Những người giữ lửa bếp 0 đồng

Thứ Hai, 13/09/2021, 15:48

Khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, lan nhanh từ Bắc Ninh, Bắc Giang rồi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai... cùng với sự ra quân của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể tham gia truy vết, khoanh vùng, dập dịch, thiết lập khu cách ly, giữ ổn định khu phong tỏa... thì những bếp ăn 0 đồng cũng bắt đầu đỏ lửa. Từ nông thôn đến thành phố, có biết bao căn bếp nhỏ khác cũng thơm nức mùi muối vừng, mắm tép, bánh chưng... và rộn ràng tiếng trò chuyện bày nhau làm đồ ăn khô gửi tặng bà con vùng dịch.

Những đơn hàng chạy dịch

Đã gần 3 tháng, những mẹ, những chị em tình nguyện viên của câu lạc bộ Hạt gạo nhân ái, tỉnh Bình Phước tình nguyện gác lại việc nhà tham gia phục vụ nấu ăn, cung cấp phần cơm cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt kiểm dịch và người dân trong khu cách ly, khu phỏng tỏa trên địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp. Có những người cả trăm ngày bám bếp chưa từng vắng mặt, luôn chân luôn tay nhặt rau, cắt thịt, nhóm bếp, canh lửa, nêm nếm gia vị cho các món ăn rồi đến chia khẩu phần ăn... không nề hà vất vả. Rồi chưa kịp nghỉ mệt, chính họ lại vừa vận chuyển thức ăn còn nóng đến các chốt và khu phong tỏa để kịp thời làm ấm lòng người.

Những người giữ lửa bếp 0 đồng -0
Phụ nữ Thành phố Huế chung tay làm món sả chưng mắm ruốc gửi tặng đồng bào miền Nam.

Trước đó, cũng chính những người phụ nữ Bình Phước đôn hậu ấy đã thức thâu đêm gói bánh, rang gạo lứt, chiên đậu phộng tỏi ớt cùng nhiều nhu yếu phẩm khác nhờ tôi kết nối gửi đến đồng bào vùng dịch Bắc Giang. Những ngày này, dù Bình Phước cũng đang rất khó khăn, song tấm lòng của họ đã lay động đến bao người. Để những nguồn nhu yếu phẩm 0 đồng được lên danh sách định lượng bằng tấn muối, tấn thịt heo, tạ cà pháo, bịch đậu phộng, hũ nhựa, xe lam chanh tươi... nhưng chan chứa tình đồng loại đã đến với bếp của Hạt gạo nhân ái. Qua tay những má Bảy Tuyết, các chị Thanh Hằng (trưởng nhóm), Thu Phương, Nguyễn Giang, Nguyễn Mến, anh chị Hương Tiên... đã thành những món ăn ngon gửi về Bình Dương, Sài Gòn, đến với những khu trọ của công nhân nghèo.

Chị Thu Phương, một thành viên tích cực của nhóm cho biết, câu lạc bộ Hạt gạo nhân ái được thành lập từ ý tưởng của chị Thanh Hằng, với tâm huyết góp 1 phần nhỏ an sinh cho xã hội được tốt đẹp hơn giảm bớt đi những mảnh đời không may. Hơn 6 năm qua, câu lạc bộ đã là cầu nối tin cậy để sự đóng góp lớn lao, thầm lặng của các nhà hảo tâm đến được với những người neo khó. Để có kinh phí hoạt động thiện nguyện, hằng tháng, mỗi thành viên câu lạc bộ đóng góp một khoản tiền nhất định và làm thêm nhiều công việc khác nhau để gây quỹ như bán vé số và bán các mặt hàng online. Với họ, được làm những công việc ý nghĩa để giúp người nghèo, người bất hạnh là niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến. Nhờ đó, kể từ năm 2018 đến nay, số kinh phí trợ giúp của câu lạc bộ Hạt gạo nhân ái cho bà con nghèo tỉnh Bình Phước nói riêng và các tỉnh nói chung với số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Tại Thừa Thiên-Huế, cứ vào cuối tuần, nhiều đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức địa phương cùng xắn tay vào bếp để cho “xuất xưởng” mỗi tuần hàng ngàn hộp thịt kho, ruốc sả, cá nục rim mắm mặn, dăm bông... được đóng gói cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để gửi miền Nam. Người có điều kiện thì góp của, người chưa dư dả thì góp công... cái tình người xứ Huế thật thân thương đến lạ.

Lòng dân rộng mở, tình người chân thành chính là điểm tựa để  lãnh đạo thành phố Huế phát động nhân dân thuộc 36 phường, xã làm các thực phẩm khô gửi vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tặng bà con nghèo. Còn bạn tôi, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho biết là ngay khi dịch có chuyển biến phức tạp, Hội đã chính thức phát động quyên góp để thực hiện chương trình “Gửi thương yêu vào Sài Gòn”.

