Người gác tàu thầm lặng

Chủ Nhật, 19/12/2021, 20:04

Gần 30 năm qua, bất kể trời mưa hay nắng, sáng sớm hay tối muộn, hễ cứ có tàu đi qua là người ta lại thấy ông Kiều Văn Phúc, SN 1960 (ngõ 225, tổ 8, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) miệng thổi còi, tay cầm cờ cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường biết. Từng đó thời gian, ông Phúc không nhớ nổi mình đã cứu sống bao nhiêu người.

Ám ảnh vì những cái chết thương tâm

Ông Phúc vẫn nhớ ngày ông chuẩn bị ra mở quán bún bên đường tàu. Hôm đó bố ông gọi ông vào nói chuyện và bảo: “Con mà ra đó bán quán thì dọn dẹp sạch sẽ chỗ bên cạnh, xây một cây hương, một là để cầu buôn may bán đắt, phần nữa là để mọi người không thể tới đó mà vệ sinh được. Chỉ có cách đó mới giảm được những tai nạn tàu thương tâm”.

Người gác tàu thầm lặng -0
Nhờ có việc làm thầm lặng của ông Phúc mà nhiều năm qua, nơi đây không còn những tai nạn thương tâm.

Quán bún của vợ chồng ông Phúc nằm đối diện với bến xe khách Bắc Giang. Trước đó tại nơi này hầu như tháng nào cũng xảy ra tai nạn tàu. Lý do là bởi nhiều người lạ thường từ bến xe khách băng qua đường tàu để tìm chỗ đi vệ sinh. Khi đó khu vực mà vợ chồng ông Phúc chuẩn bị làm quán chỉ là một bãi đất hoang, người ta thường hay mang rác qua đó vứt. Ông Phúc kể lại: “Mấy chục năm về trước tôi đã từng chứng kiến một vụ tai nạn tàu rất thảm khốc. Chính tôi là người đã phải chui vào gầm tàu để lôi thi thể ra. Mà tai nạn tàu thì nó khủng khiếp lắm”. Chính vì nhiều lần chứng kiến cảnh người qua đường bị tàu đâm nên ông Phúc rất ám ảnh. Vì thế, khi quyết định mở quán,  vợ chồng ông đã dọn sạch bãi rác, xây một cây hương.

Mở quán bán hàng ăn nên vợ chồng ông Phúc thường phải dậy từ rất sớm. Hằng ngày cứ 4 giờ sáng là vợ chồng ông đã phải chuyển đồ từ nhà ra quán. Sau khi chuẩn bị tinh tươm ông Phúc lại căn giờ tàu chạy qua để ra canh chốt. Hỏi duyên cớ nào khiến ông làm việc đó suốt bao nhiêu năm qua thì ông Phúc cười tếu táo: “Bố mẹ đặt tên cho tôi là Phúc nên tôi cũng muốn làm việc gì có ích, tạo phúc cho đời. Nhà ở cạnh đường tàu, từng chứng kiến tận mắt những cái chết thương tâm nên tôi rất muốn làm được việc gì đó giúp những người qua đường tàu không còn gặp rủi ro”.

Nghĩ là làm, ngay từ những ngày đầu tiên bán quán, ông Phúc đã bắt tay ngay vào làm công việc của một người gác tàu. Sống cạnh đường tàu từ nhỏ nên ông Phúc nắm rất rõ lịch chạy của từng chuyến tàu. Chuyến tàu khách Hà Nội - Uông Bí thì cứ tầm 6h30 sáng là chạy qua khu vực quán của ông. Chuyến tàu Hà Nội - Lạng Sơn là 7h30 sáng… Cứ thế ông căn giờ đi giờ về của các đoàn tàu để mà kịp ra đứng gác.

Ông bảo: “Làm gì thì làm, bận gì thì bận nhưng không thể bận vào những giờ tàu chạy qua. Mình không làm thì thôi chứ đã làm thì phải làm bằng cái tâm, phải làm cho hết trách nhiệm. Bởi nhỡ đâu chỉ một lần mình không đứng gác mà chẳng may xảy ra tai nạn có phải là sẽ ân hận cả đời không”. Tính đến thời điểm này, sau gần 30 năm tự nguyện đứng gác tàu, ông Phúc không nhớ nổi mình đã cứu được bao nhiêu người thoát chết trong gang tấc.

