Ù tai chóng mặt với những “ông thầy, bà thầy” ở miếu Bà Chúa Xứ

Thứ Hai, 16/02/2015, 16:40
Một phụ nữ da ngăm đen, áo trắng, cổ quấn khăn xanh, ngón áp út ở bàn tay trái đeo chiếc “cà rá” to đùng khẽ chào tôi, mời tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa rồi nói bằng một giọng lơ lớ như người Campuchia nói tiếng Việt: “Có chuyện gì khiến người nam lo lắng? Nhìn từ xa, bà lớn đã đọc được tâm tư trong từng bước chân người nam rồi”.

1. Mặc dù mãi đến tháng 4 âm lịch mới bắt đầu lễ hội vía Bà Chúa Xứ nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần tết Nguyên đán trở đi là người hành hương lẫn khách du lịch lại tấp nập đổ về núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Không chỉ viếng miếu Bà Chúa Xứ, họ còn đến những ngôi chùa như chùa Huỳnh Đạo, Xà Tôn, Tây An, Giồng Thành… Theo ước tính, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 5 triệu lượt người đến núi Sam, thăm viếng các di tích.

Cùng với người hành hương, du khách, kéo theo đó là khá nhiều tệ nạn như bói toán, yểm bùa, cầu may, giải hạn…

Thả bộ từ miếu Bà Chúa Xứ đến lăng Thoại Ngọc Hầu, tôi phải liên tục lắc đầu từ chối những ông thợ chụp hình, hàng rong, đèn cầy, giấy vàng mã, chim phóng sinh, trái cây, gạo cúng chùa, không kể đội quân cò mồi bán heo quay cúng Bà.

Một phụ nữ cầm mấy bó nhang cứ lẽo đẽo theo tôi, nài nỉ nhờ tôi mua giúp một bó. Nghe tôi nói tôi không đi cúng, chị ta bảo: “Nhìn mặt anh, tui thấy nhiều âm khí lắm. Nếu anh gặp chuyện xui xẻo và muốn giải xui, tui chỉ giùm cho, chỉ làm phước chứ tui không lấy tiền”.

Xém chút nữa thì tôi phì cười. Tối hôm qua ở  Tân Châu, mấy ông bạn đã “giã” tôi một trận rượu ra trò, có là thánh thì mặt mày cũng không “sáng” nổi. Tôi hỏi giải xui là giải làm sao? Chị ta đáp: “Ở đây có “bà lớn” coi hay lắm, cả hiện tại lẫn tương lai. Nhiều người gặp vận hạn đến nhờ bà giải, bữa trước bữa sau mọi sự hanh thông. Họ đến dâng lễ tạ bà rần rần”.

Tôi gật đầu: “Vậy bà lớn ở đâu?”. Chị bán nhang nói: “Anh cứ đi theo tui nhưng mà đi xa xa một chút. Dạo này mấy ổng - ám chỉ Lực lượng Công an, dân phòng, ban quản lý miếu và ngành thông tin, văn hóa - làm dữ lắm”.

Quanh co theo con đường nhỏ nằm bên phải lăng Thoại Ngọc Hầu dẫn lên đỉnh núi Sam, tôi đi sau chị bán nhang nhưng vẫn giữ khoảng cách chừng 10m. Hai bên đường, người ăn mày kẻ ngồi, kẻ bò lết, miệng rên rỉ xin tiền khi thấy tôi bước ngang.

Đi thêm đoạn nữa, chị bán nhang dừng lại, kêu tôi đợi một chút rồi rẽ vào một căn nhà nhỏ nằm kế bên vách đá. Giây lát, chị ta đưa tay vẫy tôi. Khi tôi đến, chị ta ấn vào tay tôi một bó nhang bé tí “để anh cúng Bà”. Chưa biết bó nhang ấy được tặng hay phải trả tiền thì chị ta đã mau mắn: “Anh cho tui xin 20 ngàn tiền nhang!”.

Căn nhà tối mù. Định thần một lát, mới thấy chiếc cầu thang dẫn lên cái gác thấp lè tè. Ngay chính giữa gác là bàn thờ bà Châu Vĩnh Tế, vợ tướng quân Thoại Ngọc Hầu, lập lòe những ngọn đèn đỏ cùng những đốm cháy lừ lừ của mấy cây nhang.

“Bà lớn” đang cúng giải hạn.

Một phụ nữ da ngăm đen, áo trắng, cổ quấn khăn xanh, ngón áp út ở bàn tay trái đeo chiếc “cà rá” to đùng khẽ chào tôi, mời tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa rồi nói bằng một giọng lơ lớ như người Campuchia nói tiếng Việt: “Có chuyện gì khiến người nam lo lắng? Nhìn từ xa, bà lớn đã đọc được tâm tư trong từng bước chân người nam rồi”.

