Những “chiến binh” nơi tuyến đầu

Thứ Ba, 03/08/2021, 06:42

Sài Gòn vẫn còn đó những đêm trắng nhọc nhằn của những “chiến sĩ blouse trắng”. Mỗi người một mặt trận, nơi nào cũng là vì bình yên của Tổ quốc, vì sức khỏe của nhân dân. Những ngày này, đời sống sôi nổi tại thành phố mang tên Bác phải tạm lắng, duy chỉ còn những tiếng gọi nhau í ới đi xét nghiệm và những đoàn xe lặng lẽ, âm thầm đưa “đội quân áo xanh áo trắng” tới các bệnh viện dã chiến với khí thế quyết tâm và hy vọng cứu người…

1.Khối lượng công việc, tình thế cấp bách đã bao trọn lấy quỹ thời gian của đội ngũ y tế tuyến đầu. Họ đã sống “lạc nhịp” với đồng hồ sinh học trước kia, nỗi nhớ về ngôi nhà, gia đình cũng vì thế mà gác lại.

Bác sĩ Hà Văn An- Bệnh viện 74 TW Hùng Vương (Phúc Yên – Vĩnh Phúc), lần đầu tiên đến TP Hồ Chí Minh với tư cách bác sĩ chi viện. Cảm nhận đầu tiên của bác sĩ An đó là một thành phố sạch và đẹp. Nhưng anh không có một phút thời gian nào để ngắm nhìn vẻ đẹp ấy, thay vào đó, người bác sĩ lao nhanh vào công việc. Bác sĩ An nhận nhiệm vụ điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân COVID -19 mức độ trung bình và nặng. Mỗi ngày, lại có thêm bệnh nhân chuyển tới, có người trở nặng rất nhanh phải vào phòng hồi sức tích cực (ICU). Bác sĩ Hà Văn An cùng đồng nghiệp của mình phải căng mình làm việc, chạy đua từng giờ từng phút để giành giật sự sống cho người bệnh. Kiệt sức, chính là trạng thái chung của đội ngũ y tế tuyến đầu, khi họ đã phải làm việc liên tục không ngơi nghỉ. Đoàn chi viện của bác sĩ An luôn động viên nhau cố gắng, mong dịch bệnh qua nhanh để họ được trở về quê hương đoàn tụ gia đình.

Những “chiến binh” nơi tuyến đầu -0
 Bác sĩ đang tích cực cứu chữa bệnh nhân COVID -19 nặng tại Bệnh viện Hồi Sức COVID -19, TP Thủ Đức.

Bác sĩ An chia sẻ, đôi lúc anh đã bật khóc, với những cảm xúc hỗn độn đan xen, vì sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong đại dịch, vì nhớ nhà, nhớ gia đình, vì sự vất vả, hy sinh của y bác sĩ đang oằn vai chống dịch hay vì những bệnh nhân đáng thương bị nhiễm virus quái ác.

Ở một “trận chiến” khác, điều dưỡng Hoàng Thị Diễm – Bệnh viện TW Thái Nguyên lại làm chúng tôi vừa xót xa lại vừa ngưỡng mộ. Trong tuần đầu tiên, đoàn của chị Diễm được phân công làm việc ở tầng 5 bệnh viện dã chiến với 84 bệnh nhân mắc COVID-19. Trời Sài Gòn tháng 7 nóng như đổ lửa, họ luôn phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín đến mức gió không lùa vào được. Đôi bàn tay ướt đẫm mồ hôi, nhăn nheo, bợt nhạt và đỏ tấy. Đó cũng là tình cảnh trên khuôn mặt, thêm vết hằn thật sâu và rõ nét của tấm khẩu trang dày cộm.

“Trong suốt ca trực, chúng tôi không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh, áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch. Ngoài chuyên môn, tôi và các đồng nghiệp cũng là người nhà duy nhất của bệnh nhân, cùng thay nhau chăm sóc, giúp đỡ họ ở “ngôi nhà đặc biệt”. Những ngày ca đêm, khi quá mệt, chúng tôi tranh thủ chợp mặt. Ghế đá, lan can, sân nền trở thành giường, bầu trời ngàn sao là tấm màn che…”, điều dưỡng Diễm tâm sự.

Từng phút trôi qua, Bệnh viện Hồi Sức COVID -19 (TP Thủ Đức) luôn vội vã bước chân, tiếng máy cứu người hoạt động hết công suất với sứ mệnh cao đẹp và chiến lược lâu dài sẽ là đơn vị tập trung cứu chữa cho bệnh nhân nguy kịch toàn khu vực phía Nam chứ không riêng ở TP Hồ Chí Minh.

