Những người giữ cho Thủ đô an toàn

Thứ Năm, 02/09/2021, 14:34

Mưa to gió lớn hay nắng chang chang, sáng tinh mơ hay đêm khuya khoắt, ở bất cứ khung giờ nào, dẫu thời tiết có thất thường, khắc nghiệt đến đâu cũng không thay đổi được nhịp làm việc căng như dây đàn tại các chốt kiểm soát COVID-19 ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Những ngày này, Hà Nội phát sinh thêm ổ dịch mới với số ca nhiễm tăng nhanh, vì thế công tác kiểm soát càng phải chặt chẽ hơn bao giờ hết.

1. Đầu giờ chiều 27-8, tại chốt kiểm soát COVID-19 số 2 đặt tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km188) huyện Thanh Trì, Trung tá Phạm Quang Minh - tổ trưởng tổ kiểm soát đang tất bật quán xuyến tất cả các khâu kiểm soát COVID-19 tại chốt. Trên tay anh, chiếc máy bộ đàm không ngừng phát tín hiệu. Ở cả hai chiều ra, vào Hà Nội đều có rất đông các phương tiện lưu thông cần kiểm soát.

Đây là cửa ngõ của tuyến Bắc - Nam nên mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn, anh em trực chốt chia thành 4 ca trực thành một vòng tròn khép kín trong ngày. Vì là đường 2 chiều nên lực lượng phải chia đôi ở hai bên đường để kiểm soát chặt cả đầu ra, đầu vào. Lúc cao điểm có đến 25 cán bộ thuộc các lực lượng trực mà nhiều khi vẫn thiếu người. CSGT là lực lượng đông nhất gồm 8 người, ngoài ra có các CBCS thuộc Trung đoàn CSCĐ, Công an huyện Thanh Trì, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cán bộ y tế, cán bộ tư pháp và thanh tra giao thông.

Những người giữ cho Thủ đô an toàn -0
Trung tá CSGT Phạm Quang Minh - Tổ trưởng tổ kiểm soát COVID-19 số 2 kiểm tra giấy tờ của chủ phương tiện tại Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Ở đây thừa thãi tiếng ồn, khói bụi và hơi nóng và nhưng tịnh không có một bóng cây xanh. Câu chuyện giữa tôi và Trung tá Minh liên tục bị ngắt quãng vì tiếng ồn quá lớn. Chốt nằm giữa cánh đồng, xa khu dân cư nên mọi nhu yếu phẩm phục vụ công việc và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Ban ngày thì có trạm BOT hỗ trợ nấu cơm, ban đêm thì có sẵn mỳ tôm, những bữa ăn vội vã anh em đã quen. Ai cũng nỗ lực vì cửa ngõ có chặt chẽ, Thủ đô mới an toàn.

Từ khi bùng phát dịch bệnh, việc đi lại bị kiểm soát chặt, nhiều người đã nghĩ ra đủ cách để “thông chốt”. Hôm tôi đến, anh em ở chốt vừa xử lý một trường hợp lái xe ở Bắc Giang. Khi kiểm tra, trên xe chở một phụ nữ bế theo một cháu nhỏ. Lái xe Giáp Văn Cư (sinh năm 1992, trú tại xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) khi nhận người phụ nữ đi cùng có hộ khẩu ở Hà Trung, Thanh Hóa nhưng hiện ở xã Minh Điền 2, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Chị này thuê anh ta chở mình và cháu nhỏ từ Hà Trung, Thanh Hóa về Bắc Giang với giá 11.000 đồng/km. Nhưng, đây chỉ là một trong trong rất nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bị xử lý khi qua chốt kiểm soát COVID-19 số 2.

Đại úy Nguyễn Quang Minh, cán bộ Bộ Tư lệnh đặc công được tăng cường đang làm nhiệm vụ tại chốt cho biết, việc kiểm soát luôn thận trọng, ngay cả xe cứu thương cũng phải kiểm soát chặt chẽ vì thời gian qua có hiện tượng lợi dụng xe ưu tiên để đưa người ra, vào Hà Nội không đúng quy định. Tại chốt đã phát hiện và xử lý một số trường hợp xe cứu thương đưa người từ Nghệ An, Thanh Hóa ra, vào Hà Nội nên đã xử lý và cho quay đầu xe.