Những giây phút sinh tử

Có những người đã được ông Phúc cứu sống hàng chục năm qua vẫn giữ liên lạc với ông. Hễ có dịp là người ta lại ghé qua quán hỏi thăm sức khoẻ của vợ chồng ông. Đó là trường hợp của ông Lê Văn Thắng, 54 tuổi (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Hôm đó ông Thắng lên chơi nhà bạn ở Bắc Giang nhưng vì quá chén đã phải ngủ qua đêm. Sáng hôm sau ông Thắng ra bến xe Bắc Giang sớm để bắt xe về Hà Đông. Trong lúc chờ xe khởi hành, ông Thắng buồn đi vệ sinh nên đã băng qua đường tàu tìm chỗ.

Người gác tàu thầm lặng -0
Nụ cười rạng rỡ của vợ chồng ông Phúc khi nhắc đến những người mà mình đã cứu

Vì trời nhập nhoạng lại không biết giờ tàu chạy nên ông Thắng đã thản nhiên bước tới đường tàu. Đang đứng phía bên này đường canh chốt, ông Phúc nhìn thấy dáng một người đàn ông chuẩn bị đặt chân vào đường tàu, không một giây suy nghĩ, ông Phúc lao như tên bắn đẩy người đàn ông ngã văng ra còn bản thân ông thì bật ngửa ở bên này rồi lăn xuống rãnh nước. “Tôi nhớ như in lúc đó tàu phanh kít lại, người lái tàu hỏi: “Chết hết rồi à?”. Đúng lúc đó thì những người đang ăn trong quán cũng gào thét: “Ông Phúc bị tàu đâm chết rồi”.

Lần khác trong lúc đang đứng gác tàu, ông Phúc thấy một cụ già đang đạp xe qua đường tàu. Biết là tàu sắp qua nhưng vì chiếc xe mất phanh nên cụ ông không làm thế nào cho chiếc xe dừng lại. Thấy tình huống quá nguy hiểm, ông Phúc lao vào dùng hết sức kéo chiếc xe giật lùi. Bánh của chiếc xe đạp vừa ra khỏi đường tàu cũng là lúc đoàn tàu khách lao qua. Ông Phúc kể: “Chú nhớ là khi đó ông cụ run không đứng nổi. Phải mất một lúc sau cụ mới nói được thành lời. Cụ bảo ông bà tôi phù hộ độ trì mới cho tôi gặp được chú hôm nay, nếu không thì giờ thân thể tôi cũng đã nát dưới đường tàu rồi”. Cụ ông đó cho đến tận bây giờ lần nào gặp cũng nói đùa với ông Phúc, lúc thì “chào ân nhân”, lúc lại “chào cứu tinh”. Nhận những tình cảm yêu thương và trân trọng ấy từ những người mà mình cứu được, ông Phúc cảm thấy rất ấm áp.

Người gác tàu thầm lặng -0
Ngăn cản kịp thời những ai cố tình băng qua đường tàu lúc nguy hiểm

Mới đây, ông Phúc cũng vừa cứu được hai anh em anh Triệu Văn Ngọc, chủ gara Minh Tâm (số 1, Minh Khai, Ngô Quyền, TP Bắc Giang). Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngọc cho biết: “Hôm đó, mình đèo em gái đi có việc. Lúc gần đến đoạn đường sắt có tàu đang chạy đến, không hiểu suy nghĩ chuyện gì mà mình không để ý thấy chú Phúc cảnh báo, cứ cho xe chạy thẳng. Thấy vậy, chú hét toáng lên và lao theo kéo xe của anh em mình lại ngay trước mũi tàu. Lúc đó mình mới bừng tỉnh, tim như muốn bắn ra ngoài. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh và quá bất ngờ khiến cả 2 anh em mình như muốn khuỵu xuống. Nếu không có chú Phúc kịp thời giúp thì không hiểu anh em mình sẽ ra sao?”. Cũng theo lời chia sẻ của anh Ngọc, do nhà ở gần bến xe nên anh biết việc chú Phúc tự nguyện ra đứng cảnh báo tàu cho những người qua đường từ rất lâu rồi. Anh cũng biết nhiều người đã được chú Phúc cứu trong gang tấc nhưng không nghĩ đến một ngày mình cũng nằm trong số may mắn đó.

