Những nỗi đau không thể nói thành lời

Thứ Hai, 27/09/2021, 12:05

Với những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, tiên lượng xấu, việc người nhà vào chăm sóc là điều không thể. Họ chỉ biết ở bên ngoài, cầu nguyện cho thân nhân của mình vượt qua lằn ranh sinh tử. Thế rồi, đau xót thay, ngày gặp lại chỉ là những di vật...

Nỗ lực vì những người đang sống để chiến đấu chống bệnh dịch

Một chiều tháng 9, TP Hồ Chí Minh mưa tuôn xối xả, bên ngoài Bệnh viện dã chiến số 16, nơi đặt Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai có một nhóm người lặng lẽ cúi đầu, thi thoảng lại quệt nước mắt lăn dài trong tấm khẩu trang. Họ là thân nhân người mất vì COVID-19 đến nhận lại kỷ vật. Người trao và người nhận đều đau xót, nghẹn ngào không nói nên lời.

Ngay từ ngày đầu nhận bệnh, Trung tâm Hồi sức (ICU) Bệnh viện Bạch Mai đã lập một nhà kho rộng khoảng 30m2 để cất giữ túi đồ của bệnh nhân không may qua đời vì COVID-19. Bác sĩ Trần Thái Sơn, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết, trước khi vào hồi sức, bệnh nhân phải để lại tất cả tư trang mang bên mình cho đội ngũ tiếp nhận. Thủ tục lưu giữ được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, có sự chứng kiến của đại diện công an, quân đội.

Những nỗi đau không thể nói thành lời -0
Nhân viên lưu trữ kiểm tra lại di vật trước khi trao trả cho gia đình.

Những chiếc điện thoại đã cạn pin, cán bộ phụ trách kho sẽ sạc lại để tìm chủ nhân, họ lục trong lịch sử cuộc gọi, lấy số liên lạc cuối cùng để xác định thân nhân người mất. Có những túi đồ không có điện thoại và thông tin liên hệ, nhân viên phụ trách vẫn cố gắng móc nối từ nhiều dữ kiện khác, hy vọng cuối cùng là tìm được người thân của họ để trao kỷ vật.

Không nói nên lời là cảm xúc mà những người chồng, người con, người anh, người chị tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, quá khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống mênh mông, thăm thẳm khó khỏa lấp nổi.

Đứng dưới cơn mưa nặng hạt trước cổng bệnh viện, anh Minh Đức (Q.10, TP Hồ Chí Minh) òa khóc như một đứa trẻ. Anh ôm thật chặt túi vải đựng vật dụng của cha, khi thì đặt lên đầu, khi lại áp vào má mình, như để tìm lại chút hơi ấm từ người cha thân yêu. Cha anh Minh Đức nhập viện được 2 ngày thì qua đời, rất nhanh và đột ngột nên ông không để lại lời nhắn nhủ nào cho con. Người đàn ông khóc vì thương cha ra đi chỉ có một mình, không người thân bên cạnh. Anh khóc vì còn nhiều điều chưa nói với cha, cũng như bao nhiêu dự định chưa kịp thực hiện, vì thế mà đứa con trai cảm thấy vô cùng day dứt, ân hận và tiếc nuối.

Những nỗi đau không thể nói thành lời -0
Người nhà kiểm tra túi đồ của thân nhân.

Hình ảnh đau lòng nhất trong buổi trao trả kỷ vật hôm ấy khiến nhân viên công tác xã hội nghẹn lại chính là người đàn ông tay ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng, cố gắng che cho con khỏi bị ướt vì cơn mưa nặng hạt. Anh là Trương Minh (Q.1) đến nhận túi đồ của vợ. Đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu được giọt nước mắt của cha cứ run lên, nhòe vào cơn mưa chiều. Vợ anh Minh ra đi nhanh đến mức anh không tin nổi, bởi buổi tối hôm trước chị còn gọi điện về hỏi thăm cha con, nói rất nhiều, hứa sẽ sớm khỏi bệnh trở về. Vậy mà sáng hôm sau, chị đã ra đi. “Vợ mất là cú sốc quá lớn với tôi, sự thật không thể chấp nhận được. Tôi đau buồn lắm nhưng phải ráng mạnh mẽ để nuôi con. Nỗi đau rồi sẽ qua, vợ tôi có di nguyện nào chưa thực hiện, tôi sẽ làm”, anh Minh nghẹn ngào tâm sự.

Di vật của người mất chỉ là vài ba bộ quần áo, chiếc điện thoại hay một nắm tiền lẻ nhưng đó là những gì thân thuộc và gần gũi nhất, còn giữ hơi ấm cuối cùng trước khi họ rời bỏ nhân gian. Chị Vương Tuyết Vân (Q.10, TP Hồ Chí Minh) dù cố gắng mạnh mẽ nhưng nước mắt cứ tràn ra khi nhắc đến cô em gái của mình: “Trước khi tới đây, mẹ tôi đã an ủi rằng, em con chỉ rong chơi trên cõi đời này 40 năm thôi. Chặng đường tiếp theo, em sẽ đến một nơi nào đó yên bình hơn. Tôi tin là em gái mình đang thong dong...”, chị Tuyết chia sẻ.