2. 16h , tại chốt kiểm soát COVID-19 số 6 gác trực trên tuyến đê Bát Tràng (huyện Gia Lâm), nắng vẫn gay gắt. Vừa lúc trưa, mưa dông sầm sập trút xuống, thế mà đầu giờ chiều, con đường đê lại khô rang, nắng chói chang, hơi nóng bốc lên hầm hập càng khiến cho không khí ở đây thêm ngột ngạt và căng thẳng.

Những người giữ cho Thủ đô an toàn -0
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ kiểm soát COVID-19 tại Trạm Thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Trung tá Phạm Tuấn Anh - tổ trưởng tổ kiểm soát số 6 cho biết, chốt kiểm soát cạnh đường đê hẹp, là đường 2 chiều nên giờ cao điểm thì cả chiều ra lẫn chiều vào Hà Nội đều đông phương tiện di chuyển. Để tránh ùn ứ, các cán bộ kiểm soát phải dàn lực lượng ra cả đoạn dài để kiểm tra giấy tờ, tờ khai y tế và đo thân nhiệt...

May mắn là chốt đặt ở gần một điếm canh đê nên anh em có chỗ ngồi ăn cơm do người dân nấu giúp, uống chút nước và ngồi nghỉ tạm. Nhà Trung tá Tuấn Anh ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, từ khi sang đê Bát Tràng nhận nhiệm vụ, cả tháng nay anh coi chốt là nhà. Chốt ở trên đê, nắng thì đã đành nhưng sợ nhất là khi mưa dông kéo đến, gió mạnh giật tung ô, lều cuốn phăng đi. Anh em rút kinh nghiệm cứ mưa to gió lớn là tháo mái lều cất đi, hạ ô nằm xuống, quyết không để tình trạng “nhà không có nóc”, hết cơn mưa lại mang ra căng lại.

Tại chốt số 6, việc kiểm soát được tiến hành nghiêm nên đã phát hiện và ngăn chặn được nhiều trường hợp người dân không có giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 vào Hà Nội. Vào khoảng 19h30 ngày 20-8, hai nam thanh niên là L.M.D. (SN 1993) và L.Q.H. (SN 2003) đều ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên phóng xe máy biển số 89A1-002.40 qua chốt. Tổ công tác đã dừng xe máy để kiểm tra. Quá trình kiểm tra, D. và H. không xuất trình được giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19, chỉ trình bày lí do qua chốt để... thăm bạn gái.

Tổ công tác đã cho hai người này test nhanh COVID-19, sau khi có kết quả âm tính mới đưa người và phương tiện về Công an xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm xử lý. H. và D. đã bị phạt tiền mức 2 triệu đồng/người, buộc quay đầu, không được vào Hà Nội.

3. Nếu như ban ngày, công việc ở các chốt đã vất vả vì nắng gió thì đêm, công việc của lực lượng canh chốt cũng không nhàn hơn chút nào. 22h đêm, con đường Đặng Phúc Thông đoạn đi qua xã Yên Thường, huyện Gia Lâm vẫn rầm rập xe tải, xe container tuyến Hà Nội - Bắc Ninh chạy qua. Đây là nơi giáp ranh với khu công nghiệp Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nên lưu lượng xe khá đông. Xe tải chở hàng được cấp phép chở nhu yếu phẩm từ Bắc Binh, Bắc Giang thường chạy đêm, xe chở lương thực thực phẩm đến chợ đầu mối Ninh Hiệp và các chợ dân sinh thường đi lúc 3-4h sáng, ban ngày là công nhân đi làm, bà con đi chợ. Các khung giờ cao điểm rải kín cả ngày nên lúc nào nhịp độ kiểm soát cũng căng như nhau.

