Những lá đơn tình nguyện kể chuyện

Thứ Năm, 09/09/2021, 09:38

Chỉ sau vài ngày Thành đoàn Hà Nội đưa ra lời kêu gọi lực lượng tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam và trên địa bàn thành phố, đã có gần 10 nghìn đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia. Hầu hết trong số họ đều có chung suy nghĩ, rằng: “Cả nước đang đồng lòng chống dịch, bản thân là một đoàn viên, thanh niên có sức khỏe nên không thể ngồi yên”.

Sẵn sàng khi Tổ quốc cần

Với thông điệp “Mỗi đoàn viên và thanh niên Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi tổ chức Đoàn là một pháo đài, chung tay chống dịch bệnh” và “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Nhân dân và Tổ quốc cần”, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội kêu gọi các cấp bộ, đoàn - hội, đoàn viên, hội viên, sinh viên và thanh niên Thủ đô tích cực đăng ký tham gia các đội hình tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID -19.

Các hoạt động hỗ trợ của thanh niên tình nguyện cụ thể như: Hỗ trợ tại các khu cách ly, các chốt kiểm dịch; hỗ trợ công tác lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm phòng, truy vết; tham gia tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng và chăm lo cho người yếu thế; hỗ trợ sản xuất dụng cụ phòng, chống dịch...

Những lá đơn tình nguyện kể chuyện -0
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội Trần Quang Hưng trao tặng quà tới đoàn tình nguyện.

Nếu như nhiều bạn trẻ khác chỉ cần kích chuột vào đường link chongdich.doanthanhnien.vn là có thể đăng ký tham gia chống dịch, thì “thầy giáo tương lai” Nguyễn Huy Hoàng (Gia Lâm, Hà Nội) lại viết một lá đơn dài thể hiện khát khao được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé trong cuộc chiến chống đại dịch. Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch mà trước đó anh đã có những ngày tháng không thể nào quên khi đi hỗ trợ khu cách ly tập trung ở Bắc Giang vào những ngày tháng 7 nắng cháy da cháy thịt.

Chuẩn bị tinh thần cho lần đi chống dịch sắp tới nếu được gọi, chàng trai trẻ đang ngày ngày rèn luyện sức khỏe để có được sức bền tốt nhất. Hoàng chia sẻ: “Muốn chống dịch được dài lâu thì ý chí thôi chưa đủ mà điều cốt yếu nhất vẫn là sức khỏe. Nếu không có sức khỏe bạn sẽ không thể trụ được cả ngày trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức, mồ hôi túa ra lúc nào cũng như đang tắm”. Hoàng bảo, dù đã từng tình nguyện đi chống dịch trước đó rồi nhưng lần này anh vẫn hồi hộp chờ ngày được gọi lên đường. Khi biết tin con trai quyết tâm đăng ký đi chống dịch, bố mẹ Hoàng không phản đối mà còn động viên. Được sự hậu thuẫn của gia đình, Hoàng càng thêm tự tin vững bước vào những lựa chọn cống hiến cho cộng đồng của mình.

Cũng giống như thầy giáo tương lai Nguyễn Huy Hoàng, cô sinh viên người dân tộc Mông, Sùng Y Tớ (SN 1999) vừa đi tình nguyện chống dịch ở Bắc Ninh trở về được một thời gian. Lần này khi biết Thành đoàn Hà Nội ra lời kêu gọi Tớ lại tiếp tục đăng ký tham gia tình nguyện vào Nam chi viện tuyến đầu. Sùng Y Tớ hiện đang là sinh viên năm thứ 4, ngành Điều dưỡng, trường Đại học Phenikaa (Hà Nội). Khi được hỏi lý do nào khiến một cô gái nhỏ nhắn, yếu đuối hết lần này đến lần khác tình nguyện tham gia chống dịch thì Tớ đáp: “Mình muốn góp chút sức lực nhỏ bé cùng mọi người vượt qua cơn đại dịch”.

Những lá đơn tình nguyện kể chuyện -0
Thầy giáo tương lai Nguyễn Huy Hoàng cùng lá đơn xin tham gia chống dịch.

Trước đó vài tháng, Tớ cùng nhiều bạn của trường Phenikaa đã tham gia chống dịch tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. “Đó là quãng thời gian đáng nhớ của cuộc đời mình, được tiếp sức cho những người dân nơi tâm dịch khiến mình cảm thấy rất vui và tự hào. Chính nhờ vậy mà mình cũng như các bạn trẻ khác không hề cảm thấy mệt mỏi hay vất vả gì”, Tớ chia sẻ.

