Thương nhớ với Chapi

Thứ Ba, 30/11/2021, 11:50

Cứ những mùa trăng, lão nghệ nhân lại mang cây đàn Chapi tự tay làm, tấu lên khúc nhạc với con suối và nương rẫy, để những thanh âm tự trong lòng tuôn chảy như suối, như gió, như miên man đại ngàn.

Những thanh âm trên núi rừng Ma Nới

Lão nghệ nhân Ama Âu chuốt nhẹ ngón tay trên phím đàn khi bóng tối bắt đầu rủ xuống, khi ché rượu cần đã vơi đi quá nửa, khi lũ làng ngồi quanh nhà vẫn còn miên man với những khúc nhạc của người Raglay được lão nghệ nhân tấu lên như dứt ra từ gan ruột mình.

Lão chơi Chapi trong một chiều mưa rừng rả rích ở Ma Nới (Ninh Sơn, Ninh Thuận), nơi những người Raglay sinh sống quần tụ ngàn đời qua ở vùng rừng núi này. Nghe tiếng Chapi réo rắt, lũ làng tập trung bên bếp lửa nhà lão nghệ nhân Ama Âu. Lão bỏ đôi kính của người già, tay vuốt trên thân đàn, mọi người lặng im, nghe rõ cả tiếng thở của nhau, bởi lâu lắm rồi lão mới cầm đến cây đàn. Cẩn thận lên dây, chỉnh âm cây đàn đã bị bỏ quên từ lâu trong tâm thức mọi người, Ama Âu cất giọng trầm ấm một khúc hát bằng tiếng mẹ đẻ. Mấy đứa trẻ lớp 6, lớp 7 lạ lùng, tò mò chăm chú ngồi nghe. Có lẽ, lần đầu chúng thấy lão trong hình ảnh một người nghệ sĩ phiêu lãng như thế. Mái tóc dài đã bạc nhiều rung rung trong từng nhịp hát, chòm râu dài cũng rung lên như đệm vào tiếng đàn réo rắt như suối, bổng trầm và vi vu như gió. Trong đôi mắt của người đã gần tuổi 80 như lão, ký ức cha ông bỗng ùa về, miên man và da diết...

Thương nhớ với Chapi -0

Lũ làng ngồi yên lặng nghe như thấm từng chút một lời bài hát, giọng người hát hòa lẫn vào tiếng đàn. Lão nghệ nhân già ngồi hát như thể bên cạnh không có ai nghe, say đắm, phiêu lãng và mê mẩn. Tiếng Chapi ngưng lâu rồi, tiếng hát ngưng lâu rồi nhưng chẳng ai đứng dậy. Một người đàn ông Raglai cất giọng: “Hát tiếp đi! Hát hết lời trong bụng đi để chúng tôi nghe!” và lão lại nâng Chapi lên sát bên người, lại hát, say sưa và mê mải như lá gió đại ngàn réo rắt... Tôi không hiểu những ngữ nghĩa của bài hát dân ca bàng tiếng Raglai, một cậu bé thì thầm dịch lại lời bài hát, rằng đó là lời hát cho mơ ước thóc lúa đầy chồ, gà vịt đầy sân, trâu bò đầy núi và sự yên bình của buôn làng, là lời tâm sự với người bạn đã đi xa về tộc người phía cuối dải Trường Sơn. Tiếng hát của ông già gần 80 tuổi không còn khỏe nhưng thảnh thơi mà man mác kỳ lạ. Lũ làng lắng nghe như rót từng lời vào bụng mình vậy.

Bao mùa rẫy, người Raglai cuối cùng biết chơi đàn Chapi ở Ma Nới này vẫn cứ đau đáu, người duy nhất của xứ này đã được đi biểu diễn ở Hà Nội, Đà Lạt, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh... Lão có thể đánh mã la, thổi khèn bầu, kèn gadet bằng sừng trâu hay sơn dương và cũng là người cuối cùng biết làm và thẩm âm đàn Chapi... Lúc tôi tìm đến, Ama Âu đang ngồi trước cửa nhà chỉnh lại cây đàn cũ. “Đàn này lâu rồi! Được ông cậu truyền lại cho đấy. Nhưng, mấy đứa cháu nó lôi ra nghịch làm hư mất rồi”, lão bảo thế trong sự tiếc nuối hiện lên khuôn mặt già nua hằn đặc vết thời gian.

Thương nhớ với Chapi -0
Nỗi buồn đăm đắm khi Ama Âu chơi đàn.

Văng vẳng trong không gian yên bình của núi rừng Ma Nới có nhiều tiếng xập xình từ những thanh âm hiện đại, từ những chiếc loa thùng cất lên những bài hát nhạc trẻ, những bài hát tiếng nước ngoài. Hình như lão cũng buồn. “Bây giờ ai nghe Chapi nữa, lũ trẻ giờ chỉ thích cái xập xình thôi”, lão nghệ nhân bảo thế. Giờ, với lão nghệ nhân già, thì đó là nỗi buồn Chapi. Âm thầm lặng lẽ.