Dưới cái nắng hè oi ả miền Trung, trong những căn phòng trọ của công nhân tại thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền hay nhà văn hóa khu dân cư phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, các bà, các chị mỗi người mỗi công đoạn đang làm từng lọ ruốc sả để kịp tập kết gửi vào Nam. Bếp ga công nghiệp, bếp than, bếp điện... tất cả được trưng dụng để nấu đồ ăn. Xe hàng gửi miền Nam vừa chuyển bánh, các mẹ, các chị em lại bận rộn với những “đơn hàng” mới có số lượng ít hơn nhưng không kém phần quan trọng là giúp cho những hộ gia đình công nhân nghèo vừa chạy dịch từ các tỉnh phía Nam về quê nương náu.

Những người giữ lửa bếp 0 đồng -0
Chị Thu Phương, nhóm Hạt gạo nhân ái, tỉnh Bình Phước chuẩn bị chuyển đồ ăn cho các khu cách ly.

“Mọi người trong nhóm quyết định ưu tiên những món ăn dễ vận chuyển, ngon và dùng được lâu, thì ruốc sả là món ăn đáp ứng được những tiêu chí đó. Mỗi thẩu ruốc như là hương vị quê hương gửi vào cho bà con Huế xa quê, hay cũng là tặng vị đậm đà của ruốc Huế, tấm lòng của người dân Huế gửi đến bà con ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách. Còn cá nục rim mặn thì cũng để được lâu và ăn với cháo trắng cũng rất ngon, giúp người mệt mỏi, người có bệnh dễ ăn hơn những món ăn liền như mỳ, bánh canh”, bà Nguyễn Thị Lãnh, 62 tuổi, hội viên phụ nữ phường Tứ Hạ vừa nhanh tay đảo ruốc, vừa nói.

Trao đổi với tôi giữa lúc bận rộn chuẩn bị cho “Phiên chợ công đoàn” do Liên đoàn Lao động TP Huế tổ chức, chị Ngô Thu Hương, một cán bộ của Liên đoàn cho biết, những phiên chợ này cung cấp hàng vạn suất ăn miễn phí và một số mặt hàng nhu yếu phẩm cho những đoàn viên và người lao động đang là nhân viên cấp dưỡng, nhân viên bảo vệ tại các trường mầm non trên địa bàn TP Huế phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch COVID-19. Chị cũng khoe “chiến tích” trong mấy ngày nghỉ lễ của gia đình chị là đã làm được hàng chục hũ mắm ruốc siêu cay, siêu thơm để tiếp tục gửi miền Nam.

Thực đơn trong mâm cơm của đồng bào miền Nam đang trong vùng dịch mùa thu này sẽ có thêm nhiều món ăn thật lạ đến từ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh. Tôi đã rưng rưng khi chứng kiến những người phụ nữ miền biển Nghi Xuân nhanh tay đảo cá cơm, lạc khô, thái nhỏ lá chanh, quấy đường trên những chiếc chảo gang nóng bỏng, cho ra một món ăn ngay cả tôi dẫu đã thông thuộc biên cương, biển đảo cũng “xoắn lưỡi” trước độ ngon của món cá cơm đậu phộng.

Hậu phương chi viện cho tiền tuyến

Lên biên giới Hương Khê, Hương Sơn, nông dân các xã, mà chủ công là các bà, các chị em góp phần với món nhút mít trứ danh cùng măng ớt muối. Mỗi hộp nhút, hộp măng do có tính đặc trưng vùng miền đều được dán nhãn mác in đầy đủ hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng rất chuyên nghiệp. Hội viên nông dân thị xã Hồng Lĩnh cũng không kém tay nghề với gần 1.000 hộp lạc rim mặn ngọt và sung muối ủng hộ đồng bào miền Nam. Bếp thiện nguyện của nông dân, phụ nữ các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh cũng ngày ngày rộn ràng nấu các suất cơm ủng hộ khu cách ly tập trung trên địa bàn.

Nỗ lực tình nguyện với tinh thần phụ nữ “3 đảm đang” được chị em phụ nữ Hà Tĩnh phát huy cao nhất ở thời điểm này. Ngay khi các chốt biên phòng tăng quân số để ngăn dịch xâm nhập từ biên cương, hội phụ nữ các địa bàn biên giới huyện Hương Sơn, Hương Khê đã phát huy vai trò hậu phương với các hoạt động đến thăm hỏi, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Sơn Hồng, đồn biên phòng Bản Giàng. “Ngoài những sản phẩm được gom trong vườn, ngoài ruộng, nhiều chi hội còn tổ chức muối cà, nhút mít để làm quà cho “tiền tuyến”. Chị em chở đến tận chốt phòng dịch trong nhiều đợt để hỗ trợ, động viên các cán bộ, chiến sĩ”, bà Võ Thị Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hương Sơn cho biết.