Khi biết tin Thành đoàn Hà Nội đưa ra lời kêu gọi tuổi trẻ Thủ đô đăng ký tham gia phòng chống dịch, cô bạn trẻ Trần Thị Kim Dung (SN 2000) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện Mê Linh cũng tự tay viết đơn xin tự nguyện tham gia phòng chống dịch. Dung chia sẻ:  “Mình là thanh niên mà. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Trong lá đơn Dung viết: “Tuyến đầu đang gồng mình chống dịch khiến bản thân tôi là một đoàn viên thanh niên không thể ngồi yên”. Dung bảo, mình chỉ mong nhận được thông báo trở thành tình nguyện viên đi chống dịch, được cùng với mọi người bảo vệ đất nước, cũng là chung tay bảo vệ người thân của mình. Dung tâm sự: “Khi viết lá đơn này cũng là lúc cận kề ngày 2-9, nhớ về chiến thắng ngày trước của ông cha ta, mình càng quyết tâm hơn”. Đã quen với việc thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện nên Dung được gia đình và bạn bè nhiệt tình ủng hộ.

Những lá đơn tình nguyện kể chuyện -0
Lá đơn viết tay của chàng trai trẻ Nguyễn Công Tiến.

Bố mẹ của Nguyễn Công Tiến (18 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) đều công tác trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nên hơn ai hết Tiến hiểu những vất vả, hiểm nguy của những người trên tuyến đầu chống dịch. Chính vì thế, khi biết đến lời kêu gọi của Thành đoàn Hà Nội, chàng trai trẻ này đã không chút do dự mà đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch.

Tiến bảo: “Mình là thanh niên trai tráng, sức dài, vai rộng thì cố gắng cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Tuổi thanh xuân chỉ đến có một lần”. Trong lá đơn tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch, Tiến viết: “Được biết hiện nay tình hình dịch bệnh COVID -19 đang rất phức tạp. Người dân trên mọi miền Tổ quốc đang chung sức, đồng lòng với Đảng và Nhà nước nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Chứng kiến những hình ảnh các chiến sĩ lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh niên tình nguyện ngày đêm trực chốt trên các tuyến đường, các chốt kiểm dịch, các khu phố, các khu vực cách ly… bản thân tôi cũng muốn góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố”.

Khi dịch bệnh bùng phát, Tiến tham gia trực chốt tại địa phương. “Thời tiết nắng nôi, mình cũng thấy quen rồi. Xem trên ti vi, mọi người mặc đồ bảo hộ còn vất vả hơn nhiều lần. Có thể đóng góp được một chút công sức cùng với mọi người là niềm vui của mình và cũng là niềm vui của tuổi thanh xuân”. Khi thông báo với gia đình đã viết đơn lên đường chống dịch, Tiến nhận được lời động viên của bố, khích lệ và tin tưởng của mẹ. Chàng trai cho biết: “Vậy là cả nhà mình đều tham gia chống dịch. Biết đâu mình trở thành đồng đội của bố mẹ...”.

Gác lại công việc để lên đường chống dịch

Đang là nhân viên của Công ty New Way Ngôn Ngữ nhưng do Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của chính phủ nên công ty nơi Nguyễn Thị Tuyến làm việc phải tạm ngừng hoạt động. Thời gian này Tuyến về quê Hoa Sơn, Ứng Hoà (Hà Nội) sinh sống cùng bố mẹ. Tuyến chia sẻ: “Trong lúc đọc báo, mình thấy Thành đoàn Hà Nội đưa ra lời kêu gọi tuổi trẻ thủ đô tình nguyện tham gia chống dịch nên đăng ký ngay”.

Những lá đơn tình nguyện kể chuyện -0
Cô sinh viên dân tộc Mông sẵn sàng lên đường vào Nam chống dịch.

Khi được hỏi động lực nào khiến Tuyến làm điều đó thì Tuyến cười bảo: “Mình còn trẻ, mình có sức khỏe nên cũng muốn góp một phần nhỏ cùng cả nước vượt qua cơn đại dịch”. Việc Tuyến đăng ký tham gia chống dịch không một ai trong gia đình biết. Bởi theo Tuyến chia sẻ thì “nếu biết bố mẹ mình nhất định không đồng ý cho đi đâu, vì mình là con gái mà. Mình dự định là nếu được gọi đi chống dịch, mình sẽ “tiền trảm hậu tấu”. Lúc đó mình đang ở tâm dịch rồi, bố mẹ cũng chẳng thể nào bắt mình về được”.