Đàn thôi không cô đơn

Kéo tôi ngồi xuống sàn, Ama Âu trầm ngâm bên cây đàn đã ám mùi khói bếp. Dường như bao tâm sự chất chứa với một cây đàn như thế. Tôi hỏi ở xứ này còn mấy người biết làm và biết chơi Chapi. Lão lắc đầu, bảo làm gì còn ai. Người trẻ Raglai bây giờ chẳng muốn nghe đàn của cha ông nữa. Thay vào đó là cái máy hát karaoke ầm ĩ suốt ngày. Mấy cái nhạc đó lão nghe không vào. Mà lão thì cũng đã già, chơi Chapi chẳng còn ai muốn nghe nữa. Tôi nhìn cây Chapi trên tay lão mà lòng buồn se sắt. Nó vẫn rung lên những giai điệu huyền thoại về một thời quá vãng vàng son đầy đam mê, tiếc nuối và có thể về một ngày mai vô định, với bao nỗi day dứt, xót đau của sự quên lãng.

Tối, vợ Ama Âu về khi lão vừa gảy đàn vừa bảo tôi ngồi uống rượu, là loại rượu Tàpai độc đáo của xứ này. Cứ nhấp một ngụm, ông lại nhắc: “Ngày xưa mười tuổi đã biết chơi Chapi, còn bây giờ thì...” Lão uống ngụm rượu đầy, vợ lão khơi thêm bếp lửa cho ánh sáng bùng lên. Bà nhìn lão, còn lão nhìn đau đáu về phía núi. Chắc hẳn lão đang rất buồn, vì lâu lắm mới có người khơi lại niềm vui mà cũng là nỗi trăn trở trong lòng. Bởi hơn chục năm về trước, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe tiếng Chapi vang xa trong chiều gió, vẫn nghe tiếng Chapi khi rộn rã tươi vui, khi u sầu buồn bã dưới mái nhà người nghệ sĩ ẩn mình. Tiếng đàn vẫn làm cho bao trái tim thổn thức... Nhưng, bây giờ còn ít người nghe lắm. Chỉ có mỗi người vợ, người đã vì mê tiếng đàn của lão mà nguyện một đời cùng đam mê với ông. Không nói nhiều nhưng nhìn cái cách bà ngồi bên chồng, rót rượu cho chồng từ cái ống tre treo trên gác bếp rồi ngồi lặng lẽ nhìn ông, đủ thấy với hai con người ấy tiếng Chapi gắn nhiều kỷ niệm biết chừng nào.

Thương nhớ với Chapi -0
Ama Âu làm đàn Cha Pi.

Lão nghệ sĩ chỉ vào cây đàn làm từ thân tre, bảo để làm được một cây đàn như vậy không đơn giản. Phải vào rừng sâu chọn những lóng tre già nhất, thẳng nhất, đẹp nhất, mang về hong trên giàn bếp vài tháng trời để tre khô hẳn, rồi mới bắt đầu làm đàn. Cách làm đàn không khó nhưng lại khá kỳ công khi phải biết cách chuốt vào thân tre để lóc ra những cật tre làm dây đàn, phải khéo léo khoét trên thân đàn, phải cẩn thận dùi lỗ để tạo âm thanh, phải tỉ mẩn từng chút và chỉ cần sơ suất hoặc quá tay một chút, âm thanh của đàn sẽ không giữ được, phải bỏ cả lóng tre để làm lại. Khi xong các bước, là quá trình thẩm âm. Điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Cái khó nhất là làm sao phải thuộc lời hát của ngàn đời để chỉnh âm, để chơi cho đúng hồn Chapi. Và, cả xứ này, chỉ còn một mình lão.

Lão ngồi chỉnh dây rất lâu, nghe từng nốt, từng nốt một rồi bảo lão chỉ còn nhớ ít bài thôi, không như cha ông hay những người già trong làng trước đây có thể thuộc đến mấy trăm bài, với cây đàn như thế này, có thể hát mấy ngày đêm lễ hội không hết: “Có thuộc bài hát Raglai thì mới chơi được Chapi”, Ama Âu khẳng định chắc nịch, rồi ông chơi cho tôi nghe mấy đoản khúc Chapi. Hình như ông dồn hết tâm sự lòng mình vào tiếng đàn. Ông đàn cho tôi nghe, tiếng đàn cứ thổn thức, như miên man quay ngược về thời xa vắng, như muốn cố lần về một miền hoài niệm xa lắc của nhiều thế hệ người Raglai hằng trải qua bao mùa mưa nắng trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Tiếng Chapi không lớn nhưng rất đặc biệt, hoàn toàn không giống các nhạc cụ dân tộc khác. Nghe như người Raglai đang trò chuyện vui vẻ, trầm bổng với mình. Đàn Chapi phù hợp để chơi khi người ta ngồi với nhau, chứ không phải chơi giữa không gian rộng lớn như cồng chiêng hay đàn T’rưng. Quả thật, lúc đó tôi hiểu tại sao lại “nghe Chapi không còn cô đơn” cũng như “không buồn, không vui”. Tiếng đàn không ngân dài nhưng vang xa. Nghe như thác đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào vách núi, nghe như gió hú, lang thang hun hút trên đại ngàn. Đàn Chapi chở nặng tiếng lòng người Raglai bao đời rồi.