Và thương quá là thương khi chứng kiến hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Lan, 90 tuổi ở xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, lưng còng, áo sờn khệ nệ đem tới 2 bao lạc để ủng hộ. Cụ kể, khi nghe loa truyền thanh xã vận động bà con đóng góp nông sản ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch COVID-19, cụ ông Lê Doãn Bình, 94 tuổi, nói với cụ bà: “Nhà ta có mấy bao lạc. Bà chọn loại ngon nhất đem đi giúp người ta”. Thuận vợ thuận chồng, cụ bà chọn những hạt lạc chắc mẩy mà hai cụ thu hoạch trên ruộng nhà mình và một phần do cụ đi mót ở đồng làng.

Những người giữ lửa bếp 0 đồng -0
Cụ Nguyễn Thị Lan, 90 tuổi, ở xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh mang 2 bao lạc đến ủng hộ miền Nam.

Cụ Lan bảo, đi mót không phải vì đói, mà vì lúa khoai là lộc trời ban, cần phải quý trọng, bỏ phí là có tội. Các cụ xưa dạy được mùa chớ phụ ngô khoai - triết lý của cặp “bách niên giai lão” này đơn giản mà thấm thía như vậy đấy. Giờ đây những hạt lạc được mót nhặt, phơi khô bằng công sức của cặp vợ chồng già đã đến được với gia đình nào đó đang thiếu đói ở miền Nam. “Lãnh đạo xã xin phép không nhận quà của vợ chồng tôi. Nhưng tôi bảo, cho tôi góp một ít. Những lúc mình hoạn nạn, đồng bào miền Nam giúp mình nhiều, nay bà con khó khăn, mình phải có bổn phận chia sẻ. Đó là cái nghĩa đồng bào, các chú, các o không được từ chối...”, cụ Lan kể.

Nghĩa tình vùng biên Quảng Trị cũng mặn mòi không kém khi chị em người Pa Cô - Vân Kiều tuy không giỏi nấu ăn cũng hăm hở làm bỏng từ những trái bắp cao sản trên đồi đất đỏ. Bếp lửa rừng được đốt lên hừng hực bởi những canh củi khô lượm ngoài rẫy, trên nương. Trẻ già trong bản ai cũng cố gắng góp thêm chút gì để gửi đồng bào miền Nam. Ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, bà Nguyễn Thị Hạt, 52 tuổi, trú tại thôn Long Thành, sau khi nhìn tới nhìn lui gia sản của mình đã vào chuồng bắt luôn con heo năng ngót 1,3 tạ để chở đến khu tiếp nhận của xã. Bà Hạt phấn khởi chia sẻ: “Lúc đầu tôi cứ lo xã từ chối, ngờ đâu các cô chú vui vẻ tiếp nhận. Sau đó, xã cho mổ heo rồi huy động chị em phụ nữ, đoàn viên làm món ruốc sả, đóng hộp sạch sẽ để gửi cùng các nhu yếu phẩm khác”.

Xuống biển Hải Lăng, mùa dịch không những không buồn mà xóm dưới làng trên rộn vui bởi những tiếng í ới của phụ nữ 16 xã khẩn trương gầy lửa làm đồ ăn gửi tặng vùng phong tỏa. Muối biển Hải Lăng mặn mà ngọt hậu, ruốc biển Cửa Việt thơm đậm mà hao cơm, tôm khô từ tay chài của người chồng về bến nhanh chóng được bóc vỏ, sao khô rồi đóng gói cẩn thận... Các bà, các mẹ tạm xếp lại nhưng buổi chợ ban mai, chị em ra đồng sớm hơn vài giờ, chị em làm sản xuất, kinh doanh cũng tém lại chút chút... để dồn sức làm những món ăn dân dã.

Hải Chánh đua làm ruốc tôm với Hải Ba, Hải Thượng; Hải Lâm góp sức chuyển tôm cá về bếp nấu cùng Hải Khê, Hải Quy; thị trấn Diên Sanh xung phong nhận làm món này thì phụ nữ Hải Trường, Hải An, Hải Thành, Hải Vĩnh sẽ làm món khác. Mặn nhạt có khác nhau, cay của tiêu với cay của ớt, tôm nhỏ to chia đều mỗi bịch chứ không phân loại 1, loại 2... chị em Hải Lăng tựa như đang dự hội thi tay nghề nấu ăn toàn huyện. Vui đáo để!

Những người phụ nữ mang trái tim Việt Nam của tôi. Những người giữ lửa để vùi sắn, nướng khoai nuôi bộ đội trong chiến tranh, những người thức hằng đêm gói bánh, luộc trứng, làm giò chả, giã vừng, nắm cơm kịp thời cứu đói nhân dân vùng lũ và hôm nay đang miệt mài sáng tạo danh mục thức ăn với hàng trăm loại “chỉ có ở Việt Nam” để đồng lòng chống dịch.

Phạm Vân Anh
.
.