Không chỉ dự định tham gia chống dịch khi đang rảnh rỗi mà Tuyến đã lên phương án nếu sau này Hà Nội hết giãn cách, miền Nam cần hỗ trợ Tuyến sẽ vẫn lên đường. Tuyến bảo: “Lúc đó mình sẽ xin công ty cho nghỉ phép dài dài để tham gia chống dịch. Mình còn trẻ, cơ hội để tiếp tục làm việc còn nhiều nên không cần quá lo lắng. Chỉ mong sao tuổi trẻ của mình trôi qua không vô ích, bởi tuổi trẻ mà không thể xông pha thì cả đời cũng không bao giờ làm được điều đó”.

Ngày 29-8, chàng shipper trẻ Nguyễn Văn Minh, 21 tuổi (trú tại xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) đã bấm nút gửi lá đơn tình nguyện xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Minh chia sẻ: “Mình làm đơn tình nguyện với mong muốn góp sức mình cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Tổ chức phân công đi đâu, mình sẽ đi đó, mình không ngại khó khăn... Mong muốn lớn nhất của mình cũng giống như tất cả những người dân Việt Nam là nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh”.

Được biết, Minh là con trai duy nhất trong gia đình, chị gái Minh đã lập gia đình. Hiện Minh sống cùng bố mẹ cũng đã bước vào tuổi xế chiều. Khi được hỏi có sợ rủi ro không thì Minh cười tươi đáp: “Nếu ai cũng sợ rủi ro thì làm gì còn ai tham gia chống dịch nữa? Như vậy thì đất nước mình sẽ ra sao? Mình đã sẵn sàng rồi. Khi đi, mình sẽ tuân thủ cách mang đồ đạc như Thành đoàn hay chính quyền yêu cầu. Mình cũng không đòi hỏi quyền lợi sau khi hết nhiệm vụ”.

Những ngày này Hoàng Kim Đức, sinh năm 1994 ở phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, đang rất hồi hộp chờ được gọi tham gia hỗ trợ chống dịch. Đức nói: “Hà Nội đang trong những ngày căng thẳng của dịch bệnh, trong khi đó đa số các bạn sinh viên đã về quê nên lực lượng trẻ hỗ trợ trực chốt hay hỗ trợ tiêm vaccine sẽ bị thiếu hụt nhiều. Lúc này mình đang rảnh rỗi nên rất muốn đóng góp một phần sức lực cho công cuộc chống dịch của Thủ đô”.

Đức bảo nếu may mắn Thủ đô sớm trở lại “bình yên”, anh sẵn sàng tự nguyện vào Nam chống dịch nếu được gọi. Khi được hỏi, nếu điều đó là thật Đức sẽ sắp xếp công việc của mình như thế nào thì anh trả lời rằng: “Nếu được gọi chi viện vào miền Nam chống dịch mình sẽ xin công ty cho nghỉ phép. Nhưng nếu điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc của công ty thì mình sẽ xin nghỉ hẳn. Minh nghĩ, khi đất nước cần thì mình cũng có thể gác lại những công việc cá nhân. Bởi vì lúc đó, sự an toàn của đồng bào mình mới là điều quan trọng nhất. Còn về công việc, mình không làm nơi này thì sẽ làm nơi khác, cơ hội vẫn còn nhiều”.

Ông Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên thành phố Hà Nội  cho biết: “Kể từ khi phát động tính đến thời điểm này, số lượng thanh niên đăng ký tham gia phòng chống dịch đã lên tới hơn 1000 người, đúng theo tinh thần của thanh niên là “Ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên”.

Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, nhiều thanh niên đã nhận thức được trách nhiệm của mình. Nhiều sinh viên chuyên ngành y tế, chăm sóc sức khoẻ đã đăng ký tình nguyện vào Nam. Hiện 15 trường có liên quan đến nhóm ngành này đều đã có sinh viên đăng ký. Ngoài lực lượng tình nguyện ở các trường, thì tại các tỉnh phía Nam cũng đã có 2.500 tình nguyện viên đang tham gia chống dịch.

Tới đây sẽ có những đợt huấn luyện, cung cấp các phương tiện từ Hội sinh viên TP Hà Nội, đồng thời chuẩn bị cho các bạn cẩm nang lên đường cùng tư trang và nhu yếu phẩm cần thiết để mang theo. Khi có sự thống nhất giữa Trung ương đoàn, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo là các bạn ấy sẽ lên đường chống dịch”.

 

Trâm Anh
.
.