Thương nhớ với Chapi -0
Làm đàn Chapi không khó nhưng phải biết thẩm âm và phải thuộc nhiều bài hát của Raglay thì mới chơi được đàn.

Đơn giản, gọn nhẹ, đàn Chapi bao đời qua đã theo chân người Raglai trên khắp mọi ngả rừng, mọi lối suối. Giai điệu của Chapi những ngày mùa nghe tưng bừng, rộn rã. Chapi những đêm trăng nghe tha thiết, mênh mang. Chapi là tiếng của nứa tre, tiếng của ông bà linh hiển, của rừng thiêng mầu nhiệm dội về. Nhịp Chapi chậm rãi mà phóng túng, như chính phong thái khoan thai, thư thả và những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người Raglai. Người Raglai bây giờ còn mấy ai hiểu tiếng đàn của cha ông, có thể chơi và làm ra loại nhạc cụ đã quá nổi tiếng này nữa? Có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Mà tản mát ở nhiều nơi, người ta làm, người ta chơi vì một nỗi đau đáu như ông vậy. còn cái sự truyền nghề, những người được coi là truyền nhân có lẽ hiếm hơn cả ngọn cỏ trong sa mạc vậy, mà sa mạc vùng đất Ninh Thuận này đang ngày một nhiều lên. Trong suy nghĩ của ông lúc ấy, có lẽ ông đang mơ những mùa lễ hội. Và, ông tin rằng, những gì mất đi chỉ là sự quên lãng tạm thời.

Bên bếp lửa một tối mưa rừng buồn mênh mang, nghe Chapi mà thấy lòng nôn nao khó tả. Tôi bảo lão chơi tiếp đi, cho cái bụng bớt buồn. Lão lắc đầu, bảo lòng vẫn đang đau lắm. Nhưng rồi, vì chiều lòng khách, lão vẫn chơi Chapi. Chẳng hiểu sao tôi nghe tiếng hát của ông già gần 80 tuổi không còn khỏe nhưng thảnh thơi, da diết đến thế. Ánh mắt lão nhìn đăm đắm nơi phía ngoài xa như đang mơ về nhưng ngày xưa xa lắc. Trong lâng lâng hơi men Tàpai, tôi ngồi khêu lửa, lặng nghe Chapi, lặng nhìn dáng vẻ khắc khổ của Ama Âu. Lão vẫn miệt mài chơi đàn, vẫn mải mê rằng đây là dây mẹ, đây là dây cha, dây con lớn và dây con út. Dây mẹ thì trầm, dây con thì thanh... Lão không nói về giấc mơ của mình nhưng tôi nghe tha thiết đâu đây bài hát của người Raglai cứ chập chờn ẩn hiện. Chapi cứ thế ru đêm Trường Sơn, ru đêm Raglai huyền hoặc trong ánh lửa liêu trai giữa đêm đen đông đặc trên đại ngàn ngái ngủ. Tôi hiểu hơn nỗi buồn Chapi, hiểu hơn về nỗi lòng của con người và vùng đất này.

Thương nhớ với Chapi -0
Vợ lão Ama Âu, người thương tiếng đàn, thương cả người chơi đàn bao nhiêu mùa rẫy.

Tôi biết Ama Âu là nghệ nhân của buôn làng. Và, có lẽ lão vẫn còn một niềm an ủi, đó là người vợ mấy mươi năm qua vẫn mê mẩn tiếng Chapi của lão. Bây giờ, người con trai của lão cũng bắt đầu theo niềm đam mê cũ kỹ của cha. Lão tìm thấy niềm vui với người con ấy khi trao lại cho anh những bí quyết làm đàn, trao lại anh những gì lão có với Chapi. Lão hi vọng Chapi sẽ còn, còn mãi mà không mất đi với người Raglay chốn này, để mai này tiếng Chapi lại vang lên từ những ngọn núi, những rừng cây bao đời kết tụ rung lên, gợi nhắc một thời...

Ông Ma Nhông Nhíp, Phó Chủ tịch xã Ma Nới nói: “Những năm gần đây đời sống người dân khá lên, các lễ hội được tổ chức, phục dựng, đàn Chapi cũng như các nhạc cụ khác như mã la, khèn bầu, trống đất... đã được dùng thường xuyên. Nhiều người biết, nhiều người chơi để giữ lại văn hóa của Raglay”.

Tiêu Dao
.
.