Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ Năm, 12/08/2021, 08:05

Dịch COVID-19 bùng phát kéo dài ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để lại bao nỗi tang thương. Những cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an đã và đang phải hy sinh thầm lặng, chấp nhận gác lại hạnh phúc gia đình, xông pha tuyến đầu phòng, chống dịch, giúp đỡ người dân...

1. Gặp chúng tôi, Thiếu tá Lê Đức Long, Phó Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh (quận 1), cho biết từ trước đợt dịch bùng phát đến nay, đã hơn 2 tháng, anh vẫn chưa một lần về nhà, dù nhà anh cách cơ quan chỉ chừng 200 mét.

Anh Long bảo rằng, mấy ngày qua anh rất lo lắng vì vừa nhận được tin mẹ anh có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2. Mẹ anh năm nay 60 tuổi, từ bé bố mất sớm, một tay bà nuôi nấng anh nên hai mẹ con ít khi xa nhau. Nhưng, từ cuối tháng 5, thành phố đẩy mạnh chiến dịch cấp CCCD và làm sạch dữ liệu dân cư, rồi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, anh em công an phường phải tăng cường tối đa. Công việc chưa dứt thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trở lại. Vì công việc, dịch bệnh, hơn 2 tháng nay, anh chưa một lần đặt chân về nhà để thăm mẹ và vợ con. Những lúc nhớ nhà, anh cũng chỉ dám chạy ngang qua con đường trước nhà, đứng bên kia lề đường nhìn từ xa hướng về “tổ ấm” nhỏ trong chốc lát rồi vội vã rời đi.

Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch -0
 Thiếu tá Lê Đức Long kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một chốt phong tỏa trên địa bàn.

Vợ anh - Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Thủy cũng là cán bộ công an. Từ khi dịch bùng phát mạnh, cơ quan thực hiện làm việc theo ca, một tuần mới đổi ca một lần nên hai con nhỏ (9 tuổi và 27 tháng tuổi) phải gửi bà nội chăm sóc. Nhưng, sau khi bà nội phát hiện dương tính (vào ngày 4-8 vừa qua), vợ con anh cũng đang có những triệu chứng của căn bệnh này.

Tình cảnh éo le khiến anh càng thêm lo lắng. Có lẽ hơn lúc nào hết, anh rất muốn trở về để chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, khi được hỏi có dự định xin nghỉ để về nhà hay không, anh cho biết quận 1 có nhiều CBCS hoàn cảnh giống anh nhưng ai cũng xác định tập trung cho công việc để dịch sớm qua đi. Công an phường Cầu Ông Lãnh có 3 chỉ huy thì đã có 2 người nhiễm virus SARS-CoV-2, bây giờ anh nghỉ nữa thì anh em trong công an phường biết bấu víu vào đâu. Trong thâm tâm, anh nghĩ rằng mẹ và vợ con anh sẽ hiểu cho mình trong thời điểm này...

Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch -0
 Mỗi khi nhớ nhà, Thiếu tá Lê Đức Long đứng từ xa hướng về “tổ ấm” nhỏ trong chốc lát rồi vội vã rời đi.

2. Cũng như Thiếu tá Long, mấy tháng nay Trung úy Trần Thuận Thành, công tác tại Phòng Cảnh sát Bảo vệ Công an TP Hồ Chí Minh, cũng chưa được về thăm gia đình. Thời gian vừa qua, trong quá trình công tác phòng, chống dịch, anh đã bị mắc COVID-19 và sau quá trình điều trị, anh đã khỏi bệnh nhưng vẫn phải chấp hành cách ly thêm 14 ngày tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh.

Trước khi nhiễm bệnh, ngoài công tác do đơn vị phân công, Thành còn liên tục tăng cường hỗ trợ công tác vận chuyển các hàng hóa thiết yếu từ các đoàn tàu hay các chuyến xe chở hàng hỗ trợ từ các đơn vị công an cũng như người dân miền Trung, Tây Nguyên vào TP Hồ Chí Minh. Sau đó, tiếp tục cùng các CBCS khác giúp Đoàn Thanh niên Công an thành phố vận chuyển, đi giao cho các đơn vị công an và người dân đang cần...

Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch -0

Trung úy Trần Thanh Duy vì nhiệm vụ nên chưa thể về thăm con đầu lòng mới sinh.

“Có những ngày số lượng hàng hóa lên tới mấy chục tấn nhưng chúng tôi ai cũng làm việc hết sức cố gắng và vui vẻ vì chúng tôi có sức trẻ, vì tinh thần hết lòng hết sức vì công việc...”, Trung úy Thành cho biết.

Sau khi Thành có quyết định tăng cường cho Công an quận 1 để trực ở các khu cách ly, phong tỏa thì kết quả xét nghiệm cho thấy Thành bị COVID-19 nên công việc đành phải tạm gác lại để đi điều trị tại Bệnh viện 30/4... “Khi biết bị bệnh, bản thân và gia đình đều lo lắng nhưng được sự quan tâm, động viên của chỉ huy và anh em đoàn viên thanh niên nên tôi vững tinh thần để vượt qua”, Trung úy Thành cho biết thêm.