Vì cứu người, đã không ít lần ông Phúc bị hiểu lầm là sàm sỡ hay có ý định cướp giật. “Có lần thấy một người phụ nữ đang đi bộ qua đường tàu trong lúc tàu đang tiến gần, tôi hoảng quá lao vào ôm người phụ nữ đó giật lại. Vì bất người nên cô ấy hét ầm lên: “Bớ người ta, có người định hiếp tôi. Làng nước ơi cứu tôi với”. Sau khi giật được cô ấy ra khỏi đường tàu, tôi bảo: “Tôi đang cứu cô đấy, nếu không thì tàu nó nghiền nát cô rồi”. Lúc đó cô ấy như bừng tỉnh quay lại cảm ơn tôi rối rít”, ông Phúc chia sẻ.

Lần khác, có người phụ nữ đang phăm phăm đi qua đường tàu khi đã có tín hiệu cảnh báo. Thấy quá nguy cấp, ông Phúc túm người đó giật lại thì họ nghĩ ông lấy cắp tiền nên hét váng làng nước. Lúc đó ông Phúc lại điềm đạm nói với họ rằng ông chỉ muốn giúp chị không đi qua đường tàu lúc tàu đang đến.

Người gác tàu thầm lặng -0
Căn giờ tàu qua, ông Phúc lại ra chốt gác

Mặc dù không trực tiếp ra đứng chốt gác tàu như chồng mình nhưng bà Đỗ Thị Vinh (SN 1963) cũng từng nhiều lần cảnh báo kịp thời cho người đi đường thoát được rủi ro. Bà Vinh kể: “Có những người qua đường như cái xác không hồn vậy. Họ cứ đi theo bản năng mà không hề để ý tới những thứ xung quanh. Một lần tôi thấy chị bán rau cứ đi thủng thẳng đến gần đường tàu, trong khi đó tôi nghe rõ tín hiệu là tàu đang đến. Tôi gọi thế nào chị ta cũng không nghe thấy. Không biết phải làm gì tôi đành nhặt viên đá cạnh quán ném thẳng vào người chị ta. Chỉ đến lúc ấy chị ta mới quay người lại và phản xạ lùi nhanh về phía sau”. Nhưng không phải ai khi được cảnh báo cũng nói lời cảm ơn, bởi trên thực tế đã có nhiều người khi vợ chồng ông Phúc ngăn cản đi qua đường ray thì họ bảo “tàu đã đến đâu mà cứ phải làm ầm lên”.

Có lẽ người biết ơn ông Phúc nhiều nhất chính là những bậc phụ huynh có con đi học qua đường tàu. Họ luôn nói với ông rằng, may nhờ có ông mà con cái họ đi học được an toàn. Mỗi lần, đến giờ tan học, những đứa trẻ đi qua quán bún của vợ chồng ông Phúc lại chào vang khiến hai ông bà cảm thấy rất vui. Cảm giác cho đi và được nhận lại hạnh phúc vô cùng.

Gần 30 năm lặng lẽ gác tàu để đem lại bình an cho những người qua đường, ông Phúc chưa một lần nghĩ đến việc mình sẽ được ghi nhận. Cuối năm 2019, UBND phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang ký hợp đồng cảnh giới lối đi dân sinh qua đường sắt tại ngõ 225 (nơi ông Phúc vẫn tự nguyện gác nhiều năm về trước) với ông Phúc với mức chi trả là 2 triệu đồng/tháng. Ông Phúc cười bảo: “Đó là sự động viên khích lệ của lãnh đạo phường đối với bản thân tôi. Nhưng cho dù không có việc làm ấy thì tôi vẫn tình nguyện làm cho đến khi nào còn có thể”.

Trâm Anh
.
.