Cố làm ra vẻ thành kính, tôi nói: “Vâng! Thưa bà lớn, từ đầu năm tới giờ làm ăn thua lỗ dữ quá, mất gần chục tỉ đồng…” - “Người nam làm ngành nghề gì vậy?” - “Xuất khẩu thủy hải sản”.

Lấy ra một cái chén bằng đồng, “bà lớn” bỏ vào đó nắm bột nhang, đốt lên rồi lâm râm khấn vái. Một lát, bà ta ngước nhìn tôi: “Trước tết năm ngoái, người nam xuất một lô cá đúng không?”. Ôi trời, mua bán thủy hải sản mà không xuất cá thì xuất cái gì!

Thấy tôi gật đầu, “bà lớn” nói tiếp: “Trong lô cá đó, có con trai của Đông Quảng Ngao vương ham chơi nên dính lưới người nam rồi bị ăn thịt nên ngài phạt người nam đó”.

Cha mẹ ơi! Nếu cha nội Ngao Quảng ấy có thật, và con trai ổng bị dính lưới thì ổng phạt người kéo lưới hoặc phạt người đã chiên, nướng, nấu ngót, nấu canh chua, nấu lẩu con trai ổng chứ mắc mớ gì đến cái thằng bịa chuyện là tôi!

Chưa kịp nói thì “bà lớn” phán tiếp: “Nhưng không sao. Anh có phước có phần lắm mới gặp tui chứ anh gặp tụi Năm Ngoan, Minh Kiệt, Năm Bốc, Sáu Đồng Hạnh, Ba Đen… thì coi như tiền mất tật mang vì tụi nó toàn lừa đảo!”.

Và thay vì “giải hạn”, “bà lớn” thao thao kể về những trò bịp bợm của mấy “thầy, bà” vừa nêu: “Bị Công an phát hiện, đưa tụi nó ra kiểm điểm trước dân nên hổng ai tin nữa”.

Tôi hỏi bây giờ họ còn hành nghề không? “Bà lớn” trề môi: “Cha tụi nó cũng không dám. Chỉ có đám đệ tử lợi dụng ngày vía, ngày tết, lén lút dụ dỗ người ta thỉnh bùa thôi. Vẽ nhăng vẽ nhít mấy chữ rồi kêu là bùa, bắt người ta thỉnh cả triệu bạc. Bà lớn không làm mấy chuyện thất đức…”.

Rồi như sực nhớ ra nhiệm vụ là “giải hạn” cho tôi chứ không phải nói xấu đồng nghiệp, “bà lớn” hắng giọng: “Bây giờ người nam xuống núi mua 9 dĩa trái cây, 21 bó nhang và 21 cặp đèn cầy lên đây. Nhớ kêu người bán cho cái túi nào kín kín chứ đừng xách khơi khơi”. Đoán được tâm trạng của tôi khi thấy tôi ngán ngẩm nhìn con đường xuống núi, “bà lớn” nói: “Nếu người nam không được khỏe thì “bà lớn” nhờ người mua giùm”.

Chẳng đợi tôi đồng ý, “bà lớn” móc cái điện thoại cùi bắp: “Nam, mầy qua tao biểu chút coi”. Đâu chừng 10 phút, một thanh niên quần short, áo thun ba lỗ, cánh tay phải xăm trổ vằn vện xuất hiện. Kêu tôi đưa cho người thanh niên ấy 500 nghìn, “bà lớn” dặn: “Mua 9 dĩa trái cây, 21 bó ngang và 21 cặp đèn cầy. Còn dư, mầy mua cho tao cái thẻ cào luôn nghe”…

2. Từ năm 2001, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia, nạn mê tín dị đoan bùng lên với các loại “thầy, bà” mà người nào cũng tự nhận mình được Bà chúa Thượng Ngàn, Bà chúa Tiên, Bà chúa Ngọc, Bà chúa Động, Bà Lớn… nhập vào!

Có “thầy” xuất thân từ nghề chăn vịt mướn, có “bà” là thợ cắt lể, cạo gió giác hơi, có “thầy” bán vé số và cũng chẳng thiếu những “bà” là đệ tử của những sòng bài tứ sắc! “Thầy” Năm Ngoan chẳng hạn, vào lúc thịnh nhất - từ năm 2005 đến 2012 - dưới trướng của thầy có hơn 20 đệ tử, làm việc trong “trụ sở” - là một căn nhà mái bằng bề thế, được ngăn thành nhiều ô, chẳng khác gì văn phòng của các công ty.

Cò mồi (áo trắng) bám theo một du khách để gạ gẫm xem bói.