Chiếc giường của bệnh nhân mắc COVID-19 được nâng cấp hiện đại tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, buồng bệnh có không gian mở, cửa kính nhìn ra thế giới bên ngoài có nhiều mảng xanh đầy hy vọng và phía cao xa là bầu trời xanh thắm. Nhưng bên trong, tiếng máy móc vẫn kéo dài từng đợt, những con người với bao cảnh ngộ khác nhau, có thai phụ 35 tuần, mắc COVID-19 từ người thân, tổn thương phổi nặng, sau 3 ngày mổ lấy thai, sức khỏe của người phụ nữ này diễn tiến xấu, không thể kiểm soát bằng máy thở... Những cụ già đang cố gắng dành lại sự sống với bệnh nền chồng chất. Họ đã và đang được đội ngũ y tế giỏi chuyên môn, đầy trách nhiệm tận tâm cứu chữa bằng các biện pháp đặc trị cao cấp nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.

Những “chiến binh” nơi tuyến đầu -0

Bác sĩ “tải” bình oxy cứu chữa bệnh nhân.

Mái tóc của Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã ngả màu bạc trắng sau những ngày đêm “chiến đấu” tại Bệnh viện Hồi sức. Bác sĩ Linh coi đây là “trận chiến” lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là cuối cùng. Từ ngày vào Bệnh viện Hồi sức thì bác sĩ cũng có thể làm công việc của điều dưỡng, điều dưỡng thì làm cả công việc của hộ lý, không phân biệt là nhiệm vụ của người nào với người nào nữa, hỗ trợ được với nhau thì hỗ trợ. Có những lúc báo động bệnh nhân trên lầu ngưng thở, cả nhóm cùng chạy lên.

Hỏi về sức khỏe, Bác sĩ Linh trả lời: “Chúng tôi mệt lắm chứ, nhưng không cho phép mình gục ngã”.

2. Trường mầm non 30-4, vòng ngoài của Bệnh viện dã chiến số 4 (Bình Chánh), nơi ánh đèn điện chưa bao giờ tắt cả đêm lẫn ngày, “đại bản doanh” hành chính quản trị liên tục tiếp nhận, giải quyết, điều phối và quản lý công việc hành chính, báo cáo số liệu, họp hành giao ban… và cả tiếp nhận cứu trợ tiếp tế kịp thời cho hàng ngàn trường hợp cách ly và F0 ở vòng trong.

Nhận nhiệm vụ từ một trường mầm non trưng dụng, các vật tư bàn ghế và chỗ sinh hoạt đều thuộc dạng “em bé”. Ban hành chính đã thích nghi rất nhanh, biến hóa, chi viện nhân lực và sắp xếp điều hành kịp thời mô hình dã chiến cho cả một khu tái định cư cũ kỹ, lần lượt cho ra đời và đảm bảo vận hành an toàn các khu. Sau gần một tháng đi vào hoạt động chính thức, Bệnh viện dã chiến số 4 đã thu dung và điều trị hàng ngàn bệnh nhân mắc COVID-19.

Họ không có khái niệm ngày và đêm, nghỉ ngơi hay một giấc ngủ đủ đầy. Phải sơ cứu, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân thở oxy có khi nguyên đêm, có những ca xử lý tình huống chuyển nặng, phải bóp bóng oxy hằng giờ đồng hồ chờ chuyển viện, cố gắng giành lại sự sống cho bệnh nhân.  Có những đợt bệnh nhân mới đổ về, đội ngũ y tế nhận bệnh nhân từ đêm tối đến mờ sáng.

Những “chiến binh” nơi tuyến đầu -0
 Phía sau “tấm áo bào” là niềm tin chiến thắng.

Trong những lúc áp lực và căng thẳng nhất, ở một góc hành lang tòa nhà, hai phó giám đốc bệnh viện là bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình và bác sĩ Nguyễn Trần Nam thường đứng thật lâu. Có lúc, họ cười thật to, có lúc lại trầm ngâm, ánh nhìn xa xăm chất chứa bao nỗi niềm trăn trở.

Mỗi ngày, cầm trong tay danh sách tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 sắp chuyển đến, bác sĩ Chí Hiếu và bác sĩ Thiên Khôi – Chuyên viên Phòng Kế hoạch tổng hợp luôn sẵn sàng để gửi, chuyển và gọi điện vào trong chủ động sắp xếp giường cho bệnh nhân. Một ngày, sau giờ trưa, tổ trực nhận thông tin F0 là sản phụ sắp sinh thì trở nặng, cần chuyển viện điều trị gấp. Mùa dịch, hàng loạt bệnh viện không thể nhận thêm bệnh vì chưa kịp sắp xếp. Dù vậy, cả đội thay nhau kiên trì bấm từng số điện thoại. Họ bấm đến nỗi chiếc điện thoại nhấp nháy báo hết pin thì vỡ òa vui sướng khi bệnh viện Trưng Vương đồng ý tiếp nhận.

