong 10 phần, đánh xong trận này thì đã chắc được 7-8 phần rồi. Quân thế nhà Minh chỉ còn ở trong mấy thành bị vây nữa mà thôi, mặt ngoài thì viện binh lại chưa có, mà dẫu cho có sang nữa thì thế của Bình Định Vương cũng đã vững lắm rồi.

Nhưng, cứ trong Việt sử, thì quân của Lý Triện và Đinh Lễ chẳng qua chỉ có mấy nghìn người mà thôi, làm thế nào mà phá được hơn 10 vạn tinh binh của Vương Thông? Vả lại, sử chép rằng đánh trận Tốt Động quân An Nam giết được hơn 5 vạn quân Minh, lại bắt được hơn 1 vạn người, như thế chẳng hóa ra quân Minh hèn lắm ru! E rằng nhà làm sử có ý thiên vị, cho nên sự thực không được rõ lắm. Nhưng, dẫu thực hư thế nào mặc lòng, đại khái trận Tốt Động là một trận đánh to, mà Vương Thông thì thua, phải rút quân về giữ thành Đông Quan rồi bị vây, còn Bình Định vương thì ra Bắc thu phục các châu, huyện. Việc ấy chắc thật có”.

Gần 10 năm đi theo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (bắt đầu từ năm Mậu Tuất - 1418 đến khi tử trận năm Đinh Mùi - 1427), Đinh Lễ đảm đương nhiều trọng trách và luôn được coi là một trong những vị tướng giỏi nhất của Lê Lợi. Tiếc thay, trong trận đánh giải vây và truy quét địch ở My Động (tức quận Hoàng Mai bây giờ), ông cùng tướng Nguyễn Xí đã khinh địch mà lọt vào ổ phục kích. Đinh Lễ không chịu khuất phục nên bị giết. Nguyễn Xí bị giam rồi nhân đêm hôm mưa gió, đánh lừa lính gác mà trốn về được, tiếp tục theo cuộc khởi nghĩa đến khi giành thắng lợi.

Nhà vua vô cùng thương xót, ban tặng cho vợ con ông và cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập nội thiếu úy, tước Á hầu để đền công tử nạn vì nước (Trung Mục vương Đinh Lễ về sau được người dân Đông Thái rước vào đình làng (Đình Số Ba) thờ làm Thành Hoàng của làng). Tháng 2 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), vua ban quốc tính cho nhóm Lê Lễ gồm 94 người, truy tặng ông là Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ. Tháng 5-1429, vua ban biển ngạch công thần cho 93 người, Lê Lễ được ban Đình Thượng hầu cùng 13 người khác.

Sau ngày chiến thắng ca khúc khải hoàn, Vua Thái Tổ lấy vùng đất Tùng Ảnh phong ấp cho các bậc công thần khai quốc như Lê Bôi, Võ Lộng, Phan Đán và phong Đinh Lễ làm Linh Cảm đại vương, cho dân lập đền thờ trên núi Tùng Lĩnh, ngày đêm hương khói. Dân làng Tùng Ảnh cũng thờ ông làm Thành Hoàng của làng.

Đánh giá về Đinh Lễ, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Ngày xưa Khuất Hà quen mui đánh được Bồ Tao rồi đến bại vong, đó là quân tàn bạo mà ít xâm lấn nước nhỏ. Lê Lễ quen mui đánh được ở Tốt Động, cũng đến bại vong, đó lại là quân giận giặc phục thù. Tuy cái thua giống nhau nhưng nghĩa thì khác nhau. Cho nên, nói về tướng giỏi bấy giờ thì Lễ và Triện là đứng đầu”.

Việt Ba
.
.