Chị Tuyết tin vào điều sau cùng của cái chết. Dù có đau lòng thì những người ở lại vẫn đang cố gắng động viên nhau, bởi phía trước là cuộc sống và trăm ngàn nỗi lo khác.

Không chỉ là di vật...

Ngày ba nhập viện, chị Hồ Thị Thu Thủy (Q.3) năn nỉ xin bác sĩ cho đi theo chăm sóc nhưng không được. Gia đình bối rối chỉ kịp gói cho ba bộ quần áo, rồi lặng nhìn chiếc xe khuất dần theo tiếng còi hụ. Chị Thủy ở nhà mỗi ngày đều cầu nguyện cho ba và liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mấy ngày sau, bác sĩ ở bệnh viện báo về, ba chị đã rất yếu, không thể trụ được lâu. Sau 9 ngày nhập viện, ông qua đời. Chị Thủy đau xót, hối tiếc vì không thể ở bên cạnh ba những ngày cuối, không được nhìn mặt ba lần cuối.

Những nỗi đau không thể nói thành lời -0
Dưới cơn mưa nặng hạt, người thân lặng lẽ ôm di vật trở về.

Ngày ba đi bệnh viện vẫn còn nói cười, vẫy tay, ngày ba trở về chỉ là nắm tro trong hũ cốt, không có nỗi đau nào hơn thế. Chị Thủy ôm hũ cốt của cha khóc nghẹn, bất ngờ và bối rối không biết phải làm sao để thờ tự ba. Chị Thủy biết được thông tin chùa Long Hoa (P.11, Q.10, TP Hồ Chí Minh) được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh chỉ định làm nơi tiếp nhận tro cốt đồng bào qua đời vì COVID-19 nên đã gọi điện cho sư tại chùa rồi mang qua. Nơi này làm từ thiện và sẽ giúp hương khói, cầu nguyện chu toàn cho người mất.

Có rất nhiều đau thương và mất mát trong đại dịch này. Người ra đi, dù có để lại kỷ vật gì chăng nữa, cũng là ký ức thiêng liêng, là điều vô giá đối với người ở lại. Người còn sống, nhận di vật người đã mất, lại càng phải ý thức hơn trước bệnh dịch, trước sự tàn khốc của nó để mà cùng chung tay, nỗ lực hơn đẩy lùi dịch bệnh, để những sự ra đi đó không vô nghĩa.

Lo nỗi lo chung

Trước những thiệt hại và mất mát rất lớn về người do dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã thống nhất những phương án xử lý chu đáo, tận tâm nhất đối với bệnh nhân không may qua đời. Thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí hậu sự và sẽ làm bằng tất cả trách nhiệm, sự cảm thông sâu sắc nhằm xoa dịu nỗi đau mất mát, giảm bớt gánh nặng khó khăn cho người dân, để thân nhân của họ cảm thấy ấm lòng.

Theo đó, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ lo hậu sự người mất vì COVID-19 đã khẩn trương thành lập tổ công tác đặc biệt với nhiệm vụ tiếp nhận tro cốt của người dân đã mất do dịch COVID-19 từ trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa đưa về nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh thắp hương, bàn giao cho các Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện và TP Thủ Đức để trao đến từng gia đình của người đã mất một cách chu toàn nhất.

Những nỗi đau không thể nói thành lời -0
Chuyến xe đưa tro cốt người mất trở về nhà.

Các hũ tro cốt sau khi thu thập được đặt tại nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh ở quận Bình Tân. Tại đây, cán bộ quản lý đã lập bàn thờ và thắp nhang trước khi các quận, huyện đến nhận. Từng chiếc bàn tròn được đánh số, dán tên từng địa phương, các chiến sĩ nhẹ nhàng đưa từng hộp chứa tro cốt xuống, nạn nhân của quận, huyện nào sẽ đặt lên chiếc bàn dán số quận, huyện đó. Sau khi truy điệu ở nhà tang lễ thành phố, Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ đến nhận và kết nối với chính quyền các xã, phường đưa tro cốt người bệnh mất vì COVID-19 về tận nhà.

Với những gia đình muốn gửi tạm ở chùa, lực lượng quân đội sẽ gửi vào chùa. Người quá cố ở tỉnh, các anh sẽ tổ chức đưa tro cốt về tỉnh.

Những nỗi đau không thể nói thành lời -0
Chị Thủy nghẹn ngào nhớ về người cha quá cố của mình.

Thiếu tá Nguyễn Trần Tấn Nghĩa, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự Q.6 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Với những gia đình đang đi cách ly chưa đến nhận tro cốt được, đơn vị sẽ lưu giữ, lập ban thờ, phân công cán bộ chiến sĩ lo việc nhang khói trên tinh thần xem người mất như thân nhân ruột thịt của mình. Chúng tôi muốn chia sẽ mất mát, đau thương với nhân dân”. 

Trong quá trình tiếp nhận, gìn giữ, các anh luôn nhẹ nhàng nâng niu, không để bất cứ hũ tro cốt nào nghiêng đổ, để hương linh người mất trở về gia đình trọn vẹn nhất.

Ngọc Thiện
.
.