3. Một cán bộ trẻ khác của Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an TP Hồ Chí Minh  là Trung úy Trần Thanh Duy. Ngoài công việc chính là cảnh sát bảo vệ mục tiêu Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, Duy còn cùng các CBCS khác tăng cường phòng, chống dịch tại khu vực nhiều tháng nay.

Vợ Duy mới sinh con 1 tháng, hiện đang về quê Hậu Giang để được gia đình nội ngoại phụ chăm sóc con, do từ đầu tháng 5 tới nay, phải trực liên tục, Duy chưa được gặp con của mình, chỉ có thể nhìn qua màn hình điện thoại gọi về cho vợ.

Duy cho biết do quê và gia đình ở xa, trước giờ hai vợ chồng Duy ở trọ tại TP Hồ Chí Minh. Khi gần đến ngày sinh, vợ Duy phải về quê để sinh con. “Biết vợ sinh con đầu lòng nên bản thân tôi cũng rất vui mừng và rất muốn được về ôm con vào lòng nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp và phải đảm bảo công tác nên đến giờ vẫn chưa về được”, Trung úy Duy chia sẻ.

Cũng hoàn cảnh không kém là Trung úy Thạch Chiến Thắng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hồ Chí Minh, khi anh cùng người bạn đời đã đăng ký kết hôn từ tháng 9-2020 nhưng do dịch bệnh phức tạp nên hết lần này đến lần khác anh phải hoãn tổ chức đám cưới cho đến nay.

Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch -0
 Những ngày qua Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi (bên trái) đã tiếp nhận và phân phát hàng tấn hàng hóa cho các điểm cách ly.

Thắng hiện đang được tăng cường qua Công an phường 5 quận Tân Bình, từ tháng 5 đến giờ chưa về gia đình ở quê Trà Vinh. Nhà Thắng có hai chị em, chị lớn đã có gia đình ở xa bố mẹ, Thắng công tác ở TP Hồ Chí Minh nên giờ nhà chỉ còn cha mẹ già làm nông. Nửa năm nay Thắng chưa về nhà, dự định tháng 5 sẽ về để sửa nhà cho cha mẹ nhưng do tình hình dịch bệnh nên Thắng không thể thực hiện được. Hằng ngày Thắng trực chốt kiểm soát theo ca trên địa bàn quận Tân Bình. Sau đó phối hợp với công an phường đi tuần tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo lời Thắng thì công việc phải trực chiến theo nhiều ca và dù vất vả, nhất là những ngày này, thời tiết TP Hồ Chí Minh rất nắng nóng, anh em ngày đêm trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại địa bàn quận Tân Bình nhưng không nề hà khó khăn vất vả. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công việc, chứng kiến cảnh nhiều người dân tỏ ra rất bức xúc khi bị ngăn cản di chuyển do áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng anh và các đồng đội vẫn vui vẻ giải thích, chỉ dẫn cho người dân để họ thoải mái, chấp hành quy định.

Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch -0
 Những chuyến hàng nghĩa tình giữa tâm dịch.

4. Những ngày giữa tâm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, mọi người đều ngần ngại khi phải ra đường, thì Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Hồ Chí Minh, hay Đại úy Đặng Văn Thắng, Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh, vẫn bất chấp hiểm nguy, hằng ngày đi lại như con thoi giữa những điểm tiếp nhận hàng cứu trợ và khu vực bị phong tỏa để cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho đồng đội và người dân. Từ đầu mùa dịch đến nay, hàng ngàn tấn hàng đã được chuyển đến Công an TP Hồ Chí Minh. Để kịp thời tiếp nhận, vận chuyển hàng, các anh chị phải dậy từ 4-5h sáng cùng đồng đội đến các điểm tiếp nhận hàng hoặc ra bến xe Miền Đông đón những chuyến xe tải từ các tỉnh tập kết về. Sau đó chuyển hàng sang xe tải nhỏ chở vào thành phố để phân chia số lượng theo danh sách đã được lãnh đạo Công an thành phố phê duyệt và tỏa đi khắp nơi, chia đều cho bếp ăn của công an quận, huyện, thành phố và bà con nhân dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Do phần lớn hàng hóa là rau củ, nông sản nên cần phải giao nhận trong ngày, khiến các CBCS phải chạy như con thoi thì mới có thể giải quyết hết số hàng tiếp nhận... Bởi nếu không số rau củ, nông sản được đồng chí, đồng đội từ công an các tỉnh, thành và bà con khắp mọi miền Tổ quốc chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai, buồng chuối, mớ rau cải xanh... gửi về miền Nam cứu trợ sẽ hư hỏng hết.

Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch -0
 Trung úy Trần Thuận Thành và đồng đội trao quà cho người dân hoàn cảnh khó khăn.

“Ngoài những rau củ, nông sản thì còn có những món quà, người dân và những CBCS công an các tỉnh thành tự tay lựa chọn thực phẩm, dành thời gian công sức để nấu chín, đóng gói cẩn thận gửi vào TP Hồ Chí Minh, đó không chỉ là vật chất, mà còn là tình cảm, tấm lòng của mọi người. Chúng tôi có vất vả một chút cũng là để sẻ chia, chung tay gánh vác cùng cộng đồng và trân trọng tình cảm mà mọi người đã yêu thương dành cho lực lượng Công an”, Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi chia sẻ...

Phú Lữ
.
.