Đám đệ tử này mặc “đồng phục” quần áo bà ba màu xanh lơ, mỗi người ngồi một ô, làm nhiệm vụ giải đáp ý nghĩa của lá “xăm”, cho bùa, cúng giải hạn, cải tướng, cải số…

Nhằm “công nghiệp hóa” ngành bói toán, Năm Ngoan đã đặt thợ khắc 13 loại ấn bằng gỗ, viết chữ Tàu để đóng vào giấy đỏ, giấy vàng rồi ép nhựa với những cái tên “cõi trên” như ấn Ngũ lôi, ấn Tam tinh, ấn Thái cực, ấn Bát quái rồi tùy theo “con mồi” đang gặp vận hạn gì, hoặc cầu xin điều gì, Năm Ngoan cứ theo đó mà “chặt” tiền - từ vài trăm nghìn đến 4 - 5 triệu đồng.

Theo ước tính của “thầy” Vũ, vốn là đệ tử Năm Ngoan nhưng đã phản thầy, ra riêng lập am bói toán khác thì cứ mỗi mùa lễ hội, Năm Ngoan lại bỏ túi vài tỉ đồng!

Vẫn theo “thầy” Vũ, mặc dù đã có vợ nhưng Năm Ngoan lại thích “quan hệ” đồng tính với những đệ tử trẻ tuổi, đẹp trai. Có nhiều chàng đệ tử sau gần 2 năm phục vụ “thầy” đã bỏ của chạy lấy người vì ngày nào cũng phải phục vụ thầy tới... “xịt khói”!

3. Tuy nhiên, từ ngày các cơ quan chức năng tiến hành truy quét gắt gao, đưa một số đối tượng hành nghề mê tín dị đoan ra kiểm điểm trước dân, viết cam kết không tái phạm thì nhiều “thầy, bà” ở núi Sam hoặc bỏ nghề, hoặc chuyển sang hoạt động bí mật theo kiểu “đánh du kích”.

“Bà lớn” đang “giải hạn” cho tôi chẳng hạn, vốn cư trú ở huyện Thoại Sơn, mò sang đây lén lút “hành nghề” vài bữa rồi lại rút về Thoại Sơn. Nếu có khách, một số người bán nhang là chân rết của bà sẽ rỉ tai: “Bà đang “nhập cốc” trên núi. Nếu muốn thỉnh bà thì phải qua Thoại Sơn hoặc ở lại núi Sam một ngày đợi bà”.

Trở lại chuyện “giải hạn”, khi lễ vật được cậu thanh niên tên Nam mang về và đã được bày lên bàn thờ, “bà lớn” bảo tôi đốt nhang, lạy đủ 9 lạy. Tiếp theo, bà cũng xì xụp vái lạy.

Một lát, bà cất giọng the thé: “Người nam nghe đây, vì đã phạm tội giết con trai Ngao Quảng nên khi về nhà, người nam phải ăn chay 3 tháng 10 ngày, không uống rượu, không hút thuốc, kiêng ăn nằm với vợ. Cứ mỗi ngày rằm, mùng một, phải biện đủ 9 dĩa trái cây, 21 cặp đèn cầy, 21 bó nhang cúng tạ lỗi ta, ta sẽ tha mạng”.

Rồi bà rùng mình một cái. Cậu thanh niên tên Nam nói với tôi: “Bà “thăng” rồi”. Giây lát, “bà lớn” cầm xuống hai trái quýt, một đưa tôi ăn “để lấy phước” còn trái kia, bà bóc ra nhai tỏm tẻm. Khi tôi hỏi tiền cúng, bà phán: “Bà lớn hổng lấy tiền, bà chỉ làm phước thôi”.

Chợt nhớ lại tối qua, mồi nhậu của mấy ông bạn tôi là con cá mè nặng gần 2kg. Nếu nó là “con trai” của Nam Hải đông vương hay Ngao Quảng thì chắc tôi phải ăn chay tới… 3 năm, mua đồ cúng đến rỗng túi chứ không phải chỉ 3 tháng 10 ngày!

Hơn một tiếng sau, lúc đang đợi xe ở chợ thì bất ngờ tôi nhìn thấy Nam, cậu ta lễ mễ xách bọc trái cây của tôi bán lại cho một chủ sạp. Dọ hỏi một chị bán thuốc lá lẻ gần đó, chị ta cười: “Thầy bà bây giờ khôn lắm anh ơi. Nếu bị bắt, họ chối là họ chỉ coi giùm, cúng giùm chứ không coi, không cúng để lấy tiền như mấy ông thầy, bà thầy đã bị lập biên bản trước đó. Họ sống bằng trái cây, nhang đèn của người cúng. Mua 500 bán lại cũng được 400 nghìn, lại khỏi bị chính quyền để ý…”.

Đây cũng chính là những chiêu trò ma mãnh mới của đám thầy bà nhố nhăng nơi đây.

Vũ Cao
.
.