Sau ca trực, đội ngũ y bác sĩ ngồi lại họp giao ban online qua Zoom, năng nổ trình bày góp ý trao đổi để cải thiện hoạt động điều trị, sinh hoạt mỗi ngày. Buổi trưa ngày ra trực, họ tự hớt tóc cho nhau để mát mẻ và điềm tĩnh hơn giữa hàng ngàn F0 nóng giận, khó chịu, cáu gắt. Đêm về là những giấc ngủ mệt nhoài, chìm giữa không gian sặc mùi thuốc sát khuẩn.

3. Tại Bệnh viện dã chiến số 4, bệnh nhân được cung cấp 3 bữa ăn trong ngày cùng với nước suối, khẩu trang, vật dụng cá nhân. Thi thoảng được cấp phát những thực phẩm bổ sung như mỳ gói, nước đóng chai các loại, nước trái cây, bánh mỳ... từ các đơn vị thiện nguyện.

Bệnh nhân được thăm khám online mỗi ngày, được thăm khám trực tiếp nếu bác sĩ nhận định tình hình của bệnh nhân không thể đánh giá hết qua khám online, được cấp phát thuốc nếu có triệu chứng, được hỗ trợ thở oxy, sơ cấp cứu với tất cả những gì can thiệp được tại Bệnh viện dã chiến.

Bệnh nhân nằm viện 14 ngày hay hơn 21 ngày, thì số tiền phải trả là 0 đồng. Mọi chi phí đều được hỗ trợ từ nhà nước, với nỗ lực sẻ chia gánh nặng kinh tế cùng bệnh nhân khi cách ly và điều trị bệnh do COVID-19.

Bác sĩ CK1 Tống Hồ Tứ Phương - Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố chia sẻ: “Bệnh viện không chỉ 0 đồng, mà còn không lời than oán, không kêu ca, tất cả chỉ có đồng lòng và hoà chung nhịp đập những tấm lòng thơm thảo chung sức từ khắp mọi nơi. Bác sĩ tụi mình chỉ là những bác sĩ “quân y” chữa trị những chiến binh “dính đạn” thôi. Nói đúng hơn thì mỗi công dân là một chiến sĩ đang chống chọi với COVID -19”.

Những “chiến binh” nơi tuyến đầu -0
 Những chuyến đi đưa đội ngũ y tế về các khu điều trị bệnh nhân.

Còn Bác sĩ Bùi Tuấn  Ân cũng hạnh phúc khi vừa trao tay hàng trăm phần quà động viên các em nhỏ F0 do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh trao tặng.

“Bao nhiêu cũng là nhiều và bao nhiêu cũng là không đủ, chúng tôi vẫn liên tục tiếp nhận và tri ân bằng tất cả tấm lòng những đóng góp tích cực, chung tay của xã hội đến Bệnh viện “0 đồng”. Nơi đây không còn chỗ cho những suy nghĩ cá nhân, ai có sức góp sức, ai có trí có tài đức hay vật lực đều nguyện chung lòng, quyết tâm bảo vệ đến cùng thành lũy và bình an đến cùng cho mảnh đất thân yêu này”, bác sĩ  Ân bộc bạch.

Bệnh viện dã chiến không chỉ có áp lực và căng thẳng, mà ở đó đã xuất hiện niềm vui “ngày trở về của F0”. Mỗi ngày, có hàng chục, hàng trăm bệnh nhân đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện để xuất viện về cách ly tiếp tục tại nhà. Ai cũng sốt sắng chờ đợi tìm cho mình một tấm vé đoàn tụ và nghỉ ngơi sau hàng tuần liền chịu áp lực căng thẳng tại nơi cách ly. Cuộc sống đời thường sẽ trở lại, sự an toàn và sức khỏe của người dân sẽ được bảo vệ, khi chúng ta cùng nhau đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh. Còn nếu chẳng may ai đó mắc bệnh thì cũng nên cố gắng bình tĩnh, vững tâm lý và hãy tin là mọi thứ cũng sẽ ổn.

Sài Gòn chắc chắn sẽ lại khỏe và vươn vai gồng mình trả nợ ân tình cho đồng bào cả nước, cho nỗ lực chung sức hỗ trợ ngày càng nhiều từ các đơn vị y tế và tiếp tế thiện nguyện khắp nơi, như cái cách đối đãi đã từng của người Sài Gòn bao dung nhân hậu.

Ngọc Hoa
.
.