Những người giữ cho Thủ đô an toàn -0
Cán bộ y tế test nhanh cho hai nam thanh niên D. và H. tại chốt kiểm soát số 6 trên đê Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

14 cán bộ thuộc tổ kiểm soát, trong đó có 3 cán bộ CSGT luôn xác định đây là nhiệm vụ trường kỳ. Chốt kiểm soát COVID-19 số 9 ở ven đường thắp điện sáng choang, cả tổ kiểm soát vẫn cần mẫn làm việc. Đại úy Nguyễn Thành Trung - cán bộ Đội CSGT số 5, tổ trưởng tổ Kiểm soát số 9 nói vui: “Đêm hôm, có lẽ chỉ có mỗi bộ loa phát nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch là được nghỉ thôi. Còn chúng tôi thức đêm quen rồi, giờ mà được ngủ, có khi lại trằn trọc không ngủ được”.

Không chỉ phụ trách chốt số 9, Đại úy Trung còn di chuyển đến chốt kiểm soát số 8 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để tăng cường. Nhà chỉ cách chốt trực chưa đến trăm mét vậy mà mấy tuần rồi, thời gian về nhà của anh rất hiếm hoi. “Tôi có hai cháu, một cháu học lớp 3, một cháu học lớp 1. Tôi đi suốt nên bà xã cũng vất vả. Nhớ con lắm nhưng nhiều khi về nhà, dù hai con có quấn quýt đến mấy tôi cũng không dám ôm con, vì lo có những rủi ro, nguy cơ dịch bệnh”, anh Trung bỗng trầm tư khi nhắc gia đình.

Trực đêm ở chốt có nhiều pha thót tim. Cách đây mấy ngày, một chiếc ôtô Ford Transit đi qua chốt kiểm soát lúc nửa đêm. Khi Đại úy Trung ra hiệu dừng xe, lái xe cho xe đi chậm lại. Tưởng rằng lái xe sẽ chấp hành xuất trình giấy tờ và khai báo y tế nhưng bất thình lình, lái xe về số 1, tăng ga, ép sát Đại úy Trung. Tuy bất ngờ nhưng anh Trung đã kịp thời lao vào lề đường tránh cú ép sát trong tích tắc. “Lúc ấy tôi thấy mình quá may mắn, bởi nếu chỉ chậm vài giây, có lẽ giờ tôi chẳng còn đứng đây trực chốt nữa”, Đại úy Trung nhớ lại.

Những người giữ cho Thủ đô an toàn -0
Kiểm soát chặt các phương tiện tại chốt kiểm soát số 9 trên đường Đặng Phúc Thông, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

4. Ở các chốt trực, cán bộ y tế hầu như là chị em phụ nữ. Có chị nhà xa hơn chục cây số mà hết ca trực đêm vẫn về với con. Hôm tôi đến là ca trực của nhân viên y tế Đặng Thị Hồng Hạnh thuộc Trạm Y tế xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. Hạnh kể đã đi chống dịch 2 năm rồi, “có đợt em trực chốt ở xã, năm ngoái em đã trực ở chốt Đặng Phúc Thông này, năm nay em lại trở lại, chắc khi nào hết dịch mới có người yêu chị ạ. Bố mẹ em cứ thấy em đi suốt nên cũng quen rồi”.

Hạnh bảo, thời gian đầu chưa quen, thức đêm nhiều nên mắt cay sè, người loạng choạng. Hết ca, vào lều ngủ, dù rất mệt nhưng không ngủ nổi, chỉ ngả lưng một lát cho đỡ mỏi rồi lại bật dậy. Có hôm muộn rồi Hạnh vẫn đi xe máy về nhà. Thấy Hạnh mặc bộ blouse trắng phóng xe qua các chốt lúc đêm hôm, khỏi cần hỏi thì anh em cũng biết cô đi trực chốt về. Có người còn dặn với theo: “Đi đường cẩn thận em nhé”, khiến Hạnh thấy yên tâm và có thêm động lực tham gia chống dịch.

Những ngày này, dịch bệnh ở Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp khi phát sinh thêm các ổ dịch mới. Vì thế, với những người đang làm nhiệm vụ ở cửa ngõ, ngày được “xả chốt” vẫn còn xa lắm.

Huyền Châm
.
.